Một ngày cùng sao: "Sao Việt ở nhà 2000 cây vàng" khám phá mộ Tần Thuỷ Hoàng
Cùng Đoan Trường khám phá đội quân chiến binh đất nung bí ẩn ở khu lăng mộ Tần Thủy Hoàng và dạo bước trên con phố “Đại Đường Bất Dạ Thành”.
Ca sỹ Đoan Trường được biết đến là một trong “Tứ Đại Thiên Vương Việt Nam” thập niên 90 cùng với 3 ca sỹ tên Trường khác gồm Đan Trường, Lam Trường, Vân Trường. Anh cũng là một nam ca sĩ đam mê du lịch, chinh phục những vùng đất độc lạ và bí ẩn trên thế giới. Anh đã đi khám phá 60 quốc gia và 230 các tỉnh thành ở cả 5 châu lục.
Từ đam mê đặc biệt này, Đoan Trường đã dần trở thành một blogger du lịch, thường xuyên chia sẻ trải nghiệm lên mạng xã hội sau mỗi chuyến đi. Hiện tại anh sống trong căn nhà mặt tiền 700m2 ở TP.HCM, được ước tính trị giá 2.000 cây vàng.
Hãy dành một ngày cùng Đoan Trường khám phá Binh Mã Dũng - đội quân chiến binh đất nung bí ẩn ở khu lăng mộ Tần Thủy Hoàng và dạo bước trên con phố “Đại Đường Bất Dạ Thành” được thắp sáng bởi hàng ngàn chiếc đèn lồng viết bằng những câu thơ Đường nổi tiếng nhân chuyến du lịch Trung Quốc.
Bảo tàng Binh Mã Dũng rộng 16.300 m2 tại Tây An, Trung Quốc là một trong những khám phá khảo cổ lớn nhất thế kỷ 20. Được phát hiện tình cờ vào năm 1974, nơi đây là hầm mộ của 2.000 tượng đất nung và khoảng 10.000 vũ khí bằng đồng trong triều đại Tần Thủy Hoàng- vị Hoàng đế đầu tiên của Trung Hoa. Di tích này đã được UNESCO liệt vào danh sách các di sản văn hóa của nhân loại. Binh Mã Dũng còn được xem như một kỳ quan thứ 8 của thế giới.
Nam ca sỹ Đoan Trường cho biết mình mệt nhoài và mất ngủ khi phải chuyển tiếp 2 chuyến bay mới đến được nơi đây sau bao năm chờ đợi.
8h sáng: Sau khi ăn sáng xong, cả đoàn du lịch 20 người lên xe di chuyển tiếp đến thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc để tham quan đội quân đất nung trong quần thể lăng mộ Tần Thủy Hoàng, mất tầm 2,5 tiếng.
11h sáng: Mọi người xếp hàng trật tự mua vé vào cổng có giá 120 tệ (khoảng 420.000 đồng). Giá vé này được áp dụng bằng nhau cho người bản xứ và người nước ngoài. Ai cũng phải đi qua máy quét và cửa kiểm tra an ninh rất nghiêm ngặt. Vì là ngày đầu tuần du khách không quá đông nên không xảy ra tình trạng ùn ứ, chen lấn. Có tổng cộng 3 hố cho phép du khách vào tham quan và 1 nhà bảo tàng.
Hố số 1 là hố đầu tiên được khai quật gồm hơn 8.000 tượng chiến binh nhưng trong đó chỉ mới có 2.000 tượng đã được phục dựng nguyên trạng.
Hố số 2 gần như chưa được khai quật hoàn toàn vì khá quy mô. Các cuộc khảo sát sơ bộ đã tìm thấy các “lực lượng đặc biệt” của đội quân nhà Tần bao gồm kị binh, cung thủ và xe ngựa.
Hố số 3 được khai quật hoàn toàn vào cuối những năm 1980, được cho là trung tâm chỉ huy của quân đội, bao gồm các vũ khí, tượng ngựa, quan lại cấp cao.
Video: Đoan Trường đi khám phá Binh Mã Dũng - đội quân chiến binh đất nung bí ẩn ở khu lăng mộ Tần Thủy Hoàng
Đoan Trường cho biết mình dành hơn 1 tiếng tham quan tại hố số 1 nhưng rất vất vả khi muốn tìm một khoảng không gian trống trải để chụp ảnh và quay phim.
12h trưa: Nam ca sỹ quá hào hứng nên quên mất giờ cơm trưa. Anh di chuyển qua hố số 2. Lượng khách thời điểm này ít hơn nên anh có nhiều không gian để “tác nghiệp”. Người hướng dẫn viên cho biết thêm thông tin: “50 năm sau khi phát hiện, đội quân đất nung đang dần hé lộ những bí mật. Từ khi được tìm thấy tình cờ bởi một nông dân đào giếng, những bức tượng có kích thước bằng người thật đã cung cấp thêm nhiều chi tiết thú vị từ trang phục, giày dép, vũ khí, trang sức cho tới xuất thân của các binh lính. Tính đến nay, giới nghiên cứu chỉ khai quật khoảng 2.000 tượng được phục dựng đầy đủ trên tổng số 8.000 binh sĩ, 130 xe ngựa, 520 con ngựa, cần một thời gian dài để khai quật tất cả và phục dựng nguyên trạng”.
13h trưa: Đoan Trường khá thích thú và ngạc nhiên khi thấy tại hố số 3 có khá nhiều máy quét tia X, phân tích hóa học, máy chụp ngay tại hiện trường để hỗ trợ cho các nhà nghiên cứu tìm hiểu chính xác hơn về đội quân này như trang phục, kiểu tóc, binh khí, chức vụ, trang sức và ngay cả đội hình chiến đấu.
Đó là cách bố trí đội hình chữ nhật gồm 3 hàng quân ở phía trước, hai bên sườn và phía sau được bảo vệ bởi một hàng chiến binh mặc áo giáp nặng. Ở giữa là các chỉ huy cưỡi xe ngựa và các đội quân vũ trang.
Nhà Tần thậm chí còn quy định các kiểu tóc khác nhau cho từng loại chiến binh. Nghiên cứu hé lộ các kiểu tóc của những người lính cũng phù hợp với các loại thiết bị mà họ mang theo. Chẳng hạn như chiến binh búi tóc lên cao sử dụng gươm hay giáo, tóc đuôi ngựa hoặc búi tóc cố định vào bên phải đầu thì sử dụng kích và nỏ.
14h trưa: Đoan Trường ghé khu vực ẩm thực dùng bữa trưa thanh đạm. Anh cũng tranh thủ tham quan bảo tàng để xem phim tư liệu, quan sát các hiện vật mới khai quật như 25 bức tượng các chỉ huy làm bằng gốm có màu sắc, được tìm thấy trong tình trạng tốt đang được lưu giữ tại phòng chuyên dụng để không bị phai màu. Các di vật khác bao gồm tác phẩm điêu khắc lạc đà bằng vàng và một chiếc bình khảm men. Sau đó anh ghé qua các cửa hàng lưu niệm “tậu” về bức tượng Tần Thủy Hoàng và bộ sưu tập mô phỏng 10 loại binh khí nhà Tần.
16h chiều: Đoàn di chuyển về nhà hát trung tâm Tây An để thưởng thức chương trình ca múa nhạc chủ đề “Con đường tơ lụa” bằng hiệu ứng hình ảnh sân khấu tiên tiến nhất hiện nay do đạo diễn Trương Nghệ Mưu dàn dựng có giá vé 300 tệ (hơn 1 triệu đồng).
17h chiều: Đoan Trường ghé một nhà hàng trong phố cổ dùng cơm chiều với 12 món ăn đầy đủ cách chế biến như luộc, chiên, xào, canh, hầm, quay, rán với món thịt vịt quay làm chủ đạo.
18h chiều: Đoan Trường dạo bước trên khu phố “Đại Đường Bất Dạ Thành”. Nơi đây là phố đi bộ lớn nhất và duy nhất ở Trung Quốc dài 2.100 m, mô phỏng các tòa nhà thời Đường, là nơi tổ chức rất nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực và lễ hội đường phố như trưng bày lồng đèn, viết thư pháp, cắt bóng kiếng, kẹo hồ lô, khiêu vũ, ca nhạc, xiếc, kinh kịch, hóa trang. Đây cũng là một danh thắng địa phương nổi tiếng về đêm thu hút rất nhiều du khách ghé thăm.
Thay vì treo những dây đèn nhấp nháy quen thuộc, người dân nơi đây sử dụng 300 câu thơ Đường làm ý tưởng chủ đạo viết lên hàng ngàn chiếc lồng đèn mang ý nghĩa may mắn, bình an được treo khắp dãy phố “Đại Đường Bất Dạ Thành”.
Điểm nhấn chính là con đường đèn và thơ nằm gần tháp Đại Nhạn, một trong những kiến trúc cổ nổi tiếng nhất, nằm bên trong khuôn viên chùa Đại Từ Ân. Nơi đây lưu trữ những kinh Phật mà ngài Trần Huyền Trang (Đường Tăng) đã mang về từ Ấn Độ.
21h tối: Giọng ca “Dấu yêu” cho biết mình không thể đi trọn cả con đường dài hơn 2 km. Anh dừng chân tại quảng trường trung tâm, ghé một quán nước bên đường nhâm nhi ly trà đào, nhìn ngắm các nam thanh nữ tú đi dạo, diện trang phục cổ trang trong các phim cung đấu hay hóa trang thành các nhân vật lịch sử tại Tây An như các vị hoàng đế Tần Thủy Hoàng, Lý Thế Dân, Võ Tắc Thiên, Đường Tam Tạng, Dương Quý Phi, Cẩm Y Vệ…
Được biết, quảng trường bao gồm 4 nhóm công trình văn hóa và nghệ thuật đặc sắc là Nhà hát lớn Tây An, Phòng hòa nhạc Tây An, Bảo tàng nghệ thuật Khúc Giang và Rạp chiếu phim Thái Bình Dương Khúc Giang. Sử dụng lối thiết kế độc đáo khi kết hợp hài hòa giữa các hoạt động trên mặt đất và dưới lòng đất, đây là một trong những điểm đến không thể bỏ qua mỗi khi đến “Đại Đường Bất Dạ Thành”.
Đoan Trường sử dụng tiếng Trung khá lưu loát nên anh tự mình khám phá các ngõ ngách, cửa hàng lưu niệm, các gian hàng đặc sản địa phương, giao lưu với người bản xứ. Nam ca sỹ diện áo dài Việt Nam du hý khắp nơi làm khách du lịch thích thú và trầm trồ. Anh cho biết đây là tour du lịch đầu tiên tham quan tượng đất nung Tần Thủy Hoàng, thành cổ Trường An (Tây An), thành cổ Lạc Dương, Khai Phong Phủ- Bao Thanh Thiên, Thiếu Lâm Tự, cung điện Võ Tắc Thiên được tổ chức trở lại sau hơn 5 năm bị gián đoạn vì đại dịch và chưa có đường bay.
Nguồn: [Link nguồn]
Người đẹp của Hoa hậu Việt Nam 2010 giờ đây lui về hậu trường và đào tạo người mẫu, diễn viên.