"Đất rừng phương Nam" và loạt phim này, vì sao lại gây tranh cãi?

"Đất rừng phương Nam" không phải là phim điện ảnh chuyển thể hoặc lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học đầu tiên gây ra những ý kiến trái chiều.

Thay đổi khác nguyên tác có được chấp nhận?

"Đất rừng phương Nam" và loạt phim này, vì sao lại gây tranh cãi? - 1

“Đất rừng phương Nam” đang nhận về nhiều ý kiến trái chiều.

Những ngày qua, bộ phim Đất rừng phương Nam trở thành chủ đề gây tranh cãi trên các diễn đàn mạng xã hội. Khi công bố dự án, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho biết đây là tác phẩm lấy cảm hứng từ tiểu thuyết Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi. Vì vậy, một số chi tiết khác biệt so với nguyên tác lúc phim chiếu đã khiến ê-kíp phim đối diện “làn sóng” chỉ trích của khán giả.

Một số người cho rằng tác phẩm đã “chuyển thể sai lệch nguyên tác”, “xuyên tạc lịch sử”, “đề cao vị thế Thiên Địa Hội”, “trang phục không phải của người miền Nam ngày xưa”...

Liên quan tới vấn đề này, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết, chiều ngày 14/10, Hội đồng thẩm định, phân loại phim và một số cơ quan, đơn vị chức năng đã tiến hành thẩm định lại bộ phim. Đại diện nhà sản xuất đã thực hiện phương án chỉnh sửa, bỏ tên và lời thoại “Thiên Địa Hội” và “Nghĩa Hòa Đoàn”, thay bằng tên gọi “Chính Nghĩa Hội” và “Nam Hòa Đoàn”. Ngoài ra, điều chỉnh dòng chữ “Bộ phim lấy cảm hứng từ tiểu thuyết Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi” lên đầu phim.

Trước dư luận ồn ào, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cũng trần tình về những ý kiến “hiểu nhầm” về bộ phim này trên sóng VTV.

Theo đó, đạo diễn Đất rừng phương Nam bày tỏ: “Bản thân tôi và những người làm phim rất buồn. Bởi vì chúng tôi muốn làm một bộ phim nói về tình người, về gia đình của một vùng đất, của một thời kỳ loạn lạc. Cho nên, có những ý kiến hơi tiêu cực về bộ phim và lan rộng đến cả những người chưa xem phim. Điều đó khiến chúng tôi rất trăn trở. Và chúng tôi quyết định sửa những chi tiết có thể làm cho người xem hiểu lầm. Bởi vì, thật sự những chi tiết đó chỉ là những chi tiết nhỏ để mô tả một bang hội của một nhân vật ở trong phim, chứ không phải ý nghĩa chính của bộ phim hay những điều mà những người làm phim chúng tôi muốn hướng tới”.

Nguyễn Quang Dũng cho biết, phim được lấy cảm hứng từ tiểu thuyết Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi và bộ phim truyền hình Đất phương Nam. “Chúng tôi giữ thay đổi theo bản phim Đất phương Nam của đạo diễn Vinh Sơn và cố vấn Sơn Nam, đã chuyển bối cảnh lịch sử của thời điểm đó từ tiểu thuyết năm 1945 thì chúng tôi dời về năm 1920 đến năm 1930. Thời điểm lúc đó có rất nhiều bang, hội, nhiều người yêu nước tự phát làm nên những phong trào đấu tranh chống lại thực dân Pháp”, anh giải thích.

Theo đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, ê-kíp đã nghiên cứu, tìm hiểu và xác nhận Thiên Địa Hội từng xuất hiện tại Việt Nam ở những năm đầu thế kỷ 20. Anh cho rằng Thiên Địa Hội ở trong phim chỉ là một trong số các nhóm nghĩa quân như nhóm của ba An, thầy Bảy...

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng khẳng định những chi tiết thay đổi chỉ hướng đến mong muốn một sự đa dạng. Tuy nhiên, anh ghi nhận những ý kiến đóng góp từ mọi người và “quyết định sửa bản phim để khán giả xem phim có được một trải nghiệm dễ đồng cảm với chúng tôi hơn”.

Trước Đất rừng phương Nam, có nhiều phim Việt cũng đối diện với hai luồng ý kiến khen – chê về việc làm lại tác phẩm gốc.

"Đất rừng phương Nam" và loạt phim này, vì sao lại gây tranh cãi? - 2

Phim “Cậu Vàng” bị tẩy chay và phải rời rạp sau 2 tuần công chiếu.

Bộ phim điện ảnh Cậu Vàng là dự án chuyển thể từ tác phẩm văn học Lão Hạc của nhà văn Nam Cao. Tuy nhiên, kịch bản Cậu Vàng lại được cố NSND Bùi Cường kể lại theo góc nhìn mới mẻ hơn, tiếp cận với xu hướng xem phim của khán giả trẻ.

Thế nhưng khi ra mắt, phim lại khiến khán giả thất vọng vì có nhiều “sạn”, không truyền tải được hình tượng nhân vật, tinh thần trong nguyên tác. Một số bình luận kêu gọi tẩy chay tác phẩm bởi lý do sử dụng chú chó Shiba Inu gốc Nhật Bản để làm cậu Vàng. Nhiều khán giả cho rằng với một bộ phim đậm chất Việt Nam, được chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn Nam Cao thì lựa chọn trên là không phù hợp.

Dù ê-kíp giải thích rằng chó Shiba dễ huấn luyện để đóng phim hơn và sẽ sử dụng kỹ xảo, hóa trang để mang đến hình ảnh chú chó thuần Việt nhưng điều này vẫn không làm hài lòng người hâm mộ.

Sau nhiều lùm xùm, phim ngậm ngùi rời rạp sau 2 tuần công chiếu. Theo thống kê từ BoxOffice, doanh thu của Cậu Vàng là 3,6 tỷ đồng, lỗ khoảng hơn 30 tỷ đồng so với chi phí đầu tư sản xuất.

“Kiều@” và “Kiều” đều là phim “lấy cảm hứng từ Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du”.

“Kiều@” và “Kiều” đều là phim “lấy cảm hứng từ Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du”.

Kiều của đạo diễn Mai Thu Huyền và Kiều@ của đạo diễn Đỗ Thành An được nhận xét là hai bộ phim “thảm họa” của điện ảnh Việt. Cả hai đều có dòng giới thiệu trên poster là “lấy cảm hứng từ Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du”. Tuy nhiên, cách khai thác nhân vật, kịch bản khác xa nguyên tác đã khiến các tác phẩm nhận về “cơn mưa” lời chê từ khán giả. Cả hai bộ phim đều đã lặng lẽ rời khỏi phòng vé với doanh thu ảm đạm.

Có nên làm phim chuyển thể?

Không thể phủ nhận rằng, bên cạnh các phim gây tranh cãi, vẫn có nhiều tác phẩm điện ảnh chuyển thể gặt hái thành công và để lại ấn tượng trong lòng khán giả, như Chuyện của Pao, Mùa len trâu, Cánh đồng bất tận, Mắt biếc, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Tro tàn rực rỡ... Thậm chí có bộ phim gia nhập vào câu lạc bộ phim “trăm tỷ” (Mắt biếc) và đại diện Việt Nam tham gia tranh tài tại Liên hoan phim Oscar (Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Tro tàn rực rỡ).

"Đất rừng phương Nam" và loạt phim này, vì sao lại gây tranh cãi? - 4

“Mắt biếc” của đạo diễn Victor Vũ chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, đạt doanh thu 172 tỷ đồng. 

Là một đạo diễn nổi tiếng với dòng phim chuyển thể, Victor Vũ cho biết khi làm phim chuyển thể văn học, anh thường chú trọng việc bảo toàn cảm xúc và tinh thần của tác phẩm. Nam đạo diễn chia sẻ với truyền thông:

Thật ra, thành công hay thất bại của bộ phim có nhiều lí do lắm, không phải là do phim chuyển thể đâu. Nhưng phải nói chuyển thể phim từ tác phẩm văn học rất khó. Không phải tiểu thuyết nào, tác phẩm văn học nào cũng chuyển thể được. Thực sự tôi đọc rất nhiều. Đôi khi tôi thấy câu chuyện quá hay nhưng mình không chuyển thể được vì nó không đủ yếu tố điện ảnh. Nội dung tác phẩm mình chọn có đủ yếu tố điện ảnh hay không. Nếu không rất khó. Vì điện ảnh và văn học quá khác. Phải tìm những cái mình khai thác được, làm tốt được. Mình không có lý do gì để hư cấu quá nhiều, như vậy sẽ làm mất đi tinh thần, chất riêng của tác phẩm văn học”.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên nêu quan điểm: “Tất nhiên khán giả hoàn toàn có quyền đánh giá một bộ phim về tất cả những gì mà bộ phim thể hiện. Đôi giày này không đúng thực tế thời kỳ đó ở vùng đó, người dân ở đấy không mặc cái áo đó, người ta không bắn súng như thế... Nhưng phán quyết cuối cùng của khán giả đưa ra một cách văn minh là  bộ phim này hay hoặc dở, tôi thích hay không thích, thế thôi. Sự tranh cãi là cần thiết và tích cực nhưng xin đừng cực đoan”.

Có thể thấy, việc chuyển thể một bộ phim dựa trên một nguyên tác đã nổi tiếng sẵn không phải là chuyện dễ. Ê-kíp làm phim cần sáng tạo hợp lý, không phá hỏng hình tượng các nhân vật đã ghi dấu ấn trong lòng khán giả. Nếu không, đoàn phim có thể đối diện với thất bại ê chề cả về mặt kinh tế lẫn những lời chê bai từ công chúng.

“2 ngày 1 đêm“ gây tranh cãi vì quảng cáo kém duyên, lộ liễu

Thời gian gần đây, nội dung trên gameshow bị khán giả phản ứng vì quá lạm dụng quảng cáo.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vi Vi ([Tên nguồn])
Đất rừng phương Nam Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN