Đoàn Dự trong lịch sử khác xa trong phim kiếm hiệp Kim Dung: Hoàng đế xuất gia, hết lòng vì dân
Trong tác phẩm "Thiên Long Bát Bộ", Đoàn Dự là nhân vật sở hữu võ nghệ cao cường và thân thế ly kỳ. Vậy trong lịch sử liệu có từng tồn tại một “Đoàn Dự” thần kỳ như trong phim?
Nhắc đến Đoàn Dự, các fan kiếm hiệp Kim Dung sẽ nghĩ đến chàng công tử khôi ngô, si tình, lúc nào cũng được bao quanh bởi các giai nhân tuyệt sắc. Thế nhưng, ít ai biết rằng, Đoàn Dự là một vị vua có thật trong lịch sử, không những văn võ song toàn mà còn là bậc thầy ngoại giao.
Đoàn Dự trong phim kiếm hiệp Kim Dung
Kim Dung thường đưa các nhân vật có thật vào tiểu thuyết của mình, rồi sáng tạo thêm các chi tiết hư cấu, tưởng tượng khác để tạo nên các tác phẩm cuốn hút độc giả như "Tiếu Ngạo Giang Hồ", "Thần Điêu Đại Hiệp" hay "Thiên Long Bát Bộ".
Hình tượng nhân vật Đoàn Dự trong tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung.
Theo đó, Đoàn Dự là một trong rất nhiều nhân vật lịch sử đã được Kim Dung nhắc tới trong bộ tiểu thuyết võ hiệp "Thiên Long Bát Bộ". Anh xuất hiện với thân phận vương tử nước Đại Lý, là con trai của Trấn Nam vương Đoàn Chính Thuần, sau lại kết nghĩa với Tiêu Phong và Hư Trúc. Do cơ duyên mà Đoàn Dự học được môn võ Lăng Ba Vi Bộ và Bắc Minh Thần Công. Sau đó tại chùa Thiên Long, Đoàn Dự may mắn luyện thành công Lục Mạch Thần Kiếm - được xem là một trong hai môn võ công đệ nhất thiên hạ cùng với Dịch Cân Kinh của Thiếu Lâm.
Ở cuối tác phẩm, Đoàn Dự trở về Đại Lý, lên ngôi vua và kết duyên với 3 mỹ nhân là Chung Linh, Mộc Uyển Thanh và Vương Ngữ Yên. Sau đó, anh nhận ra Mộc Uyển Thanh là người con gái mình yêu nhất nên đã quyết định kết hôn với nàng và lập làm hoàng hậu, lập Chung Linh làm phi tần, sống một cuộc đời ung dung tự tại. Còn với Vương Ngữ Yên, anh nhận ra mình đã mang tình yêu với bức tượng ngọc bích (Thần tiên tỉ tỉ) gán cho cô nên đã để cô ra đi.
Bản thân nhà văn Kim Dung đã từng nhận xét, Đoàn Dự là người thường để lại đường lui cho kẻ khác, không hề mang theo tâm kế, lúc nào cũng vui vẻ, thấu tình đạt lý. Ở anh không có sự lạnh lùng, tàn khốc vô tình của người sinh ra trong gia đình đế vương mà lúc nào cũng si tình, dịu dàng, yêu thích cái đẹp và hết mực thương hoa tiếc ngọc.
Phiên bản Đoàn Dự và Vương Ngữ Yên của Trần Hạo Dân và Lý Nhược Đồng trong "Thiên Long Bát Bộ" năm 1997.
Tính đến nay, “Thiên Long Bát Bộ” đã được sản xuất qua nhiều phiên bản. Với mỗi phiên bản truyền hình, hình tượng Đoàn Dự luôn để lại cho khán giả những ấn tượng khác nhau. Đoàn Dự trong phiên bản phim năm 1997 là vai diễn đầu tay của Trần Hạo Dân. Nhờ ngoại hình thư sinh, phong thái tinh anh và tạo hình sát với nguyên tác, nam diễn viên khi ấy dù còn ít kinh nghiệm diễn xuất nhưng vẫn chiếm được cảm tình của số đông khán giả.
So với Trần Hạo Dân, Lâm Chí Dĩnh trong phiên bản "Thiên Long Bát Bộ" năm 2003 được khán giả đánh giá cao hơn về ngoại hình. Được mệnh danh là “mỹ nam không tuổi”, Lâm Chí Dĩnh vào vai Đoàn Dự và thể hiện thành công hình ảnh khôi ngô tuấn tú, thư sinh, nho nhã giống như nguyên tác của nhân vật. Đoàn Dự cũng được xem là vai diễn để đời của mỹ nam sinh năm 1974. Màn kết đôi giữa anh và Vương Ngữ Yên (Lưu Diệc Phi thủ vai) đã giúp tên tuổi của Lâm Chí Dĩnh vang danh khắp châu Á.
Video: Đoàn Dự (Lâm Chí Dĩnh) thể hiện Lục Mạch Thần Kiếm khiến Tiêu Phong và Mộ Dung đều khiếp sợ.
Bộ phim "Thiên Long Bát Bộ" bản 2013 ngay thời điểm lên sóng đã nhận về không ít những phản hồi tiêu cực từ phía khán giả. Nhân vật Đoàn Dự do Kim Ki Bum thủ vai cũng bị chỉ trích vì ngoại hình của anh quá hiện đại, hoàn toàn không mang bóng dáng của một vương tử nước Đại Lý thời Trung Hoa xưa. Hơn nữa, nam diễn viên người Hàn Quốc cũng bị khán giả chế bai diễn xuất kém tinh tế.
Tạo hình của nam diễn viên Bạch Chú, người vào vai Đoàn Dự trong "Thiên Long Bát Bộ" năm 2021 bị chê kém sắc hơn so với những phiên bản trước do Lâm Chí Dĩnh, Trần Hạo Dân thể hiện. Trong tiểu thuyết Kim Dung, Đoàn Dự xuất thân là vương tử nước Đại Lý nên có tính cách hào sảng, lịch thiệp, trượng nghĩa, văn võ song toàn, thông minh và nhanh nhạy. Tuy nhiên, ở phiên bản mới nhất, nhân vật này lại cư xử khù khờ, phát ngôn điệu bộ như kẻ ngốc.
Hình tượng nhân vật Đoàn Dự của nam diễn viên Bạch Chú được xây dựng không giống với nguyên tác.
Đoàn Dự phải lòng Vương Ngữ Yên ngay trong lần đầu gặp gỡ và cảnh này được mô tả rất lãng mạn trong bản gốc cũng như các phiên bản điện ảnh khác. Tuy nhiên, trong phiên bản năm 2021, chi tiết này lại được chuyển thành điểm gây hài. Bản mới ghi lại cảnh gặp nhau của Đoàn Dự và Vương Ngữ Yên khi công tử Đại Lý đang ôm bụng chạy khắp nơi tìm chỗ đi vệ sinh. Thậm chí, cảnh phim còn có chi tiết Đoàn Dự vì quá bối rối nên đã tiểu tiện trước mặt Vương Ngữ Yên.
Nhân vật trong lịch sử có xuất thân cao quý và tài hoa xuất chúng
Trong lịch sử từng tồn tại một nhân vật Đoàn Hòa Dự nhưng lại có tên khác là Đoàn Chính Nghiêm. Ông là hoàng đế thứ 16 của Đại Lý. Ông kế nghiệp vua cha Đoàn Chính Thuần và trị vì trong 39 năm - thời gian trị vì lâu nhất trong các đời vua Đại Lý. Sau khi tại thế, các hoàng đế kế nhiệm dâng cho ông thụy hiệu là Tuyên Nhân đế.
Từ nhỏ, Đoàn Dự nổi tiếng là người thông minh và rất ham học hỏi. Thấy vậy, bác của ông là Đoàn Chính Minh đã cho mời Lục Huyền đại sư đích thân dạy dỗ, bồi dưỡng cho ông. Đối với người đệ tử có xuất thân cao quý này, Lục Huyền đại sư đã dạy dỗ hết sức cẩn thận và nghiêm khắc. Sau này, đại sư nhận thấy tư chất vượt trội của học trò nên chính ông đã mời thêm đồng đạo là đại sư Diệu Trừng cùng dạy.
Vị đai sư Lục Huyền truyền cho Đoàn Dự “Lục Môn Diệu Pháp” (có lẽ đây là cơ sở để Kim Dung phát triển thành tuyệt học Lục Mạch Thần Kiếm của họ Đoàn) cùng các kỳ môn dị thuật. Ngoài ra, ông còn rất tinh thông thư họa, vẽ hoa sen rất đẹp và chơi cờ rất giỏi.
Đoàn Dự được vị đại sư truyền "Lục môn diệu pháp”. (Ảnh minh họa).
Sau khi lên ngôi năm 26 tuổi, Đoàn Dự chuyên cần chính sự, yêu thương dân chúng, giảm nhẹ thuế khóa, tăng giao thương với các nước, thay đổi cục diện chuyên quyền của họ Cao, Đại Lý dần thịnh lên. Tuy nhiên, 3 năm sau thì trời bỗng nóng ran, lục súc bất an, động đất kéo dài hơn 1 tháng phá hủy hàng vạn ngôi nhà. 16 ngôi chùa ở Hải Đông bị sập, dân chết hơn 3.000 người. Tiếp đó, nước lũ tràn về rồi đến nắng hạn, mùa màng hư hại, 37 Man bộ bắt đầu nổi loạn. Đoàn Dự đích thân chinh bình Man, lại lệnh cho Cao Thái Minh trấn thủ chặt vùng trọng địa Côn Minh, nước dần yên ổn.
Không chỉ xử trí việc nước công bằng, sáng suốt, Đoàn Dự còn là một người có tầm nhìn trong lĩnh vực ngoại giao. Ông hiểu được sự quan trọng của việc thiết lập mối quan hệ giao hảo với nhà Tống. Do vậy, mặc dù mối quan hệ hai nước có phần xa cách do phương châm "không coi trọng nơi xa" của Tống Thái Tổ, nước Đại Lý vẫn xưng thần với triều Tống và hàng năm tiến cống rất hậu hĩnh. Vì thế mà Tống Huy Tông đã phong cho Đoàn Dự là Kim Tử Quang Lộc đại phu, Kiểm hiệu tư không, Vân Nam tiết độ sứ, Thượng trụ quốc, Đại Lý quốc vương.
Cuộc đời vị vua Đại Lý này trải qua nhiều biến động binh đao.
Trong hơn 150 năm họ Đoàn trị vì Đại Lý, Đoàn Dự trở thành một vị vua bậc nhất về tài năng và đức độ. Thế nhưng, một loạt những biến động đã khiến ông dần trở nên mệt mỏi, nảy sinh ý định nhường ngôi để xuất gia. Năm 1147, Đoàn Dự nhường ngôi cho con trưởng là Đoàn Chính Hưng còn bản thân thì xuất gia ở Vô Vi tự, trở thành trụ trì đời thứ 23 với pháp danh Quảng Hoằng đại sư. Ông ra đi năm 94 tuổi, là vị vua sống thọ nhất trong các đời vua nhà Đại Lý.
Dù ít “đất diễn” trong tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung, nhưng nhân vật này đã từng được Kim Dung tán thưởng rất nhiều.
Nguồn: [Link nguồn]