ĐD Hoàng Nhật Nam: "Khán giả Việt có quyền tự hào với vở thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ"
Trong suốt 60 phút, show nghệ thuật thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam đã khiến người xem vỡ òa với từng tiết mục được chọn lọc đặc sắc.
Tái hiện quá khứ vàng son của đất Bắc
Tại buổi công diễn, hàng nghìn khán giả đến xem chương trình đã trải qua những cung bậc cảm xúc khác nhau khi được sống trong những mảng màu thời gian hoài cổ. Trong 60 phút của chương trình, show diễn khiến người xem vỡ òa với từng tiết mục được chọn lọc đặc sắc.
Các thôn nữ với áo yếm bên hồ vào đêm trăng
Bài ca dân chài rộn rã với âm nhạc tạo từ tiếng động gõ thanh tre, gáo dừa, mái chèo vào mạn thuyền
Khán giả đã được hòa mình vào không gian mênh mang, chìm đắm cùng các chàng trai cô gái quê trong tiết mục “Tát nước đầu đình”, “Bài ca dân chài”; cùng sống trong không khí linh thiêng của đại cảnh “Mùa sen nở” với hình ảnh Thiền sư Từ Đạo Hạnh bước ra cùng những đóa sen tỏa sáng từ dưới nước vươn lên; cùng choáng ngợp khi thấy các cô tố nữ bước từ trong tranh ra ngoài đời thực ở tiết mục “Tứ bình tố nữ”.
Cùng với đó là sự thân thuộc, bình dị khi sống cùng những hình ảnh mộc mạc như lũy tre, sân đình, con trâu, chợ quê bán mua tấp nập… Bên cạnh những tiết mục gợi nhớ, ca ngợi truyền thống hiếu học, tinh thần thượng võ… mang đến cho khán giả một cái nhìn đầy đủ nhất về tinh hoa đất Bắc.
Bầy tiên nữ xuất hiện cùng Tố nữ trong tranh tạo nên một khung cảnh thần tiên thoát tục
Xưa, nhưng không cũ mà đầy mới mẻ, hiện đại
Trong “Tinh hoa Bắc Bộ”, những loại hình nghệ thuật như hát ru, hát chèo, hát văn, hát quan họ, múa rối nước… cùng những âm sắc của nhạc cụ truyền thống được sử dụng và tôn vinh. Dù sử dụng chất liệu truyền thống, nhưng Tinh hoa Bắc Bộ lại mang đến một cái nhìn tươi mới, khác biệt và chưa từng có tại Việt Nam.
Các bà các mẹ miền quê Sài Sơn lên sân khấu diễn lại cuộc đời mình một cách chân chất, hồn nhiên
Phần âm nhạc do NSƯT Hồ Hoài Anh đảm nhận là sự kết hợp đỉnh cao của âm nhạc dân gian miền Bắc và âm nhạc hiện đại của thế giới, mang lại những cảm xúc chân thật và hòa quyện nhất đến cho khán giả. Về phần biên đạo do John Huy Trần cùng ekip đảm nhiệm, đã thổi luồng gió tươi mới, trẻ trung và sinh động cho 200 diễn viên không chuyên với nhiều trình độ, khả năng nắm bắt khác nhau.
Tổng đạo diễn Hoàng Nhật Nam tại họp báo
Theo tiết lộ của đạo diễn Hoàng Nhật Nam, hệ thống thiết bị âm thanh, ánh sáng, máy chiếu hiện đại hàng đầu đã được đặt hàng từ nước ngoài về, cùng với đó là nhiều chuyên viên trong và ngoài nước, trong lĩnh vực này cũng được “chiêu mộ” để góp sức cho show diễn.
Du khách được trải nghiệm không gian chợ quê với người dân diễn sống chân thực, được chạm vào, được nếm thử các món ăn do các bà lão gánh hàng rong…Anh còn khẳng định: “Đây sẽ là món ăn tinh thần tuyệt vời dành cho của du khách khi đặt chân đến thủ đô Hà Nội. Và tôi tin người dân, khán giả Việt Nam có quyền tự hào với vở diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” khi giới thiệu với bạn bè thế giới”.
Lần đầu tiên khán giả Việt có cơ hội thưởng thức nghệ thuật thực cảnh
Chia sẻ tại buổi ra mắt show diễn “Tinh hoa Bắc Bộ” mới đây, ông Đào Hồng Tuyển – Chủ tịch Tập đoàn Tuần Châu cho biết kể từ khi được thưởng thức một show diễn thực cảnh ở nước ngoài cách đây 6 năm, ông đã có ý tưởng thực hiện một chương trình mang bản sắc Việt Nam.
Ông cho biết: "Sau bao nhiêu quyết tâm mang loại hình nghệ thuật mới mẻ này đến với công chúng ở Việt Nam, sau bao nhiêu công sức tìm tòi, tiền bạc đầu tư với sự chia sẻ của nhiều nghệ sĩ, các nhà chuyên môn, và sau cả những thử nghiệm chưa thành, nay "Tinh Hoa Bắc Bộ" được trình diễn là sự toại nguyện không chỉ với riêng tôi mà cũng là cơ hội để trả nghĩa cho đất và người của nơi đã trở thành sân khấu thực cảnh đầu tiên của đất nước, đất Sài Sơn và người Sài Sơn".
Ông đã xúc động khi Tổng cục Trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Văn Tuấn sau đêm diễn đã cảm nhận rằng "Tinh Hoa Bắc Bộ" đã "chạm được vào trái tim người xem".
Ông Đào Hồng Tuyển, Nhà sử học Dương Trung Quốc cùng đạo diễn Hoàng Nhật Nam
Để kịch bản thêm phần sâu sắc và chuyển tải chính xác, ban cố vấn đã được mời gồm nhà sử học Dương Trung Quốc, Nhà báo Lê Xuân Sơn – Tổng biên tập báo Tiền Phong đã góp ý điều chỉnh kịch bản nhiều lần cùng tác giả Hoàng Nhật Nam, đồng thời là tổng đạo diễn để vừa đảm bảo hàm lượng nội dung cân đối với tính nghệ thuật về dàn dựng tổng thể.