Lưu bài Bỏ lưu bài
Chia sẻ

 

Nhà báo Trần Quang Minh là gương mặt quen thuộc với khán giả qua vai trò MC của một số chương trình VTV như "Chúng tôi là chiến sĩ", "Trẻ em luôn đúng", "Bữa trưa vui vẻ"... Thời gian gần đây, bên cạnh một số thay đổi trong công việc, anh đang cho ra mắt một chương trình tự sản xuất có tên "Come Minh Việt Nam", là sự kết hợp giữa hai thể loại Trải nghiệm khám phá và Truyền hình thực tế. 

Mới đây, nhà báo Trần Quang Minh đã có buổi trò chuyện với 24h Gặp gỡ để chia sẻ về nghề nghiệp cũng như đứa con tâm huyết này của anh.

-Chào anh, có vẻ như anh cũng vừa trở về từ một chuyến đi?

Tôi vừa đi làm chương trình ở Hạ Long về, bị sứa đốt khắp người. Trước khi đến gặp bạn là tôi vừa phải đi khám đấy.

-Anh có thường gặp phải những tai nạn bất ngờ như thế?

Vừa rồi tôi đi Bái Tử Long. Tôi quay ở đảo hoang ngoài đó. Như các bạn biết ngoài vịnh Bái Tử Long có hàng trăm đảo lớn nhỏ khác nhau. Những hòn đảo đó đa phần không có người ở. Sau khi đi một vòng tôi thấy đảo này có bãi cát rất đẹp nên quyết định hạ đồ xuống đó. Và bạn có biết trong hôm đầu tiên tôi đã phải chạy đến 3, 4 lần. Vì mình thiếu kinh nghiệm. Đang nướng thịt trên bếp than thì thủy triều lên, chỉ trong một cái búng tay thôi là nước ngập cả cái bãi đó. Lều cũng ướt toàn bộ luôn. Tôi phải mang đệm để lên thuyền, một cái thuyền nhỏ chiều dài cỡ 2m, chiều ngang 1m. Đêm hôm đấy tôi nằm trên thuyền đó ngủ. Sáng hôm sau thủy triều rút thì cả tôi cả cái thuyền đấy lại nằm trên bãi cát rồi.

-Anh thường xuyên vắng nhà như vậy, trước mỗi chuyến đi, anh có trò chuyện gì với gia đình để mọi người an tâm?

Khi tham gia để đầu tư sản xuất chương trình này, việc đầu tiên là phải thuyết phục gia đình. Gia đình tôi lại có bốn cậu con trai, việc vắng bố và bố đi khá là mạo hiểm như vậy, ở nhà chắc chắn sẽ không tránh khỏi sự lo lắng. Thế nhưng đây không phải chuyến đi công tác đầu tiên. Có khi tôi đã đi hàng nghìn lần rồi. Việc tôi vắng nhà là chuyện khá quen thuộc.

Còn trong các chuyến đi này, tôi thường xuyên gọi điện về nhà. Chỗ nào có điện thoại tôi sẽ gọi. Chỗ nào có mạng tôi facetime, cho mọi người xem chỗ tôi đang ở. Đó là cách để mọi người yên tâm.

Nhà báo Trần Quang Minh: "Hãy lên đường và khám phá bản thân" - 7
Video: Nhà báo - MC Trần Quang Minh chia sẻ về gia đình và những chuyến đi.

-Có bao giờ vợ và các con anh muốn tham gia các chuyến đi cùng anh?

Mọi người đều muốn đi đấy. Nhưng chưa thu xếp được, vì các con tôi còn bận học, vợ tôi bận việc kinh doanh. Vợ tôi chắc chắn không muốn đi cùng rồi. Vì nhìn cách đi của tôi vất vả quá. Phải trèo đèo lội suối gian truân. Nhưng vợ tôi khuyến khích các con và con tôi đều mong muốn. Tôi đang lựa chọn như thế nào thôi. Ví dụ cho đứa lớn đi hay đứa bé đi, ở địa điểm nào mới phù hợp. Và bởi vì khi mình đã đặt ra một luật chơi là độc hành thì mình phải tuân thủ.

