Giới rapper Việt làm loạn
Trong năm 2024, giới rap Việt hỗn loạn hơn bao giờ hết khi một loạt rapper vướng bê bối và nhiều sản phẩm nhạc rap bị chỉ trích nhạy cảm.
Sự phóng khoáng, tự do là một phần tạo nên khác biệt của rap so với các dòng nhạc khác. Dù vậy, trong vài tháng gần đây, sự phóng khoáng của giới rapper Việt bắt đầu lố bịch, khi một loạt biến số xảy ra. Một rapper gạo cội bị chỉ trích vì đăng công khai các trận battle (rap chiến), chứa nhiều câu từ tục tĩu lên mạng. Một loạt rapper lao vào “tẩn” nhau, bằng các bài rap nhạy cảm. Và nhiều rapper vướng bê bối đời tư.
Đã đến lúc cần mạnh tay để chấn chỉnh phạm vi hoạt động của giới rap Việt, khi giờ đây, các rapper đã vượt qua khỏi “vùng tối” và đưa âm nhạc tiếp cận đại chúng.
Nhiều rapper trẻ đang lộng hành về ca từ.
Nhiều sản phẩm nhạy cảm
Chỉ sau vài năm, tốc độ phát triển của rap Việt đã tăng theo cấp số nhân. Minh chứng rõ nhất cho sự phát triển này là ở số lượng nhạc rap được ra mắt. Một năm qua, có nhiều sản phẩm rap, hoặc kết hợp rap cùng dòng nhạc khác, có chất lượng tốt để cạnh tranh sòng phẳng ở “top trending”, thậm chí vươn đến tầm là bản hit lan tỏa rất mạnh như Buồn hay vui, Nấu ăn cho em...
Ngược lại, có rất nhiều bản rap nội dung nhảm nhí, với chủ đề flexing (khoe khoang). Ngoại lệ, có những sản phẩm chứa nội dung đặc biệt nhạy cảm, như đưa các loại chất cấm vào lyrics (ca từ). Trong sản phẩm Ổ quỷ của các rapper trẻ gây chú ý thời gian gần đây, xuất hiện “Tao sẽ chill cùng em nếu như nhà của em có cỏ Mỹ”.
Không thể đếm xuể những bản nhạc rap mà rapper đưa các loại chất kích thích vào để “đánh bóng” ca từ, thể hiện cái tôi. Có rapper chủ động “lách” bằng cách bóp méo âm thanh. Và có những rapper táo bạo, vô tư đưa những điều nhạy cảm vào bản nhạc. Những sản phẩm kiểu này đa phần không gắn nhãn cảnh báo, được phát hành công khai và rộng rãi ở YouTube cùng các nền tảng nghe nhạc trực tuyến.
Điển hình như Ổ quỷ, bản Music Video hút 12 triệu lượt xem, kèm theo hàng chục triệu lượt nghe ở các nền tảng nghe nhạc trực tuyến.
Gần đây, Coldzy và tlinh phải gỡ bản rap Fever vì bị khán giả lên án có nhiều ngôn từ nhạy cảm. tlinh là một trong những rapper thế hệ mới đang nổi danh ở thị trường, nhưng liên tục vướng lùm xùm nhạc nhạy cảm và phát ngôn. Lạ lùng là cho đến hiện tại, cựu thí sinh Rap Việt chưa hề hấn gì. Tương tự, khoảnh khắc rapper MCK thoải mái hút thuốc ở một show diễn, trước sự chứng kiến của khán giả, bị bỏ quên dù khán giả lên án.
Phải chăng các rapper đang là “vùng cấm” của nhạc Việt?
Rapper tlinh.
Cần kiểm soát chặt chẽ
Sự phát triển của rap ở thị trường Việt Nam không đi theo một lộ trình chuẩn mực, mà là sự đột biến nhờ chất xúc tác mang tên game show Rap Việt. Vì điều này, giới rapper, các sản phẩm nhạc rap xoay chuyển chóng mặt, dẫn đến mất kiểm soát. Từ mùa 3, game show Rap Việt nhìn ra điều nhạy cảm, lập tức quán triệt thí sinh bằng cách cấm tuyệt đối nội dung nhạy cảm ở các tiết mục lên sóng truyền hình.
Những rapper nổi tiếng nhất của thị trường rap Việt hiện tại, hầu hết đều ý thức rõ phạm vi mình có thể làm khi hòa vào cuộc chơi chung cùng nghệ sĩ ở tệp âm nhạc khác. Phần còn lại, đặc biệt là những rapper mới nổi, chủ động phớt lờ những cảnh báo để tạo ra thứ âm nhạc gọi là “đúng bản sắc rap”. Trong thời gian ngắn, khi không được kiểm soát, các rapper lấn tới và ngày càng thái quá trong việc sử dụng ca từ, chất liệu âm nhạc cho sản phẩm.
Không chỉ riêng phạm vi sản phẩm âm nhạc, những sự kiện của giới rapper, tạo ra các sản phẩm nhạy cảm cũng được vô tư phát tán lên mạng. Gần đây, loạt video nhạy cảm ở sự kiện Dissneeland phải chuyển trạng thái, chỉ cho phép cư dân mạng truy cập ở không gian kín hơn.
Giới rap từng bị siết chặt với loạt sản phẩm nhạy cảm của rapper Chị Cả, rapper Chí và màn biểu diễn gợi dục của Binz ở Live Concert. Đến một năm gần đây, khi mọi thứ hỗn loạn hơn bao giờ hết, từ những trận diss (công kích) nhau, đến các sản phẩm tục tĩu và nhiều sân khấu gợi cảm, là lúc cần mạnh tay để chấn chỉnh.
“Hoạt động ở underground, không lên mainstream” là cách mà nhiều rapper dùng để bao biện khi bị khán giả chỉ trích làm nhạc nhạy cảm, dung tục. Thế nhưng, một khi rapper đó vẫn đặt mục tiêu kiếm tiền, phát hành công khai ở YouTube và nhạc số để tiếp cận mọi độ tuổi khán giả, câu chuyện không còn chỉ ở phạm vi underground.
Nguồn: [Link nguồn]
Những trận chiến của các rapper kéo theo nhiều câu hỏi về việc văn hóa nhạc rap có thực sự hoàn toàn phù hợp tại Việt Nam.