Hình ảnh chiến tranh biên giới 1979 qua những thước phim "Thị xã trong tầm tay"
Đạo diễn Đặng Nhật Minh chia sẻ hồi ức về bộ phim có đề tài chiến tranh biên giới Việt - Trung "Thị xã trong tầm tay".
Tác phẩm đen trắng Thị xã trong tầm tay của đạo diễn Đặng Nhật Minh ra mắt năm 1983. Bối cảnh phim là thị xã Lạng Sơn sau khi Trung Quốc rút quân.
Phim kể về hành trình của Vũ, một nhà báo đi làm phóng sự về tình hình thị xã khi cuộc chiến biên giới Việt - Trung kết thúc.
Giữa hình ảnh hoang tàn, đổ nát của xứ Lạng sau khi quân Trung Quốc tàn phá, Vũ hồi tưởng lại mối tình của anh với Thanh - cô bạn gái từ thuở sinh viên. Tác phẩm làm bật lên sự tàn khốc vô nghĩa của chiến tranh cùng tội ác của quân xâm lược.
Thị xã trong tầm tay là tác phẩm giúp phát hiện tài năng điện ảnh của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Phim được quay bằng những khung hình đen trắng giàu chất thơ. Đây là một bộ phim rất đáng xem để hiểu thêm về cuộc chiến biên giới rất khốc liệt.
Trong cuốn Hồi ký điện ảnh, đạo diễn viết: “Tháng 8 năm 1982, tôi cùng đoàn làm phim lên Lạng Sơn để thực hiện bộ phim. Thị xã Lạng Sơn lúc đó vẫn còn ngổn ngang đổ nát, hệt như một trường quay khổng lồ không cần phải tốn công dàn dựng.
Dân chúng chưa được phép trở về nên chúng tôi hoàn toàn làm chủ hiện trường. Tôi đã mời diễn viên Tất Bình vào vai chính trong phim - vai nhà báo Vũ. Đây là vai diễn đầu tiên của Tất Bình trong điện ảnh để rồi từ đó anh tung hoành trong lĩnh vực nghệ thuật này cho đến tận bây giờ”.
“Tôi mời Quế Hằng - một diễn viên trẻ của Nhà hát kịch Trung ương, chưa đóng phim bao giờ vào vai người yêu của Vũ”, ông viết về việc chọn vai nữ chính.
Bối cảnh ghi hình của bộ phim tại thị xã Lạng Sơn, để lại nhiều dấu ấn trong lòng khán giả chính bởi độ chân thực từ cảnh thực tế.
"Quang cảnh thành phố Lạng Sơn khi đó là một đống gạch đổ nát, khổng lồ. Tất cả thành phố nằm trong chế độ quân quản, chỉ có bộ đội rà mìn. Quang cảnh đó giống như một trường quay lớn để đoàn làm phim quay. Thời hiện đại muốn quay một cảnh chiến tranh đổ nát thì lấy đâu ra" - đạo diễn Đặng Nhật Minh chia sẻ.
Đạo diễn nói thêm về các cảnh quay trong phim: "Đối với tôi, cảnh nào trong bộ phim này cũng ấn tượng. Nhưng tôi nhớ nhất trong phim có một cảnh với lời thoại của nhà báo Takano khi bị trúng đạn.
Trước khi qua đời, nhà báo Takano có nói với nhà báo Việt Nam, nhắc lại câu nói của nhà báo Fucik người Tiệp Khắc viết trong cuốn sách Viết dưới giá treo cổ trước khi bị phát xít Hitler treo cổ: "Hỡi nhân loại, hãy cảnh giác". Câu nói đó làm tôi ấn tượng nhất. Câu nói đó vẫn còn nguyên giá trị cho đến bây giờ".
Khi được hỏi về vai nhà báo Nhật do chính đạo diễn thủ vai, ông nói: "Tôi đóng không hay đâu nhưng thời điểm đó đành phải đóng. Hồi đó định mời một sinh viên Nhật Bản đóng vai nhà báo người Nhật, từ Hà Nội lên Lạng Sơn quay phim, nhưng bộ ngoại giao không đồng ý vì trên Lạng Sơn khi đó nguy hiểm lắm, dân chưa được về.
Nếu tôi không đóng vai đó, coi như cả đoàn ngừng sản xuất mấy ngày rồi quay về casting lại thì không ai chờ được".
Đây là lần đầu tiên đạo diễn Đặng Nhật Minh bất đắc dĩ phải đóng phim do chính ông chỉ đạo bấm máy.
Đây cũng là bộ phim đầu tay của nhà quay phim trẻ Nguyễn Hữu Tuấn, sau này hợp tác cùng đạo diễn Đặng Nhật Minh trong hai phim khác. Những thước phim ghi lại bối cảnh thật tại Lạng Sơn trở thành nguồn tư liệu quý giá để thế hệ sau hiểu hơn về một thời gian khó của chiến tranh.
Năm 1983, phim tham dự Liên hoan phim Việt Nam tổ chức tại TP.HCM và đã nhận được giải Bông Sen Vàng. Ngoài ra phim còn nhận được một số giải cá nhân như: Giải kịch bản và Giải quay phim.
Nói về cách làm bộ phim Thị xã trong tầm tay, đạo diễn Đặng Nhật Minh cho biết đã sử dụng ngôn ngữ điện ảnh để diễn tả tâm trạng thông qua những hồi ức của nhân vật chính, chứ không đơn thuần chỉ là kể một cốt truyện.
Giải cứu binh nhì Ryan, Fury, Hacksaw... là những cái tên nổi tiếng trên trang phim nổi tiếng Imdb có thể khiến siêu phẩm chiến...