Nếu nghe lời người này, Tào Tháo đã không thất bại thảm hại trận Xích Bích
Thất bại thảm hại của quân Tào trong đại chiến Xích Bích chính là bước ngoặt lịch sử mở ra thế chân vạc thời Tam quốc. Nhưng nếu như Tào Tháo chịu nghe lời khuyên can của Giả Hủ, thì có lẽ lịch sử Trung Quốc đã đi theo một hướng rất khác.
Video: Đại chiến Xích Bích.
Tào Tháo (155-220) là nhà chính trị, quân sự kiệt xuất cuối thời Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc. Ông là người đặt nền móng hình thành Tào Ngụy thời Tam quốc. Nếu không vì chủ quan dẫn đến thất bại trong trận Xích Bích có lẽ Tào Tháo đã thống nhất được thiên hạ.
Trận Xích Bích là một trận đánh lớn cuối thời Đông Hán có tính chất quyết định đến cục diện chia ba thời Tam quốc. Từ lá thư Tào gửi cho phe Đông Ngô khi đó cũng có thể nhận thấy, bản thân ông tin chắc lần này mình có thể thâu tóm vùng Giang Đông.
Nếu không vì chủ quan dẫn đến thất bại trong trận Xích Bích có lẽ Tào Tháo đã thống nhất được thiên hạ.
Tuy nhiên, sau khi chiếm được Kinh Châu, việc Tào Tháo thuận đà tấn công Giang Đông quả thực quá liều lĩnh.
Bước ngoặt lịch sử mở ra thời Tam quốc
Trận Xích Bích diễn ra vào mùa Đông năm Kiến An thứ 13 (tức năm 208) giữa liên quân Tôn Quyền-Lưu Bị với quân đội lấy danh nghĩa triều đình của Tào Tháo.
Bối cảnh dẫn đến trận Xích Bích là giai đoạn Tào Tháo giành thắng lợi liên tục trong các trận chiến lớn. Baogồm đánh bại Viên Thiệu ở trận Quan Độ năm 202 qua đó thống nhất vùng bình nguyên Hoa Bắc, tiêu diệt bộ tộc Ô Hoàn năm 207 ổn định hoàn toàn biên giới phía Bắc, dễ dàng kiểm soát Kinh Châu sau khi Lưu Biểu chết và con trai Lưu Tông đầu hàng, nối tiếp bằng thắng lợi trước Lưu Bị ở Trường Bản.
Xét về lực lượng, Đại quân Tào Tháo trong trận Xích Bích vượt trội hoàn toàn so với liên quân Tôn – Lưu. Theo ghi chép chính sử, quân Tào có khoảng 220.000, trong đó đã bao gồm khoảng 7 vạn hàng binh Kinh Châu. Liên quân Tôn – Lưu, trong khi đó, chỉ khoảng 5 vạn gồm 3 vạn quân của Tôn Quyền giao cho Chu Du chỉ huy, 10.000 quân Lưu Bị và 10.000 quân của Lưu Kỳ.
Xích Bích là một trong những trận đánh nổi tiếng nhất thời Tam quốc.
Nhưng trận Xích Bích kết thúc với thắng lợi của phe Tôn-Lưu trước đại quân Tào Tháo. Chiến thắng này đã góp phần củng cố vị trí của Tôn Quyền và Lưu Bị ở hai bờ Trường Giang đồng thời ngăn cản việc Tào Tháo mở rộng phạm vi quyền lực xuống phía Nam Trung Hoa, tạo cơ sở cho sự hình thành hai nước Thục Hán và Đông Ngô sau này.
Đa số học giả cho rằng thất bại nhanh chóng và nặng nề của Tào Tháo là kết quả của những sai lầm chiến thuật liên tiếp từ phía quân Tào cũng như chiến thuật tấn công hiệu quả của Hoàng Cái và liên quân Tôn-Lưu. Ngược lại với những tính toán sáng suốt và hợp lý trong các chiến dịch toàn thắng trước đó, ở Xích Bích Tào Tháo suy nghĩ đơn giản rằng sự vượt trội về số lượng binh lính sẽ giúp ông đánh bại thủy quân đầy kinh nghiệm của liên quân Tôn-Lưu.
Nếu Tào Tháo nghe lời Giả Hủ, trận Xích Bích sẽ không bao giờ xảy ra
Giả Hủ từng can gián Tào Tháo nhưng không được.
Sai lầm chiến lược đó đã dẫn đến sai lầm chiến thuật tiếp theo, đó là Tào Tháo ra lệnh cho lực lượng rất lớn bộ binh và kị binh của ông chuyển sang chiến đấu như thủy binh chỉ trong một thời gian ngắn trước trận chiến, rất nhiều người trong số họ đã say sóng khi lên thuyền và thậm chí cũng không biết bơi do xuất thân là người phương Bắc.
Cộng thêm vào những sai lầm chiến thuật của Tào Tháo là nạn bệnh dịch ở phương Nam cùng sự suy giảm tinh thần trong quân sĩ do phải xa nhà quá lâu và liên tục hành quân, chiến đấu trong thời gian dài. Theo như Gia Cát Lượng thì: "Mũi tên dù cứng nhưng đến cuối tiễn đạo cũng không thể xuyên qua áo lụa mỏng".
Sai lầm có hệ thống trong chiến dịch chinh phạt miền Nam của Tào Tháo ngoài ra còn được cho là xuất phát từ cái chết của Quách Gia - quân sư toàn thắng trong đội ngũ tham mưu của ông. Chính Tào Tháo cũng nói rằng: "Nếu như có Quách Gia thì ta không bao giờ rơi vào tình cảnh thế này”. Nhưng nếu quay ngược thời gian, trở về thời điểm Tào Tháo lấy Kinh Châu, thì sớm đã có người can gián Tháo không nên tiếp tục khởi binh đối đầu liên quân Tôn – Lưu. Người đó chính là Giả Hủ.
Khi đó Giả Hủ đã khuyên Tào Tháo thế này: "Nếu để binh sĩ nghỉ ngơi, úy lạo bách tính, khiến dân an cư lạc nghiệp, thì không cần phí sức cũng có thể khuất phục Giang Đông". Trước khi đưa ra những lời này, năng lực của Giả Hủ sớm đã được kiểm chứng kĩ càng qua trận Uyển Thành (khi còn theo Trương Tú) hay lần hiến kế giúp Tào đả bại Viên Thiệu ở Quan Độ.
Nhưng Tháo đã không nghe Hủ. Do Tháo thắng như chẻ tre nên kiêu binh, hay vì bất kì nguyên nhân chủ quan hay khách quan nào khác, thì kết cục là Tháo đã đại bại ở Xích Bích, hao binh tổn tướng lại tạo cơ hội cho 2 thế lực đối đầu Tôn – Lưu củng cố vị trí, mở ra thế “chia ba thiên hạ”.
Tầm nhìn của Giả Hủ vượt xa những mưu sĩ đương thời dưới trướng Tào Tháo
Giả Hủ chính là người đưa ra quan điểm không đánh Tôn – Lưu.
Giả Hủ (147 – 224), người Cam Túc (Trung Quốc), là mưu sĩ nổi tiếng thời Tam quốc, từng đảm nhiệm chức vụ quân sư thân cận của Tào Tháo.
Trước khi gia nhập vào tập đoàn chính trị Tào Ngụy, ông từng phụng sự dưới trướng của những nhân vật như Đổng Trác, Lý Thôi và Trương Tú. Dù vậy, ông vẫn được Tào Tháo rất mực tin tưởng khi đầu quân giúp sức cho gia tộc họ Tào.
Giả Hủ chính là người duy nhất trong số những mưu sĩ của Tào Tháo thời điểm ấy, đưa ra quan điểm không đánh Tôn – Lưu. Và đấy là bằng chứng cho thấy tài trí và tầm nhìn chiến lược vượt trội của nhân vật này. Việc Giả Hủ khuyên Tào Tháo không đánh mà nghỉ để chờ thời cơ tốt, hoàn toàn có lý.
Thứ nhất, sau giai đoạn gần chục năm chinh chiến, nhân lực và tài lực của khu vực Trung Nguyên - Hoa Bắc cạn kiệt. Cho nên việc "khoan thai lại sức dân" là điều cần thiết. Hơn nữa, quân Tháo rõ ràng đông lên, nhưng chất lượng không đi cùng mà muốn Nam chinh thành công thì phụ thuộc rất nhiều vào Thủy chiến - vốn không phải thế mạnh của quân đội phương Bắc. Tào Tháo khi chiếm được Kinh Châu, cũng phải dùng thủy quân Kinh Châu (vốn không thể tin tưởng hoàn toàn) để dùng cho chiến dịch Nam phạt. Giả Hủ sớm toan tính được cái khó của Tào Tháo trong trận chiến này.
Thứ hai, Kinh Châu có đủ mầm mống để tự diệt nếu Tào Tháo biết nhẫn. Đó là sự đấu đá của anh em Lưu Tông, Lưu Kì, cùng với đám "ngoại thích" giật dây phía sau; lại thêm Lưu Bị ở đó chưa kể Tôn Ngô Giang Đông cũng tỏ rõ ý đồ tranh đoạt. Không đánh, Kinh Châu – Giang Đông sẽ loạn nhưng nếu đánh, Tào Tháo sẽ tự đẩy mình vào thế phải chống lại liên minh 2 nhà. Rõ ràng cứ để “cò vạc tranh hùng” thì “ngư ông” ở đây là Tào Tháo sớm muộn cũng sẽ hưởng lợi mà không phải hao binh tổn tướng.
Khi Tào Tháo qua đời, vị mưu sĩ họ Giả tiếp tục phụng sự cho các vị quân chủ đời sau của Tào Ngụy. Đến năm 224 dưới thời Ngụy Văn Đế, ông qua đời ở tuổi 77 vì tuổi cao sức yếu.
Không phải ngẫu nhiên khi Giả Hủ nhận được những lời bình luận có cánh của Trần Thọ trong Tam quốc chínhư thế này: “Giả Hủ toan tính cơ hồ không hề sai sót, có thể đạt đến mức thấu hiểu sự quyền biến, đại khái là gần được như Lương, Bình vậy”. Lương là Trương Lương, Bình là Trần Bình, những đại mưu sĩ siêu hạng của Hán Cao Tổ Lưu Bang.
Nhờ tài năng xuất chúng cùng sự khôn khéo của mình, Giả Hủ là một mưu sĩ hiếm hoi làm việc dưới trướng Tào Tháo mà vẫn có kết cục an ổn.
Tác giả nổi tiếng Dịch Trung Thiên thậm chí còn ca ngợi vị mưu sĩ họ Giả này là "người thông minh nhất thời Tam quốc". Ông đánh giá Giả Hủ là người "nhìn thấu tâm tư người khác", "liệu việc như thần", "biết người cũng tự biết mình".
Nếu như phần đông các mưu sĩ đời trước của Tào Tháo đều có kết cục chẳng mấy tốt đẹp (Quách Gia chết yểu, Tuân Úc chết thần bí, Hứa Du chết oan…), thì đại mưu sĩ họ Giả đã vận dụng triệt để tài năng và sự khôn khéo của mình để có thể an nhàn vô lo, sống trọn đến cuối đời.
Để có được cảnh trận Hỏa chiến Xích Bích kinh điển, cả ê kíp đã phải làm việc ròng rã trong hơn 1 năm trời.