Nghẹn ngào 40 năm ngày mất "nữ hoàng sân khấu cải lương" Thanh Nga
Ở lĩnh vực cải lương và phim ảnh, NSƯT Thanh Nga đều đạt được đỉnh cao.
Video: Cố nghệ sĩ Thanh Nga Và LHP Á Châu lần thứ 17, năm 1971.
Ngày 26.11.1978, khi vừa bước qua tuổi 36, đang lúc hoàng kim của nghề diễn, nghệ sĩ Thanh Nga bị bắn chết cùng chồng ngay trước cửa nhà ở đường Ngô Tùng Châu (nay là Lê Thị Riêng, quận 1, TP.HCM). Vụ án gây chấn động dư luận bấy giờ.
Kỷ niệm 40 năm ngày NSƯT Thanh Nga và chồng ra đi vĩnh viễn, cháu trai cô – nghệ sỹ Hữu Châu và gia đình sẽ làm giỗ của cô cùng chồng vào trưa ngày 2.12 tới.
NSƯT Thanh Nga.
"Thần đồng Thanh Nga"
Từ lúc 10 tuổi, Thanh Nga bắt đầu ca vọng cổ phụ họa và rất thành công trên sân khấu Thanh Minh, do nghệ sĩ Năm Nghĩa – dưỡng phụ của Thanh Nga – làm bầu gánh.
Nhờ nhạc trưởng Út Trong của đoàn Thanh Minh rèn luyện cho nhiều bài bản cổ nhạc, Thanh Nga được khán giả hoan nghênh nhiệt liệt khi mới 8 tuổi, bắt đầu chính thức diễn trên sân khấu qua vai đào con trong các tuồng như Phạm Công Cúc Hoa, Đồ Bàn di hận, Lửa hờn… Biệt hiệu "Thần đồng Thanh Nga" có từ giai đoạn này.
Rèn luyện cho chín muồi, cô bước vào vai chính đầu tiên lúc 16 tuổi: vai sơn nữ Phà Ca trong tuồng Người vợ không bao giờ cưới.
Những nghệ sĩ bậc thầy như Năm Châu, Phùng Há, Kim Cúc, cô Ba Thanh Loan đã nỗ lực dìu dắt Thanh Nga. Với sắc đẹp dịu dàng, lộng lẫy, quyến rũ cùng lối ca diễn truyền cảm đặc biệt, cô đã mãi gây ấn tượng sâu đậm trong tâm hồn giới mộ điệu qua những vai kế tiếp như Xuân Tự trong tuồng Áo cưới trước cổng chùa, Giáng Hương trong Sân khấu về khuya, Diệp Thúy trong Đôi mắt người xưa, Uyên trong Ngã rẽ tâm tình, Trinh trong Con gái chị Hằng, Mía trong Bọt biển…
Từ lúc lên sân khấu năm 8 tuổi với vai diễn đầu tiên là Nghi Xuân trong vở Phạm Công Cúc Hoa, 8 năm sau bắt đầu được biết tới với vai Phà Ca trong Người vợ không bao giờ cưới của sọan giả Kiên Giang, cô đã làm cho khán thính giả xúc động theo mối tình ngang trái của nàng Phà Ca và chàng Kiểu Mộng Long – con của sứ quân Kiểu Thuận ở đất Sơn Tây.
Thanh Nga lần đầu đứng sân khấu từ năm 8 tuổi.
Chính lối ca chân phương và cách diễn thật thà, chân chất đã đưa Thanh Nga bước thẳng đến đài vinh quang, trở thành nghệ sĩ đoạt Huy chương Vàng đầu tiên của Giải Thanh Tâm, khi tuổi mới 16.
Thanh Nga cũng có nhiều thể nghiệm khác dưới ánh đèn sân khấu hoặc vô tuyến truyền hình. Đầu năm 1970 Thanh Nga làm cho giới nghệ thuật và khán giả phải nể phục và chú ý khi sáng tác tuồng theo chủ đề Không tung lên màn ảnh nhỏ truyền hình Sài Gòn. Từ loạt vở này, Thanh Nga được mọi người đặt thêm biệt hiệu “Người đẹp không tên”.
Sân khấu là nơi Thanh Nga đón nhận nhiều tiếng vỗ tay với hàng trăm vở diễn thành công khác như Sắc đẹp nàng vô tội (Nguyễn Liêu), Mưa rừng (Hà Triều - Hoa Phượng), Gió ngược chiều (Nguyễn Thành Châu), Hoa Mộc Lan, Lương Sơn Bá- Chúc Anh Đài..
Thù lao cao ngất ngưởng khi đóng phim
Thanh Nga tham gia phim ảnh nhiều là từ năm 1969, thời đó, cải lương khủng hoảng và bị xuống dốc trầm trọng, nhiều gánh phải tự giải tán, lắm đào - kép giải nghệ đi tìm sống bằng nghề khác, những người hoạt động có liên hệ đến bộ môn nghệ thuật này thì sống dở chết dở, không biết tương lai có còn tiếp tục đi hát hay là phải đành xa rời nghiệp Tổ.
Gánh Thanh Minh - Thanh Nga cũng cùng chung số phận như bao nhiêu gánh khác, đào - kép than trời.
Trong khi phần đông người của cải lương không còn tin tưởng ở nghệ thuật có thể nuôi sống mình được, thì nữ nghệ sĩ Thanh Nga lại tiếp tục nổi tiếng ở lĩnh vực khác, cô được mời đóng phim, tức vẫn là người của khán giả.
Tham gia phim ảnh, Thanh Nga cũng nổi đình đám, thù lao cao ngất ngưỡng.
Thanh Nga được hãng Cosunam Films của bà Gilberte Nguyễn Văn Lợi (đây cũng là người chị cùng cha khác mẹ với Thanh Nga) mời đóng vai chánh trong phim Loan mắt nhung, một phim được coi như thành công về mặt tài chính.
Cốt truyện phim dựa theo tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Thụy Long. Phim này Thanh Nga khá thành công, hãng Cosunam Films cũng hốt bạc, do đó cô được các hãng phim khác mời ký hợp đồng liền ngay với số tiền thù lao thật cao, tính bình quân thời gian thì thu nhập không thua gì lúc còn ở cải lương mà ngôi vị vẫn không xuống cấp, vẫn thủ vai chính như ở sân khấu.
Loan mắt nhung là phim màn ảnh đại vĩ tuyến. Vừa đóng xong cuốn phim này thì Thanh Nga được ngay những hãng phim khác mời ký hợp đồng, với số tiền thù lao thì hầu như lúc nào cũng cao hơn lần đóng phim trước, cái đặc biệt của Thanh Nga là vậy, càng lúc càng cao giá.
Thanh Nga đóng vai chính, thì người mua vé đi coi không đơn thuần là khán giả xi nê, mà số lớn người vào rạp lại là khán giả cải lương. Có những người xưa giờ chẳng thích coi phim, thế mà nghe nói phim do Thanh Nga đóng thì họ lại hăng hái tới rạp. Điều đó cũng có nghĩa là khi chuyển sang lĩnh vực điện ảnh, Thanh Nga đã vô tình lôi kéo thêm cho điện ảnh một số lượng khán giả lớn mà xưa nay họ chỉ thích coi cải lương.
Sau Loan mắt nhung, Thanh Nga tiếp tục để lại ấn tượng sâu đậm trong Mùa Thu cuối cùng qua vai Thùy.
Bộ phim Mãnh lực đồng tiền do hãng phim Kim Thân thực hiện có sự tham gia của Thanh Nga nối tiếp vận hên, thành công mạnh về doanh thu.
Thù lao của Thanh Nga ngày càng cao. Các hãng phim nếu có sự tham gia của Thanh Nga, thì ngay từ lúc bắt đầu bấm máy đã nghĩ ngay đến vấn đề quảng cáo, họ muốn tranh thủ hình ảnh của Thanh Nga để lăng xê bộ phim đang thực hiện.
Cũng chính nhờ tham gia đóng phim mà ngoài việc giúp mẹ và đoàn Thanh Minh vượt qua những khó khăn thời sân khấu khủng hoảng, Thanh Nga còn giúp mẹ có tiền nuôi người em trai thứ 7 sang Pháp du học và sống tại nơi đây cho đến ngày mất.
Cũng thành công như bên sân khấu với nhiều giải thưởng, Thanh Nga cũng vang danh bên điện ảnh.
Rồi Thanh Nga trở thành một trong những diễn viên điện ảnh đại diện miền Nam tham dự Liên hoan phim Á Châu tại Đài Bắc năm 1971, và là "Diễn viên xuất sắc nhất” tại Đại hội Điện ảnh Á Châu tổ chức năm 1974 cũng tại Đài Bắc (Đài Loan) với vai cô gái Huế trong phim Nắng chiều, là đại diện gương mặt nữ duy nhất trong đoàn tham dự Đại hội Điện ảnh Ấn Độ năm 1969, được cố Thủ tướng Indira Gandhi đón tiếp, hình ảnh đăng đầy trên báo chí Ấn Độ.
Thanh Nga vẫn còn đó trong những thước phim lưu giữ tại các viện lưu trữ ở Tokyo, Paris, Hồng Kông. Thanh Nga cùng Thẩm Thúy Hằng, Kiều Chinh, Kim Cương, là 4 gương mặt nữ diễn viên tiêu biểu, mỗi người với thế mạnh riêng, đã đóng phim nhiều nhất tại miền Nam (trước 1975).
Bỏ qua những lỗi lầm trong quá khứ, Lê Bình và vợ về chung một nhà sau 4 năm xa cách.