-Vì sao anh lại chọn địa đạo Vĩnh Linh là điểm đến đầu tiên? Những tập đầu đã lên sóng của chương trình tạo cảm giác như phim tư liệu về di tích lịch sử, anh có sợ khán giả sẽ nhàm chán?

Đó là dự án tôi ấp ủ 10 năm rồi. Tôi từng làm một chương trình đặc biệt ở Vĩnh Linh. Và vẫn đau đáu về nó. Rồi công việc, gia đình, cuộc sống mọi thứ cuốn đi nên chưa có dịp thực hiện. Nhưng tôi nghĩ nếu không làm bây giờ thì nó sẽ mai một. Và tôi cũng sẽ như người khác, sẽ lãng quên.

Chính vì không để nó khô khan nhàm chán nên tôi mới đưa vào đó các trải nghiệm, những bữa ăn, buổi tối đi ngủ, những cái vui vẻ thoải mái để làm giãn tấu câu chuyện. Tôi cũng tự tin là khán giả sẽ không bỏ cuộc. Vì chưa từng ai có hình ảnh trong địa đạo cả, đó là điều tôi cực kỳ tâm đắc. Cho đến nay chưa có một ai có những thước phim như vậy hết. 

Tôi cũng đâu có làm tất cả về địa đạo. Những tập sau sẽ là những địa điểm khác. Tôi đã quay xong và hoàn thiện khá nhiều tập rồi.

-Anh có định xây dựng chương trình theo hướng học sử?

Đâu đó có những bình luận theo kiểu: Nên học sử theo cách này. Từ học sử cũng đang rất là hot trên mạng xã hội bây giờ. Chính vì thế tôi thấy vui. Tôi cũng có mong muốn khán giả, đặc biệt là lớp trẻ xem và hiểu hơn về cuộc chiến, về cha ông ngày xưa. 

Nhiều người hỏi tại sao tôi không đưa thêm tư liệu chiến tranh vào cho nó kịch tính. Cái đó nó lối mòn cũ quá rồi, cá nhân tôi không ủng hộ điều đó. Tôi vẫn kể về chiến tranh. Mọi người vẫn nhìn thấy sự gian khổ, hi sinh bất khuất của những người Vĩnh Linh trong cuộc chiến. Họ nhìn thấy hệ thống địa đạo chằng chịt đầy cóc nhái, đến bây giờ đi vào vẫn nguy hiểm. Rồi rừng rậm. Có thể sập có thể sụt bất cứ lúc nào. Người ta tự hình dung ra. Chứ chúng ta không cần trực quan nhìn vào những tư liệu đen trắng. Máy bay ném bao nhiêu bom, bao nhiêu người chết, máu chảy. Tôi không cần điều đó. Đấy là cách mình thay đổi, cách tôi muốn thay đổi tư duy sản xuất cũ. Chứ không phải mình áp đặt hay do tôi thiếu tư liệu. 

-Anh chuẩn bị cho mỗi chuyến đi ra sao?

Chuyến đầu tiên tôi mang theo một cái balo 70L. Nó rất là to, cao quá đỉnh đầu như của mấy bạn Tây balo mang theo đấy. Chuyến đầu tôi mang cả bếp để đun củi, mình cái bếp đó đã nặng hơn 5 cân. Tôi nghĩ bình thường mình tập tạ như thế thì 5 kg đâu nhằm nhò gì. Thêm một cái lều, một cái ghế, vì tôi muốn ngồi cho thật tiện nghi. Rồi cưa, rìu, hai con dao. Quần áo thì chỉ có một bộ thôi. Giày nữa. Cái balo 70L không đủ để đựng. Và khi tôi khoác cái balo lên thì tôi không đi nổi nữa (cười) Vì nó quá nặng.

Thế là tôi buộc phải điều chỉnh dần. Tôi bỏ bớt đồ ra. Ví dụ cái bếp củi là bỏ ngay. Tôi cũng thay lều bằng võng. Về sau bao giờ tôi cũng khảo sát rất kỹ nơi mình đến. Nếu có cây tôi ưu tiên mang võng ngay lập tức.

-Những chuyến đi của anh chắc phải rất tốn kém?

Cái tôi tốn nhất là thời gian thôi. Những ai yêu thích trải nghiệm, khám phá và đi tìm hiểu về chính cái năng lượng trong mình, tôi dùng từ năng lượng chứ không phải năng lực, thì sẽ thấy cách đi của tôi tiết kiệm được rất nhiều. Thậm chí đi như tôi có thể không mất phí đồng nào. Bạn mang theo lều bạt chỉ cần đầu tư một lần, bạn chọn lấy một điểm đẹp. Trên cả dải đất hình chữ S này đâu đâu cũng đẹp, chỗ nào cũng có thể hạ trại. Bạn sẽ đỡ rất nhiều chi phí ở khách sạn. Ăn cũng vậy, tôi chỉ cần mua một miếng thịt. Hoặc là trong các chuyến trải nghiệm, có nhiều người biết mặt, người ta gọi tôi người ta cho đồ ăn. Thậm chí tôi đang nghĩ một lúc nào đó tôi không cần mang theo gì cả. Tôi có thể xin ăn từ đây vào thành phố Hồ Chí Minh chẳng hạn.

-So với những chương trình anh từng làm trước kia, Come Minh Việt Nam mang phong cách hoàn toàn khác. Liệu có phải môi trường cũ không phù hợp để anh phát triển format như thế này?

Để làm điều gì đó như tôi đang làm là rất khó. Khó ở chỗ người có kĩ năng quay thì không nói được. Người nói được thì không quay được. Tôi rất may mắn là tôi lại biết quay nữa. Tôi có thể làm hậu kỳ, dựng… Khi làm chương trình này tôi cũng có một mong muốn. Là những người đồng nghiệp của mình, họ có thể xem, có thể học một cách thức làm có nhiều kĩ năng hơn, mà tôi gọi là multitask, để các bạn ấy có thể cùng lúc làm nhiều việc.

Thực ra với phong cách truyền hình truyền thống, hai mươi năm ngấm vào trong người mình rồi, để làm một điều mới lạ như thế rất là khó. Vì truyền hình đòi hỏi khung hình chỉn chu, bố cục gọn gàng, ngăn nắp. Nhưng trong chương trình này, tôi quay tất cả những gì người ta sẽ tò mò. Tôi không lo lắng bố cục ra sao, hình ảnh có rung lắc hay không. Với tính chất như vậy nó sẽ rất thực tế. Tôi đang cố gắng để làm điều đó.

Nhà báo Trần Quang Minh: "Hãy lên đường và khám phá bản thân" - 10
Video: Nhà báo - MC Trần Quang Minh nói về trải nghiệm với Come Minh Việt Nam

-Nếu có thể thì anh có muốn áp dụng cách sản xuất này vào những chương trình anh từng làm? Bên cạnh chương trình hiện tại, anh có ấp ủ một format nào khác?

Nếu như bây giờ để tôi áp cách sản xuất này sang với cách sản xuất mô hình cũ truyền thống, thì đó là cái mong muốn thay đổi của tôi. Hãy làm một cách khác đi, phù hợp với giới trẻ bây giờ. Chúng ta vẫn nói về chiến tranh, nhưng nói ít thôi. Chúng ta nhớ về nó là được rồi. Những hình ảnh đó sẽ kìm hãm sự phát triển chung của toàn xã hội.

Format khác thì tôi chưa biết nhưng lúc nào tôi cũng mong được làm cái mới. Ngày xưa tổng giám đốc cũ của tôi là bác Vũ Văn Hiến. Bác nói ai viết được format chương trình mới, bác thưởng ngay 50 triệu. Bác ấy rời phòng họp là bọn tôi đã có cả hai, ba chục cái mới trong đầu rồi. Tất nhiên không ai lên đòi bác ấy tiền cả. Cá nhân tôi, tôi nhìn xã hội cứ thay đổi hàng giờ thế này, tôi rất mong muốn có những chương trình mới. Nếu nó không phù hợp trên truyền hình thì tôi sẽ sản xuất trên kênh số của tôi, môi trường số, một môi trường đáp ứng mọi nhu cầu sáng tạo của con người.

-Thời gian tới anh dự định sẽ đưa khán giả đến những đâu? Anh có dự kiến chương trình sẽ dài bao nhiêu tập?

Có một số điểm tôi cũng đang ấp ủ đến, đó là Phú Yên, Nam Trung Bộ, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế. Huế thì tôi đang đặt mục tiêu phải đi lên A Lưới khoảng mười ngày.

Có rất nhiều điểm để khám phá trên khắp đất nước. Thật lòng thì tôi cứ đi khắp nơi chứ ngay Hà Nội cũng những chỗ mình chưa biết đâu. Vì thế tôi vẫn thường nói, hãy xem chương trình của tôi, thấy cách tôi làm, cách tôi trải nghiệm. Sau đó bạn thấy quê hương bạn có nơi nào phù hợp thì hãy nhắn cho tôi, cung cấp thông tin. Tôi sẽ đến, trải nghiệm ở đó, kể lại cho những người khác nghe câu chuyện của quê hương bạn. Và mọi người sẽ đến. Tôi không dự kiến bao nhiêu tập, nhưng tôi còn khỏe mạnh, có thể đi thì vẫn còn Come Minh Việt Nam.

-Anh bắt đầu làm ở đài truyền hình từ năm 2002, đến nay đã tròn 20 năm. Anh có nhớ kỷ niệm đầu tiên ở đó?

Chuyến đi công tác đầu tiên. Tôi mong mỏi đếm từng ngày đến chuyến đi công tác đầu tiên trong ngành báo. Tôi cứ đau đáu chờ mãi để được đi công tác một chuyến. Chuyến đi đầu tiên của tôi là Yên Bái, làm về liên minh hợp tác xã. Về sau, tất cả những bạn vào thực tập đều có mong muốn y chang tôi. Được đi công tác một chuyến với ekip, có máy quay, có biên tập, có phóng viên, xe ô tô. Được đi đến một nơi mới tác nghiệp, cơ quan địa phương đón tiếp, rồi quay bài, quay tin, làm phim. Bất kể gì cũng được, miễn là được đi công tác. Tôi thấy nó cũng vận vào mình đấy, có “căn đi lại” (cười). Cho đến bây giờ làm chương trình gì tôi cũng phải di chuyển rất nhiều. Phóng viên mà, phóng viên là phải đi.

-Khán giả biết đến anh nhiều qua vai trò MC của các chương trình VTV, sau một thời gian rất dài nhìn lại, anh có suy nghĩ thế nào về công việc này?

Tôi không cho MC là một nghề. Tôi cho đó là một công việc mình được giao thôi. Các chú các bác cho rằng tôi có khả năng nên đã giao cho tôi. Có những chương trình đầu tiên tôi đã không nói nổi một câu, quá mất bình tĩnh, quá run. Cứ máy quay chĩa vào là sợ. Sau đó cũng rất may mắn đã hoàn thành công việc và được mọi người biết đến qua vai trò dẫn chương trình.

-Anh có muốn nhắn nhủ điều gì đến khán giả?

Rất mong khán giả sẽ yêu mến Come Minh Việt Nam. Đây là chương trình tôi đã ấp ủ từ rất lâu, mong muốn quảng bá được hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam ở mọi khía cạnh, mọi lĩnh vực. Có thể mình quay không đẹp bằng quay phim, nhưng góc máy đều là của cá nhân mình. Để cho mọi người thấy là mình làm được thì các bạn cũng làm được. Tôi mong muốn tạo ra một sân chơi, giống như một thử thách. Tôi thách thức các bạn làm giống tôi. Nhìn qua các góc nhìn khác nhau, trải nghiệm đi, để thấy cuộc sống này đẹp hơn.

Cảm ơn anh rất nhiều vì cuộc trò chuyện này!

Nhà báo Trần Quang Minh: "Hãy lên đường và khám phá bản thân" - 13

Thực hiện: Đào Hằng, Dương Tiến Tài

Sự kiện: 24h Gặp Gỡ
Thứ Ba, ngày 21/06/2022 07:42 AM (GMT+7)
Theo Đào Hằng ([Tên nguồn])
Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN