Đạo diễn Lưu Trọng Ninh: "Tôi tự tin khi xây dựng lầu xanh trong Kiều"
Nhiều người cho rằng cảnh lầu xanh sẽ là một thử thách khi đưa lên màn ảnh nhưng vị đạo diễn lại cho rằng đây là một trong những chi tiết giúp ông đưa văn hoá Việt vào phim.
- Truyện Kiều là một tác phẩm lớn trong văn học Việt Nam, theo anh vì sao cho đến bây giờ anh mới là người đầu tiên đứng ra làm phim trong khi không ít những tác phẩm khác từng được đưa lên màn ảnh?
- Có 2 lý do. Kiều dựa trên nguyên tác truyện Trung Quốc là điều cản trở lớn nhất. Khi một câu truyện với bối cảnh như vậy thì chúng ta làm phim khác gì phim Trung Quốc. Thơ là phần hồn mà Nguyễn Du dùng để vẽ nên câu chuyện của Kiều nhưng điện ảnh là sự chân thực. Vậy những hình ảnh Trung Quốc được lên phim liệu khán giả có chấp nhận được không
Cái thứ 2 là sự âm tính của nền điện ảnh. Ở quốc gia có một tác phẩm lớn như Kiều đáng nhẽ tôi phải là người thứ 15-16 làm phim. Người đi đầu sẽ gặp những cản trở rất lớn vì đây là một tác phẩm quá lớn và đi vào lòng nhiều thế hệ người Việt Nam. Ai dám chạm vào quốc hồn quốc tuý của người Việt, ai dám phá nét bút đầu tiên, ai dám tạc tượng của Kiều – đó là vấn đề lớn nhất
Những thập niên 1960 trở về trước tác phẩm này có vị trí rất cao nhưng dần dần lại bị quên lãng. Bây giờ khi hỏi về Kiều với thế hệ trẻ không phải ai cũng hiểu được, không phải ai cũng nói được.
Làm phim về Kều là điều đạo diễn Lưu Trọng Ninh đã trăn trở từ nhiều năm nay.
- Như anh đã chia sẻ Kiều được lấy nguyên tác từ truyện Trung Quốc vậy bối cảnh của bộ phim xây dựng theo hướng nào?
- Đáng ra bộ phim này được quay cách đây 5 năm nhưng vì phá cách của kịch bản mà không được chấp nhận. Một số nhà văn, biên tập của đài nói với tôi: "Vì anh là người đầu tiên làm nên mong anh hãy trung thành với nguyên tác". Tôi nghĩ đã trung thành với nguyên tác thì tôi và Nguyễn Du độc lập với nhau. Ông dùng áng thơ để mô tả thân phân nàng Kiều còn tôi dùng ngôn ngữ điện ảnh để mô tả câu chuyện. Nếu tôi làm Kiều như Kim Vân Kiều truyện chắc chắn không chạm được tư tưởng lớn của Nguyễn Du. Rất may mắn trong Truyện Kiều để lại nhiều khoảng trống nên tôi có thể khai thác từ Kim Trọng, Thuý Kiều, Thuý Vân... về đời sống, công việc hàng ngày.
Điều khó nhất bây giờ là câu chuyện Trung Quốc hay Việt Nam. Nếu bắt Kiều phải mặc tứ thân, áo yếm tôi nghĩ sẽ cực kỳ khó, chính chúng ta sẽ không thể chấp nhận được. Nếu Kiều mặc áo sườn xám thì chẳng ai muốn xem. Chính vì vậy tôi phải tìm ra giải pháp, đầu tiên là vây quanh Kiều một phông nề văn hoá đậm màu sắc Việt. Khi màu sắc đó vây quanh người ta dần chấp nhận Kiều bước dần ra khỏi câu chuyện Trung Quốc và đến với câu chuyện Việt Nam.
Muốn như thế không gian không được xác định không rõ Trung Quốc hay Việt Nam, thời gian không xác định Minh Thanh hay Lý Trần. Hai thứ đó khiến người ta coi Kiều như một ảo ảnh nhưng nó gần với Nguyễn Du.
- Với Kiều anh xây dựng theo chuẩn đẹp như nào?
- Nếu đúng chuẩn cách đây 250 năm thì không phải là người phụ nữ của hiện tại vì phụ nữ ngày nay mang vẻ đẹp mạnh mẽ, trong trẻo và cá tính. Còn đoan trang mực thước, đau khổ nước mắt thì chắc gì người xem đã cảm nhận được. Vẻ đẹp của Kiều phải mang tính nghệ thuật không thể trầm tư như trong văn thơ. Tính cách của nhân vật cũng cần mạnh mẽ, không thể khóc lóc đớn đau được.
