Nghệ sĩ thấy nhục nhã khi Hãng phim truyện VN được cho thuê bán chân gà nướng
Nghệ sĩ Quốc Tuấn và nhiều đồng nghiệp rơi nước mắt khi nói về những bất cập đang xảy ra. Phía Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch cũng chính thức lên tiếng về những tranh cãi gần đây ở Hãng phim truyện Việt Nam.
Sau 2 cuộc gặp gỡ ngày 16/9 với báo chí, các nghệ sĩ đang làm việc tại Hãng phim truyện Việt Nam, Hội điện ảnh Việt Nam tiếp tục cùng các nghệ sĩ tổ chức họp báo phản đối những ý kiến chưa thoả đáng mà lãnh đạo đưa ra vào sáng 21/9.
Nghệ sĩ Quốc Tuấn tham gia cuộc họp
Chủ trì cuộc họp là diễn viên Quốc Tuấn. Như đã chia sẻ trong những bài phỏng vấn trên báo chí, anh và các nghệ sĩ cảm thấy rất bức xúc khi bị ban lãnh đạo Hãng phim truyện Việt Nam đẩy đến đường cùng mới phải đứng lên đấu tranh cho quyền lợi. Trong buổi họp báo Quốc Tuấn bật khóc vì những uất ức mà anh cùng các nghệ sĩ phải chịu đựng trong suốt thời gian qua: “Đáng ra, việc Hãng phim cổ phần hóa phải là niềm vui vào tạo động lực cho sự phát triển của điện ảnh nước nhà. Tuy nhiên, cuộc cổ phần hóa ở Hãng phim truyện Việt Nam lại mang đầy nước mắt, nỗi buồn và sự nhục nhã. Đó là cuộc cổ phần hóa dối trá, thiếu minh bạch".
Để chứng minh cho điều mình nói, anh đã đưa ra nhiều dẫn chứng khẳng định những việc làm mập mờ bủa ban lãnh đạo trong quá trình cổ phần hoá Hãng phim truyện Việt Nam. Một trong số điều mà nam diễn viên “Người vác tù và hàng tổng” nhắc đến là việc không công khai về thời gian tổ chức, chọn nhà đầu tư quá gấp gáp khiến những đơn vị thực sự muốn phát triển nghệ thuật không có cơ hội.
Bên cạnh đó, việc 2 Phó giám đốc của Hãng phim là NSND Thanh Vân và NSND Lý Thái Dũng bị gạt ra khỏi Tổ giúp việc cho Ban cổ phần hóa cũng là bằng chứng cho sự nhập nhèm trong khâu tổ chức nhân sự. Chính từ sự thiếu chuyên môn đã dẫn đến việc ban lãnh đạo định giá hơn 400 tác phẩm mà Hãng đang sở hữu không hề có giá trị. Đây là một sự xúc phạm nặng nề tới nhiều thế hệ nghệ sĩ đang làm việc và gắn bó với Hãng phim từ những ngày đầu thành lập.
Đáng nói nhất là việc định giá tất cả khối bất động sản mà hãng sở hữu chỉ vỏn vẹn 19,7 tỷ đồng cho miếng đất 5.000 m2 thuê giá ưu đãi nhà nước, ở vị trí đắc địa tại số 4 Thuỵ Khuê, 7.000 m2 ở Cổ Loa, 1.000m2 ở Hoàng Hoa Thám, 1.000m2 ở quận 1 TP.HCM… Theo Quốc Tuấn việc để những điều bất cập khiến các anh em nghệ sĩ phải đứng lên đấu tranh có một phần lớn lỗi từ phía những nhà quản lý là Bộ Văn hoá Thể thao Du lịch khi đã đồng ý cho Vinaso trở thành cổ đông chiến lược Hãng phim truyện Việt Nam.
NSND Thanh Vân chia sẻ bằng chứng về sự mập mờ trên báo chí trong quá trình cổ phần hóa hãng phim
Đóng góp vào bài phát biểu, NSND Thanh Vân nói thêm: "Công ty Vinaso chỉ chi ra có 32,5 tỷ đồng đã chiếm 65% tổng giá trị doanh nghiệp, trở thành cổ đông chiến lược sau khi Hãng trở thành Công ty cổ phần. Trong khi đó ước tính giá trị đất đai và lợi thế vị trí đất đai của hãng phim truyện Việt Nam theo giá trị trường rơi vào khoảng 2.000 tỷ đồng, chưa kể giá trị thương hiệu với trên 400 bộ phim truyện có từ gần 60 năm thành lập". Điều này chứng minh ngay từ đầu phía chủ đầu tư đã thể hiện rõ ý đồ kinh doanh trên khu đất vàng chứ không hề có định hướng cho phát triển điện ảnh.
Nghệ sĩ Quốc Tuấn đưa ra thực tế đau lòng khi các phòng ban chuyên môn chính của Hãng phim truyện bị phía Vivaso dùng để cho thuê làm quán phở, quán bán chân gà nướng. Các biên kịch, đạo diễn, dựng phim gồm hơn 20 người bị dồn vào làm việc trong căn phòng rộng 25m2. Bức xúc không chỉ dừng lại ở những nghệ sĩ gạo cội gắn bó lâu năm với Hãng phim mà ngay cả một đạo diễn trẻ như Đinh Tuấn Vũ cũng phải viết bức tâm thư gửi đến buổi họp báo.
Cũng trong sáng hôm nay 21/9, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch mở cuộc họp báo công bố thông tin về vấn đề xoay quanh việc cổ phần hoá Hãng phim truyện Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao Du Lịch Huỳnh Vĩnh Ái trong buổi họp báo sáng 21/9
Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao Du Lịch Huỳnh Vĩnh Ái cho hay Bộ có chủ trương cổ phần hóa hãng phim từ năm 2006 nhưng gặp nhiều khó khăn.
Về thông tin cho rằng Bộ bán hãng phim 32 tỷ đồng nhưng thực tế giá trị đất của hãng lên tới hàng nghìn tỷ, ông Ái khẳng định đây không phải là thông tin đúng. “Hãng phim nợ thuế đất 21 tỷ đồng. Đất Hãng phim vàng thật, nhưng là đất thuê. Phải có phương án sử dụng phù hợp với phương án cổ phần hóa. Trong phương án cổ phần hóa, đất này là thuê, khi thuê phải theo quy hoạch địa phương, kế hoạch để làm phim. Sau đó mới đưa vào hồ sơ cổ phần hóa”.
Cũng theo ông Ái, đất thuê hàng năm thì không được tính vào giá trị doanh nghiệp. Ngoài ra, hãng phim mới cổ phần hóa 2 tháng, chưa thể đánh giá hết được. Trước sự việc đáng tiếc xảy ra, cổ phần chiến lược Vivaso đã nhận khuyết điểm về lương, cơ sở vật chất, và hứa sẽ sửa chữa.
Về vấn đề tiền lương của nghệ sĩ, phía Bộ đưa ra phương án trước mắt trả lương lại tháng 6, tháng 7 như trước khi cổ phần. Sau này sẽ tính toán để có phương án trả lương sau cổ phần.