Lợi dụng người chơi trong gameshow khoe thân
Sau những gameshow truyền hình tập trung khai thác các màn tranh cãi đầy kịch tính, một số nhà sản xuất chuyển hướng tạo sức hút bằng cách sử dụng thân thể của người chơi để tăng tương tác. Việc này phản ánh một vấn đề đạo đức xã hội, có thể xem là lợi dụng và hạ thấp nhân phẩm con người.
Xem thí sinh như con mồi
Những năm gần đây, thị trường gameshow truyền hình ngày càng phong phú tạo nên diện mạo giải trí nhiều màu sắc. Dù vậy, một số gameshow đã lạm dụng chi tiết gây tranh cãi nhằm thu hút sự chú ý. Khán giả không thể quên những màn đấu tố, cuộc chiến không hồi kết của các huấn luyện viên trong những chương trình tuyển chọn, tìm kiếm tài năng người mẫu. Sự tranh cãi này khiến tài năng, trình độ, kỹ năng của thí sinh bị lu mờ.
Nhiều gameshow truyền hình tạo sức hút bằng cách sử dụng thân thể của người chơi để câu tương tác
Không thể dùng mãi chiêu trò cũ, một số nhà sản xuất lại chuyển hướng tạo sức hút bằng cách sử dụng thân thể của người chơi. Hiện nay, người tham dự các gameshow âm nhạc không chỉ cần thể hiện giọng ca, họ còn phải chứng minh năng lực với những bước nhảy điêu luyện. Bên cạnh những tiết mục, sân khấu được dàn dựng chỉn chu, không thiếu những khoảnh khắc bị khán giả chỉ trích vì vũ đạo phản cảm.
Những tiết mục của Anh trai say hi trong một vài tuần gần đây nhận về không ít lời phàn nàn, cho rằng vũ đạo của một số tiết mục gợi dục, không phù hợp với phần đông khán giả. Những tiết mục bị “chỉ mặt điểm tên” có thể kể đến Love sand (Hieuthuhai, Jsol, Vũ Thịnh và Ali Hoàng Dương thể hiện), Hút (Nicky, Pháp Kiều, Wean, Hải Đăng Doo, Ali Hoàng Dương, Lou Hoàng thể hiện), Catch me if you can (Negav, Ricky, Công Dương, Quang Hùng MasterD thực hiện)...
Thí sinh thoải mái lột đồ để vượt qua thử thách trong chương trình Người giấu mặt
Tiết mục Love sand nhận về nhiều ý kiến trái chiều với tình tiết rapper Hieuthuhai để lộ một phần cơ thể sau khi tiết mục kết thúc. Đây cũng là lúc các thí sinh kêu gọi lượt bình chọn cho tiết mục của mình. Khán giả cho rằng, chương trình đang lợi dụng cơ thể của người chơi để tăng lượt tương tác. Trước đó, phân cảnh nam rapper này lộ phần lớn cơ thể trong chương trình 2 ngày 1 đêm cũng bị chỉ trích. Anh chỉ dùng một thùng giấy để che các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể.
Những tình tiết này có thể đem đến tiếng cười, tăng tương tác cho chương trình, tuy nhiên lại đặt ra những vấn đề về đạo đức và tôn trọng quyền riêng tư của nghệ sĩ. Theo TS. Nguyễn Tuấn Anh (Viện Nghiên cứu Thanh niên, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam), con người ít chú ý đến những sự việc, câu chuyện bình lặng như cuộc sống đời thường.
Vì vậy, khán giả luôn bị những chương trình, sự kiện có sự kịch tính thu hút. Điều này khiến các nhà sản xuất chương trình truyền hình không ngại đưa những tình huống, phân cảnh gây tranh cãi để đáp ứng thị hiếu của một bộ phận công chúng.
Không thể buông lỏng
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh, việc sử dụng hình ảnh cơ thể của người chơi bất kể là nam hay nữ để câu lượt theo dõi trong các chương trình truyền hình đều phản ánh một vấn đề đạo đức xã hội, có thể bị xem là lợi dụng và hạ thấp nhân phẩm con người.
“Một số chương trình cố tình tập trung vào yếu tố nhạy cảm để thu hút người xem, thay vì dựa vào nội dung chất lượng và sáng tạo. Việc chuyển sang sử dụng hình ảnh nam giới để câu tương tác có thể được hiểu là một cách để đa dạng hóa đối tượng khán giả, nhưng nó vẫn là hành vi vi phạm về đạo đức”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhận định.
Khi các chương trình giải trí tập trung vào yếu tố bề ngoài sẽ khiến giới trẻ nhận định lệch lạc, không tiếp tục tìm kiếm, phát triển giá trị cá nhân, khả năng và tài năng thật sự. Với quan niệm đó, giới trẻ có thể bị cuốn vào sự hào nhoáng và phù phiếm bên ngoài. Về lâu dài, việc tôn sùng và theo đuổi những chuẩn mực ngoại hình không thực tế có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tinh thần và thể chất.
“Các vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân mà còn bao trùm xã hội, nếu nó trở thành tiêu chuẩn chung. Việc lạm dụng yếu tố kịch tính, nhạy cảm trong gameshow truyền hình là một vấn đề cần xem xét và cải thiện ngay lập tức để bảo vệ lợi ích của cả người chơi lẫn khán giả, đồng thời nâng cao chất lượng ngành công nghiệp giải trí”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nêu.
Việc nâng cao chất lượng quản lý góp phần ngăn chặn tình trạng lạm dụng các tình tiết và các yếu tố nhạy cảm để tăng lượt xem, lượt tương tác. Nhiều chuyên gia nhận định, phương thức hậu kiểm dành cho các chương trình truyền hình là không đủ, vì vậy cần kết hợp phương thức tiền kiểm và hậu kiểm. Hình thức tiền kiểm giúp kiểm tra và điều chỉnh nội dung trước khi phát sóng, trong khi hậu kiểm đảm bảo các vi phạm sẽ được xử lý nghiêm sau khi phát sóng. Sự kết hợp này sẽ tạo ra một cơ chế quản lý toàn diện.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, để làm được điều này, các cơ quan quản lý nhà nước cần đặt ra các quy định rõ ràng về những nội dung không được phép phát sóng, từ đó yêu cầu các nhà sản xuất nắm rõ và tuân thủ. Bên cạnh đó, hình thức xử phạt cần được áp dụng một cách chặt chẽ, minh bạch và công khai. Khán giả cũng nên có trách nhiệm trong việc phản hồi, lên tiếng về các nội dung không phù hợp trên sóng truyền hình. Điều đó góp phần tạo áp lực lên nhà sản xuất, buộc họ cải thiện chất lượng chương trình.
Nội dung lành mạnh át sự độc hại Một số chuyên gia cho rằng, cần đẩy mạnh các chương trình có nội dung giáo dục, lành mạnh và phù hợp với khán giả trẻ. Các khóa đào tạo về đạo đức nghề nghiệp và kỹ năng làm việc chuyên nghiệp cho những người làm nội dung và đạo diễn là cần thiết, đồng thời khuyến khích và yêu cầu các nhà sản xuất nội dung phải thể hiện trách nhiệm xã hội. Các nhà đài nên khuyến khích và hỗ trợ tài chính cho các chương trình mang tính giáo dục, có nội dung sáng tạo và thân thiện với gia đình. |
Nguồn: [Link nguồn]
“Anh trai say hi” quy tụ các nghệ sĩ đều có tên, đang hoạt động chuyên nghiệp. Họ chính là một phần hiện tại và tương lai của Vpop. Tiếc là chương trình họ tham gia dính hơi nhiều lùm xùm. Cấu trúc của một số phát sóng cũng không hợp lý.