Người phụ nữ gửi đơn tố giác nghệ sĩ Hoài Linh lên công an TP.HCM là ai?
N.T.O.P. đã gửi đơn tố giác tới cơ quan điều tra những khuất tất trong sử dụng tiền quyên góp làm từ thiện của nghệ sĩ Hoài Linh.
Những ngày qua, Hoài Linh gây tranh cãi khi thừa nhận chưa chuyển 13 tỷ từ thiện ủng hộ đồng bào miền Trung gặp thiên tai, mà anh đứng ra kêu gọi quyên góp cách đây hơn 6 tháng. Theo Hoài Linh, việc chậm trễ này là do khi định đi miền Trung thì một phần gặp dịch bệnh Covid-19, một phần anh phải điều trị bệnh ung thư tuyến giáp phải mổ, xạ trị nhiều lần nên phải nằm dưỡng bệnh và cách ly. Ngoài ra, nam danh hài còn phải làm trưởng ban tang lễ nghệ sĩ Chí Tài nên đã nhiều tháng qua chưa đến tận nơi trao quà cho người dân.
Ngày 25/5, các địa phương như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam và Quảng Ngãi xác nhận với báo giới trước đó họ đã nhận được kế hoạch về địa phương làm từ thiện từ nghệ sĩ Hoài Linh .
Dẫu Hoài Linh đã lên tiếng trần tình nhưng nhiều khán giả vẫn không đồng tình. Nhiều tài khoản đã tấn công vào các Fanpage của công ty giải trí, nhãn hàng… mà Hoài Linh đang hợp tác, làm hình ảnh đại diện…
Hoài Linh gây tranh cãi vì chậm trễ chuyển tiền từ thiện
Mới đây, tài khoản có tên P.O hút sự quan tâm lớn của cư dân mạng khi thông báo đã gửi đơn tố giác nghệ sĩ Hoài Linh về những khuất tất trong sử dụng tiền quyên góp làm từ thiện, đến Công an TP. Thủ Đức và cơ quan Cảnh sát điều tra TP.HCM
“Có hơn 200 bạn đã nhắn tin xin tôi mẫu đơn tố giác tội phạm và tôi có gửi các bạn 2 loại mẫu đơn tố giác: Tố giác dành cho mạnh thường quân và tố giác dành cho công dân không phải là mạnh thường quân. Có nghĩa là sắp tới sẽ có 1 lượng lớn đơn tố giác được gửi đến cơ quan chức năng”, tài khoản này cho biết.
Do ghi sai địa chỉ Công an TP. Thủ Đức nên P.O cho biết, hiện đơn tố giác của cô chỉ đến cơ quan Cảnh sát điều tra TP.HCM.
Trong đơn tố giác, chị P.O trình bày: “Vào thượng tuần tháng 10/2020 nghệ sĩ Hoài Linh đã công khai kêu gọi trên mạng xã hội nhận quyên góp cứu trợ khẩn cấp cho đồng bào lũ lụt miền Trung, qua số tài khoản cá nhân. Đến ngày 11/11/2020, trên trang cá nhân của mình, ông Hoài Linh công bố tài khoản đã nhận chuyển khoản của công chúng số tiền khoảng 14 tỷ đồng. Từ đó đến nay đã quá 6 tháng nhưng nam danh hài này vẫn không công bố thông tin về việc đã chi dùng số tiền cứu trợ, cho dù khi kêu gọi với mục đích cứu trợ khẩn cấp cho đồng bào bị nạn.
Người dân đã tin tưởng, gửi gắm một khoản tiền tới gần 14 tỷ đồng cho ông Võ Hoài Linh để ông Linh giúp đỡ, cứu trợ đồng bào miền Trung khốn khó vì lũ lụt. Lý do dịch Covid-19 làm chậm trễ hoạt động cứu trợ của ông Linh mâu thuẫn, không thuyết phục. Nhiều người cũng đã chỉ ra một số dấu hiệu bất thường, khuất tất của ông Linh trong huy động, quản lý, sử dụng tiền cộng đồng đóng góp cho mục đích từ thiện, cứu trợ.
Thế nên với trách nhiệm của một công dân, tôi đã làm đơn tố giác những dấu hiệu vi phạm pháp luật của ông Võ Hoài Linh đến cơ quan Công an để lực lượng này điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định pháp luật”.
Tài khoản P.O tên thật là N.T.O.P (40 tuổi, quận Bình Tân, TP.HCM). Trao đổi với chúng tôi, chị P. cho biết, các luật sư đang đứng sau hỗ trợ chị trong vụ kiện lần này. Chị cũng đang thu thập thêm một số giấy tờ và thông tin.
“Nếu không ai làm đơn tố cáo, thì người không liên quan vẫn có quyền đi tố giác. Tôi nghĩ đấy là trách nhiệm và nghĩa vụ của người công dân cần thiết phải làm. Nếu vụ tố giác này thành công thì lắm kẻ làm nghề từ thiện cũng hãy chuẩn bị hầu toà nhé. Cái gì cũng phải thử. Thất bại cũng vui vì mình đã làm hết việc của mình”, chị P. thẳng thắn.
Mới đây, một sàn thương mại điện tử đã gỡ hình ảnh quảng cáo của Hoài Linh
Trao đổi với chúng tôi, luật sư Nguyễn Quốc Cường (công ty luật Infinity Việt Nam) cho biết, cá nhân nào gửi tiền từ thiện cho Hoài Linh, quyền và lợi ích bị xâm phạm thì mới có quyền kiện, tố cáo nam danh hài.
Trong trường hợp của Hoài Linh, luật sư Nguyễn Quốc Cường cho rằng Hoài Linh chưa có dấu hiệu của vi phạm pháp luật nhưng mục đích của việc kêu gọi đóng góp chưa hoàn thành. "Anh kêu gọi đóng góp, ủng hộ người dân bị bão lụt. 6 tháng trôi qua, tiền vẫn nằm trong tài khoản, như vậy không đáp ứng tính kịp thời, nhanh chóng, mục đích của việc cứu trợ đã không còn", luật sư Cường nói.
Theo luật sư Nguyễn Quốc Cường, trong trường hợp người đóng góp cảm thấy số tiền của mình không thực hiện đúng mục đích có thể yêu cầu chủ tài khoản trả lại. Đồng thời nếu chứng minh được thiệt hại, có thể kiện chủ tài khoản ra tòa án dân sự để đòi bồi thường thiệt hại theo quy định Bộ luật Dân sự. Trường hợp chủ tài khoản cố tình không trả, gian lận, đã sử dụng số tiền trái phép, sai mục đích, báo cáo sai sự thật nhằm chiếm đoạt số tiền trên có thể bị xử lý hình sự theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hay Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015 tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Nguồn: [Link nguồn]
Hình ảnh Trang Khàn lên xe công an để di chuyển về trụ sở nhận được sự quan tâm của cư dân mạng.