Nghệ sĩ Việt dùng mạng xã hội: Nhiều hành vi thái quá, kém văn minh
Sự phát triển của mạng Internet, đặc biệt là các nền tảng mạng xã hội tạo ra nhiều cơ hội học tập, giao lưu... Tuy nhiên sự cởi mở, dễ tương tác của mạng xã hội cũng kéo theo sự hỗn loạn, tiêu cực. Tác động tiêu cực này nhiều khi do một bộ phận nghệ sĩ, người có tầm ảnh hưởng gây ra.
Kém văn minh
Nghệ sĩ và người có tầm ảnh hưởng (KOLs) tác động rất lớn đến cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ. Có thể nói nghệ sĩ, KOLs là những tấm gương để giới trẻ học theo. Tuy nhiên, với những ứng xử thiếu văn minh trên mạng xã hội, nghệ sĩ liệu đã hoàn thành sứ mệnh?
Tại buổi tọa đàm Thực trạng văn hóa ứng xử trên không gian mạng của nghệ sĩ và giới trẻ diễn ra ngày 19/4 tại Nhà hát Lớn, GS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng nghệ sĩ và giới trẻ là hai đối tượng quan trọng trên không gian mạng.
Nghệ sĩ và người có tầm ảnh hưởng (KOLs) truyền đi những thông điệp, hành động tích cực tới cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ.
"Nghệ sĩ là người nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng. Mỗi phát ngôn, hình ảnh của họ tác động tới khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ. Giới trẻ lại chiếm số đông người dùng trên mạng xã hội, có sự cởi mở, năng động, hướng ngoại", GS.TS Từ Thị Loan nêu.
Bà cũng cho rằng thông qua mạng xã hội, nghệ sĩ có thể công bố, đưa tác phẩm của mình đến gần hơn với công chúng, những sản phẩm này nhanh chóng đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật không biên giới.
Tuy nhiên, một bộ phận người hoạt động nghệ thuật có ứng xử xấu xí trên không gian mạng như tranh cãi, đấu tố đồng nghiệp, quảng cáo sai sự thật nhằm thu lợi. “Có những người ngày nào cũng đưa tin chuyện cá nhân, gia đình, yêu đương... thậm chí có người quay phim tận mặt người đã khuất để đăng lên mạng xã hội. Đây là những hành động phản cảm nhằm mục đích câu khách”, GS. Từ Thị Loan nêu.
"Rác trên mạng xã hội đang tấn công người sử dụng", ông Lê Quốc Vinh.
Những hình ảnh, video vừa livestream (phát sóng trực tiếp) vừa cãi, chửi nhau của một số nghệ sĩ tràn ngập trên mạng xã hội. Nói về thực trạng ứng xử trên mạng xã hội, ông Lê Quốc Vinh - Chủ tịch HĐQT Công ty LeBros khẳng định trên mạng xã hội, các thông tin tích cực thường không thu hút, nhưng những ngôn từ mang tính thách thức, văng tục lại thu hút lượng lớn tương tác.
Nữ nghệ sĩ Trang Khàn bị xử phạt hành chính vì phát ngôn không chuẩn mực trên mạng xã hội.
“Đó là rác trên Internet và chúng ta đang phải sống cùng những điều xấu xí đó. Rác trên mạng xã hội đang tấn công người sử dụng”, ông Lê Quốc Vinh nêu.
Những điều tiêu cực này gây ảnh hưởng lớn đến giới trẻ - những người ít có khả năng miễn nhiễm với “sự tấn công” trên mạng, nhất là từ hành động, lời nói của người có tầm ảnh hưởng, nghệ sĩ mà họ hâm mộ.
Ông Lê Quốc Vinh báo cáo về hậu quả của giới trẻ khi bị tấn công trên mạng: 28% nghĩ tới tự sát, 41% mắc chứng lo âu, hoảng sợ, 9% nghĩ tới sử dụng rượu bia, bỏ học, hoảng loạn trên môi trường số.
Giảm tác động tiêu cực
Siêu mẫu Hạ Vy khẳng định việc tham gia không gian mạng là nhu cầu thiết yếu, đặc biệt là với nghệ sĩ và giới trẻ hiện nay. Tuy nhiên, đối với những người hoạt động nghệ thuật, người nổi tiếng có hành động phản cảm, trái với thuần phong mỹ tục, các cơ quan chức năng cần có biện pháp xử phạt.
Cô cho rằng cơ quan chức năng có thể khóa kênh, xóa tài khoản YouTube, TikTok của các cá nhân vi phạm để cảnh cáo.
Ca sĩ Duy Mạnh từng bị phạt hành chính vì những phát ngôn không chuẩn mực trên mạng xã hội.
Về quy định xử phạt, không ít chuyên gia đồng tình với việc xử nghiêm những người có hành vi vi phạm, trái thuần phong mỹ tục trên mạng xã hội. Đặc biệt nhiều người thể hiện sự quan tâm đối với việc "cấm sóng" các nghệ sĩ có hành vi "lệch chuẩn".
Chia sẻ với Tiền Phong về hình phạt đối với những nghệ sĩ vi phạm thuần phong mỹ tục, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khẳng định đây là quy định cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Ông cho rằng dù đã có quy định như các Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng, Bộ quy tắc ứng xử với những người hoạt động nghệ thuật, vẫn cần có những chế tài nghiêm khắc hơn để phù hợp với tính chất phức tạp, nhất là trên không gian mạng.
"Việc áp dụng các quy định xử phạt và hạn chế hoạt động của nghệ sĩ và KOLs khi họ vi phạm đạo đức, quảng cáo sai sự thật là cần thiết để bảo vệ giá trị văn hóa và truyền thống của dân tộc, hình thành môi trường lành mạnh cho sự phát triển nhân cách của mỗi người và toàn xã hội", PGS.TS Bùi Hoài Sơn nêu.
Nhiều nghệ sĩ bất chấp tham gia quảng cáo sai sự thật.
Xử phạt có mục đích chính như một hình thức giáo dục, vì thế nó phải bảo đảm được tính răn đe, làm gương cho những trường hợp khác. PGS.TS Bùi Hoài Sơn đề xuất để có mức xử phạt phù hợp, cần có các đánh giá tác động kinh tế, văn hóa, xã hội hết sức cụ thể trên cơ sở xem xét kỹ lưỡng và dựa trên minh chứng rõ ràng, đảm bảo tính công bằng và minh bạch.
Tuy nhiên, nói về quy định cấm sóng nghệ sĩ, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng cần phải xem xét kỹ lưỡng để tránh những hệ lụy không mong muốn, đồng thời giúp các nghệ sĩ nghiêm túc hơn. Ông đề xuất xây dựng các chương trình đào tạo và hỗ trợ để giúp họ hiểu rõ hơn về trách nhiệm của mình trong việc truyền tải thông tin đến khán giả và cộng đồng.
"Cần có sự thay đổi về cách thức hoạt động của ngành giải trí để đảm bảo sự chuyên nghiệp và trách nhiệm cao của các nghệ sĩ. Bên cạnh đó, công chúng cũng cần khắt khe hơn. Bởi vì hành vi không chia sẻ, tương tác, tẩy chay những sản phẩm độc hại và những hành vi vi phạm pháp luật, đi ngược lại với giá trị đạo đức cộng đồng cũng trở thành áp lực rất lớn đối với các nghệ sĩ, buộc họ phải thay đổi hành vi của mình", PGS.TS Bùi Hoài Sơn chia sẻ.
Tại buổi toạ đàm Thực trạng văn hoá ứng xử trên không gian mạng của nghệ sĩ và giới trẻ, ông Trần Hướng Dương - Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết Cục Nghệ thuật biểu diễn đang làm việc với các bộ, ngành như Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông để đưa ra quy chế phối hợp nhằm giảm tác động tiêu cực của các nghệ sĩ vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục.
“Biện pháp quản lý nhà nước chắc chắn có. Chúng tôi đang xin ý kiến, phối hợp các bộ, ngành khác, sau đó sẽ trình lãnh đạo Bộ Văn hóa phê duyệt”, ông Trần Hướng Dương nêu.
Về hình thức xử lý được công chúng nhắc đến như phong sát, cấm sóng, ông Trần Hướng Dương cho rằng dùng những từ ngữ này chưa phù hợp với văn hóa Việt Nam.
“Nếu ứng xử của cá nhân gây tác động lớn, biện pháp áp dụng có thể là hạn chế hoạt động, thậm chí mạnh tay nữa. Cơ quan quản lý đang đề xuất các giải pháp, cân nhắc việc giảm sức ảnh hưởng nếu nghệ sĩ vi phạm pháp luật, thuần phong mỹ tục…”, Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn chia sẻ.
"Quan điểm của tôi là không dùng từ phong sát, cấm sóng với những người làm nghệ thuật, bởi việc này không phù hợp văn hóa, điều kiện đất nước", Phó cục trưởng...
Nguồn: [Link nguồn]