Đạt 6 tỷ lượt xem, bản gốc "Người phán xử" có bạo lực, đẫm máu?

Những điều ít biết về phiên bản gốc của phần mới "Cảnh sát hình sự" đang gây sốt giờ vàng.

Video giới thiệu "The Abitrator"

Hiếm có bộ phim truyền hình Việt nào vừa lên sóng đã nhận được nhiều sự quan tâm bình luận của người xem như Người phán xử. Bộ phim tâm lý điều tra, không phản ánh về những người đi tìm công lý mà là phía bên kia, những kẻ tội phạm, gây ra tội ác.

Đây là bộ phim được mua kịch bản chuyển thể từThe Abitrator -  tác phẩm của Israel đạt 6 tỷ lượt xem trong suốt 3 phần phim (tổng 4 phần), phá vỡ mọi kỷ lục về phim truyền hình ở nước này. Đây là phim thương mại thành công nhất của Israel.

Sau 3 tập lên sóng, Người phán xử đang bị một số khán giả chỉ trích vì nhiều cảnh bạo lực, gợi cảm, lời thoại khá thoải mái. Điều này khiến nhiều người tò mò về bản gốc được cho là táo bạo hơn rất nhiều. Thực hư ra sao?

Sự giống và khác nhau của hai bản phim

Đạt 6 tỷ lượt xem, bản gốc "Người phán xử" có bạo lực, đẫm máu? - 1

Phiên bản gốc phản ánh thực tế xã hội Isarel 

The Abitrator kể về Baruch Asulin, một ông trùm có tiếng tăm và uy tín bậc nhất nên được coi như “Người phán xử”, làm nhiệm vụ trung gian hòa giải các tranh chấp trong thế giới ngầm. Ông là kẻ máu lạnh giết người không chớp mắt, nhưng đồng thời lại có những quan điểm rất truyền thống, thậm chí có thể coi là cổ hủ.

Baruch Asulin thường xuyên đến khu giáo đường của người Do Thái để cầu nguyện, để tĩnh tâm suy ngẫm. Khi giải quyết tranh chấp, trước khi cần tới bạo lực, ông thường trích dẫn những lời răn từ kinh Torah như một giáo sĩ thực thụ.

Trong phần đầu tiên, khi ông trùm gặp lại đứa con trai ngoài giá thú của mình, giữa hai người đàn ông có những sự xung đột đối nghịch rất mạnh mẽ tưởng như không thể dung hòa. Con trai ông - Nadav Feldman - được nhận nuôi từ bé trong một gia đình trung lưu.

Anh đang theo học và tích lũy kinh nghiệm để trở thành một nhân viên làm công tác xã hội với tuổi trẻ, lí tưởng cùng sự tận tụy của mình. Nhưng khi ông trùm tham gia vào cuộc chiến chống lại kẻ thù độc ác nham hiểm là Yigal Mizrahi thì Nadav lại là trợ thủ đáng tin cậy của ông.

Đạt 6 tỷ lượt xem, bản gốc "Người phán xử" có bạo lực, đẫm máu? - 2

NSND Hoàng Dũng (trái) và hình tượng ông trùm Asulin trong bản gốc

Như vậy, về nội dung, cả hai bộ phim đều để cập tới những cuộc tranh đoạt tàn khốc trong thế giới ngầm. Có thể thấy ông trùm Asulin rất tương đồng với ông trùm Phan Quân do NSND Hoàng Dũng thể hiện. Đó là danh tiếng, sự già đời lão luyện, một cái đầu luôn lạnh, một trái tim đủ tàn nhẫn nhưng được nể trọng ở sự minh bạch, công bằng trong đối nhân xử thế. Đồng thời cả hai ông trùm đều rất coi trọng những giá trị gia đình.

Đạt 6 tỷ lượt xem, bản gốc "Người phán xử" có bạo lực, đẫm máu? - 3

Vai diễn của Việt Anh được đẩy lên ở tuyến chính, khác hẳn bản gốc

Ngược lại, nhân vật chính thứ hai của bản Việt lại không phải đứa con ngoài giá thú mà là cậu con trai ngang ngược hiếu thắng của Phan Quân. Phan Hải của diễn viên Việt Anh hung hăng và hiếu chiến, hoàn toàn khác biệt so với Nadav điềm tĩnh và có chủ kiến. Đây cũng là yếu tố tạo ra sự khác biệt và bất ngờ của Người Phán Xử so với bản gốc.

Từ Bố già đến Người phán xử

Đạt 6 tỷ lượt xem, bản gốc "Người phán xử" có bạo lực, đẫm máu? - 4

Nhân vật chính trong "The Abitrator" gợi liên tưởng đến Bố già

Điều chủ yếu khiến The Abitrator có sức lan tỏa lớn ở Isarel hay cộng đồng người Do Thái nói chung không chỉ có sự kịch tính, giật gân trong cốt truyện. Những quan điểm triết học và những giá trị Do Thái, sự phản ánh sâu sắc xã hội Isarel hiện đại mới thực sự là nguyên nhân khiến The Abirator được đón nhận mạnh mẽ đến vậy.

Xuyên suốt cuộc chiến chống lại kẻ thù, người ta thường xuyên thấy một ông trùm già đời lão luyện và một nhân viên công tác xã hội trẻ tuổi đầy tiềm năng thường xuyên nói với nhau về những vấn đề triết học, về đúng và sai, về ý nghĩa của gia đình, ý nghĩa của các giá trị Do Thái truyền thống trong cuộc sống đương đại.

Đạt 6 tỷ lượt xem, bản gốc "Người phán xử" có bạo lực, đẫm máu? - 5

Baruck Asulin đã nói trong một tập phim rằng: “Trong đạo Do Thái, không có cái gọi là lương tâm, chỉ có những điều tốt đẹp.”

Theo quan điểm thông thường, rõ ràng ông trùm không phải một kẻ có lương tâm. Nhưng ông có những quy tắc riêng để gây dựng đế chế, để giữ lại những điều tốt đẹp theo niềm tin chưa bao giờ thay đổi của mình.

Hay như điều ông nói khi từ chối lời đề nghị hợp tác buôn ma túy từ Li-băng vào Isarel người bạn cũ Frauki: “Tôi yêu bạn, cũng như yêu những người Do Thái khác. Nhưng bạn của tôi ơi, bạn đã lạc lối rồi.”

Bởi ông biết rõ thuốc phiện sẽ hủy diệt con ngươi một cách triệt để nhanh chóng như thế nào, từ thể xác tới linh hồn, từ niềm tin đến sự đoàn kết trong cộng đồng người Do Thái.

Người ta dễ dàng nhớ đến Don Vito Corleone đầy quyền lực trong Bố Già. Ông sẵn lòng bảo kê cho cờ bạc, rượu lậu, mại dâm, vũ khí nhưng lại kiên quyết từ chối thuốc phiện dù chúng mang lại lợi nhuận khổng lồ.

Đạo diễn Shay Kanot và nhà biên kịch Reshef Levy đã chia sẻ về cách làm phim trong khi ngân sách khá eo hẹp. Mỗi tập phim của họ có ít cảnh hơn bình thường, chính bởi vậy họ phải tìm cách làm chúng phong phú hơn. “Chúng tôi cố gắng tạo ra sự hài hước, dí dỏm trong các cảnh,” Kanot nói. “Và một điều gì đó còn chưa lộ ra hết, để người xem suy nghĩ về nó.”

Đạt 6 tỷ lượt xem, bản gốc "Người phán xử" có bạo lực, đẫm máu? - 6

Hậu trường một cảnh quay trong "The Abitrator"

Khi các diễn viên The Abitrator quay cảnh trên đường phố, người ta thường khó để nhận ra đâu là diễn viên, đâu là người dân hay những kẻ giang hồ thứ thiệt. Bộ phim rất phổ biến trong giới xã hội đen ở Isarel, bởi những thành viên của thế giới ngầm tin rằng kịch bản phim, từ nhân vật, diễn biến cho đến những câu thoại được lấy cảm hứng từ chính cuộc sống thường ngày của họ. Họ tìm thấy màu sắc và sự phản chiếu của mình trong đó.

Câu hỏi còn để ngỏ trong The Abitrator 

Đạt 6 tỷ lượt xem, bản gốc "Người phán xử" có bạo lực, đẫm máu? - 7

The Abitrator đặt ra và đi tìm câu trả lời cho câu hỏi lớn nhất trong lịch sử người Do Thái: giá trị đạo đức, giá trị cộng đồng và nơi họ thuộc về.

Bộ phim đã dựng nên bức tranh tổng thể với nhiều gam màu tối về Isarel, một quốc gia có sự phục hồi kinh tế đáng kinh ngạc sau những phá hoại của chiến tranh, khủng bố. Họ cũng đặt ra câu hỏi về viễn cảnh Isarel có thể đánh mất linh hồn do lòng tham của chủ nghĩa tư bản và ảnh hưởng tàn ác từ chiến tranh.

Sự độc ác tàn bạo của những kẻ thuộc thế giới ngầm được phản ánh một cách trần trụi. Sự dè dặt của những công dân hay thái độ thờ ơ của quan chức chính phủ cũng được khắc họa rõ nét.

Nhưng người làm phim không chỉ muốn thể hiện thực tại xấu xí, họ muốn cho tất cả thấy rằng giá trị truyền thống vẫn tồn tại đâu đó trong con người Isarel, kể cả ở những kẻ tội phạm.

Đạt 6 tỷ lượt xem, bản gốc "Người phán xử" có bạo lực, đẫm máu? - 8

 Những quan điểm triết học và những giá trị Do Thái, sự phản ánh sâu sắc xã hội Isarel hiện đại mới thực sự là nguyên nhân khiến The Abirator được đón nhận mạnh mẽ đến vậy

Có thể kể tới một cảnh đáng nhớ trong phim, lúc hai tay sai của ông trùm đánh đập một người đàn ông không hoàn thành thỏa thuận. Nhưng khi phát hiện ra con trai của ông ta là lính nhảy dù đã chết ở Li-băng, họ lập tức dừng tay. 

The Abitrator không được làm ra để tồn tại như bản thánh ca buồn đẫm máu. Nó cũng không phải dùng để lên án một Isarel cằn cỗi xác xơ trong thực tại hay phúng điếu những điều tốt đẹp đã mất đi.

Bộ phim làm ra để kể về việc người Do Thái đang phải đưa ra những quyết định khó khăn, vì một tương lai nào đó còn chưa rõ hình hài. Họ chấp nhận mang tất cả ra để đấu tranh với những thế lực đen tối bên ngoài và cả con quỷ dữ ẩn nấp sâu trong tâm hồn họ.

Người Phán Xử được phát sóng vào 21h30 thứ 4, thứ 5 hàng tuần trên VTV3. Sau 3 tập đầu gây sóng gió vì những yếu tố táo bạo thu hút khán giả truyền hình, những tập tiếp theo hứa hẹn sẽ mang đến diễn biến hấp dẫn.

Mời độc giả đón xem bài viết review về bộ phim này vào sáng thứ 5 tại mục Giải trí-PHIM!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thu Hằng ([Tên nguồn])
Người phán xử Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN