Khi bạn nhìn thấy một MC ăn mặc bảnh bao hay quần áo chải chuốt, váy áo thanh lịch, nói dăm ba câu để dẫn dắt một chương trình là được nhận cát-xê hậu hĩnh, đấy là bởi bạn không nhìn ra được những mất mát mà một người làm nghề MC phải trải qua. Sự thật không đơn giản như bạn nhìn thấy đơn thuần qua ống kính.
Đánh đổi bằng hạnh phúc gia đình
"Những giây phút khóc một mình, rồi những ai thành công đều phải đánh đổi bằng hạnh phúc gia đình" – MC Thanh Bạch từng ngậm ngùi chia sẻ. Và chỉ có những người trong nghề mới có thể hiểu được những mất mát, hi sinh mà người làm MC phải chịu đựng âm thầm.
Với những lịch trình làm việc dày đặc, người MC dẫn bản tin Thời sự như BTV Hoài Anh luôn vượt qua khó khăn của nghề để gắn bó, yêu nghề hơn, để mang đến cho khán giả những bản tin lên sóng thành công. Có lần chị tâm sự: “Nghề báo trong tôi là... trên sang chảnh dưới dép Lào, ăn khi người khác ngủ, làm khi người khác ăn, và ngủ khi người khác làm. Là phấn son rực rỡ để che đi nét phờ phạc của những cơn buồn ngủ, cơn đói, hoặc thậm chí là cả những cơn đau. Là đôi khi chỉ muốn bật khóc, sóng dội trong lòng mà vẫn phải cười với khán giả của mình vào những giờ khắc lên sóng. Là những đồng nghiệp đã âm thầm sẻ chia, giúp đỡ, chỉ dạy. Thành công của bản tin có mồ hôi của đồng nghiệp! Nghề báo trong tôi là lời nhắn "Mấy hôm nay không thấy cháu lên hình. Lo cháu ốm mệt! Thấy cháu trên hình cũng là cách để bác yên lòng rằng cháu vẫn bình an!"
Nghề báo trong tôi là cái gối con ôm ngủ cùng ba và câu hỏi ngây thơ xót lòng "Hôm nay mấy giờ mẹ mới về?". Và... như bao ngày vẫn thế, khi con đã ngủ yên và cánh cửa ngôi nhà mình khép lại, tôi lại đến với nơi quen thuộc thứ hai của mình - cơ quan với trường quay, camera và những dòng kịch bản, để viết tiếp những trang đời mình về "nghề báo trong tôi...".
Vậy đó, một người biên tập, dẫn chương trình của nhà đài không phải chỉ make-up, diện đồ đẹp, đọc những dòng trên bản tin có sẵn, họ phải hi sinh cả hạnh phúc gia đình với những nỗi mong mỏi của con cái mong bố mẹ đi làm về. Nhưng hơn hết, họ luôn đặt trách nhiệm của công việc lên trên vì tôn trọng khán giả.
Không có Tết, ăn uống qua loa, ngủ vạ vật
Với những người MC của nhà đài, việc “không có Tết” hay chuyện thức khuya dậy sớm là điều hiển nhiên. Lịch trình của một MC chương trình “Cà phê sáng với VTV3” thông thường phải có mặt ở trường quay lúc 6h sáng để chuẩn bị, đọc lại kịch bản, make-up, gặp gỡ đạo diễn. Đôi khi công việc kết thúc vào lúc 1, 2 giờ sáng, thậm chí ra khỏi nhà từ 7 giờ sáng nhưng về nhà vào lúc sáng hôm sau. Đời sống sức khỏe giảm sút, đi đêm về hôm, ăn uống thất thường là điều dễ nhận thấy với những người theo đuổi nghề MC.
Nhưng nghề MC cũng như giới nghệ sĩ nói chung, đã làm nghề là phải chịu cực khổ. Những tên tuổi nổi tiếng như Hoài Linh, Trường Giang, Trấn Thành… thường ăn bánh mì trừ bữa, ngủ vạ vật ở cánh gà, tranh thủ ngủ trên ghế khi tạm nghỉ giữa lúc ghi hình là điều thường tình. Góc khuất không được ánh sáng camera chiếu vào lại là lúc người MC được sống thật nhất, để nạp lại năng lượng và tiếp tục cống hiến.
Bị phàn nàn, giật show là chuyện thường
Nam ca sĩ Đoan Trường bên cạnh công việc ca hát cũng có nhiều dịp được mời làm MC từ những năm 1988 khi thị trường lúc đó nghề MC còn chưa được coi trọng và phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Anh chia sẻ: “MC luôn bị làm khó và bắt lỗi cho dù có phải là lỗi của mình không. Nhiều khi tôi cũng bị khó xử khi bị các nghệ sỹ ngôi sao “năn nỉ” hay “ép buộc” thay đổi thứ tự biểu diễn hay hát không đủ số lượng bài hát mà không báo trước rồi đi vào sân khấu làm MC “chạy” ra lấp cho đủ thời gian hay đủ tiết mục.
Chưa kể MC luôn bị phàn nàn từ nhiều phía như các nghệ sỹ yêu cầu “riêng” nhờ lăng xê thêm hay giới thiệu thêm sản phẩm sắp phát hành không nằm trong kịch bản, nhiều nghệ sỹ tự đồng ý thay đổi thứ tự hay bài hát. Có lần làm xong chương trình, tôi còn bị vài nhạc sỹ phàn nàn vì không giới thiệu tên đi kèm bài hát mà ca sỹ trình bày.
Còn nữa, có nhiều chương trình trước đây và ngay cả bây giờ vẫn còn phân biệt MC nói giọng theo vùng miền và giới tính nam nữ hay tuổi tác. Có vài lần tôi không được chọn làm MC cho tiệc ra mắt thương hiệu vì lý do đơn giản: vị Tổng giám đốc là người miền Bắc và chỉ thích MC nói giọng Bắc. Có khi tôi còn bị “giật” mất show khi khi ban tổ chức chọn MC có ít “name” hơn và tiền catxe ít hơn vì người ta quan niệm MC cũng chỉ là người đọc theo kịch bản nên có thể tiết kiệm thêm một khoản tiền”.
Những sự cố “khó đỡ” bởi người mới
Để có một MC được triệu người yêu thích như Lại Văn Sâm từ thời "SV96", Tạ Bích Loan của chương trình "Người đương thời", Thu Uyên của "Như chưa hề có cuộc chia ly", Mỹ Linh của "Văn hóa Sự kiện& Nhân vật", Quyền Linh của "Vượt lên chính mình"… không hề đơn giản. Hiện nay có không ít những ca sĩ, diễn viên, người mẫu, nhà thơ… cũng chuyển qua làm MC, tạo nên làn gió mới trong địa hạt này.
Bên cạnh yếu tố mới mẻ tạo sức hút từ những cái tên hot có nhiều fan, không ít nhân tố MC mới tạo ra nhiều phen “khó đỡ” vì tính thiếu chuyên nghiệp, vụng về. Có nữ ca sĩ được giao dẫn chương trình ca nhạc mà run đến phát khóc tới mức hôm sau ban tổ chức phải thay người gấp. Có cô diễn viên rơi vào cảnh lúng túng, nói một câu sáo rỗng: “Câu hỏi dành cho bạn rất khó và cũng rất dễ”. Khán giả nhiều lúc ngớ người khi nghe MC nói những câu như “một ngày Quốc tang thật nhiều niềm vui và an toàn”, “Xin khán giả một tràng pháo tay cho nạn nhân vùng lũ”, “Bản tin 17h hôm nay sẽ điểm lại những con số ấn tượng trong thảm họa kinh hoàng”…
Thu nhập cao, dễ nổi tiếng nhưng nghề MC không phải đơn giản và dễ dàng. Thậm chí có cả những cám dỗ khiến một người mới có thể bị sa ngã bởi những hướng rẽ tiêu cực.