Lùm xùm bênh nghệ sĩ Việt bị tố ở Tây Ban Nha: Khi nghệ sĩ ngó lơ quy tắc ứng xử

Không mang tính pháp lý, không có chế tài khi nghệ sĩ và người hoạt động nghệ thuật vi phạm nhưng bộ quy tắc ứng xử dành cho nghệ sĩ là cẩm nang cho mỗi hành động, phát ngôn trước công chúng. Tiếc rằng trong mắt nhiều nghệ sĩ, bộ quy tắc tựa như “gió không màu”.

Phát ngôn phản cảm

Vụ việc hai nghệ sĩ Việt bị tố xâm hại tình dục cô gái 17 tuổi quốc tịch Anh khi du lịch Tây Ban Nha tạo nên cơn chấn động không nhỏ. Công chúng phản ứng trái chiều dù chưa có kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng. Lên án, phẫn nộ và cũng có bộ phận thấy tiếc cho người của công chúng có thể tiêu tan sự nghiệp vì những cáo buộc chưa rõ sai-đúng. Nghệ sĩ, đồng nghiệp thân cận với hai nghệ sĩ này gần như giữ im lặng tuyệt đối trên mạng xã hội, trên truyền thông. Ngay cả lãnh đạo hai đơn vị nghệ thuật nơi họ làm việc cũng thận trọng khi buộc phải lên tiếng trả lời báo giới. Ấy thế nhưng cũng có một số nghệ sĩ như Kiều Thanh, Kim Oanh “lội ngược dòng” dư luận bênh vực hai nghệ sĩ bằng những lí lẽ và phát ngôn thiếu tỉnh táo.

Dư luận phản ứng với phát ngôn lệch lạc của Kiều Thanh, Kim Oanh bênh vực đồng nghiệp liên quan tới vụ việc ở Tây Ban Nha

Dư luận phản ứng với phát ngôn lệch lạc của Kiều Thanh, Kim Oanh bênh vực đồng nghiệp liên quan tới vụ việc ở Tây Ban Nha

Kiều Thanh đã cho ẩn bài đăng trên facebook bênh vực hai nghệ sĩ Việt bị tố hiếp dâm, thế nhưng phát ngôn của cô được nhiều diễn đàn chia sẻ rầm rộ. Khán giả không thể đồng ý với nữ diễn viên này về những phát ngôn như “đàn ông đi nước ngoài nào chẳng thử...”, dù “không chủ động thì bị bạn bè tác động, người hâm mộ mời, tặng”. Kiều Thanh còn mỉa mai những cô gái ở nước ngoài “phát triển dậy thì sớm, trải nghiệm cũng sớm từ 12, 13 tuổi”. Quan điểm sai lệch của nữ nghệ sĩ bị dư luận chỉ trích dữ dội.

“Nếu trường hợp nghệ sĩ nào đó mượn sự việc ồn ào của nghệ sĩ khác để đánh bóng tên tuổi, gây ra sự tò mò, quan tâm của công chúng đối với bản thân thì càng trở nên nghiêm trọng về mặt đạo đức nghề nghiệp, hết sức đáng lên án.PGS.TS Bùi hoài sơn

Không riêng Kiều Thanh, diễn viên Kim Oanh cũng gây bão dư luận khi bênh vực đồng nghiệp bằng cách móc máy những người không đứng về phía hai nghệ sĩ Việt, trong đó có đoạn: “Nói chung đi chơi mà bị ‘mời lên phường’ thì đen rồi. Chết vì thiếu hiểu biết, chứ ngu gì mà hấp với chả diêm”. Khác với Kiều Thanh ẩn đi bài chia sẻ gây tranh cãi, Kim Oanh tiếp tục bảo lưu quan điểm và chia sẻ nội dung mới với giọng điệu thách thức: “Vậy nên tôi bênh các bạn tôi đấy, tôi bênh đồng nghiệp tôi đấy. Thì sao? Các bạn tôi làm đúng tôi cũng bênh, làm sai tôi cũng bênh, bênh ngu tôi cũng bênh”.

Phát ngôn phản cảm, gây sốc của nghệ sĩ và người hoạt động nghệ thuật không lạ. Tháng 12/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành bộ quy tắc ứng xử với kỳ vọng đưa ra thước đo chuẩn mực cho ứng xử và phát ngôn của nghệ sĩ trước công chúng. Đó là những quy tắc cô đọng trong hoạt động nghề nghiệp, ứng xử với đồng nghiệp, công chúng, ứng xử trên báo chí truyền thông và không gian mạng trong đó đều nhấn mạnh đến “bày tỏ và chia sẻ quan điểm đúng đắn, khách quan, không sử dụng từ ngữ gây mâu thuẫn, không sử dụng ngôn ngữ phản cảm”.

Thận trọng khi phát ngôn

Phát ngôn lệch lạc và phản cảm của những nghệ sĩ như Kiều Thanh, Kim Oanh làm dấy lên làn sóng phản đối của dư luận, thậm chí đòi tước danh hiệu nghệ sĩ ưu tú của họ. Các chuyên gia văn hóa cũng thẳng thắn mổ xẻ câu chuyện phát ngôn lệch lạc của một số người hoạt động nghệ thuật.

Nhà thơ, chuyên gia truyền thông Nguyễn Phong Việt cho rằng đã có bộ quy tắc ứng xử dành cho nghệ sĩ, thế nên bất cứ phát ngôn nào của nghệ sĩ dù trực tiếp hay gián tiếp thì đều nên cân nhắc, vì nó sẽ liên quan đến hình ảnh cá nhân cũng như sự tác động đến công chúng… “Trong vụ việc vừa xảy ra, chúng ta vẫn đang trong tâm thế chưa biết rõ chân tướng sự việc như thế nào. Do đó, ở góc độ cảm xúc, có thể hiểu được vì sao những đồng nghiệp của nghệ sĩ đang trong diện nghi vấn, lên tiếng bảo vệ những người họ quen biết. Tuy nhiên, tôi cho rằng, mọi việc lên án hay bao biện lúc này đều không mang đến giá trị tích cực nào cả”, Nguyễn Phong Việt nói.

Anh phân tích, việc lên tiếng trên các trang mạng xã hội-nơi không có “bộ lọc” nào trước khi đăng lên-vô hình trung có thể gây ra những hệ lụy không đáng có cho người lên tiếng… Thậm chí trong nhiều trường hợp bị “vạ lây” vào dù rằng chúng ta chẳng hề liên quan gì đến sự việc. “Họ nên chọn một thái độ trung hòa và chờ đợi vụ việc đưa ra ánh sáng. Lúc đó, việc lên tiếng cho cái đúng hay sai của nghệ sĩ với các đồng nghiệp đang liên quan vẫn chưa hề muộn”, anh Việt bày tỏ.

Chia sẻ với Tiền Phong, PGS.TS. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, việc một vài nghệ sĩ có những chia sẻ thông cảm với những vi phạm của đồng nghiệp là cách họ mong muốn thể hiện sự chia sẻ, động viên đồng nghiệp vượt qua khó khăn, áp lực của dư luận, mong muốn dư luận có một cách tiếp cận khác. “Đối với nghệ sĩ là bên cạnh một “thân phận” đặc biệt, họ cũng là người bình thường, cũng có thể mắc những lỗi thông thường, rất cần được tha thứ. Tuy nhiên, tôi cũng hiểu rằng, nghệ sĩ có một vị trí xã hội hết sức đặc biệt. Họ là những người được công chúng ngưỡng mộ, ảnh hưởng rất lớn đến suy nghĩ, thái độ, hành vi, lối sống của công chúng. Đặc biệt là ở nước ta, nghệ sĩ luôn được mong chờ trở thành những tấm gương sáng cho xã hội, để truyền cảm hứng về tính hướng thiện, vẻ đẹp cho công chúng. Chính vì thế, vinh dự càng lớn thì trách nhiệm xã hội của nghệ sĩ càng nhiều. Đó là lý do xã hội khắt khe nhiều hơn với nghệ sĩ”, PGS.TS. Bùi Hoài Sơn nêu.

Không chỉ có hiện tượng bênh vực nghệ sĩ, còn có những người “đu” theo lùm xùm của nghệ sĩ trên mạng xã hội. “Nếu trường hợp nghệ sĩ nào đó mượn sự việc ồn ào của nghệ sĩ khác để đánh bóng tên tuổi, gây ra sự tò mò, quan tâm của công chúng đối với bản thân thì càng trở nên nghiêm trọng về mặt đạo đức nghề nghiệp, hết sức đáng lên án. Nghệ sĩ phải ý thức rõ về chuyện này để khi họ có những chia sẻ, phát ngôn cần phải hết sức thận trọng, tránh làm ảnh hưởng đến môi trường lành mạnh, mong ước của công chúng đối với vẻ đẹp của nghệ thuật được thể hiện qua người nghệ sĩ, cũng như hình ảnh của chính họ. Tôi luôn có một niềm tin rằng, nghệ sĩ có vai trò giúp xã hội khai mở về cái thiện, cái đẹp và tình yêu thương. Vì thế, khi làm tròn trách nhiệm đạo đức và nghề nghiệp của mình, họ thực sự là những người đáng trân trọng. Đó là điều cả xã hội mong chờ ở nghệ sĩ”, ông Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.

Xung quanh câu chuyện của hai nghệ sĩ Việt, chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long cho rằng Hồng Đăng, Hồ Hoài Anh “đã đánh mất cơ hội ‘khoanh vùng đám cháy’ từ những phút đầu tiên” bởi vì nếu xử lý tốt thì mọi thứ sẽ được đặt đúng vị trí là “có cáo buộc” và “bị điều tra”. Thay vì việc phải nhấn mạnh vào việc “bị tố cáo” và “mạnh mẽ phản đối” bằng cách dùng mọi biện pháp có thể bảo vệ bản thân, tin tưởng vào sự công minh của pháp luật Tây Ban Nha thì hai nghệ sĩ chọn cách im lặng và khóa facebook cá nhân để lánh nạn.

Nguồn: [Link nguồn]

Bom tấn vượt 11 triệu vé tại Hàn bị cấm chiếu ở Việt Nam do đâu?

Phim hành động vừa lập kỷ lục phòng vé tại Hàn của Ma Dong Seok sẽ không được chiếu tại Việt Nam.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bảo Hân ([Tên nguồn])
Sao và scandal hậu trường đình đám Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN