Giật mình với những chiêu trò lôi kéo khán giả truyền hình

Nhiều chương trình đã làm những chuyện “không giống ai” bằng việc tạo nhiều tình huống bất ngờ, những scandal “cố ý” để lôi kéo khán giả vào một câu chuyện do mình... tự kể để tăng rating truyền hình

Nhiều năm trở lại đây, ngoài việc “nở rộ” các chương trình thực tế trên truyền hình thì việc tăng lượng rating (người xem – pv) cũng là một “áp lực” đối với nhiều công ty sản xuất các trò chơi trên truyền hình. Nhiều người nói vui rằng, lượng rating hiện nay như một “miếng bánh ngọt” mà chương trình nào cũng muốn, nó là quyền năng “vô hình” để nuôi sống đơn vị sản xuất và nhà tài trợ…

Giật mình với những chiêu trò lôi kéo khán giả truyền hình - 1

 Dàn giám khảo của chương trình truyền hình thực tế Giọng hát Việt nhí 2016

Cuối cùng cũng vẫn là… doanh thu quảng cáo?

Theo thống kê của các đơn vị truyền thông thì hiện nay, việc nở rộ các chương trình truyền hình do các đơn vị tư nhân sản xuất cũng khiến họ… “hoa mắt”, có thể kể đến các đơn vị lớn như: Cát Tiên Sa, BHD, Đông Tây Promotion, K Media, Mutltimedia… với một loạt các chương trình truyền hình thực tế “ăn khách” như:

The voice, The voice kids, Bước nhảy hoàn vũ, Bước nhảy hoàn vũ nhí, Cặp đôi hoàn hảo, Vietnam Idol, Vietnam Idol Kids, Người giấu mặt, Học viện ngôi sao, Thử thách cùng bước nhảy, The winner is, Vietnam’s Next Top Model, Project Runway, Đồ Rê Mí hay mới đây nhất là Bước nhảy ngàn cân… đã làm cho “thị trường” các gameshow trên truyền hình sôi động và có sự cạnh tranh khốc liệt.

Giật mình với những chiêu trò lôi kéo khán giả truyền hình - 2

 Nhiều người nghi vấn, một số chương trình có sử dụng chiêu trò để tăng rating?

Nhà sản xuất Tuấn Hải (Giám đốc Công ty Godl Media) cho biết: “Sự cạnh tranh giữa các chương trình truyền hình thực tế trên giờ vàng các kênh như VTV3, HTV7, THVL1 càng cao thì áp lực về lượng rating càng lớn.

Thậm chí, các nhà sản xuất còn phải “đau đầu” để giữ lượng rating năm nay phải cao hoặc ít nhất cũng phải bằng năm ngoái. Chính vì thế, nhiều công ty đã làm hợp đồng để “mua đứt” khung giờ vàng trên sóng truyền hình, họ phải “sống chết” giữ được khung sóng trên giờ vàng cuối cùng vì… doanh thu quảng cáo”.

Theo ông Hải, các doanh nghiệp muốn quảng cáo sản phẩm thì họ sẽ xem xét đến lượng rating của chương trình thực tế, vì càng có nhiều người xem thì sản phẩm của họ được biết đến nhiều hơn.

Theo đó, lượng rating đối với các nhà sản xuất chương trình và doanh nghiệp quảng cáo là tiêu chí “nước nổi thì bèo nổi” và hai bên đều có lợi. Vì thế, nhiều nhà sản xuất gameshow đã “tự kể” những câu chuyện trên truyền hình để làm khán giả tò mò, bật tivi lên theo dõi chương trình.

Chắc nhiều người còn nhớ, vào tháng 7/2016, chương trình The Face 2016 (Gương mặt thương hiệu) do công ty Cát Tiên Sa sản xuất đã bị nhiều người “ném đá” vì nghi án chương trình đã dàn dựng sẵn khi cắt ghép các cảnh quay.

Vào tập 6 của chương trình, kịch tính diễn ra với sự ra về của thí sinh Kim Chi của đội Lan Khuê. Đây là thí sinh thứ 3 liên tiếp trong đội này bị loại bởi huấn luyện viên Phạm Hương. Điều này gây cho khán giả nhiều sự phẫn nộ bởi sự khắt khe mà Hoa hậu Hoàn vũ 2015 dành cho đội đối thủ. Đặc biệt chi tiết Lan Khuê “không còn gì muốn nói với Phạm Hương” và nổi giận bỏ ra xe về gây nhiều bất ngờ.

Giật mình với những chiêu trò lôi kéo khán giả truyền hình - 3

Lan Khuê từng gây nghi vấn chương trình The Face có cắt ghép khi kiểu tóc của cô thay đổi trong một tập

Nhiều khán giả không hiểu vì sao kiểu tóc của Lan Khuê lại bị thay đổi chỉ trong một cảnh quay ngắn, phần tóc bới của cô đằng sau vẫn bình thường, đến khi ra tới cổng lên xe, phía sau đầu lại được tết bím khá cầu kỳ, đòi hỏi không ít thời gian để thực hiện.

Sau đó, cho dù Lan Khuê và đại diện công ty Cát Tiên Sa có lên tiếng giải thích đó là sự hiểu lầm, tóc của Lan Khuê được làm ngay tại trường quay, tuy nhiên, nhiều người vẫn hoài nghi về những chiêu trò mà nhà sản xuất “tự kể” cho khán giả để tăng kịch tính.

Và những câu chuyện vụng về như thế đã làm khán giả “ác cảm” hơn với chương trình chứ không tăng rating như nhà sản xuất mong ước.

“Làm màu” bởi dàn giám khảo nổi tiếng…

Đạo diễn Nhật Anh (Đại học Sân khấu Điện ảnh) cho biết: “Thời gian gần đây, “dân trong nghề” đều nhắc đến những chuyện “hậu trường”, “bếp núc” của chương trình Vietnam next top model 2016, như chuyện BTC cuộc thi bất ngờ chọn Fung La – cô gái nhỏ nhắn chỉ cao 1m54 vào bán kết cuộc thi khiến nhiều ngạc nhiên vì đây là lần đầu tiên trong cuộc thi, một cô gái được gọi là “nấm lùn” được chọn.

Mọi người đều cho rằng, Multi Media – đơn vị tổ chức cuộc thi trên đã biết cách “hâm nóng” khán giả khi tạo những khác biệt trong cuộc thi, khiến khán giả tò mò. Việc các chương trình gameshow cùng phát vào khung giờ vàng khoảng 20- 22h các từ thứ 6 đến chủ nhật cũng làm cho các đơn vị sản xuất “đau đầu” nghĩ ra các tình huống để thu hút khác giả về chương trình của mình…”.

Giật mình với những chiêu trò lôi kéo khán giả truyền hình - 4

Fung La – cô gái nhỏ nhắn chỉ cao 1m54 vào bán kết cuộc thi Vietnam next top model 2016 khiến nhiều ngạc nhiên

Ngoài việc tạo những tình huống đặc biệt, những chi tiết gây tranh cãi trong cuộc thi, nhiều chương trình lần đầu tiên được phát sóng được “làm màu” bởi dàn giám khảo nổi tiếng. Có thể kể đến như chương trình The Face 2016 vừa qua, các giám khảo nổi tiếng nhất showbiz Việt hiện nay như:

Hồ Ngọc Hà, Phạm Hương, Lan Khuê đều được mời tham gia, hay chương trình The X Facter có dàn giám khảo Thanh Lam, Tùng Dương, Dương Khắc Linh, Hồ Quỳnh Hương… Nhiều người thú nhận rằng, họ bật tivi để xem gameshow vì có thần tượng của mình ngồi “ghế nóng” tranh cãi nhau chứ không phải vì thí sinh thi.

Tuy nhiên, các màn tranh cãi của họ của được xem là có trong kịch bản của chương trình, nếu không có giám khảo “làm màu” thì chương trình sẽ bị chìm nghỉm giữa nhiều lựa chọn khác cùng giờ như: Phim truyền hình, xem trên Youtube, hay đơn giản là truy cập mạnng xã hội”.

Giật mình với những chiêu trò lôi kéo khán giả truyền hình - 5

Nhiều chương trình thực tế giám khảo tranh cãi nhau nẩy lửa

Đạo diễn Nhật Anh còn chỉ ra rằng: “Vừa qua, chương trình The voice Kids 2016 bị nhiều người phản ứng do giám khảo Vũ Cát Tường đã thẳng tay loại một thí sinh có tài năng, nhiều người cho rằng, đây là chiêu trò câu rating của nhà sản xuất, thí sinh Chiara Falcone “bị” Cát Tường cho ra về với lí do “tài năng của con đã vượt xa so với khuôn khổ trong cuộc thi này và đã đến lúc chúng ta dừng lại với việc thi thố”.

Tôi thấy đây là chiêu trò “vớ vẩn” nhất showbiz, ai lại đi loại thí sinh vì quá tài giỏi? Chẳng lẽ tiêu chí chương trình đã đi ngược lại với sự bình thường của tất cả các cuộc thi? Giỏi thì bị “dìm” xuống chỉ còn những thí sinh kém cỏi, nhàn nhạt thi với nhau? Đừng nghĩ tạo kịch tính như vậy thì khán giả sẽ đồng tình. Nếu không tỉnh táo, việc câu rating “vô lối” sẽ là “con dao hai lưỡi” làm hại chương trình…”.

Giật mình với những chiêu trò lôi kéo khán giả truyền hình - 6

Nhiều chương trình, dàn giám khảo nổi đã cứu nguy cho rating truyền hình

Nghệ sĩ Minh Anh cho biết: “Cái gì “ăn” nhiều quá cũng sẽ bị “nhạt”, giống như xem mãi các chiêu trò để tăng rating trên truyền hình, dù có dùng dàn giám khảo nổi tiếng, tạo những tình huống “vô lý” gây tranh cãi như nào, thì đến lúc khán giả nhận ra, mình chỉ là “con rối” của chương trình thì họ sẽ có những phản ứng tiêu cực, gây ảnh hưởng đến danh tiếng chương trình.

Chưa kể đến việc bị loại khỏi cuộc chơi một cách “ấm ức” nhiều thí sinh “không còn gì để mất” sẽ kể hết những chiêu trò trong “bếp núc” chương trình gameshow, vì thế các nhà sản xuất nên chọn cách làm bền vững để không bị “bôi xấu” chương trình.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lạc Thành (Người đưa tin)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN