"Lý Tiểu Long của Indonesia" khiến các đối thủ e ngại là ai?
Một chàng võ sư từng hành nghề lái xe tải đã khiến cả thế giới phải thán phục vì khả năng võ thuật và diễn xuất tuyệt vời.
Con đường gian nan của chàng võ sư thất nghiệp hành nghề lái xe tải
Iko Uwais tên thật là Uwais Quorny (đặt theo tên nhà thần bí Hồi giáo Uwais Quami) sinh năm 1983 ở thủ đô Jakarta, Indonesia. Anh lớn lên trong một gia đình gốc Betawi và bắt đầu học võ thuật Pencak Silat tại lò võ Tiga Berantai của chú ruột từ năm 10 tuổi. Vì vậy, ngay từ nhỏ Uwais đã trở thành niềm ngưỡng mộ và nỗi sợ hãi của bạn bè đồng trang lứa vì tài võ thuật.
Siêu sao võ thuật Indonesia
Năm 2003, Iko thắng giải ba Cuộc thi võ thành phố. Năm 2005, anh đoạt chức vô địch biểu diễn Pencak Silat toàn quốc Indonesia. Từ đây Iko có cơ hội được tham gia nhiều đấu trường diễn quốc tế như Anh Quốc, Nga, Pháp…Tuy nhiên, là một võ sư giỏi không có nghĩa là có cuộc sống giàu có, thu nhập cao.
Ngoài võ thuật, Iko cũng rất ham mê bóng đá, trở thành tiền vệ trong câu lạc bộ bóng đá Indonesia tham gia giải B-League. Nhưng thật không may, câu lạc bộ phá sản buộc anh phải rời bỏ sân cỏ, ước mơ trở thành ngôi sao bóng đá bị tiêu tan.
Từ một chàng võ sư thất nghiệp hành nghề lái xe tải, Iko đang lần mò tìm tới con đường thành công
Thất vọng chất chồng, cuộc sống của Iko Uwails cứ nhạt nhòa trôi qua mất định hướng. Tên tuổi tuổi Iko Uwais không còn nổi như xưa. Anh lang thang đi tới một số triển lãm Silat tại Anh, Nga, Lào, Campuchia và Pháp.
Vì miếng cơm manh áo, Iko đi lái xe tải cho công ty viễn thông. Cuộc đời của chàng võ sư trẻ cứ thế mất phương hướng cho đến một hôm định mệnh đưa đẩy anh gặp đạo diễn Gareth Evans. Cuộc gặp gỡ tạo ra tình huynh đệ xuyên lục địa cho tới hiện tại.
Mối lương duyên định mệnh với môn nghệ thuật thứ 7
Năm 2007, đạo diễn Gareth Evans tới Indonesia tìm diễn viên cho một bộ phim tài liệu về Silat và anh đã gặp Iko Uwais. Mối lương duyên đã giúp 2 người đàn ông trẻ nhiệt huyết đều có thừa nhưng chưa tìm được lối đi gặp nhau.
Iko Uwais nhớ lại: “Ông ấy mê tôi ngay lập tức”. Tuy nhiên, niềm tin lẫn nhau vẫn chưa nhiều, Iko nghĩ đây cũng chỉ là “một gã béo người da trắng ngốc ngếch”.
Đạo diễn Gareth Evans và Iko Uwais
Trong khi đó, Gareth Evans tiết lộ trên tờ Denofgeek: "Tôi nhận hợp đồng làm một bộ phim tài liệu tại Indonesia nói về những cảnh Silat. Tôi chưa từng thấy loại võ này bao giờ mặc dù đã được chứng kiến trường phái Kungfu hay Muay Thái qua truyền hình, Silat hoàn toàn mới lạ với tôi.
Tôi đã phải đi tới 5 thành phố khác nhau và cuối cùng đã gặp Iko. Nhưng cậu ấy không tin tưởng tôi ngay từ đầu, với hàng loạt câu hỏi: Ông là ai? Anh chàng da trắng này đến từ đất nước nào? Những lời hứa về các bộ phim có thành sự thật?… Phải mất một thời gian tôi mới có thể thuyết phục Iko".
Vì vậy, Gerath Evans nghiêm túc mời Iko Uwais làm diễn viên dài hạn cho mình bằng một hợp đồng 5 năm. Iko chính thức trở thành diễn viên.
Đạo diễn Evans chia sẻ: Trước khi bắt đầu sản xuất, diễn viên và cả đoàn làm phim đã phải dành ít nhất 3 tháng để thiết kế trận đấu. Thuật lại chi tiết số lượng đối thủ, các loại vũ khí, vị trí của từng người…Những cảnh chiến đấu, những động tác huých khủy tay, cú đấm, cú đá,…Tất cả mọi người làm việc cùng nhau để tạo ra những cảnh đỉnh cao của võ thuật"
Những bộ phim giúp Iko Uwais trở thành siêu sao võ thuật châu Á
Poster phim Merantau
Iko Uwais được cả Châu Á biết đến sau khi tham gia bộ phim đầu tiên: Merantau (Chiến Binh Merantau). Bộ phim trở thành một hiện tượng phim hành động ở khu vực Đông Nam Á năm 2009, được công chiếu tại rạp Việt cùng năm.
Những cảnh đánh võ mãn nhãn chắt lọc tinh hoa môn võ cổ truyền Pencak Silat của Indonesia đã được anh thể hiện xuất sắc.Thành công của phim đã đưa dàn đạo diễn và diễn viên chính ngang tầm với các nhà làm phim nổi danh khu vực châu Á, là niềm tự hào của điện ảnh Indonesia.
Bộ phim kể về một võ sinh từ vùng quê nghèo lên thành phố kiếm sống và phải lập được danh tiếng theo tục lệ cổ truyền của vùng. Tuy nhiên, vừa đặt chân lên phố, anh đã vướng vào một đường dây buôn bán phụ nữ, tính nhân văn trỗi dậy buộc anh phải tìm mọi cách triệt phá đường dây này.
Cảnh phim ấn tượng của Iko Uwais
Ba cảnh đánh nhau ấn tượng đã làm mãn nhãn những fan hâm mộ phim võ thuật: đánh nhau trên cầu vượt, rượt đuổi và chiến đấu trên các mái nhà, và cảnh cuối cùng là cảnh chiến đấu buổi tối, dồn mọi sức lực có thể để giết chết những tên đầu sỏ buôn người.
Năm 2011, cặp đôi tiếp tục đến với dự án Đột Kích và thành công ngoài mong đợi. Bộ phim đã khiến tên tuổi của Iko Uwais và cả nền điện ảnh Indonesia vụt sáng, được cả thế giới biết đến. Bộ phim kể về một cuộc đột kích của lực lượng đặc nhiệm SWAT Indonesia vào tòa nhà hoang ở Jakarta, một hang ổ của băng đảng tội phạm nguy hiểm nhất thế giới.
Video cảnh phim hành động nghẹt thở trong "Đột kích" năm 2011
Đến với LHP Quốc tế Toronto (TIFF) Canada, Đột Kích đã trở thành một hiện tượng có sức lan tỏa khu vực Bắc Mỹ. Tính tới tháng 8/2012 bộ phim thu về 4,1 triệu đô ở Mỹ và Canada. Tính tổng Tổng doanh thu toàn cầu của phim là 15 triệu đô - con số nhiều nhà làm phim châu Á mơ ước.
Sau thành công của The Raid các nhà làm phim vẫn tiếp tục tham vọng với Đột kích 2 vào năm 2013. Ra rạp cùng thời điểm với Captain America: Chiến Binh Mùa Đông, Đột Kích 2 có sức công phá không thua kém. Bộ phim được đánh giá cao hơn cả phần I và tiếp tục gây nên cơn sốt mới.
Video trích đoạn phim "Đột kích" năm 2013
Tờ The New Orleans Advocate nhận định “The Raid 2 đã đẩy phim hành động lên một tầm cao mới.” Những tác phẩm võ thuật được khen ngợi như một màn trình diễn múa ngoạn mục. Đặc biệt, những cảnh quay đánh nhau trong bùn ở sân nhà tù được nhiều phê bình gia tỏ vẻ phấn khích và đánh giá phá cách. Và từ đây, Iko trở thành một sao hành động châu Á có chỗ đứng ở Hollywood, được ví như là Lý Tiểu Long của Indonesia.
Là một ngôi sao võ thuật có tiếng nhưng Iko Uwais lại rất hiếm khi nói về bản thân hay chia sẻ về cuộc sống riêng. Mời độc giả đón xem kỳ 2: Chuyện đời tư giấu kín của diễn viên võ thuật nổi tiếng châu Á vào trưa thứ Tư ngày 19.10! |