Khi BTS, BlackPink hát nhạc Sơn Tùng, Bích Phương
Tràn lan những ca khúc dùng giọng AI của ca sĩ để cover bài hát của nghệ sĩ khác được đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội, bằng nhiều thứ tiếng. Ban đầu, những video này khiến người xem thích thú vì thỏa mãn ước mong của người hâm mộ, song khiến không ít người cảm thấy sợ hãi vì có thể kéo theo nhiều hệ lụy.
Trí tuệ nhân tạo dần dần xâm chiếm các lĩnh vực, không ngoại trừ âm nhạc. Thời gian qua, nhiều bản cover bài hát nổi tiếng của các nghệ sĩ lan truyền trên TikTok, Michael Jackson hát nhạc The Weeknd, Ariana Grande ngân nga giai điệu Kpop, thậm chí thần tượng Kpop hát tiếng Việt.
Khi idol Kpop biết hát tiếng Việt…
Jungkook (BTS) là ca sĩ Kpop bị nhiều người dùng phần mềm AI giả giọng, lồng ghép vào đa dạng thể loại nhạc khiến người nghe phải bất ngờ. Trên TikTok, bản nhạc AI Jungkook hát Hãy trao cho anh của Sơn Tùng M-TP nhận 1,7 triệu lượt xem, nhiều video khác như See tình, Chúng ta không thuộc về nhau cũng thu hút lượng lớn người nghe và chia sẻ.
Theo một số fan nhận xét của Jungkook, giọng hát AI cơ bản không thể giống hoàn toàn 100%, chỉ ở mức tương đồng trong vài âm sắc. Tuy nhiên có nhiều bản Jungkook AI giống tầm 70-80% như Tình yêu chậm trễ, I Feel it coming, Under the influence, Star Boy...
Tương tự với trường hợp của Jungkook, Jennie bị bắt chước giọng trong các bản cover do AI tạo ra. Các bản nhạc Bùa yêu (Bích Phương), Nếu lúc đó (tlinh)…
Tràn lan những ca khúc dùng giọng AI của ca sĩ để cover bài hát của nghệ sĩ khác được đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội, bằng nhiều thứ tiếng. Ảnh: CMH.
Tình trạng này đã xảy ra một thời gian khi các ca sĩ liên tục bị “nhân bản” và tiếp tục tiếp diễn bởi loạt clip đăng tải đều nhận được sự chú ý nhất định.
Hầu hết nền tảng hoạt động bằng cách sử dụng công nghệ để phân tích lượng lớn dữ liệu, chẳng hạn như bản nhạc, giai điệu, cao độ, trường độ, âm sắc, sau đó cung cấp dữ liệu cho AI xử lý chúng, tạo ra bản nhạc, nhái giọng bằng nhiều ngôn ngữ.
Một trong những ví dụ nổi tiếng nhất về âm nhạc do AI tạo ra là việc các nhà nghiên cứu tại Đại học Rutgers hoàn thành bản giao hưởng số 10 của Beethoven. Beethoven có chín bản giao hưởng hoàn chỉnh và chưa hoàn thành bản thứ 10. Các nhà nghiên cứu đã cung cấp cho AI dữ liệu từ những bản giao hưởng này để hoàn thành tác phẩm của ông.
Các trình tạo nhạc AI được tạo ra gần như là nhạc có bản quyền, câu hỏi liệu nhạc AI có hợp pháp hay không đã là một cuộc tranh luận sôi nổi giữa các chuyên gia. Universal Music Group – một trong những công ty âm nhạc quyền lực nhất thế giới, gần đây đã yêu cầu các nền tảng nhạc trực tuyến gỡ bản nhạc do AI tạo ra từ giọng hát của rapper Drake do vi phạm bản quyền.
Công ty UMG yêu cầu các nền tảng phân phối nhạc gỡ bỏ Heart on My Sleeve do vi phạm bản quyền của nghệ sĩ, song nhiều người cho rằng yêu cầu được chấp thuận do áp lực từ "ông lớn" ngành âm nhạc, trong khi thực tế luật bản quyền không bảo vệ giọng hát. Ảnh: GQ.
Một số chuyên gia đứng về phía UMG, Karl Fowlkes - luật sư tại The Fowlkes Firm chia sẻ với CNN rằng tòa án và văn phòng bản quyền nên cấm âm nhạc do AI tạo ra và chỉ nên bảo vệ “tác phẩm nghệ thuật gốc” chứ không phải tác phẩm được tạo ra bởi máy móc dựa trên bản gốc để tạo ra tác phẩm mới.
Trái lại, giáo sư luật đại học Stanford Mark A. Lemley và luật sư Bryan Casey không đồng ý và phản biện đây là quá trình tổng hợp ngoại lệ của quyền tác giả.
Hồi tháng 4, bài hát có sự góp giọng của Drake và The Weeknd mang tên Heart on My Sleeve được đăng tải lên nhiều nền tảng âm nhạc, thu hút 10 triệu lượt xem trên TikTok, hơn 250.000 lượt stream trên Spotify nhưng các ca sĩ đều không biết gì về sự tồn tại của bản nhạc này. Tác giả tên Ghostwriter nói đã tạo ra bản nhạc bằng công nghệ AI.
Theo Theverge, Heart on My Sleeve đều là tác phẩm mới, nguyên bản vì giọng hát, phong cách, dòng nhạc hầu hết không có bản quyền bảo vệ. “Nếu một người viết lời bài hát của riêng họ, tạo nhịp đơn giản, thu âm giọng hát và đưa cho AI hát giọng The Weeknd, thì sẽ không có tác phẩm hiện có nào bị sao chép. Việc quảng cáo ca khúc mới dưới dạng bài hát của The Weeknd sẽ trở nên khó khăn, nhưng đều là vấn đề thương hiệu hơn là bản quyền” – Theverge viết.
Ở khía cạnh pháp lý, Luật Bản quyền không bảo vệ giọng hát, âm sắc bởi chỉ có ngôn từ, điệu nhạc, tác phẩm nghệ thuật… nằm trong phạm vi áp dụng của luật và âm sắc không thuộc một trong các loại bảo hộ nhãn hiệu.
Tiềm ẩn nguy cơ từ việc lạm dụng AI
Ban đầu, người nghe cảm thấy thích thú vì có thể nhờ AI nghe giọng thần tượng của mình cover bài nhạc yêu thích. Việc thỏa mãn mong ước khiến trào lưu sử dụng công nghệ này trở nên phổ biến dù vẫn còn khoảng cách nhất định so với giọng hát gốc. Song điều này khiến nhiều người lo sợ hình thức này ngày càng trở nên biến tướng bởi hầu hết các bản cover và các bài hát gốc được AI tạo ra đều không có sự đồng ý của chủ nhân.
Nhiều người hâm mộ của Jungkook kêu gọi gỡ bỏ các clip “giả giọng”, ngừng tạo video “nhân bản” giọng hát bởi việc này không đem lại lợi ích cho thần tượng và là hành vi xâm phạm quyền tên tuổi của nghệ sĩ. Hơn thế, hình thức này tiềm ẩn nguy cơ bị thành phần sao chép giọng sản xuất bài hát có nội dung thô tục, độc hại bằng nhiều ngôn ngữ.
Các chuyên gia lo ngại việc sao chép giọng nói AI sẽ sớm trở thành một vấn đề đáng báo động khi có thể dễ dàng mạo danh, thực hiện các hành vi lừa đảo giống như công nghệ deepfake - sử dụng trí tuệ nhân tạo để lấy hình ảnh, giọng nói của một người ghép vào video của người khác.
Đạo diễn huyền thoại của Ghibli – Miyazaki Hayao - chỉ trích một cách thẳng thắn công nghệ AI đang ăn dần ăn mòn linh hồn mà nghệ sĩ thổi vào tác phẩm, làm nó biến dị, ghê gớm.
“Tôi cảm thấy ghê tởm. Nếu các bạn muốn làm mấy thứ rùng rợn thì cứ làm đi. Tôi sẽ không bao giờ kết hợp công nghệ này vào các tác phẩm của mình. Tôi cảm thấy đây là một sự xúc phạm đối với chính bản thân cuộc sống” – đạo diễn nói.
Dahl - tay trống chuyên nghiệp trong ban nhạc rock nổi tiếng One Bad Son – nhận định AI đơn giản chỉ là công cụ bắt chước, tổng hợp dữ liệu có sẵn và cho rằng những người sáng tạo chân chính cần được bảo vệ theo hệ thống quản lý chuẩn mực.
Công nghệ Ai nhân bản giọng hát khiến nhiều người lo ngại. Ảnh: Getty.
Trả lời tạp chí Billboard, công ty UMG nói bản nhạc AI lan truyền "chứng minh lý do tại sao các nền tảng có trách nhiệm pháp lý và đạo đức để ngăn chặn việc sử dụng dịch vụ và gây thiệt hại cho các nghệ sĩ”. Hành động gay gắt của UMG ngăn chặn bản nhạc AI “nhân bản” từ giọng ca sĩ có thể nhận được doanh thu khi đăng tải trên các hệ sinh thái streaming.
“Hoặc là đứng về phía của các nghệ sĩ, người hâm mộ và thể hiện sáng tạo của con người, hoặc đứng về phía những kẻ giả mạo sâu sắc, lừa đảo, từ chối bồi thường xứng đáng cho các nghệ sĩ” - UMG nói thêm.
Nhà phê bình âm nhạc nổi tiếng Shawn Cee cảnh báo người nghe rằng âm nhạc do AI tạo ra có thể phát triển nhanh hơn quy định hiện hành: “Thật kỳ lạ và đáng sợ khi thấy hình ảnh, giọng hát giống hệt bạn trong những tình huống bạn chưa bao giờ chấp thuận”.
Trong khi các hãng thu âm lớn đang cố gắng chống lại các bài hát mô phỏng giọng của các nghệ sĩ nổi tiếng bằng AI, ca sĩ người Canada Grimes lại có những ý tưởng khác.
“Tôi sẽ chia 50% tiền bản quyền cho bất kỳ bài hát thành công nào do AI tạo ra sử dụng giọng hát của tôi” - Grimes chia sẻ trên trang cá nhân. “Hãy thoải mái sử dụng giọng của tôi mà không lo bị ràng buộc pháp lý” - cô nói.
Thực tế, nhiều mô hình nhân bản giọng hát vẫn đang diễn ra. Mới nhất, Bighit Music, công ty chủ quản của BTS, tung MV Masquerade do MIDNATT – giọng hát AI, phát triển từ giọng gốc của ca sĩ Lee Hyun. Bài hát gốc Lee Hyun hát bằng tiếng Hàn, sau đó dùng AI chuyển ngữ sang 5 phiên bản ngôn ngữ, trong đó có tiếng Việt.
Nổi tiếng, xinh đẹp và thành công nhưng cả hai nữ diễn viên khá kín tiếng trong đời tư.
Nguồn: [Link nguồn]