Mỹ nam đẹp hơn cả Tây Thi, được hoàng đế Trung Hoa "sủng" đến mức lập làm hoàng hậu
Hàn Tử Cao được người đời mệnh danh là “nam hoàng hậu” và người tình tri kỷ của vua Trần Văn Đế.
Trong lịch sử Trung Quốc, tương truyền có mối tình đồng tính thời Nam - Bắc triều của hoàng đế Trần Thiến (522-566) và sủng thần Hàn Tử Cao (538 - 567). Nam tử họ Hàn sở hữu vẻ đẹp rung động lòng người đến mức thiên hạ cho rằng nhan sắc của chàng còn hơn cả những mỹ nhân nổi tiếng như Điêu Thuyền hay Tây Thi.
Mỹ nam có dung mạo tuấn tú khiến "vạn người mê"
Hàn Tử Cao sinh vào thời Nam Bắc triều. Tên thật của chàng là Man Tử, xuất thân thấp hèn, gia đình nhiều đời làm nghề bện giày rơm. Hàn Tử Cao không chỉ sở hữu khuôn mặt tuấn tú mà da dẻ rất trắng trẻo, mịn màng. Không chỉ nữ giới yêu mến mà nam giới cũng si mê "nhan sắc" của chàng. Một điển cố trong Kinh Thi từng miêu tả Hàn Tử Cao: "Tướng mạo diễm lệ, khuôn mặt trắng nõn, vầng trán cao đầy, lông mày như vẽ, ai gặp đều phải tấm tắc khen ngợi". Nhiều người còn cho rằng các đại mỹ nhân nổi tiếng như Điêu Thuyền, Tây Thi đều có phần kém sắc khi so sánh với Hàn Tử Cao.
Hàn Tử Cao sở hữu dung mạo tuấn tú, được ví với nhan sắc của mỹ nhân Tây Thi và Điêu Thuyền.
Tương truyền, Hàn Tử Cao sống ở đô thành chỉ một thời gian ngắn nhưng danh tiếng về dung mạo tuấn tú của chàng thì đã vang khắp xa gần. Khắp nơi thiếu nữ tìm tới tiệm giày của Hàn Tử Cao để ngắm nhan sắc của tay thợ giày họ Hàn. Tuy nhiên, Hàn Tử Cao lại tỏ ra rất lạnh lùng. Chính vì điều này lại càng khiến các thiếu nữ thêm si mê cuồng nhiệt hơn.
Lúc bấy giờ, cô công chúa triều Trần đính hôn với một người tên là Vương Nhan - một quý tộc xuất thân giàu có và cũng nổi tiếng khôi ngô tuấn tú. Ban đầu, nàng công chúa này luôn tự hào vị hôn phu Vương Nhan. Có một lần nàng hỏi người hầu: "Thiên hạ này làm gì còn ai đẹp được như Vương lang nữa". Nha hoàn nghe xong liền phản bác: "Hàn Tử Cao còn đẹp hơn ngài ấy gấp mấy lần". Công chúa không tin nên tìm gặp Hàn Tử Cao bằng được. Không ngờ vừa gặp, nàng đã rơi vào lưới tình. Thế nhưng, Hàn Tử Cao vẫn tỏ ra lạnh lùng với công chúa. Cuối cùng, nàng mắc bệnh tương tư, không ăn không ngủ đến hộc máu rồi qua đời.
Nhan sắc của mỹ nam họ Hàn khiến cả nữ giới và nam giới đều mê mẩn.
Theo Qulishi, mỹ nam họ Hàn này còn đẹp đến mức binh lính từng tha chết cho chàng vì không nỡ vung đao chém xuống. Lúc bấy giờ, Hàn Tử Cao sống trong cảnh chiến tranh loạn lạc nên phải theo cha chạy nạn, thường bị loạn quân bắt giữ. Tuy nhiên, lúc quân giặc kề dao bên cổ chàng, nhìn thấy gương mặt Tử Cao thì sửng sốt, ngỡ ngàng với vẻ đẹp kinh động lòng người. Đám lính không nỡ đả thương nhan sắc thoát tục kia mà tha cho chàng, thậm chí còn cứu chàng thoát khỏi cảnh loạn lạc.
Mối tình chấn động lịch sử của mỹ nam và hoàng đế
Sau khi kết thúc chiến tranh, Hàn Tử Cao trên đường trở về quê nhà thì tình cờ gặp Trần Thiến (Trần Văn Đế sau này). Mặc dù là thân nam nhi nhưng nhan sắc tuyệt thế của Hàn Tử Cao đã khiến Trần Thiến nảy sinh tình cảm và ngỏ lời: "Ngươi có muốn theo ta, cùng hưởng vinh hoa phú quý không?". Theo dã sử, Trần Thiến có hai thói xấu là thích đánh người khác và không muốn cho ai qua đêm chung phòng với mình. Tuy nhiên, Hàn Tử Cao là ngoại lệ. Ban ngày, Trần Thiến dạy cho Hàn Tử Cao cưỡi ngựa tập võ, đêm lại dạy cho chàng đọc sách viết chữ.
Thời điểm này, có không ít người vì muốn tìm nam sủng mà dẫn đến lục đục trong gia đình, vợ chồng bất hòa và ly hôn đã xảy ra. Trong quyển "Tống Thư" có viết: "Sau thời vua Thái Khang, nam sủng phát triển mạnh, vượt qua cả nữ sắc". Tuy nhiên không có ai như Trần Văn Đế vì quá si mê Hàn Tử Cao mà muốn phong ông làm hoàng hậu, đưa vào cung hầu hạ.
Thế nên ngay khi lên ngôi vua, Trần Thiến lấy hiệu là Trần Văn Đế đã giữ lời thề lập Tử Cao làm hậu. Ý chỉ này khiến bá quan văn võ trong triều đều nhất mực phản đối, không ai chấp nhận việc một nam nhân được phong hậu. Bởi lẽ, điều này trái với luân thường đạo lý của triều đình nhà Trần. Trước tình hình đó, Trần Văn Đế đành phải nhượng bộ, phong Tử Cao làm tướng quân ở bên cạnh bảo vệ mình.
Trên thực tế, Hàn Tử Cao không phải là một người ẻo lả hay quá nữ tính. Theo các ghi chép lịch sử, chàng không chỉ có ngoại hình tuấn tú mà còn giỏi cưỡi ngựa và bắn cung, cánh tay thon thả nhưng có thể kéo dây cung từ tay trái lẫn phải.
Ngôi mộ vừa được phát hiện năm 2016 được cho là mộ của Trần Thiến và Hàn Tử Cao.
Năm 566, Trần Văn Đế mắc bệnh nặng nằm liệt giường. Những năm tháng cuối đời này, bên cạnh Trần Văn Đế cũng chỉ có Hàn Tử Cao hầu hạ. Nhớ chuyện khi xưa không giữ được lời hứa lập hậu, Trần Văn Đế cảm thấy có lỗi với Tử Cao nên để lại di cáo nói rằng khi mất, ông muốn trước cửa lăng mộ của mình phải có hai con kỳ lân đá đều mang giới tính đực, để chứng tỏ tình cảm của ông dành cho Hàn Tử Cao. Ít lâu sau, Trần Văn Đế qua đời, di ngôn cuối cũng được thỏa đáp.
Chuyện về Hàn Tử Cao đã được dựng thành phim. "Nam hoàng hậu Hàn Tử Cao" là tác phẩm kể về mối tình đẹp nhưng đau buồn của đức vua Trần Văn Đế với Hàn Tử Cao, một mỹ nam tử có thật trong lịch sử Trung Quốc, người đầu tiên suýt được phong làm nam hoàng hậu nhà Trần thời Bắc Hán Triều.
Bộ phim mở đầu bằng khung cảnh một cuộc chém giết vô cùng tàn khốc giữa quân phản loạn và dân lành xảy ra ở huyện Cối Khê - quê nhà của Hàn Tử Cao (Vương Dịch Thần), khi ấy còn gọi là Hàn Man Tử. Trên đường chạy trốn truy sát, Man Tử suýt nữa bị quân giặc cưỡng bức, may mắn được đại tướng quân Trần Thiến (Thiệu Soái) cứu giúp.
Tạo hình Hàn Tử Cao và Trần Thiến trên màn ảnh.
Hàn Man Tử theo Trần Thiến trở về phủ đệ thái thú, nguyện một lòng đi theo Trần Thiến, trở thành thuộc hạ, đồng thời cũng giúp y thỏa mãn dục vọng nam nhân. Từ đó, Trần Thiến đặt tên cho Man Tử là Hàn Tử Cao. Ban ngày, ông dạy cho mỹ nam họ hàn đủ loại cầm kỳ thi họa, võ công binh pháp, biến Hàn Tử Cao trở thành một viên ngọc sáng khiến mọi người đều ngưỡng mộ.
Bộ phim tập trung kể về chặng đường đầy sóng gió, kể từ khi hoàng đế Trần Thiến gặp được Tử Cao cho đến lúc cả hai nhận ra tình cảm chân thành của đối phương, nguyện sát cánh bên nhau, mãi mãi không xa rời. Tuy nhiên, đây lại chỉ là phần đầu trong thiên tình sử đẹp đẽ mà đầy bi thương của lịch sử Trung Quốc. Bởi thế, nhiều khán giả không khỏi mong ngóng, chờ đợi những phần tiếp theo sẽ được đoàn phim khai máy thực hiện trong tương lai.
Nguồn: [Link nguồn]
Dưới triều Minh xuất hiện 3 vị vua chung thuỷ, thậm chí có người chỉ lấy duy nhất một người, không nạp thêm thê thiếp.