Ngã ngửa nhan sắc "Tứ đại mỹ nhân" mới: Người nặng 100kg, kẻ bị chê xấu xí

Tứ đại mỹ nhân cổ đại Trung Quốc từng được tái hiện thành công qua nhiều tác phẩm điện ảnh và truyền hình. Tuy nhiên, không phải nữ diễn viên nào cũng xứng tầm nhan sắc để đảm nhận vai diễn, có người bị chê thậm tệ và nhận không ít chỉ trích.

Điêu Thuyền

Mới đây, truyền hình Nhật Bản vừa công bố poster và danh sách diễn viên tham gia vào bộ phim Tam Quốc Chí phiên bản mới, do Fukada Yūichi làm đạo diễn. Ngay khi thông tin về bộ phim và hình ảnh dàn diễn viên được công bố, cộng đồng mạng lập tức chú ý tới hình ảnh Điêu Thuyền, một trong tứ đại mỹ nhân cổ đại của Trung Quốc.

Điêu Thuyền là một nhân vật dân gian hư cấu, được La Quán Trung xây dựng trong tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa. Điêu Thuyền là con gái nuôi của tư đồ Vương Doãn, sống vào thời Tam Quốc, được mệnh danh là người con gái có nhan sắc “nguyệt thẹn”.

Trần Hồng - người được mệnh danh là Điêu Thuyền đẹp nhất màn ảnh

Trần Hồng - người được mệnh danh là Điêu Thuyền đẹp nhất màn ảnh

Sở dĩ được mệnh danh vậy vì trong một đêm Điêu Thuyền ra hoa viên bái trăng thì bỗng mây đen kéo đến che phủ kín mặt trăng, Vương Doãn lấy làm kỳ lạ và muốn mượn đây để phóng đại nhan sắc của con gái nuôi, nên khoe khắp nơi rằng Điêu Thuyền đẹp đến nỗi trăng cũng phải hổ thẹn nấp mình sau đám mây.

Trước đây nhiều nữ diễn viên Trung Quốc như Trần Hồng, Trần Hảo, Lưu Diệc Phi, Cổ Lực Na Trát… đã thể hiện thành công hình ảnh này và nhận được cơn mưa lời khen từ khán giả.

Naomi Watanabe đảm nhận vai diễn Điêu Thuyền trong bộ phim Tam Quốc Chí của Nhật Bản

Naomi Watanabe đảm nhận vai diễn Điêu Thuyền trong bộ phim Tam Quốc Chí của Nhật Bản

Tuy nhiên, khi nhìn hình ảnh nàng Điêu Thuyền do Naomi Watanabe thủ vai trong bộ phim Tam Quốc Chí, cộng động mạng được phen xôn xao. Hình ảnh nàng Điêu Thuyền này hoàn toàn trái ngược với kỳ vọng của fan Tam Quốc diễn nghĩa, thậm chí không ít người cảm thấy thất vọng bởi Watanabe chỉ cao có 1m57 nhưng lại nặng tới 100kg.

Mặc dù Naomi Watanabe là diễn viên hài nổi tiếng của xứ sở mặt trời mọc, từng được mệnh danh là "Beyoncé Nhật Bản", nhưng với ngoại hình như vậy thật khó để khán giả liên tưởng tới mỹ nhân trong câu thơ “Nhẹ nhàng mình liễu như bông/ Gót hài uyển chuyển trên lòng bàn tay”.

Fan của Tam Quốc diễn nghĩa không khỏi băn khoăn, liệu khi nhìn thấy nàng Điêu Thuyền này thì Đổng Trác và Lữ Bố còn muốn tranh giành nữa không, và liệu nhan sắc này có thể giết được tên gian thần Đổng Trác, quy phục được Lữ Bố?

Tây Thi

Tây Thi là một người đẹp thời Xuân Thu, đứng đầu trong danh sách tứ đại mỹ nhân cổ đại của Trung Quốc. Truyền thuyết kể lại, nhan sắc của Tây Thi khiến cá phải ngừng bơi mà lặn xuống đáy nước, vì vậy được mệnh danh là mỹ nữ “trầm ngư”.

Tây Thi luôn được lấy làm ví dụ điển hình cho hình tượng “hồng nhan họa thủy”, bởi nàng đã dùng sắc đẹp của mình mê hoặc Ngô vương Ngô Phù Sai, giúp Việt Vương Câu Tiễn Phục Quốc, từ đó khiến nước Ngô vốn đang hùng mạnh phải diệt vong.

Dĩnh Nhi bị chê bai thậm tệ vì lộ ngấn mỡ cổ khi vào vai Tây Thi

Dĩnh Nhi bị chê bai thậm tệ vì lộ ngấn mỡ cổ khi vào vai Tây Thi

Đảm nhận vai diễn Tây Thi là một áp lực không nhỏ đối với các nữ diễn viên, đặc biệt trước đó Tưởng Cần Cần, Tào Dĩnh, Trương Mẫn, … đều thể hiện khá thành công và được khán giả yêu mến. Tuy nhiên, khi Dĩnh Nhi vào vai này trong phim Anh Hùng năm 2013 đã gặp phải không ít chỉ trích.

Cô bị chê bai về nhan sắc, không xứng với danh xưng đệ nhất mỹ nhân Trung Hoa, đặc biệt với cảnh quay Tây Thi ốm nằm trên giường, Dĩnh Nhi đã để lộ cả ngấn mỡ ở cổ khiến người xem ngán ngẩm.  Dĩnh Nhi bị chê là “Tây Thi xấu nhất” màn ảnh, không ăn khớp với hình ảnh “nhan sắc mờ kim cổ” mà thi sĩ Lý Bạch từng ca ngợi.

Dương Quý Phi

Nếu Điêu Thuyền là mỹ nhân khiến Lữ Bố và Đổng Trác phải tranh giành đến đầu rơi máu chảy thì Dương Quý Phi cũng là một người đẹp khiến vua Đường Huyền Tông say mê đến nỗi phải cướp nàng từ phủ của con trai, từ con dâu phong lên thành quý phi.

Tương truyền, Dương Quý Phi từng khiến hoa phải cụp vào khi nhìn thấy nàng, vì vậy được mệnh danh là mỹ nữ “Tu hoa” (hoa phải thu mình lại vì hổ thẹn). Không những vậy, nàng còn có tài ca hát, khiêu vũ, có thể mua vui cho Hoàng thượng nên rất được yêu chiều, để có được nụ cười của người đẹp mà không tiếc hàng vạn bạc của quốc khố thậm chí làm chết hàng trăm mạng người.

Ân Đào bị cho là nhan sắc quá tầm thường, không xứng với danh hiệu "mỹ nhân cổ đại Trung Hoa"

Ân Đào bị cho là nhan sắc quá tầm thường, không xứng với danh hiệu "mỹ nhân cổ đại Trung Hoa"

Dương Quý Phi có gương mặt tròn trịa, thân hình đẫy đà, đây được coi là tiêu chuẩn thẩm mỹ của nhà Đường, vì vậy các diễn viên được chọn vào vai này cũng phải có thân hình mũm mĩm để phù hợp với lịch sử.

Năm 2009, Ân Đào vào vai Dương Quý Phi trong bộ phim Dương Quý Phi bí sử và bị chê bai thậm tệ. Dù có gương mặt bầu bĩnh nhưng Ân Đào lại khá mảnh khảnh, không đúng với nguyên tác. Mặc dù vượt qua nhiều đối thủ nặng ký để có được vai diễn này, nhưng Ân Đào lại bị chê là nhan sắc tầm thường, không xứng với danh hiệu đệ nhất mỹ nhân đời Đường. Ân Đào bị bình chọn là “Dương Quý Phi xấu nhất lịch sử” và khiến khán giả khi xem phim rất khó để liên tưởng tới hình ảnh “Mây tưởng như xiêm y, hoa tưởng như gương mặt” của Dương Quý Phi.

Vương Chiêu Quân

Vương Chiêu Quân hay còn gọi là Minh Phi hoặc Minh Quân, là mỹ nhân nổi tiếng thời Hán. Nhan sắc của nàng khiến chim nhạn đang bay cũng phải ngẩn ngơ nhìn đến mức quên vẫy cánh mà sa xuống đất.

Vương Chiêu Quân được xem là một nữ anh hùng của Trung Quốc, bởi nàng đã hy sinh thân mình, chấp nhận gả sang nước Hung Nô, làm vợ của hai cha con Hô Hàn Tà và Phục Chu để giữ vững hòa bình cho hai nước. Không những vậy, nàng còn mang văn hóa, tập tục của Trung Quốc đến truyền bá cho người dân Hung Nô, được nhân dân cả hai nước yêu mến và phong là nữ thần của loài hoa mẫu đơn.

Vương Chiêu Quân của Lâm Đại khá già dặn và nam tính

Vương Chiêu Quân của Lâm Đại khá già dặn và nam tính

Hình tượng người sứ giả hòa bình này từng được nữ diễn viên Lâm Đại tái hiện trong bộ phim cùng tên năm 1964. Trái với kỳ vọng của khán giả, hình tượng mỹ nữ “lạc nhạn” của Lâm Đại bị cho là khác xa hoàn toàn với miêu tả trong sử sách. Bởi Vương Chiêu Quân vốn có vẻ đẹp nhẹ nhàng, thanh thoát tựa tiên nữ còn Lâm Đại trông khá già dặn và nhìn không mấy nữ tính.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, kỹ xảo hình ảnh và kỹ thuật hóa trang thời bấy giờ chưa phát triển nên tạo hình của Lâm Đại chưa đạt tới kỳ vọng của người xem, nhưng diễn xuất của nữ diễn viên đã cứu vớt được hình tượng nhân vật. Từng biểu cảm trên khuôn mặt, dáng đi cho tới những cử chỉ, lời nói của cô đều mang đậm phong cách triều đình, có tác phong của một chính trị gia, một sứ giả hòa bình.

Ai đẹp nhất trong Tứ đại mỹ nhân cổ trang màn ảnh Hoa ngữ?

Được khen ngợi là mỹ nhân hàng đầu làng giải trí Hoa ngữ, nhưng Phạm Băng Băng cũng không thể vượt qua được mỹ nhân...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lâm Mộc (Tổng hợp) ([Tên nguồn])
Phim Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN