Dẹp nạn KOL lợi dụng bão lũ "câu view"

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc
Nữ miền Bắc

"Đu trend" để sản xuất content, clip nhằm mục đích kiếm tiền từ các nền tảng mạng xã hội trở thành nghề kiếm sống chính đáng của nhiều người, song cần phù hợp hoàn cảnh và tránh vi phạm pháp luật

Giữa lúc cả nước đang hướng về phía Bắc - nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão lũ, không ít KOL (người có ảnh hưởng trên mạng xã hội) đã lợi dụng tình hình để dàn dựng nội dung sai sự thật, tạo tin giả... nhằm "câu view", khiến dư luận bức xúc.

Lật tẩy sự thật

Sau khi Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam công khai hơn 12.000 trang sao kê số tiền ủng hộ đồng bào vùng lũ, cộng đồng mạng đã phát hiện một số KOL, KOC chuyển khoản số tiền ít nhưng "phông bạt" trên mạng xã hội với số tiền gấp hàng chục đến hàng trăm lần.

Chẳng hạn, ông Phạm Việt Anh, chủ kênh TikTok Việt Anh Pí Po (1,3 triệu lượt theo dõi) đã đăng ảnh chụp màn hình số tiền 20 triệu đồng ủng hộ bà con vùng lũ kèm lời nhắn nhủ: "Mong mọi người sớm vượt qua và ổn định cuộc sống".

Tuy nhiên, thực tế số tiền TikToker này chuyển khoản chỉ là 1 triệu đồng. Hay một cựu vận động viên tên P.N.P bị tố cáo chỉ chuyển khoản 500.000 đồng nhưng lại khoe màn hình dãy số dài bị che khuất.

Ngoài ra, trên mạng xã hội gần đây xuất hiện video một người đàn ông đẩy chiếc chậu trong khu vực ngập nước, ngồi trong là một người phụ nữ ôm con nhỏ đang khóc lóc vì sợ hãi, kèm nội dung: "Nghẹn lòng hình ảnh sơ tán của một gia đình ở xã Ngọc Linh, Vị Xuyên, Hà Giang...".

Video thu hút sự quan tâm rất lớn của cộng đồng mạng, nhiều người tỏ ra thương cảm, thậm chí có ý kiến còn chỉ trích chính quyền địa phương. Tuy nhiên, UBND xã Ngọc Linh sau đó lên tiếng thông tin đây chỉ là video dàn dựng của YouTuber Phạm Xuân Dư.

Mới đây, đoạn clip bé trai vùng cao Hà Giang tên Giàng Mí Lúa cả người lấm lem, khóc nức nở tìm mẹ sau cơn lũ với dòng trạng thái: "Nước trôi mất mẹ con rồi, không tìm thấy đâu" cũng đã lấy nước mắt của rất nhiều người xem. Thế nhưng, phản hồi trên báo chí sau đó, cô giáo chủ nhiệm của em bé khẳng định thông tin chia sẻ trên mạng xã hội là sai sự thật.

Những hình ảnh này đã được đăng tải từ lâu và bị một số người lợi dụng đăng lại để "câu like", "câu view" vào đúng thời điểm bão lũ. Sáng 12-9, cô giáo vẫn đón em vào lớp khi được chính mẹ dẫn đến trường.

Nhiều KOL, KOC và người dùng mạng xã hội lợi dụng bão lũ dàn dựng nội dung không đúng sự thật để “câu view”, “câu like” và lấy nước mắt người xem

Nhiều KOL, KOC và người dùng mạng xã hội lợi dụng bão lũ dàn dựng nội dung không đúng sự thật để “câu view”, “câu like” và lấy nước mắt người xem

Cần xử lý mạnh tay hơn

Theo luật sư Bùi Thị Ánh Tuyết (Đoàn Luật sư TP HCM), Nghị định 14/2022 sửa đổi, bổ sung Nghị định 15/2020 quy định rõ hành vi lợi dụng mạng xã hội để đăng tải thông tin bịa đặt có thể bị xử phạt hành chính 10 - 20 triệu đồng.

Đồng thời, những người dàn dựng nội dung sai sự thật để "câu like" còn có thể bị xử lý hình sự theo điều 288 Bộ Luật Hình sự với mức phạt tiền 30 - 200 triệu đồng hoặc phạt tù 6 tháng đến 3 năm. Trường hợp nghiêm trọng, mức phạt có thể lên đến 1 tỉ đồng và phạt tù từ 2 - 7 năm.

Ông Huỳnh Quang Minh, nhà đồng sáng lập House of Deera - đơn vị đào tạo, quản lý KOL, KOC (người tiêu dùng chủ chốt có ảnh hưởng đáng kể trên thị trường) - cho rằng việc dàn dựng nội dung để "câu like" và "câu view" trong bối cảnh đồng bào miền Bắc đối mặt với bão lũ là khó có thể chấp nhận.

Ông Minh kiến nghị cơ quan chức năng áp dụng biện pháp xử lý mạnh tay hơn, không chỉ phạt hành chính mà còn cần phạt bổ sung như cấm đăng tin, hoạt động quảng cáo trong 6 tháng đến 2 năm.

Đồng thời, cần nâng cao nhận thức cho người làm nghề sản xuất content trên không gian mạng để tránh những tác động tiêu cực đến xã hội. "Các giải pháp này sẽ giúp hạn chế tình trạng KOL, KOC tạo ra nội dung "bẩn" vì lợi ích cá nhân" - ông Minh nói.

Ông Nguyễn Văn Thức, Giám đốc điều hành KEYSTONE, đề xuất sử dụng công nghệ Social Listening để theo dõi các cụm từ nổi bật trên mạng xã hội và ngăn chặn tin giả một cách kịp thời. Theo ông, cần tăng mức phạt cao gấp 3 - 4 lần so với quy định hiện tại và tăng cường kiểm soát để ngăn ngừa phần nào tình trạng KOL, KOC tạo ra nội dung sai lệch.

Tránh phát tán tin giả

Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) mới đây, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử, cho biết Bộ TT-TT đã phối hợp với các địa phương xử lý nhiều trường hợp phát tán tin giả liên quan tình hình bão lũ.

Ví dụ, tỉnh Hải Dương xử lý 21 trường hợp tung tin giả mưa lũ; Công an tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và TP Hải Phòng xử lý nhiều trường hợp tung tin giả vỡ đê; tỉnh Quảng Ninh xử lý tin giả Cẩm Phả "vớt 16 xác người buộc dây" và ở tỉnh Phú Thọ là tin giả vỡ đê Yên Lập. Ngoài ra, với video dàn dựng hình ảnh người chồng dùng chậu đưa vợ con sơ tán lũ ở huyện Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang) được chia sẻ trên mạng xã hội gây hiểu nhầm, địa phương đã mời các trường hợp liên quan lên xử lý. "Người dân cần tỉnh táo, xác thực thông tin qua báo chí chính thống trước khi chia sẻ để không vô tình phát tán tin giả, vi phạm pháp luật" - đại diện Bộ TT-TT lưu ý.

Liên quan các website mạo danh Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam để kêu gọi ủng hộ đồng bào lũ lụt, cơ quan này cho biết các cơ quan chức năng đang phối hợp với đơn vị liên quan để xử lý theo quy định.

L.Thúy - L.Tỉnh

Nguồn: [Link nguồn]

NSƯT Hoài Linh, Thủy Tiên, Trấn Thành mới đây tiếp tục trở thành đề tài của dân mạng. Theo đó, có nhiều group chia sẻ thông tin họ đi từ thiện với con số nhiều tỉ đồng. Thực tế, đó chỉ là tin "fake".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Bài và ảnh: LÊ TỈNH ([Tên nguồn])
Mưa lũ sau bão Yagi Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN