Hậu trường cảnh phim khiến mỹ nhân Việt hoảng hốt muốn rút lui

Chia sẻ của nữ diễn viên đình đám khiến nhiều người xuýt xoa.

Mặc dù không phải "món tủ" của dân mọt phim nhưng dòng phim cổ trang Việt Nam vẫn từng có các tác phẩm được khán giả đón nhận bởi chứa đựng nét văn hóa riêng, mang ý nghĩa nhân văn. Tuy nhiên, phim cổ trang Việt Nam cho đến nay được thực hiện số lượng ít ỏi khi phải đối diện với thách thức đến từ kinh phí sản xuất, yếu tố phục trang, bối cảnh...

Mới đây, trên trang cá nhân, Hoa hậu đền Hùng Giáng My thu hút sự chú ý khi chia sẻ hậu trường vất vả của đoàn phim lịch sử “Huyền sử thiên đô”. Nữ diễn viên tiết lộ, cô nhận được lời mời tham gia vai hoàng hậu Phụng Càn vào giữa hè năm 2010, khi miền Bắc bước vào đợt nắng gắt. Vì e ngại thời tiết, Giáng My vốn định từ chối nhưng sau đó cô được đạo diễn trấn an về việc ghi hình hoàn toàn ở phim trường, bố trí thời gian làm việc phù hợp với diễn viên.

Hậu trường cảnh phim khiến mỹ nhân Việt hoảng hốt muốn rút lui - 1

Giáng My vào vai hoàng hậu Phục Càn, vợ vua Lê Đại Hành

Hậu trường cảnh phim khiến mỹ nhân Việt hoảng hốt muốn rút lui - 2

Nhan sắc thời trẻ của Giáng My khiến dân mạng xuýt xoa

Cụ thể, người đẹp 7X chia sẻ: “Vì sống lâu ở nước ngoài và làm việc cho tập đoàn truyền thông có số lượng sản xuất phim và chương trình truyền hình lớn tại Thái Lan, các phim trường đều lạnh ngắt nên tôi yên tâm nhận lời và bay ra Hà Nội. Ngay buổi đầu tiên, tôi đến trường quay và hoảng hốt muốn rút lui, vì hóa ra phim trường mà đạo diễn nhắc tới là một khu nhà tôn giữa đồng, không hề có máy lạnh. 

Đến đoạn phục trang và làm tóc, để thể hiện một bà hoàng hậu uy nghi, tôi phải đội trên đầu khoảng 3kg tóc giả và trang phục của bà hoàng khoảng 10kg với rất nhiều lớp. Thời gian làm tóc cho mỗi diễn viên mỗi ngày là 1 tiếng, cho đến khi tất cả dàn diễn viên hoàn tất tạo hình mất khoảng 4 - 5 tiếng đồng hồ.

Hậu trường cảnh phim khiến mỹ nhân Việt hoảng hốt muốn rút lui - 3

Bộ tóc Giáng My đội trên đầu nặng hơn 3kg

Bắt đầu ra đến trường quay, gần trưa cái nóng như thiêu đốt cộng thêm đèn chiếu như được hun lên với nhiệt độ gần 60 độ C. Vua và hoàng hậu người nào cũng mặc hàng chục lớp áo và 3kg tóc trên đầu. Khi quay lại không được bật quạt vì tiếng động lớn. Đến gần đêm dừng quay, vừa bật quạt lên thì cả đàn côn trùng và bướm đêm thi nhau theo quạt cuốn vào các ngóc ngách cơ thể con người mà tung tăng tiệc tùng”.

Giáng My cho biết sau khi quay xong phim, cô đã bị sụt 6 - 7kg và phải nhập viện truyền nước vì kiệt sức, khi có những buổi, diễn viên đi quay từ lúc 6h30 sáng, tới 3 - 4 giờ sáng hôm sau mới về tới nhà. Điều này cho thấy sự vất vả khi ghi hình một bộ phim cổ trang, đặc biệt là phim truyền hình dài tập. Nguyên nhân chủ yếu là làm phim cổ trang luôn tốn kém và phức tạp gấp 10 lần phim bình thường, vì bối cảnh lẫn phục trang đều phải bắt đầu từ con số không. “Đó cũng là lý do sau đó rất nhiều phim truyền hình mời, tôi không nhận nữa vì tôi nhận thấy khó có thể có tác phẩm tốt, vì kinh phí đầu tư cho phim còn quá ít ỏi”, người đẹp đền Hùng tâm sự.

Hậu trường cảnh phim khiến mỹ nhân Việt hoảng hốt muốn rút lui - 4

Đẹp, sang trọng và quý phái cùng lối diễn nhẹ nhàng, Giáng My nhận được nhiều lời khen về phong thái và cốt cách của một hoàng hậu thời xưa

Chia sẻ của Hoa hậu 7X nhanh chóng thu hút sự quan tâm của người hâm mộ. Bên cạnh những lời khen trầm trồ nhan sắc Giáng My, nhiều fan còn bày tỏ lòng ngưỡng mộ với sự vất vả của các diễn viên đằng sau ống kính. “Nhìn trên phim thì long lanh, nhàn nhã mà hậu trường vất vả quá”, “Đúng là quay phim cực thật”, “Trân trọng những người nghệ sĩ cống hiến cho nghệ thuật”... là một số bình luận của dân mạng.

Không chỉ các phim ngày xưa mà cho tới tận bây giờ, đây cũng chính là thực trạng khó khăn mà giới điện ảnh đang phải loay hoay tìm hướng giải quyết. Theo các nhà làm phim, bên cạnh nội dung hấp dẫn, việc đầu tư bối cảnh, trang phục, tạo hình nhân vật, kỹ xảo hậu kỳ, ngôn ngữ của dòng phim cổ trang... đều phức tạp và tốn kém hơn nhiều so với phim hiện đại.

Một hạn chế nữa là Việt Nam ít có phim trường chuyên nghiệp cho phim cổ trang nên tiền đầu tư bối cảnh rất tốn kém. Nếu như ở Trung Quốc hay Hàn Quốc, có quá nhiều phim trường đạt chuẩn cho phim cổ trang thì ngược lại, ở Việt Nam con số này còn rất hiếm hoi. Để quay được những cảnh “hao hao” thời cổ, các đoàn làm phim thường lựa chọn những khu di tích, danh lam thắng cảnh ngoài Bắc như Tràng An - Ninh Bình để làm bối cảnh chính ghi hình.

Hậu trường cảnh phim khiến mỹ nhân Việt hoảng hốt muốn rút lui - 5

Các nhân vật đoàn phim chuẩn bị bối cảnh cho phim cổ trang

Theo đó, bên cạnh những bộ phim cổ trang nổi tiếng như “Lục Vân Tiên”, “Ngọn Nến Hoàng Cung”, “Khát Vọng Thăng Long”, “Long Thành Cầm Giả Ca”... do nhà nước đầu tư, đặt hàng và mang tính chất “kỷ niệm”, thì những năm gần đây, một số nhà sản xuất tư nhân tham gia sản xuất phim cổ trang như “Tây Sơn Hào Kiệt”, “Mỹ Nhân Kế”, “Thiên Mệnh Anh Hùng”, “Tấm Cám: Chuyện Chưa Kể”, “Trạng Quỳnh”, “Phượng Khấu”, “Trạng Tí”... vẫn còn khá dè dặt.

Là gương mặt nhà sản xuất quen thuộc và ghi dấu ấn với dòng phim cổ trang Việt Nam, nữ diễn viên Ngô Thanh Vân với kinh nghiệm bản thân từng phải lắc đầu ngao ngán: “Để làm một bộ phim cổ trang cho ra chất, không thể đầu tư dưới 1 triệu USD, khoảng hơn 23 tỷ đồng, dù toàn bộ ê kíp chúng tôi đã biết “liệu cơm gắp mắm” rồi! Đã thế phim cổ trang còn có nhiều rủi ro hơn các phim hiện đại khác vì phim chiếu ra hay bị soi đủ thứ, từ trang phục, bối cảnh, lời thoại…”.

Nguồn: [Link nguồn]

Phim cổ trang lộ nhiều hạt ”sạn” khiến người đẹp nổi đóa, khán giả đỏ mặt

Không ít những tranh cãi nổ ra vì tạo hình lẫn trang phục của người đẹp trong phim cổ trang.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thúy Vi ([Tên nguồn])
Hậu trường phim Việt Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN