Lý do fan mất ăn, mất ngủ vì "Zippo, mù tạt và em"
Một chiếc bật lửa, một món gia vị gắn với những kỷ niệm, tạo nên ý nghĩa bộ phim.
Đề tài tình yêu học trò, quan hệ tay ba hay câu chuyện kẻ giàu - người nghèo đều không mới nhưng điều gì khiến bộ phim truyền hình Zippo, mù tạt và em trở thành một hiện tượng trong thời gian qua?
5 lý do dưới đây sẽ phần nào giải đáp sự chờ đợi của khán giả đối với bộ phim trong các buổi tối thứ 4, thứ 5 hàng tuần vào khung giờ vàng trên kệnh VTV3:
1. Nội dung phim- Ai xem cũng thấy mình trong đó
Zippo, Mù tạt và em khiến người ta có thể cười vui, có thể khóc cùng nhân vật
Zippo, Mù tạt và em khai thác một đề tài đã cũ nhưng cách thể hiện và câu chuyện thì vô cùng mới mẻ. Cái mới mẻ, khác biệt ở đây không phải là cái gì cao siêu mà chính là cách thổi hồn cho từng nhân vật.
"Bố mẹ lúc nào cũng tự đưa ra quyết định và không bao giờ hỏi ý kiến của con" - câu thoại của Huy khi bị bố áp đặt lối sống cũng giống như suy nghĩ của đa phần bạn trẻ hiện nay.
Bên cạnh đó, bộ phim khai thác triệt để các mảng trong cuộc sống đương đại, mối quan hệ gia đình, tình yêu sinh viên, lòng ích kỷ, sự đối kỵ….Bất kỳ một đối tượng khán giả nào cũng đều cảm nhận và thấm thía qua từng hình ảnh, nội dung và cảm xúc thực sự khi xem phim. Họ đều thấy mình sống lại hoặc đang sống trong từng thước phim.
2. Dàn diễn viên truyền hình nổi tiếng hội tụ trong phim
Nhã Phương là một điểm sáng cho nửa đầu bộ phim
10 tập đầu phim tái hiện lại thời sinh viên và tình yêu mới lớn. Nhã Phương vào vai nữ chính - Lam, một cô gái cá tính, tự lập, học giỏi và vô cùng sâu sắc biết yêu thương giúp đỡ người khác. Đặc biệt, cô được hai anh chàng là bạn thân với nhau cùng theo đuổi, dẫn đến cuộc tình tay 3 mang đến nhiều rắc rối sau đó là: Sơn (Bình An thủ vai) và Huy( Nguyễn Anh Tuấn thủ vai).
Những sao trẻ thân thuộc với khán giả hội tụ trong phần 2 phim
Trong 26 tập tiếp theo, bối cảnh phim miêu tả cuộc sống trưởng thành sau 6 năm, khi các bạn trẻ đã tốt nghiệp ra trường đời. Lúc này, Lã Thanh Huyền thay thế Nhã Phương vào vai Lam, Hồng Đăng vai Huy, Nguyễn Mạnh Trường vai Sơn. Lúc này, tất cả các diễn viên nam, nữ phụ đều được thay đổi nhưng vẫn là những gương mặt nổi tiếng quen thuộc với khán giả: Thanh Vân Hugo trong vai Mai, Minh Hương(Nhật ký vàng anh) trong vai Hoài, Vân Anh(Máy bay ký sự), Việt Anh….
3. Bối cảnh công phu, lãng mạn
Có thể nói Zippo, mù tạt và em là một trong những bộ phim truyền hình Việt được đầu tư công phu kỹ lưỡng về mặt hình ảnh. Không chỉ là chất xúc tác khiến diễn viên nhập vai hơn, bối cảnh phim còn mang đến sự hấp dẫn, cuốn hút người xem. Những địa danh nổi tiếng như Vĩnh Phúc, Huế, Đà Nẵng, Hội An… đều được chọn lọc đưa vào góc nhìn đẹp nhất, thơ mộng nhất.
Nổi bật trong phim phải kể đến những màn tỏ tình siêu lãng mạn, ví dụ cảnh đầu tiên tỏ tình với Lam, Huy đã ghép ảnh của bạn gái trải giữa sân trường. Hay cảnh hai người trên chiếc vòng đu, cảnh thả đèn hoa đăng… đều rất cầu kỳ và đẹp lung linh.
4. Đạo cụ khác biệt, gợi tò mò
Một món gia vị gắn với những kỷ niệm, tạo nên ý nghĩa bộ phim
Bộ phim khiến người xem tò mò ngay từ cái tên. Zippo - một chiếc bật lửa có gắn chữ H. Chỉ cần nghe tiếng tạch tạch của Zippo là các kỷ niệm ùa về. Nó khiến Lam nhớ về Huy và ngược lại Huy cũng nhớ Lam. Nhưng chiếc bật lửa cũng giống như lời nhắc nhở đối với Huy về tình bạn với Sơn và mối quan hệ tay 3 khó có thể dùng lý trí để dàn xếp.
Trong khi đó, mù tạt là một loại gia vị mới đầu ăn thì cay-nồng nhưng sau khi đã quen là sẽ "yêu" rồi... nghiện. Nó gắn với kỷ niệm của Lam với mẹ, kỷ niệm tình yêu đối với Huy. Quan trọng hơn nhất mù tạt giống như chính con người Lam, tượng trưng, ẩn dụ.
5. Nhạc phim hấp dẫn
Một bộ phim thành công không thể thiếu sót phần nhạc phim hấp dẫn. Khi giai điệu hay ca từ của một bài hát cất lên, người ta sẽ liên tưởng ngay tới chuyện phim hay số phận các nhân vật. Zippo, mù tạt và em có phần nhạc phim cũng không ngoại lệ, được khán giả vô cùng yêu thích và "truy lùng".
Ca khúc "Quay lại" do Trang Pháp thể hiện
Trong đó, ca khúc Anh vẫn nhớ em (sáng tác:Lê Anh Dũng, thể hiện:Phạm Quốc Huy) luôn được thể hiện ở đầu phim như một lời khẳng định, dù thế nào, cách xa bao nhiêu thì tình cảm, nỗi nhớ nhung vẫn nguyên vẹn.
Tiếp đó, sáng tác Thôi của nữ nhạc sỹ Tiên Tiên lại khắc họa sự chờ đợi mỏi mòn và chịu đựng của người con gái. Ca khúc Quay lại do Trang Pháp thể hiện được chọn ở những đoạn cao trào phim, khắc họa nỗi đau nỗi buồn trong tình yêu.
Cả 3 bài hát đều với giai điệu nhẹ nhàng nhưng đầy day dứt, nó giống như chất xúc tác vào bộ phim để thể hiện những câu chuyện trọn vẹn.