Hoàng hậu duy nhất trong lịch sử triều đại nhà Thanh dám cắt tóc đoạn tình với hoàng đế
Vị hoàng hậu này còn được nhà làm phim xây dựng thành nhân vật chính trong tác phẩm " Hậu Cung Như Ý Truyện".
Trong rất nhiều bộ phim cổ trang của Trung Quốc, phân cảnh Thanh Cao Tông Kế hoàng hậu tự tay cắt đi mái tóc của mình trước mặt hoàng đế Càn Long luôn gây ấn tượng với khán giả. Việc này đã khiến cho Kế hoàng hậu sinh thời được vua hết mực sủng ái, vậy mà đến khi qua đời, tang lễ của bà lại sơ sài chẳng khác gì bậc nô tì thấp kém.
Màn cắt tóc kinh điển của Kế hoàng hậu trên phim ảnh
Kế Hoàng hậu hay còn gọi là Ô Lạt Na Lạp là hoàng hậu thứ hai của Thanh Cao Tông Càn Long đế. Bà là người đứng đầu Lục cung duy nhất của nhà Thanh không có thụy hiệu mặc dù Ô Lạt Na Lạp sinh ra trong một gia tộc vô cùng danh giá, hiển hách.
Nhân vật Kế hoàng hậu do diễn viên gạo cội Đới Xuân Vinh đóng trong "Hoàn Châu cách cách".
Mỗi kịch bản của bộ phim xây dựng hình tượng Kế hoàng hậu Na Lạp thị khác nhau. Tuy nhiên, dù ở hình tượng nào, Kế hoàng hậu đều có kết cục bi thảm và chọn cách cắt đi một đoạn tóc để đoạn tuyệt tình cảm với bậc đế vương. Cảnh cắt tóc trong mỗi bộ phim đều khiến khán giả rơi nước mắt vì xúc động.
Trong "Hoàn Châu cách cách", Đới Xuân Vinh thể hiện rất thành công khi thể hiện được vai diễn Kế hoàng hậu vừa đầy lòng hận thù đố kị, vừa độc ác và chuyên quyền. Nữ diễn viên kể lại cảnh đáng nhớ nhất là cảnh cắt tóc đi làm ni cô, đạo diễn bảo cô chỉ diễn giả vờ, ai ngờ cô đã quá nhập tâm vào kịch bản và cắt phăng mái tóc dài đã nuôi nhiều năm. Bởi vì diễn quá đạt vai hoàng hậu độc ác khiến Đới Xuân Vinh bị con gái xa lánh và khán giả "ghét lây" suốt 20 năm.
Phiên bản Kế hoàng hậu (Nhàn Phi) của Xa Thị Mạn.
Bộ phim "Diên Hy công lược" cũng tái hiện cảnh cắt tóc của Kế Hoàng hậu Na Lạp Thục Thận để lại nhiều ấn tượng trong lòng người xem. Với kinh nghiệm diễn xuất dày dặn, Xa Thị Mạn đã thể hiện thành công vai diễn phức tạp về nội tâm, đặc biệt là ánh mắt chứa đầy nỗi căm phẫn của cô.
Phiên bản Kế hoàng hậu của Xa Thi Mạn có tạo hình vô cùng khí chất, đoan trang. Bản tính ở giai đoạn đầu của phim là một Phi tần một lòng chỉ yêu hoàng đế Càn Long, không hứng thú với tranh giành đấu đá, chỉ muốn bình yên sống một cuộc sống hòa bình trong cung đình. Thế nhưng, sau khi trải qua sự mất mát của em trai và mẫu thân, Nhàn phi chính thức hắc hóa, từ đây gia nhập vào đội hình phe phản diện của phim.
Video: Cảnh cắt tóc của Xa Thị Mạn khiến khán giả khen ngợi hết lời.
Trái ngược với hình ảnh hoàng hậu độc ác trong "Hoàn Châu cách cách" và "Diện Hy công lược", phiên bản Ô Lạt Na Lạp của Châu Tấn trong "Hậu cung Như Ý truyện" được xây dựng là người hết lòng hết dạ yêu Càn Long, nhiều lần chịu uất ức vì cuộc chiến chốn thâm cung, luôn làm tròn bổn phận của một chủ hậu cung và một người vợ. Trong đó, chi tiết cắt tóc của Ô Lạt Na Lạp Như Ý được đánh giá là phân cảnh kinh điển của lịch sử phim ảnh Hoa ngữ nhờ lối diễn xuất thần của Châu Tấn. Từng ánh mắt, cử chỉ của nữ diễn viên đều toát lên khí chất của một vị cung chủ đứng đầu Lục cung.
Nếu Xa Thi Mạn khiến người xem đau lòng theo cô thì khí chất khảng khái, cao ngạo của Châu Tấn cũng làm khán giả cảm thấy chán ghét hoàng đế Càn Long, đặc biệt là thỏa lòng khi cuối cùng Như Ý cũng buông bỏ mối tình “thanh mai trúc mã”. Ở cảnh phim này, Kế hoàng hậu đã làm người xem vô cùng ấn tượng với câu nói: “Bản cung là Hoàng Hậu do Hoàng Thượng đích thân sắc phong”. Thanh âm dứt khoát, đầy mạnh mẽ của Châu Tấn đã khiến người xem nhớ mãi không quên câu nói răn đe, trấn áp Lệnh Phi.
Video: Toàn bộ phân cảnh Như ý cắt tóc với khí chất đầy khảng khái qua sự diễn xuất của Châu Tấn.
Từ sau khi Càn Long lập Như Ý thành hoàng hậu, sau cái chết của Hiếu Hiền hoàng hậu Phú Sát Lang Hoa, những tưởng đoạn tình cảm của đế-hậu từ nay sẽ viên mãn nhưng chính đó là lúc vết nứt tình cảm giữa hai người ngày càng lớn. Như Ý nhận ra, hoàng đế đã chẳng còn là chàng thiếu niên Hoằng Lịch năm nào, trong khi nàng vẫn giữ tình cảm của nàng Thanh Anh khi xưa dành trọn vẹn tấm lòng cho hoàng đế. Chính tình cảm quá sâu đậm nên Như Ý không thể dứt tình được với hoàng đế, bất chấp Càn Long nhiều lần khiến nàng tổn thương.
Tuy nhiên, trong chuyến tuần du Giang Nam định mệnh năm ấy, Càn Long đã làm một việc "kinh thiên động địa" mà khó ai có thể ngờ được. Hoàng đế tuyển kĩ nữ thanh lâu tên Thủy Linh Lung lên thuyền ngự để hầu vua. Không chỉ vậy, hoàng đế còn say mê nhan sắc của 7 chị em thanh lâu, cùng họ ca hát thâu đêm trên thuyền.
Càn Long có thái độ vô cùng kinh ngạc khi Như Ý cắt tóc.
Thậm chí, Càn Long còn muốn tuyển một cô nương thanh lâu về làm phi tần. Việc này đã đẩy mâu thuẫn giữa vua và hoàng hậu lên đến cực độ, cộng thêm sự sắp xếp đê tiện của Lệnh Quý phi Ngụy Yến Uyển. Sự việc khiến cho Như Ý đã quyết tâm cắt tóc để đoạn tình.
Bi kịch không của riêng ai
Theo ghi chép lịch sử, Kế hoàng hậu đã bị vua Càn Long thất sủng sau chuyến du tuần đến Giang Nam. Đến năm 1778 (lúc này Kế hậu đã mất 12 năm), vua Càn Long nhớ lại và giải thích rằng, trong đêm hôm ấy Ô Lạp Na Lạp thị "điên loạn" tự xuống tóc, phạm vào đại kỵ.
Người Mãn Châu có truyền thống vô cùng quý trọng mái tóc của mình và xem đó như một bộ phận thiêng liêng của cơ thể. Người đàn ông Mãn Châu vì thế chỉ cạo một nửa đầu, còn phần tóc sau để dài để có thể buộc đuôi sam. Phụ nữ Mãn Châu cũng để mái tóc rất dài, một phần để hợp với truyền thống, một phần để có thể dễ dàng tạo được các kiểu tóc phức tạp theo phong tục riêng của dân tộc mình.
Việc cắt tóc của Kế hoàng hậu mang tội bất kính với hoàng đế và hoàng thái hậu.
Việc cắt tóc chỉ được cho phép trong đại tang hoàng đế hoặc hoàng thái hậu, để tỏ lòng thương tiếc người đã khuất. Vì vậy, hành động này của Kế hoàng hậu được coi là đại bất kính khi hoàng đế lẫn thái hậu đều vẫn còn sống. Mặt khác, nuôi tóc dài là một đặc quyền mà phụ nữ Mãn Châu sau khi kết hôn. Họ tạm biệt nét tinh nghịch thời son trẻ để trở nên trang nghiêm, trau chuốt cho bản thân nhiều hơn, cũng là "giữ thể diện" cho phu quân. Vậy khi Kế hoàng hậu buông lời trách móc hoàng thượng rồi tự cắt tóc mình cũng là để cắt đứt ân tình với phu quân Hoằng Lịch của nàng.
Phần mộ của Kế hoàng hậu (phía trái) tồi tàn hơn nhiều so với phần mộ của Thuần Huệ hoàng quý phi trong tòa Minh lâu.
Bởi vì chuyện Kế hoàng hậu cắt tóc nên sau đó Càn Long đối xử vô cùng tàn nhẫn với bà. Khi nghe được tin bà qua đời, vua Càn Long vẫn tiếp tục săn bắn vui chơi. Hơn nữa tang lễ của Kế hoàng hậu còn cực kỳ đơn giản, ngay cả quan tài đựng hài cốt cũng bị tùy tiện đưa vào ngôi mộ của cung phi.
Nguồn: [Link nguồn]
Bất ngờ với dàn hậu cung của vị hoàng đế được đánh giá là đông nhất lịch sử nhà Thanh nói riêng và lịch sử Trung Hoa nói chung.