Hậu trường 'cái khó ló cái khôn' của 'Tây du ký'
Eo hẹp kinh phí, đoàn phim 'Tây du ký' bản 1986 gặp nguy hiểm khi quay phim ở nhiều vùng rừng núi hiểm trở, tạo ra phần lớn kỹ xảo bằng sức người ngay trên phim trường.
Xem Tây du ký, khán giả chỉ ra hàng tá sự vụng về trong việc ghép hình hay thực hiện cảnh cháy nổ. Dù vậy, tác phẩm của truyền hình Trung Quốc vẫn được ghi nhận là kinh điển, được chiếu lại liên tục gần 40 năm qua. Nhiều bộ phim dựa theo cùng nguyên tác với kỹ thuật làm phim tinh xảo sau này cũng không được đánh giá tốt bằng.
Câu chuyện phim đơn giản nhưng cân đối chất tình cảm và hài hước, lại giữ được nhiều triết lý nhân sinh trong tiểu thuyết của nhà văn Ngô Thừa Ân. Màn nhập vai của dàn diễn viên là một điểm cộng. Hành trình làm nên những thước phim như vậy không đơn giản.
Thầy trò Đường Tăng trở thành ký ức trong tuổi thơ của nhiều thế hệ khán giả.
Kỹ xảo 'chạy bằng cơm'
Theo bài viết của Thập Quang Memory đăng trên QQ, do kinh phí eo hẹp, ban đầu đoàn phim của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) chỉ cung cấp cho đoàn phim Tây du ký một máy quay và một người quay phim. Không thể cùng lúc bắt nhiều góc máy của một cảnh, tiến độ làm phim rất chậm. 6 năm, họ mới hoàn thành 25 tập phim.
Cũng vì vấn đề chi phí, các nhà làm phim hạn chế kỹ xảo điện ảnh. Ngoại trừ việc ghép cảnh bắt buộc như hai phiên bản Tôn Ngộ Không chung một khung hình hay Tôn Ngộ Không thu nhỏ mình..., phim gần như không dùng đến kỹ xảo ở khâu hậu kỳ. Đôi khi, vài giây hành động trên màn ảnh mất một ngày để đoàn phim thiết lập, bài trí và ghi hình.
Ở cảnh Tôn Ngộ Khô cân đẩu vân, đám mây dưới chân diễn viên Lục Tiểu Linh Đồng là mây đạo cụ được làm bằng bông. Cảnh tượng long cung dưới đáy biển được tạo ra bằng cách đặt bể cá trước máy quay. Khung cảnh bồng lai chốn thiên đình được tạo khói bởi một người bò dưới sàn lắc đá khô. Từng có nhân viên đoàn phim ngất xỉu vì hít phải nhiều khói này.
Nhà quay phim ngồi trên thang để quay cảnh Tôn Ngộ Không bị vòng kim cô siết đến quay cuồng, chóng mặt.
Bài viết trên QQ cũng tiết lộ trong tập phim Ba lần đánh Bạch Cốt Tinh, Tôn Ngộ Không bị sư phụ niệm chú khiến vòng kim cô siết chặt vào đầu. Để miêu tả khung cảnh thất điên bát đảo từ góc nhìn chủ quan của chú khỉ đang hoa mắt chóng mặt, người quay phim ngồi trên một chiếc thang, chúc máy quay xuống dưới. Một nhóm nhân viên đoàn phim khiêng chiếc thang và lắc lư liên tục. Trong khi bên dưới, Lục Tiểu Linh Đồng lăn lộn dưới đất.
Thập niên 1980, dây cáp bảo hiểm quay phim cũng một ác mộng vì dây mỏng, rủi ro lớn. Không ít diễn viên đã bị thương vì thứ đồ bảo hộ này. Lục Tiểu Linh Đồng cũng bị ngã từ độ cao 4-5 m vì dây đứt trong lúc đang quay.
Lục Tiểu Linh Đồng từng bị ngã vì dây cáp bảo hiểm bị đứt.
Hành trình 'đạp gió rẽ sóng'
Không thể quay trên phông xanh rồi ghép bối cảnh như cách làm phim bây giờ, Tây du ký khai thác cảnh quan thiên nhiên thật. Sina cho biết bộ phim được ghi hình tại gần 30 tỉnh thành của Trung Quốc và một số địa phương của Thái Lan. Thời đó, nhiều thắng cảnh xứ Trung chưa được khai thác du lịch, đường núi non hiểm trở, quá trình chọn cảnh và quay phim gặp nhiều nguy hiểm. Đạo diễn Dương Khiết có lần suýt rơi xuống núi.
Với cảnh bốn thầy trò Đường Tăng đi qua thác nước, do đường trơn trượt, êkíp quay vài chục lần mới xong. Cảnh khác, các diễn viên đều ngâm mình giữa dòng sông suốt nhiều tiếng để diễn xuất.
Bạch Long Mã cũng nhiều lần gặp nguy hiểm trên đường "đi thỉnh kinh", từng bị rơi xuống một con kênh. Lần khác, dưới tiết trời -20 độ C, chú ngựa diễn viên đuối sức, đổ rạp giữa đường. Cả đoàn phải cùng nhau nâng ngựa dậy. Do không tìm được ngựa trắng như kịch bản, đoàn phim quét màu trắng cho chú ngựa màu đen đóng Bạch Long Mã. Mỗi lần quay phim ở vùng sông nước, màu trên lông ngựa phai ra, phải nhuộm lại.
Đoàn phim cực khổ làm việc ở vùng núi tuyết, Bạch Long Mã cũng ngã quỵ.
Cũng do vấn đề chi phí, mỗi bữa ăn, một thành viên đoàn chỉ được phát 5 hào (0,5 NDT). Đến những nơi đắt đỏ như Quảng Châu, chi 2,5 NDT, họ được một bát sủi cảo 6 viên. Nhân viên nam ăn vậy không đủ no để có sức làm việc. Đạo diễn nhiều lần móc tiền túi lo bữa ăn cho cả đoàn.
Dù gian khổ 6 năm hai tháng, cả đoàn Tây du ký đồng lòng chăm chút cho bộ phim. Các diễn viên chính không bao giờ có khái niệm trợ lý, xe riêng như các minh tinh sau này. Họ ăn cơm hộp, ngồi xe buýt của đoàn như các nhân viên. Hết giờ quay, diễn viên cùng đoàn phim bê vác đồ đạc thiết bị. Thiếu diễn viên quần chúng, họ sẵn lòng hóa trang để "cứu trợ", một người đóng nhiều vai.
Sinh thời, đạo diễn Dương Khiết từng tâm sự: "Thập niên 1980 muốn quay phim thần thoại như Tây du ký thực sự vô cùng gian nan. Chúng tôi mang gánh nặng rất lớn. Tác phẩm là sự sáng tạo nghệ thuật mang quy mô lớn của tập thể".
Diễn viên quen với ăn cơm hộp, ngồi xe buýt.
"Tây du ký" kinh điển từng rơi vào tình trạng khó khăn không thể hoàn thành nếu không có sự giúp đỡ từ nghệ sĩ này.
Nguồn: [Link nguồn]