Khai mạc Olympic 2024 - nghệ thuật và 'báng bổ'
Lần đầu tiên ở Thế vận hội, khai mạc diễn ra trên sông Seine đậm tinh thần văn hóa Pháp, nhưng bị một số khán giả chỉ trích "báng bổ tôn giáo".
Chương trình nghệ thuật ngày 26/7 là lần đầu tiên trong hơn 120 năm Thế vận hội Mùa hè mở màn ở trung tâm thành phố, với sân khấu dài 6 km trên sông Sein - "linh hồn" của Paris. Sự kiện đón lượng khán giả trực tiếp kỷ lục - 320.000 người, theo ước tính của ban tổ chức. Khi vận động viên các nước đang tranh tài, nhiều khán giả tiếp tục tranh luận sôi nổi về chất lượng chương trình lễ khai mạc.
Ông Thomas Jolly - giám đốc nghệ thuật chương trình - là diễn viên kịch, đạo diễn sân khấu, nhạc kịch kỳ cựu. Về lý do chọn sông Sein làm nơi tổ chức sự kiện, ông nói: "Chúng tôi có bối cảnh đẹp nhất trên thế giới, tại sao còn cần dựng bối cảnh khác".
Thời lượng buổi lễ năm nay tương đương các kỳ Olympic Rio 2016, Olympic London 2012, Olympic Bắc Kinh 2008 - đều khoảng bốn tiếng. Khoảng 3.500 diễn viên, vũ công và ca sĩ tham gia, 160 chiếc tàu thủy chở nghệ sĩ và vận động viên cùng dẫn dắt khán giả qua 10 chương. Các màn diễn từ từ mở ra dọc đôi bờ sông - nơi quy tụ hầu hết công trình kiến trúc nổi danh gắn liền với bề dày lịch sử và văn hóa Pháp.
Lễ khai mạc Olympic Paris 2024.
Một nhân vật trùm mặt, tay cầm ngọn đuốc, đóng vai trò "hướng dẫn viên" đưa khán giả đi vào những câu chuyện. Dưới cơn mưa nhỏ, dấu ấn thể thao, lịch sử, văn học và nghệ thuật hòa làm một.
Dòng sông Seine được ban tổ chức ví dòng chảy lịch sử, chứa đựng và dung dưỡng mọi sự khác biệt. Nơi đó, các giá trị văn hóa, nghệ thuật của quá khứ và hiện tại hòa trộn, đan xen.
Màu sắc sân khấu, nhạc kịch được khắc họa đậm nét. Khi vận động viên ngồi thuyền ra mắt khán giả, nhạc nền là ca khúc ở vở Starmania (Giấc mơ danh vọng) - một trong số tác phẩm nhạc kịch tiêu biểu của Pháp. Tại một bến cảng, 80 nghệ sĩ ở Moulin Rouge mặc trang phục rực rỡ, nhảy căng-căng (tiếng Pháp: Cancan) - vũ điệu tràn đầy năng lượng, động tác hoạt bát với trang phục là váy xòe có lớp lót.
Người đàn ông đội mũ trùm đầu, cầm đuốc chạy ở khai mạc Olympic 2024. Video: X Manual dos Games
Ở tiết mục khác, âm nhạc và hình ảnh lấy cảm hứng Bóng ma trong nhà hát - vở kịch dựa theo tiểu thuyết cùng tên ra mắt năm 1909 của Gaston Leroux, nói về bi kịch của người đeo mặt nạ trú ẩn dưới hầm nhà hát Opera Paris.
Khi tiếng chuông Nhà thờ Đức Bà vang lên, người đàn ông trùm đầu, cầm đuốc, lại xuất hiện. Nhân vật nhảy trên nóc Nhà hát Châtelet, quận Một, một trong trung tâm nghệ thuật của thành phố. Hình ảnh này làm khán giả liên tưởng nhân vật chính trong game Assassin's Creed - người đi qua những thành phố lịch sử nổi tiếng của Pháp.
Đoạn về hoàng hậu Marie Antoinette. Ảnh chụp màn hình lễ khai mạc
Đạo diễn dành một chương nói về tự do. Loạt nghệ sĩ tái hiện vở kịch Những người khốn khổ, chuyển thể tiểu thuyết của Victor Hugo. Nhân vật cầm đuốc soi sáng căn hầm của những người nổi dậy. Khi máy quay chuyển hướng, trên bậu cửa sổ của nhà tù cổ ở Paris, một nữ diễn viên hóa trang hoàng hậu bị chặt đầu Marie Antoinette, hát điệu cải biên ca khúc thời cách mạng Pháp, tên Mọi thứ sẽ ổn thôi.
Trong lịch sử, Marie Antoinette bị giam hơn hai tháng trong nhà tù Temple ở Paris trước khi bị hành quyết. Nền gạch trong ngục ẩm ướt do nước sông ngấm vào. Những sự kiện trong hàng trăm năm như giao thoa trên dòng Seine.
Cảnh lấy cảm hứng tiểu thuyết "Những người khốn khổ". Video: Olympics
Ngoài văn học, nhạc kịch, buổi lễ đưa người xem nhìn lại những khoảnh khắc kinh điển trong điện ảnh Pháp, trong đó có Playtime của đạo diễn Jacques Tati, quay từ 1964-1967. Hình ảnh ba người trẻ chạy nhảy gợi nhớ poster phim Jules và Jim của François Truffaut - một trong đạo diễn tạo ra phong trào Làn sóng Mới của Pháp.
Cảnh ở lễ khai mạc (trên) và cảnh phim "Jules và Jim".
Theo dẫn dắt của người cầm đuốc, khán giả nhìn thấy Bảo tàng Orsay ở quận Bảy, yếu tố điện ảnh xuất hiện qua cảnh đoàn tàu phá vỡ rào cản giữa quá khứ và thực tại. Hình tượng này nhằm tri ân anh em Auguste và Louis Lumière - những nhà làm phim đầu tiên của thế giới. Con tàu lấy cảm hứng phim The Arrival of a Train năm 1895 của Lumière. Khi công chiếu bấy giờ, nhiều khán giả hoảng hốt vì nghĩ đầu tàu sẽ lao khỏi màn chiếu và đâm vào họ.
Tiếp theo, người cầm đuốc bước lên khinh khí cầu, gợi nhớ tác phẩm Vòng quanh thế giới trong 80 ngày của Jules Verne. Khi khinh khí cầu được thắp sáng, nhân vật trong Hành trình lên mặt trăng, Hoàng tử bé và Despicable Me lần lượt xuất hiện.
Các biểu tượng văn hóa thế kỷ 20, 21 xuất hiện ở lễ khai mạc, như Hoàng tử bé ngoài vũ trụ, các minions đang chuẩn bị đua tranh Olympic.
Chương trình không thiếu những khoảnh khắc xúc động. Nghệ sĩ piano Sophie-Anne Parmat và ca sĩ Juliet Armante hát Imagine trên chiếc bè trôi dạt, như lời kêu gọi về một thế giới đoàn kết, hòa bình. Màn trình diễn của Celine Dion cũng làm rung động khán giả, khi hàng triệu người trên thế giới bày tỏ thán phục nghệ sĩ vượt qua nghịch cảnh, cất tiếng hát cao vút để khép lại chương trình.
Các minions ăn trộm tranh "Mona Lisa", một trong khoảnh khắc tinh nghịch ở buổi lễ. Ảnh chụp màn hình
Tuy nhiên, buổi lễ gây tranh cãi dữ dội ở một số tiết mục, bị nhiều người nhận xét "tự do quá đà, phóng đãng, vượt qua ranh giới đạo đức". Theo trang SCMP, trên các mạng xã hội, hàng chục nghìn người gọi đây là kỳ khai mạc "tệ nhất lịch sử Olympic".
Trong một màn tôn vinh tự do yêu đương, nhân vật nữ hôn người đàn ông bên trái, sau đó hôn người đàn ông bên phải, cả ba cùng vào phòng, đóng cửa. còn tiết mục dấy phản đối nhiều nhất là cảnh khoảng 20 nghệ sĩ ngồi quanh chiếc bàn dài, người đàn ông sơn người xanh, gần như khỏa thân, nằm trên bàn. Ông Thomas Jolly khẳng định phần trình diễn không dựa trên bức tranh về Chúa The Last Supper (Bữa tối cuối cùng) của danh họa Leonardo da Vinci. Tuy nhiên, nhiều đoàn thể, khán giả cho rằng hình ảnh nhại theo tranh, báng bổ tôn giáo, xúc phạm người theo đạo Thiên Chúa.
Hội đồng giám mục của Giáo hội Công giáo Pháp đăng thông cáo, đánh giá chương trình "đẹp, vui tươi, tình cảm phong phú" song lấy làm tiếc vì đoạn gây liên tưởng sự chế nhạo đạo Thiên chúa. Hội đồng giám mục gửi lời động viên những người bị tổn thương vì "một số cảnh tượng khiêu khích". Theo The Paper, thị trưởng Paris, bà Anne Hidalgo, nhận xét lễ khai mạc "tràn đầy vui tươi, sự sáng tạo nhưng một số hành vi chưa đúng mực".
Một số trích đoạn chương trình khai mạc Thế vận hội 2024. Video: CCTV
Trước làn sóng chỉ trích, hôm 28/7, bà Anne Descamps - phát ngôn viên của Thế vận hội - xin lỗi những người cảm thấy bị xúc phạm về tiết mục, nhưng nhấn mạnh phần trình diễn này cũng như toàn bộ chương trình thể hiện sự đa dạng giữa các tư tưởng, nền văn hóa, không hề có ý mạo phạm bất kỳ tôn giáo hay đoàn thể nào.
Cùng ngày trên kênh BFM, ông Thomas Jolly nói tiết mục gây tranh cãi lấy cảm hứng từ thần Dionysus trong thần thoại Hy Lạp. "Bạn sẽ không bao giờ tìm thấy trong tác phẩm của tôi bất kỳ ý đồ chế giễu hay hạ thấp ai. Tôi muốn chương trình gắn kết mọi người, hòa giải xung đột", giám đốc nghệ thuật nói. Còn trên X, ban tổ chức cho biết hình tượng Dionysus gửi thông điệp phản đối bạo lực.
Trang France24 dẫn kết quả thăm dò ý kiến của công ty Harris Interactive, trong đó 85% người Pháp cho rằng lễ khai mạc thành công. 79% người nhận định những ngày tiếp theo của Thế vận hội diễn ra tốt đẹp, số còn lại cho biết "bi quan" về sự kiện.
Theo The Paper, tại Liên hoan phim Cannes hồi tháng 5, ông Tony Estanguet - chủ tịch Ủy ban tổ chức Olympic Paris - nói ngay từ phút mở màn, ông muốn khán giả thấy Olympic năm nay mang lại những điều chưa từng có trong lịch sử. Tony Estanguet tin sau thế vận hội, cá nhân ông và Paris đều thay đổi.
Juliette Armanet hát "Imagine", ca khúc nói về hòa bình. Video: Olympic
Nguồn: [Link nguồn]
Pháp - Tái xuất sau 4 năm dừng sự nghiệp để điều trị bệnh, Celine Dion gây xúc động khi biểu diễn ca khúc 'Hymne à L'amour' kết thúc lễ khai mạc Thế vận hội Paris, sáng 27/7.