Lý do kỹ xảo phim Việt luôn bị chê dở, như trò cười
Những năm gần đây, Việt Nam dần trở thành nơi chuyên gia công kỹ xảo cho nhiều phim điện ảnh quốc tế. Nhưng tại quê nhà, kỹ xảo lại bị chê lạc hậu.
Mới đây, series Parasyte: The Grey (Ký Sinh Thú: Vùng Xám) trình chiếu trên nền tảng Netflix Việt Nam gây ấn tượng trong lòng khán giả bởi hình ảnh, công nghệ VFX (Visual Effects- hiệu ứng hình ảnh) đặc sắc. Đặc biệt, nhiều người bất ngờ khi nhìn thấy phần giới thiệu ê-kíp sau phim với hàng loạt những cái tên Việt Nam.
Ê-kíp Việt Nam đứng sau công nghệ VFX của bộ phim nổi tiếng Hàn Quốc
Qua tìm hiểu, đây là nhân sự từ Bad Clay Studio, đơn vị từng đứng sau nhiều dự án quốc tế nổi tiếng như Sweet Home, Nữ luật sư kỳ lạ Woo Young Woo, Detective Pikachu, The Moon... Họ cũng đảm nhận vai trò VFX của những bộ phim trong nước như Trạng Tí Phiêu Lưu Ký, Hai Phượng, Mắt biếc, Hồn papa da con gái, Em và Trịnh, Kẻ ăn hồn...
Đây không phải lần đầu tiên đội ngũ Việt Nam làm VFX cho các bộ phim nước ngoài. Trước đó, phần giới thiệu cuối phim Squid Game (Trò chơi con mực) có sự hiện diện của hàng loạt cái tên Việt Nam. Ngoài ra còn có The Glory 2 (Vinh quang trong thù hận 2), Black Knight (Hiệp sĩ áo đen)...
Giới thiệu cuối phim "Squid game"
Ngoài các phim bộ trên Netflix, nhiều bom tấn Hollywood có phần hậu kỳ phức tạp như: Jurassic World, Avenger: Infinity War, Transformers: The Last Knight, Aquaman, Captain Marvel, Black Panther 2: Wakanda Forever… cũng có bàn tay thầm lặng của đội ngũ người Việt.
Tuy nhiên nếu như những bộ phim nước ngoài có nhân sự Việt Nam ghi dấu ấn bởi VFX ấn tượng thì tại quê nhà, các tác phẩm điện ảnh lại thường bị chê kỹ xảo sơ sài, lạc hậu. Kể cả phim được đầu tư lớn như Đất rừng phương Nam cũng bị nhận xét cảnh con chim đang bay, cá sấu lội dưới sông... còn giả, chưa đẹp.
"Đất rừng phương Nam" có kinh phí 2,2 triệu USD (hơn 54 tỷ đồng) nhưng kỹ xảo bị chê
Tại tọa đàm "Hoạt hình và kỹ xảo: Cơ hội thị trường toàn cầu" trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế TP.HCM mới đây, ông Lê Anh Dy - CEO blankNegatives (đơn vị làm VFX cho phim Thiên thần hộ mệnh, Chị chị em em 2...) đã giải thích lý do kỹ xảo phim Việt còn dở, chưa hay. Cụ thể ông cho rằng: "Do ngân sách. Các khách hàng đã xem kỹ xảo xịn nhưng không biết để làm vậy đòi hỏi chi phí rất cao. Không có nhiều tiền thì chất lượng chỉ đến đó. Nhưng có thể bù lại bằng kịch bản, câu chuyện hay".
Tuy nhiên ông Thierry Nguyen - đồng sáng lập Bad Clay Studio - lại không đồng tình việc kịch bản cứu kỹ xảo. "Kịch bản tốt thì kỹ xảo giúp mọi thứ tốt hơn lên nhưng nếu cốt truyện dở, không để lại ấn tượng gì cho người xem thì VFX cũng như vô hình. Khách hàng phải hiểu VFX không đơn giản là bấm vài cái nút, rê chuột là ra kết quả", ông nhấn mạnh.
Trước câu hỏi của một khán giả về kinh phí làm VFX, ông Thierry Nguyen trả lời: "Nên khôn khéo chọn VFX phù hợp, coi lại số lượng cần bao nhiêu. Khi viết kịch bản phải biết bao nhiêu phần quay kỹ xảo. Kinh phí cho 20.000 shot rất tốn kém, do đó nên coi lại phim thuộc thể loại gì, có thể thành công không?".
Ngoài ra, ông Thierry Nguyen còn cho rằng, Việt Nam cũng cần cải thiện, học tập kinh nghiệm, kỹ thuật mới từ các quốc gia trên thế giới, bên cạnh vấn đề ngân sách.
Kỹ xảo phim "Kẻ ăn hồn" được khen
Ông Phan Tuấn Anh, đồng sáng lập, CEO Animost Studio (Công ty sản xuất phim hoạt hình 3D ở Việt Nam), nhận xét, người Việt Nam ham học hỏi công nghệ, kỹ thuật mới nên việc đầu tư vào ngành VFX ở Việt Nam sẽ rất khả thi. Tuy nhiên, ngành kỹ xảo vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng tại Việt Nam. Những đóng góp của ngành vẫn chưa được biết đến rộng rãi, cũng như chưa được cộng đồng ghi nhận.
Làm kỹ xảo cho các phim Marvel, X-Men và nhiều phim Hollywood, ông Ming Pan, Giám đốc sáng tạo - nhà sản xuất VFX của Mixel Media - cho rằng, ngành kỹ xảo Việt Nam cần có cơ chế để đột phá vươn tầm thế giới. Trong đó, các nhà làm phim trẻ cần chú trọng bảo đảm ý tưởng, lựa chọn số lượng VFX phù hợp, kết hợp sáng tạo, tìm tòi. Việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong VFX như một công cụ bổ trợ cho các nhà làm phim nhưng cần tìm hiểu và xác định rõ sử dụng như thế nào để mang lại hiệu quả tối ưu cho sản phẩm.
Cách đây không lâu, trong một lần trò chuyện với chúng tôi, đạo diễn Charlie Nguyễn cho hay anh đang là nhà sáng lập của Comink Studio - đơn vị tổ chức workshop về truyện tranh. Anh ôm ấp hi vọng tạo nên một vũ trụ siêu anh hùng Việt Nam lên màn ảnh rộng.
Nam đạo diễn Dòng máu anh hùng chia sẻ: "Tôi biết Hàn Quốc có mời một số bạn trẻ Việt Nam gia công tác phẩm cho họ. Nước chúng ta có lịch sử văn hóa lâu đời. Vậy tại sao chúng ta không sáng tác câu chuyện của mình, kể lại những câu chuyện trong xã hội? Chúng ta cần phát triển, đưa câu chuyện của mình đến với thế giới, không chỉ tiêu thụ và gia công".
Nguồn: [Link nguồn]
Từ thực trạng nhiều phim lỗ hàng chục tỷ đồng khi ra rạp, nhiều câu hỏi được đặt ra về lý do khiến điện ảnh Việt vẫn chưa có lợi nhuận "khủng".