“Đất Rừng Phương Nam”: Bộ phim đáng đồng tiền bát gạo?
Bản điện ảnh “Đất Rừng Phương Nam” mang lại nhiều cảm xúc cho người xem song vẫn còn khá nhiều điểm trừ.
Đạo diễn: Nguyễn Quang Dũng Diễn viên: Hồng Ánh, Trấn Thành, Tuấn Trần, Huỳnh Hạo Khang, Mai Tài Phến, Công Ninh, Hứa Vĩ Văn, Băng Di, Tuyền Mập… Thể loại: Gia đình, phiêu Lưu Ngày phát hành: 20/10/2023 Thời lượng: 110 phút Ngôn ngữ: Tiếng Việt - phụ đề Tiếng Anh Phân loại: K – phim được phổ biến đến người xem dưới 13 tuổi và có người bảo hộ đi kèm. |
Phim điện ảnh “Đất Rừng Phương Nam” lấy cảm hứng từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Đoàn Giỏi và phiên bản truyền hình "Đất phương Nam" - từng là ký ức của nhiều thế hệ khán giả, phát sóng năm 1997. Phim có kinh phí sản xuất là 40 tỷ đồng.
Theo Boxoffice Việt Nam, sau 3 ngày công chiếu sớm, “Đất Rừng Phương Nam” đạt doanh thu hơn 47 tỷ đồng. Bên cạnh đó, phim cũng gây nhiều tranh cãi khi bị cho là làm “sai lệch lịch sử”. Phía ê-kíp phim đã chủ động đề xuất phương án chỉnh sửa phim, theo đó, sẽ bỏ tên và lời thoại “Thiên địa hội” và “Nghĩa hòa đoàn”, thay bằng tên gọi khác không liên quan đến hội nhóm của nước ngoài. Sau khi chỉnh sửa, phim sẽ trình lên Cục Điện ảnh trước khi ra rạp chính thức từ ngày 20/10.
Trailer "Đất rừng phương Nam".
Bối cảnh hoành tráng, đề cao tinh thần dân tộc
Mở đầu phim, An (Hạo Khang) và mẹ (Hồng Ánh) bị thực dân truy lùng vì cha An (Huỳnh Đông) phạm tội phản tặc. Trên đường về miền Tây, mẹ An qua đời sau cuộc xả súng hỗn loạn. Chiếc vòng cổ có hình ảnh gia đình là kỷ vật duy nhất để cậu bé tìm cha.
An được Út Lục Lâm (Tuấn Trần) – một thanh niên trộm cắp, lanh lợi, thoát chết trong trận xả súng – cưu mang, dẫn đi tìm cha.
Hành trình của An và Út Lục Lâm trải dài qua nhiều tỉnh Nam Bộ, gặp gỡ những phận đời khác nhau dưới sự cai trị của Pháp.
Bé An (Hạo Khang) và Út Lục lâm (Tuấn Trần).
Sau khi thất lạc Út Lục lâm, An được ông Tiều (Tiến Luật) nhận làm đệ tử, làm nghề mãi võ kiếm sống.
Trên hành trình của mình, An bắt gặp nhiều người nông dân bị áp bức bởi địa chủ và thực dân, đẩy họ vào bước đường cùng. Song An vẫn nhận được sự yêu thương, bao bọc của những con người Nam Bộ đầy chân chất, hào sảng và nghĩa hiệp.
Đạo diễn Quang Dũng đã tái hiện sự hùng vĩ của Nam Kỳ Lục Tỉnh, cũng như một phần của bức tranh miền đất Nam Bộ trong những năm đầu chống Pháp thế kỷ 20 một cách sinh động, hoành tráng qua những góc máy đậm chất điện ảnh.
Những hình ảnh đậm chất miền Tây như đồng lúa mênh mông, đàn cò bay thẳng cánh, sông ngòi chằng chịt, bãi bùn, cưỡi trâu… được lồng ghép khéo léo trong hành trình tìm cha của An.
Bối cảnh chợ nổi miền Tây tại rừng tràm Trà Sư thể hiện được không khí sinh hoạt tấp nập của người dân miền sông nước, với hàng chục chiếc ghe thuyền ngược xuôi.
Với bối cảnh chợ nổi, “Đất rừng phương Nam” đã huy động gần 400 diễn viên quần chúng trên bến dưới thuyền và may mới gần 500 trang phục do diễn viên.
Bối cảnh chợ nổi trong phim.
Ngoài những yếu tố lịch sử, văn hóa, thiên nhiên, "Đất rừng phương Nam" còn tập trung khai thác tính nhân văn trong tình cảm gia đình, tình bạn, thầy trò, tình làng nghĩa xóm… Đây đều là những cảm xúc mà An và những người đồng hành cùng cậu bé đều trải qua trong chuyến phiêu lưu khắp lục tỉnh Nam kỳ.
Bên cạnh đó, tinh thần yêu nước của người dân được đề cao, truyền tải xuyên suốt trong bộ phim. Điều đó được thể hiện qua sự dũng cảm, quả quyết của các nhóm nghĩa quân chống lại ách đô hộ và bảo vệ quê hương đất nước.
Diễn xuất của dàn diễn viên và những hạn chế
Ban đầu, Hạo Khang đi casting vai Cò nhưng sau đó được đạo diễn chọn vào vai An vì sự thông minh, lém lỉnh.
Trong phim, cậu bé 13 tuổi có nét diễn tự nhiên, thể hiện được sự ngây thơ, bỡ ngỡ của cậu bé thành thị sớm xa bố mẹ, lưu lạc về miền quê.
Chất giọng đậm chất Nam Bộ của Hạo Khang cũng giúp cậu bé truyền tải tốt thông điệp qua những câu thoại. Phân cảnh An “gặp lại” mẹ dưới ánh trăng đã lấy nước mắt nhiều khán giả.
Trong bản truyền hình, nhân vật Út Lục Lâm có ít đất diễn. Song ở bản điện ảnh, anh trở thành người đồng hành với bé An. Tuấn Trần có sự lột xác so với các vai diễn trước đây khi hóa thành thành chàng trai nhiều năng lượng, có phần ma mãnh, nhiều toan tính, thực dụng… Từng bước đi, ánh mắt của anh cũng được tính toán kỹ lưỡng.
Bác Ba Phi (Trấn Thành) gây ấn tượng với câu thoại: "Dân mình hiểu đất mình. Đất trời, ông bà sẽ che chở cho mình thôi". Cuối phim, ông thể hiện sự bi phẫn khi chứng kiến từng người ngã xuống trước sự đàn áp của kẻ thù. Tuy nhiên, tạo hình bộ râu của bác Ba Phi chưa chân thật. Lối diễn cường điệu của Trấn Thành cũng làm đánh mất hình tượng một bác Ba Phi đầy điềm đạm, chững chạc.
Võ Tòng (Mai Tài Phến) tạo hình rách rưới, tóc tai bù xù che gần như hết khuôn mặt. Việc quá lạm dụng yếu tố hành động khiến anh không thể hiện được khí chất của một anh hùng Võ Tòng can trường.
Tạo hình và diễn xuất của bác Ba Phi (Trấn Thành) và Võ Tòng (Mai Tài Phến) còn nhiều hạn chế.
Tư Mắm do Băng Di đảm vai nhận được nhiều lời khen của khán giả khi thể hiện tốt vẻ đẹp sắc sảo nhưng đầy toan tính của nhân vật. Nghệ sĩ Cát Phượng (đóng vai Tư Mắm bản truyền hình) dành lời khen về diễn xuất của Băng Di rằng: "Tư Mắm Băng Di bản điện ảnh xuất sắc nghen cả nhà. Em diễn rất xuất sắc".
NSƯT Công Ninh, Hứa Vĩ Văn, Huỳnh Đông, Hồng Ánh, Tuyền mập… đều là những tên tuổi quen thuộc, có nhiều kinh nghiệm diễn xuất nên họ đã làm tốt vai trò của mình, góp phần tạo nên tổng thể hoàn chỉnh cho thời lượng 110 phút của bộ phim.
Sau buổi công chiếu sớm, nhiều khán giả cho rằng một số lời thoại trong phim có phần hiện đại, không phù hợp bối cảnh lịch sử trong những năm chống Pháp. Như việc Út Lục Lâm và An dùng các từ “sang lên”, "dính" (thích) khi trò chuyện. Theo đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, trong những tình huống gây cười, ê-kíp cân nhắc lồng ghép các từ ngữ gần gũi để hút khán giả trẻ.
Ngoài ra, phần kỹ xảo của phim cũng lộ nhiều “sạn". Trong một phân cảnh chợ nổi, hai bên sông nhà cửa rất khang trang, ngăn nắp khiến nhiều người xem cảm thấy phim như sử dụng kỹ xảo CGI (công nghệ mô phỏng hình ảnh bằng máy tính). Những cảnh cá sấu, đàn đom đóm lập lòe… trông cũng khá “ảo”, kém chân thật.
Bộ phim đáng đồng tiền bát gạo?
Tác phẩm kết thúc khi câu chuyện tìm cha của An còn dang dở. Nhiều nhân vật khác cũng chưa được khai thác sâu về hoàn cảnh, tâm lý… khiến cảm xúc người xem bị lưng chừng. Đó có thể là dụng ý của đạo diễn bởi trước đó, Nguyễn Quang Dũng chia sẻ với chúng tôi rằng, ông muốn phim đạt doanh thu tốt để có động lực làm tiếp phần tiếp theo, tái hiện đầy đủ nội dung trong tiểu thuyết gốc.
Dẫu phim còn nhiều điểm hạn chế, song nhiều khán giả đánh giá “Đất Rừng Phương Nam” vẫn là một tác phẩm đáng xem, được đầu tư chỉn chu, nhiều tâm huyết của nhà sản xuất.
“Tôi đã xem phim rồi, phim hay, xúc động, đáng xem, cảnh miền Tây sông nước rất đẹp. Tôi xem phim điện ảnh thì cứ xem và tận hưởng nét hay và đẹp của điện ảnh, sao nhiều người cứ phải so sánh lại với bản truyền hình nhiều tập năm xưa, mỗi phim có cái hay riêng. Theo tôi, ê-kíp chọn làm phim “Đất rừng phương Nam” là đã dũng cảm rồi, vì bản truyền hình năm xưa quá xuất sắc. Dựng lại 1 bộ phim đã để lại rất nhiều ấn tượng trong lòng khán giả thật không dễ dàng gì. Nhưng tôi xem phim vẫn thấy hay và xúc động”, khán giả Lê Dương bày tỏ.
Tài khoản T.D nói “Đất Rừng Phương Nam” là bộ phim đáng “đồng tiền bát gạo”: “Tôi xem mà xúc động, khóc không biết bao nhiêu lần, cảm giác cực kỳ tận hưởng”.
Đồng quan điểm, T.L viết: “Không thể nói phim quá xuất sắc nhưng đáng đồng tiền bát gạo. Có rất nhiều diễn viên gạo cội trong phim. Công bằng mà nói để lồng ghép được cả 1 câu chuyện dài trong 110 phút khó hơn trên phim truyền hình nhiều. Mọi người nên xem để có cái nhìn khách quan hơn. Tôi chấm điểm 7/10”.
Dù còn nhiều hạn chế nhưng “Đất Rừng Phương Nam” vẫn là bộ phim đáng xem.
Trao đổi với chúng tôi, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho biết, “Đất Rừng Phương Nam” muốn hồi vốn thì doanh thu phải tầm 130 tỷ.
Trước những ý kiến trái chiều và bối cảnh, tạo hình nhân vật trong phim chưa sát thực tế, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cũng thẳng thắn: “Tôi thấy miền Tây trong phim khác miền Tây bây giờ. Khi làm phim, chúng tôi có cả đội ngũ đi tìm tư liệu. Nhiều phim kể về miền Tây rất là nghèo nhưng tôi muốn cho mọi người biết miền tây cũng có thời rất phồn vinh, khu chợ có đời sống như vậy.
Tôi có triết lý khi làm, cũng có thể tài năng của tôi chưa tới để mọi người hiểu. Phim giống như sản phẩm, khách hàng càng khó tính thì mình phải càng cố gắng. Phim này chiếu ra, mọi người thấy cái này cái kia chưa phù hợp thì tôi đem về hậu kỳ sửa tiếp, tôi đã làm hết khả năng của mình”.
“Đất Rừng Phương Nam” dự kiến ra mắt ngày 20/10. Bối cảnh phim trải dài nhiều tỉnh như An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Trà Vinh…
Nguồn: [Link nguồn]
Ngoài Đông Nhi, Tăng Duy Tân, “Vietnam Idol 2023” vừa xác nhận Sơn Tùng M-TP là khách mời đặc biệt xuất hiện trong đêm chung kết.