Cô ấy phải khác biệt với quá khứ, dám bước qua số phận. Những điều khác biệt đó theo tôi không chống lại nguyên tác nhân vật của Nguyễn Du nhưng chắc chắn các mối quan hệ nhân vật cũng khác, thằng bán tơ phải là thằng bán tơ của ngày hôm nay, Thúc Sinh phải là tri thức ngày hôm nay còn nếu cứ lề mề như ngày xưa thì không tồn tại bộ phim được.
Tôi muốn để mỗi người xem đều mường tượng Kiều theo cách của riêng mình nên trong 5 đến 7 tập đầu tiên tôi đưa khung cảnh, câu chuyện để người ta chấp nhận rồi mới để Kiều xuất hiện. Nếu ra mặt từ tập 1 thì không bao giờ thoả mãn được khán giả.
- Với một vai diễn nặng ký như Kiều hẳn anh sẽ rất khó khăn trong việc chọn lựa và có những tiêu chuẩn khắt khe cả về ngoại hình và diễn xuất?
- Nữ chính cần cân bằng giữa ngoại hình và diễn xuất nhưng tôi sẽ chọn về ngoại hình rồi đào tạo thêm về diễn xuất vì những hành vi mực thước không hề giống những bộ phim khác khi diễn viên cứ bê từ ngoài đời thường vào. NTôi cũng mong có một diễn viên chuyên nghiệp có thể đảm nhiệm vai Kiều nhưng chưa thấy, nếu có thể tôi muốn là một cuộc thi tuyển chọn vai Kiều.
Nếu một vai nào đó diễn viên có thể đến tham gia rất đông nhưng về Kiều thì 10 người 9 người chùn bước. Không phải ai cũng tự tin mình sẽ đóng được. Những người đã thành đạt, đã trở thành ngôi sao rất sợ bị từ chối. Đó là cái khó của tôi.
Bên cạnh yếu tố nghệ thuật, bài toán kinh tế cũng là điều mà vị đạo diễn trăn trở.
- Với một tác phẩm đồ sộ như Kiều hẳn bộ phim cũng yêu cầu mức kinh phí không nhỏ?
- Tôi thực sự ước mơ sẽ có mức kinh phí lớn còn nhà đầu tư hy vọng phải thu lại vốn nhưng chắc chắn doanh thu sẽ không cao, tôi đoán phim về Kiều cũng không hơn những bộ phim khác nhiều. Điều quan trọng là tôi né tránh xa hoa vì bản chất Kiều vẫn xuất thân trong một gia đình giàu bậc trung ở một làng quê nghèo. Yếu tố dân dã quyết định chứ không phải lụa là gấm vóc.
Có 2 cái yếu tố dân gian quyết định đến sự xa rời câu chuyện Trung Quốc đến gần với Việt Nam. Đó là màu sắc có thể lấy màu nâu, đỏ là màu truyền thống của dân tộc chứ không còn là màu vàng quyền quý của Trung Quốc. Trang phục cũng không thể là lượt chiết ly. Tìm lối phục trang phù hợp là cách giải quyết câu chuyện văn hoá tốt nhất.
Tôi chưa thể tiết lộ nhiều tuy nhiên bước vào thực hiện thì tìm được trang phục và Kiều lại là 2 điều khó nhất. Bối cảnh thì không sợ vì ban đầu đây đã là 1 bối cảnh không thật nhưng người ta vẫn tin được. Còn phục trang rất dễ dẫn đến phản cảm nếu làm không khéo bởi nó chiếm tới 40% phần hình trong khi nhân vật 30%, bối cảnh 30%.
- Làm phim về Kiều không tránh khỏi những lầu xanh, anh xử lý những cảnh quay này như thế nào?
- Lầu xanh lầ lối thoát của bối cảnh vì lầu xanh ở đâu cũng giống nhau, ở Thượng Hải có thể không khác với Việt Nam nên bối cảnh đó cho tôi sự tự tin là mình sẽ làm được. Thực ra Kiều chủ yếu tập trung vào giai đoạn Kiều trước và sau khi bán thân còn lầu xanh không chỉ nói riêng về Kiều mà cả mười mấy kỹ nữ.
Mỗi người có một câu chuyện khác nhau trao gửi qua Kiều nhưng có đời sống riêng. Mỗi nhân vật trong lầu xanh đó sẽ mang dấu ấn của một vùng quê. Đó là câu chuyện bộ phim có thế mạnh vì các nhân vật đi cạnh đó chứ không hẳn là chỉ chăm chăm đi theo Kiều từ đầu đến cuối. Bộ phim này ngoài đưa vào những chi tiết văn hoá ra tôi còn muốn gửi gắm những điều chúng ta đã mất đi về nghề thủ công, những điều giản dị nhưng thú vị.
Dù tin rằng những chuyện gạ gẫm, đánh đổi không xảy ra với những đạo diễn nghiêm túc nhưng tác giả “Hoa cỏ may“ biết...