Hé lộ nguyên nhân Hạng Vũ chôn sống 20 vạn quân Tần

Sự kiện: Phim Trung Quốc

Trên thực tế, sau khi áp giải tù binh về thành Tân An, nếu 20 vạn quân này không bị tiêu diệt, có lẽ Hạng Vũ không thể tiến vào đất Tần, giết Tần Vương dễ dàng đến như vậy.

Video: Kế đập chum dìm thuyền của Hạng Vũ khiến quân Tần điên đảo.

Hạng Tịch (232 TCN - 202 TCN), biểu tự là Vũ, nên còn gọi là Hạng Vũ, hoặc Tây Sở Bá Vương, là một nhà chính trị, một tướng quân nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa. Ông là cháu nội đại tướng Hạng Yên nước Sở thời Chiến Quốc, người bị tướng nước Tần là Vương Tiễn giết.

Theo Sử ký Tư Mã Thiên, họ Hạng đời đời làm tướng nước Sở, được phong đất ở Hạng cho nên lấy họ là họ Hạng. Có thuyết cho rằng tổ tiên Hạng Vũ vốn mang họ Mị, là hoàng tộc nước Sở. Sau này, khi Sở diệt Lỗ năm 256 TCN, gia đình Hạng Yên lúc này do lập được nhiều công trạng nên được phong đất Hạng- trước kia thuộc nước Lỗ. Gia tộc Hạng Yên theo đó mà lấy Hạng làm họ. Cha Hạng Vũ mất sớm nên ông sống với chú là Hạng Lương - con thứ của Hạng Yên.

Hé lộ nguyên nhân Hạng Vũ chôn sống 20 vạn quân Tần - 1

Tạo hình Hạng Vũ trên phim.

Hạng Vũ có công trong việc lật đổ nhà Tần và tranh chấp thiên hạ với Hán Cao Tổ Lưu Bang đầu thời nhà Hán. Dù thất bại trong cuộc chiến Hán Sở tranh hùng, nhưng Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ vẫn được hậu thế ca ngợi nhiều hơn so với Hán Cao Tổ Lưu Bang.

Thế nhưng, cuộc đời và danh tiếng của vị Tây Sở Bá Vương này từng lưu lại một vết đen không cách nào gột rửa. Đó chính là vụ việc thảm sát 20 vạn tù binh nước Tần chỉ trong một đêm tại thành cổ Tân An.

Bối cảnh lịch sử

Năm 210 TCN, Tần Thuỷ Hoàng, hoàng đế đầu tiên của Trung Hoa qua đời vì bạo bệnh. Con thứ là Hồ Hợi được thái giám Triệu Cao và Lý Tư mạo di chiếu đưa lên ngôi, trở thành Tần Nhị Thế.

Nhị Thế không có tài năng như người cha kiệt xuất, lại không xoay xở giải quyết được sự căm phẫn của nông dân, khiến ở khắp nơi nổi dậy khởi nghĩa.

Chỉ trong vòng một năm, hàng loạt các nước chư hầu như thời Chiến Quốc trước kia được khôi phục, như Sở, Triệu, Yên, Nguỵ và Tề.

Tần Nhị Thế cử Chương Hàm làm thống soái, cùng các tướng Vương Ly, Tư Mã Hân, Đổng Ế, Tô Giác, Thiệp Nhàn mang quân đi dẹp.

Chỉ trong vài tháng, Chương Hàm thắng trận như chẻ tre, xoay chuyển cục diện giữa Tần và các chư hầu. Chính Chương Hàm là người đã giết chết Hạng Lương, chú của Hạng Vũ.

Vì cho rằng quân Sở khi đó không còn đáng ngại, Chương Hàm quay sang đánh nước Triệu, khiến Triệu vương Yết phải bỏ chạy về Cự Lộc (Hình Đài, tỉnh Hà Bắc ngày nay) và cầu cứu các nước chư hầu.

Hạng Vũ đại phá quân Tần

Hé lộ nguyên nhân Hạng Vũ chôn sống 20 vạn quân Tần - 2

Hạng Vũ là người có công lớn nhất đại phá quân Tần.

Trong bối cảnh hơn 20 vạn quân Tần của Vương Ly bao vây thành Cự Lộc, 20 vạn quân chủ lực của Chương Hàm đóng vai trò hỗ trợ, không một lực lượng nào của các nước chư hầu dám can thiệp.

Nhưng Hạng Vũ là người đã làm nên sự khác biệt, đánh quân Tần 9 trận thắng cả 9, cắt đứt con đường vận lương của Chương Hàm cho Vương Ly. Thanh thế quân của Sở át cả quân các nước chư hầu.

Quân của chư hầu đến cứu Cự Lộc đóng ở gần đó hơn 10 doanh trại, nhưng không ai dám đem quân ra đánh. Khi quân Sở giao chiến với quân Tần, các tướng chư hầu đều đứng trên tường mà nhìn. Theo Sử ký của Tư Mã Thiên, binh sĩ nước Sở ai cũng đủ sức một người chống lại mười người, tiếng reo hò của quân Sở vang trời, quân chư hầu dấy binh diệt Tần cũng phải run sợ.

Kết thúc trận Cự Lộc, Hạng Vũ phá tan quân Tần, giết Tô Giác, bắt sống Vương Ly; Thiệp Nhàn tự thiêu mà chết. Sau thất bại quyết định này, đạo quân chủ lực của Tần do Chương Hàm chỉ huy trở nên bị động, suy sụp.

Thu hàng Chương Hàm

Quân Tần sợ uy thế quân Sở, nhiều lần rút lui. Tần Nhị Thế sai người đến trách Chương Hàm. Hàm sợ, sai Tư Mã Hân đi yết kiến vua Tần để tâu xin định đoạt. Hân đến Hàm Dương đợi ở cửa tư mã ba ngày, quyền thần Triệu Cao không cho yết kiến, vì muốn giấu tin bại trận và hại Chương Hàm. Trưởng sử Hân sợ hãi chạy về quân mình, nhưng không dám đi theo con đường lần trước, về đến doanh trại báo lại tình hình trong triều và khuyên Hàm hàng Sở.

Tướng Triệu là Trần Dư cũng đưa thư cho Chương Hàm khuyên nên hàng Hạng Vũ. Chương Hàm còn do dự vì sợ trước đây mình đã giết Hạng Lương là chú Hạng Vũ nên Hạng Vũ sẽ không dung tha, bí mật sai sứ đến chỗ Hạng Vũ, muốn cùng giao ước. Để uy hiếp tinh thần Chương Hàm, nhân khi giao ước chưa xong, Hạng Vũ sai Bồ tướng quân ngày đêm đem quân vượt bến Tam Hộ đóng quân ở phía nam sông Chương, đánh nhau với quân Tần, lại đánh tan quân Tần lần thứ hai. Sau đó Hạng Vũ đem tất cả quân đánh quân Tần trên sông Vu Thủy, phá tan tành.

Theo Sử ký, trước đây Sở Nam Công từng nói: "Sở tuy tam hộ, vong Tần tất Sở dã", nghĩa là: Nước Sở tuy chỉ còn 3 hộ nhưng diệt Tần tất là Sở. Có người cho rằng trận đánh ở bến Tam Hộ này của Hạng Vũ chính là ứng vào điềm Tần sẽ mất về tay Sở.

Chương Hàm thua trận sợ cuống cuồng, sai người yết kiến Hạng Vũ, muốn giao ước đầu hàng. Lúc đó Hạng Vũ mới đồng ý cho Chương Hàm yết kiến.

Hạng Vũ bèn hẹn với Hàm gặp nhau ở Ân Khư phía nam sông Hoàn Thủy. Sau khi ăn thề, Chương Hàm nhìn thấy Hạng Vũ, chảy nước mắt ròng ròng, kể lại việc Triệu Cao. Hạng Vũ bèn lập Chương làm Ung Vương, giữ lại ở trong quân đội của Sở, cho trưởng sử Hân làm thượng tướng quân, cầm quân Tần để đi tiên phong đánh Tần.

Nguyên nhân Hạng Vũ chôn sống 20 vạn quân Tần

Hé lộ nguyên nhân Hạng Vũ chôn sống 20 vạn quân Tần - 3

Thành cổ Tân An.(Tranh minh họa).

Theo sử sách ghi chép, hàng vạn binh lính Tần quốc quy hàng trên đường áp giải bị ngược đãi hết sức thê thảm. Nhưng vì mang thân phận tù binh, lại muốn bảo toàn tính mạng, họ chỉ có thể nhẫn nhục chịu đựng.

Khi vừa tới Tân An, tâm trạng của 20 vạn tù binh Tần quốc hết sức phức tạp. Sử ký của sử gia Tư Mã Thiên thời nhà Hán có chép lại:

"Tướng sĩ nhà Tần nhiều người nói trộm với nhau: ‘Bọn Chương tướng quân lừa chúng ta đầu hàng chư hầu, nên bây giờ họ chỉ có thể vào cửa quan đánh nước Tần.

Nếu may mà đánh được nhà Tần thì tốt lắm, nếu không thì chư hầu sẽ bắt chúng mình đem về đông, còn Tần thì thế nào cũng giết hết cha mẹ, vợ con ta."

Các tướng nghe mang máng việc họ bàn, đem báo lại với Hạng Vũ. Hạng Vũ liền gọi Anh Bố và Bồ tướng quân bàn rằng:

"Tướng sĩ Tần vẫn còn đông, bụng chúng không phục ta, đến Quan Trung mà chúng không theo ta thì việc lớn sẽ nguy, chi bằng giết chúng đi, chỉ giữ lại Chương Hàm, trưởng sử Hân, đô úy Ế để cùng vào đất Tần mà thôi".

Trên thực tế, sau khi áp giải tù binh về thành Tân An, 20 vạn quân Tần đã biến mất một cách bí ẩn. Bởi nếu 20 vạn quân này không bị tiêu diệt, có lẽ Hạng Vũ không thể tiến vào đất Tần, giết Tần Vương thiêu rụi mọi thứ dễ dàng đến như vậy.

Giai thoại chôn sống 20 vạn quân Tần

Hé lộ nguyên nhân Hạng Vũ chôn sống 20 vạn quân Tần - 4

Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ được biết đến là người ngang tàng, bạo ngược và không chịu nghe ai.

Việc Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ giết hàng vạn tù binh Tần không được sử sách Trung Quốc chép lại cụ thể.

Giai thoại kể rằng Hạng Vũ đã bí mật lên kế hoạch giết hết tù binh, bằng cách bắt họ đào một cái hố lớn.

Ở phía Tây của thành Tân An lúc bấy giờ vừa vặn có một đồng cỏ ngoại ô rất lớn. Hạng Vũ liền ra lệnh cho 20 vạn tù binh đào hố sâu, để rồi chính họ bị chôn sống trong hố sâu đó mà không có cách nào thoát ra được.

Hé lộ nguyên nhân Hạng Vũ chôn sống 20 vạn quân Tần - 5

Hố chôn vạn người có chiều dài 400 mét, chiều rộng lên tới 250 mét với vô số hài cốt. (Ảnh: Nguồn Baidu).

Những người cố gắng tìm cách chạy thoát đều bị chém chết và ném xác vào chính hố sâu do họ đào ra.

Ngày nay, mồ chôn tập thể của quân Tần vẫn thường được nhắc đến gần xã Nghĩa Mã, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Khu vực này bốn hướng đều có đồng cỏ bằng phẳng giống như sử sách chép lại.

Theo ghi nhận vào năm 1912, trong quá trình cải tạo hệ thống đường sắt trong khu vực. Các công nhân đã khai quật được nhiều bộ xương trắng. Đó có thể chính là hài cốt 20 vạn quân Tần bị Hạng Vũ giết chết năm xưa.

Trải qua hàng chục năm nội chiến Trung Quốc, các di chỉ và di cốt kia không được khai quật hay bảo tồn.

Sự kiện Hạng Vũ chôn sống 20 vạn quân Tần được xem là một trong những vụ thảm sát đẫm máu nhất trong lịch sử Trung Hoa.

Sự kiện này được so sánh với vụ chôn sống hơn 40 vạn hàng binh Triệu của tướng Tần là Bạch Khởi trong trận Trường Bình thời Chiến Quốc.

Tam quốc diễn nghĩa: Không thể tin nổi một mãnh tướng như Triệu Tử Long lại chết như vậy

Thường Sơn Triệu Tử Long trải qua trăm trận không thua một ai, không hề dính vết thương nào nhưng đã mất mạng một cách...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quốc Tiệp ([Tên nguồn])
Phim Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN