Đệ nhất gián điệp Đông Ngô khiến Tào Tháo khóc hận
Để có thể qua mặt Tào Tháo, Hoàng Cái đã phải chịu biết bao đau đớn. Tuổi già sức yếu, phải chịu 100 trượng và mang tiếng nhục trước ba quân.
Lịch sử Trung Quốc và Ấn Độ có ghi nhận nhiều hoạt động gián điệp từ thời xa xưa. Hai nhà chiến lược gia nổi tiếng là Tôn Tử và Chanakya có thảo luận nhiều về các binh pháp lừa địch và làm xáo trộn hàng ngũ quân địch. Đệ tử của Chanakya là hoàng đế Ấn Độ Chandragupta Maurya đã dùng nhiều biện pháp ám sát và gián điệp mà Chanakya đã kể lại trong quyển Arthashastra của ông. Lịch sử Hy Lạp và Đế quốc La Mã ghi chép rất nhiều về sử dụng gián điệp để thăm dò quân thù.
Hoàng Cái dùng “Khổ nhục kế” đốt sạch quân Tào.
Theo KKNews, Tam quốc diễn nghĩa có tứ đại gián điệp trà trộn vào phe địch để thực hiện những nhiệm vụ bí mật. Không cần tới võ nghệ cao cường, tứ đại mật vụ cũng có thể "dắt mũi" hàng loạt những nhân vật lừng lẫy như Tào Tháo, Lữ Bố, Đổng Trác.
Trong số các gián điệp thời Tam quốc không thể không kể đên Hoàng Cái với “Khổ nhục kế” đốt sạch quân Tào.
Mồ côi cha mẹ từ nhỏ
Hoàng Cái là công thần khai quốc nước Đông Ngô thời Tam quốc.
Hoàng Cái tự là Công Phúc, là công thần khai quốc nước Đông Ngô thời Tam quốc trong lịch sử Trung Quốc. Ông là người Tuyền Lăng, Linh Lăng, là dòng dõi của Thái thú Nam Dương nhà Hán Hoàng Tử Liêm. Đến đời ông nội Hoàng Cái dời về định cư ở Linh Lăng.
Hoàng Cái mồ côi cha mẹ từ nhỏ, gặp nhiều tai nạn hung hiểm thời trẻ, nếm nhiều điều cay đắng, vì vậy ông đã rèn luyện được tính cách cứng cỏi. Hoàng Cái không chỉ chăm học võ mà còn chăm đọc sách, rèn luyện nhân cách từ nhỏ.
Do có tài, Hoàng Cái được tuyển làm chức lại trong quân, sau đó được huyện xem xét tiến cử làm Hiếu liêm, rồi được gọi tới phủ Tam công nhận chức.
Tôn Kiên ở Cối Kê mộ binh dẹp loạn. Hoàng Cái đi theo Tôn Kiên, tham gia các chiến dịch dẹp vùng Sơn Việt và đánh Đổng Trác năm 190. Nhờ lập công, ông được Tôn Kiên phong làm Biệt bộ tư mã.
Năm 191, Tôn Kiên tử trận ở Tương Dương khi giao chiến với Lưu Biểu. Hoàng Cái lần lượt theo giúp các con Kiên là Tôn Sách và Tôn Quyền. Ông được cử trấn giữ vùng Sơn Việt vốn có người bản địa hay chống lại. Ông dũng mãnh xông pha nhiều trận, khi cai trị rất thông tỏ đạo lý, do đó hễ có nơi nào chưa yên ổn lại nhờ cậy ông tới cai quản một thời gian.
Hoàng Cái nhận chức ở Thạch Thành. Ông biết quan lại ở đó khó trị nên cắt đặt 2 quan viên hỗ trợ mình. Ông giao hẹn cho 2 người đó phải hết sức vì công việc hành chính chớ để ông phải dùng hình phạt, để ông chuyên tâm vào việc đánh dẹp giặc cướp.
Ban đầu hai người đó sợ uy thế của Hoàng Cái nên chăm chỉ làm phận sự. Được một thời gian, họ thấy ông không chú ý tới việc công văn sổ sách nên lộng quyền, làm trái pháp luật, ăn đút lót. Hoàng Cái dò biết được, sai thủ hạ dò xét thấy đúng, liền triệu 2 người đến ăn tiệc. Giữa tiệc, Hoàng Cái mang việc ra tra hỏi. Hai người đuối lý không chối được. Hoàng Cái nhắc lại giao ước, rồi sai mang cả hai người ra chém. Từ đó trong huyện đều răm rắp theo lệnh ông.
Sau đó Hoàng Cái lại đi nhậm chức ở các huyện Xuân Cốc, Tầm Dương… trước sau cai trị 9 huyện ở Giang Đông. Đi đến đâu ông cũng làm tình hình ở đó yên ổn. Vì vậy ông được thăng làm Hiệu úy quận Đan Dương. Trong thời gian ở đây ông tiếp tục dẹp giặc cướp và cường hào, giúp đỡ dân nghèo. Vì vậy vùng Sơn Việt rất cảm phục ông.
Dùng "khổ nhục kế" qua mặt Tào Tháo
“Hỏa thiêu Xích Bích” được đánh giá là chiến thắng kinh điển của Đại đô đốc Đông Ngô Chu Du, ngoài những mưu kế của chính mình và Gia Cát Lượng, không thể không kể đến một nhân vật đã làm nên huyền thoại này – đại tướng Hoàng Cái.
Chu Du trong lòng đau như cắt nhưng vẫn dùng “Khổ nhục kế”.
Năm 208, Tào Tháo khởi đại quân xuống miền nam. Sau khi đánh chiếm Kinh châu, Tào Tháo tiến sang Giang Đông. Do bệnh dịch lây lan và quân phương bắc không quen đánh thủy, Tào Tháo khóa chiến thuyền lại với nhau để chờ sang đầu năm sau sẽ tấn công. Hoàng Cái thấy vậy bèn hiến kế với Đô đốc Chu Du: “Địch đông ta ít, nếu cầm cự lâu dài thì ta bất lợi. Tào Tháo cột chặt thuyền lại với nhau, rất tiện cho việc dùng hỏa công, tốc chiến tốc thắng“.
Chu Du nghe theo. Hoàng Cái làm theo kế, ấy là kế khổ nhục. Một hôm, biết Sái Trung, Sái Hòa sang Đông Ngô trá hàng, Chu Du và Hoàng Cái cố ý giả vờ cãi nhau. Khi Hoàng Cái nói phải quét sạch quân Tào trong 1 tháng, nếu không thì hãy cởi giáp quy hàng, Chu Du đã nổi giận mắng Hoàng Cái là kẻ phản phúc.
Du ra lệnh chém. Lão tướng Hoàng Cái không phục, mắng chửi Chu Du không tiếc lời. Đoạn bị đao phủ lập tức lôi ra ngoài. Lỗ Túc chạy tới xin Du tha mạng lão tướng với lý do chém đại tướng sẽ làm lòng quân lay động.Tất cả tướng sĩ cũng lập tức quỳ rạp xuống xin Du tha chết Hoàng Cái. Chu Du vẫn tức giận sôi người, sai quân lính đánh Hoàng Cái 100 gậy.
Nếu không có ý chí kiên cường, không phải vì an nguy của cả một đất nước, thì làm sao mà một lão tướng như thế này có thể chịu được nỗi đau ghê ghớm từ tâm hồn tới thể xác như vậy!
Hoàng Cái.
Hoàng Cái bị lôi ra đánh, trông vô cùng thương tâm, Du trong lòng đau như cắt khi nghe tiếng Hoàng Cái khóc nấc lên, máu văng ngay trước mặt 2 tên gián điệp họ Sái. Các tướng phía dưới chứng kiến cảnh này, ai nấy đều khóc như mưa. Đến khi Hoàng Cái bị đánh ngất, các tướng lao ra xin Du dừng tay, Du mới chịu tha cho ông.
Hoàng Cái giả cách oán hận Chu Du, nhờ Hám Trạch sang đưa thư trá hàng cho Tào Tháo. Được Sái Trung, Sái Hòa về mật báo tin Hoàng Cái bị đánh, cộng với tài ăn nói của Hám Trạch, Tào Tháo hoàn toàn tin việc Hoàng Cái sang hàng là thật. Tào Tháo ước hẹn với Hám Trạch và sẵn sàng đợi ngày Hoàng Cái sang hàng. Không ngờ đó cũng chính là ngày mà toàn bộ hơn 80 vạn Tào quân bị đốt thành tro.
Theo đúng ngày giờ đã định, Hoàng Cái chuẩn bị một đội thuyền cơ động, chừng 10 chiếc, bên trong chứa đầy mồi lửa, đồ dễ cháy nhằm thẳng hướng thủy trại quân Tào bơi đến. Khi thuyền đến giữa sông, Hoàng Cái ra lệnh châm lửa đốt thuyền. Gió Đông Nam nổi lên, hỏa thuyền cháy bừng bừng, thuận theo gió lao vun vút vào thủy trại quân Tào.
Các chiến thuyền của Tào Tháo vốn bị xích chặt vào nhau, mau chóng bắt lửa. Gió càng to, lửa càng đượm, nuốt chửng toàn bộ thủy trại kiên cố tưởng bất khả xâm phạm của quân Tào. Quân Tào phần bị lửa thiêu, phần nhảy xuống sông chết đuối, bi đát không sao kể xiết.
Cũng trong trận Xích Bích, trong lúc hăng hái xung trận, Hoàng Cái bị trúng tên lạc của quân Tào, ngã rơi xuống sông. Mùa đông nước sông lạnh buốt khiến ông bị cứng thân thể lại. Sau đó ông được quân Chu Du tới cứu lên, nhưng nhiều người không biết mặt ông nên chỉ để ông nằm trên giường trong góc phòng. Sau đó Hàn Đương đi tới nhận ra ông, vội sai người cấp cứu nên kịp hồi sức cho Hoàng Cái.
Sau trận Xích Bích, Hoàng Cái được phong làm Vũ phong Trung lang tướng.
Để thực hiện được đại kế, Hoàng Cái đã phải chịu khổ một phen xiết bao đau đớn. Tuổi già sức yếu, phải chịu 100 trượng và mang tiếng nhục trước ba quân, bị đánh đến gần chết nhưng lão tướng quân vẫn một lòng vì nước, nghiến răng chịu đau vì việc lớn. Đây quả là một tấm lòng son sắt trung liệt hiếm có lưu danh sử sách, thật đáng được khen ngợi lắm thay
Kế sách này cũng là một trong những yếu tố tạo nên thành công dùng hỏa lực thiêu cháy toàn bộ chiến thuyền của phe địch, khiến Tào Tháo đại bại trong trận Xích Bích.
Vì vậy có ý kiến cho rằng, chiến thắng Xích Bích có một phần công lao không nhỏ đến từ vị võ tướng kiêm mật vụ xuất sắc là Hoàng Cái.
Sau này do công lao trấn trị các quận huyện Hoàng Cái được Tôn Quyền phong làm Thiên tướng quân. Sau đó ông ốm và qua đời khi đang tại chức, trước sau hoạt động giúp họ Tôn trong khoảng 30 năm, không rõ ông sinh và mất cụ thể năm nào.
Do có tài đánh dẹp và cai trị, Hoàng Cái được người dân Giang Đông kính trọng và nhiều nơi vẽ chân dung ông thờ để tưởng nhớ công đức của ông.
Nhắc tới thời kỳ Tam quốc, một trong những vấn đề được hậu thế tranh luận nhiều nhất chính là câu hỏi: Ai mới thực...