Đạo diễn Lê Hoàng: Sân khấu ở Việt Nam còn hạn chế

Nam đạo diễn nêu quan điểm ở góc nhìn của một người làm về văn hóa.

Vào dịp Tết 2024, chỉ tính riêng sân khấu kịch nói đã có hơn 10 điểm diễn trong TP.HCM phục vụ cho nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khán giả. Đây là điều hiếm thấy so với các năm trước, cũng là tín hiệu đáng mừng cho thấy người xem không quay lưng với sân khấu.

Đạo diễn Lê Hoàng: Sân khấu ở Việt Nam còn hạn chế - 1

Khán giả ngồi kín ghế theo dõi vở hài kịch Tết “Xuân... dữ chưa”

Dưới góc nhìn của một nhà sản xuất, ông Huỳnh Anh Tuấn – Giám đốc công ty Sân khấu Nghệ thuật Thái Dương là đơn vị chủ quản của Nhà hát kịch Idecaf - nhận xét, sân khấu xã hội hóa ở TP.HCM đầy tiềm năng nhưng nhiều thách thức. Trước sự “đỏ đèn” liên tục của sân khấu, ông cho hay bản thân có thể tự hào và ngẩng mặt “một tí” trước thành công này. “Điều này chứng tỏ thành phố có tính giải trí cao về xem kịch nói cuối tuần”, ông Huỳnh Anh Tuấn cho biết.

Theo ông Huỳnh Anh Tuấn, truyền thống hay cách sống của người dân ở TP.HCM là bất kỳ một loại hình nào đều phải mua vé: “Đây là cái hay và mang tính thương mại. Đòi hỏi khi bán vé là sản phẩm phải tương đương với yêu cầu của người mua vé. Điều này gần như kích thích và trở thành thói quen với kịch ở TP.HCM là phải mua vé vào xem. Trong cùng thời điểm đó ở Hà Nội thì các đoàn kịch đều do nhà nước thành lập và bao trọn gói đời sống của công nhân viên”.

Ông Huỳnh Anh Tuấn là chủ quản của Nhà hát kịch Idecaf

Đến hiện tại, ông Huỳnh Anh Tuấn cho rằng ông không bi quan hay lạc quan về tình hình sân khấu ở TP.HCM. Ông sử dụng cụm từ “sòng phẳng” và giải thích rõ hơn: “Khi ta có sản phẩm tốt thì sẽ có khán giả, khách hàng và ngược lại”. Tuy nhiên, ông Huỳnh Anh Tuấn cũng nhận định cách thức làm sân khấu ở Việt Nam còn nhiều hạn chế và mang tính tự phát khi so sánh với các nền văn hóa phát triển khác trên thế giới.

Ở góc nhìn của một người làm về văn hóa, đạo diễn Lê Hoàng đánh giá điểm hạn chế lớn nhất của sân khấu tại Việt Nam chính là cảnh trí và công nghệ, kỹ thuật sân khấu còn sơ khai. Đồng tình với điều này, ông Huỳnh Anh Tuấn cho biết đó là lý do ông mong muốn các sân khấu hãy làm điều “bất thường” thì khán giả mới mua vé vào xem. “Còn nếu làm quá bình thường thì khán giả ở nhà có thể tự xem được với những công nghệ hiện tại, làm điều bình thường là tự giết mình”, ông nói thêm.

Bên cạnh đó, ông Huỳnh Anh Tuấn cũng chia sẻ ở Việt Nam là nghệ sĩ đứng ra lập sân khấu. Trong khi ở nước khác, người lập sân khấu là những doanh nhân - người được đào tạo qua lớp quản lý văn hóa hay nhà sản xuất. “Tất cả đều phải bài bản, học hành đầy đủ chứ không phải hứng là làm. Nếu hứng mà làm thì sân khấu hay nhà hát chỉ dừng ở mức đó thôi, không có sự tâm huyết”, ông Huỳnh Anh Tuấn bày tỏ.

Đạo diễn Lê Hoàng: Sân khấu ở Việt Nam còn hạn chế - 4

Đạo diễn Lê Hoàng

Đạo diễn Lê Hoàng cho rằng, việc để nghệ sĩ quản lý sân khấu có hai mặt: Hay và dở. Hạn chế chính là nhân vật này sẽ dễ làm việc cảm tính và theo cảm xúc, chỉ chọn thứ phù hợp với mình nhất. Trong khi đó, nếu là doanh nhân sẽ có góc nhìn khách quan hơn khi chọn những thứ tốt nhất. “Bóng đá cũng vậy thôi, ông bầu đội bóng không phải huấn luyện viên hay cầu thủ”, nam đạo diễn ví von.

Huỳnh Anh Tuấn cũng có ý kiến tương tự. “Nghệ sĩ bị trói buộc vào mục đích đang làm là nghệ thuật, sự thăng hoa của họ”, ông nhận định.

Tuy nhiên đây chỉ là quan điểm cá nhân của nhà sản xuất Huỳnh Anh Tuấn và đạo diễn Lê Hoàng. Thực chất, thời gian qua, có nhiều sân khấu do nghệ sĩ “cầm trịch” vẫn gây tiếng vang và được đông đảo khán giả yêu mến. Từ hai tụ điểm mới thành lập (sân khấu nghệ thuật Trương Hùng Minh của nghệ sĩ Minh Nhí; sân khấu Thiên Đăng của NSƯT Thành Lộc), cho đến các nơi đã ghi dấu ấn trong lòng người xem nhiều năm nay như sân khấu kịch Hồng Vân, sân khấu Quốc Thảo, nhà hát kịch Sân khấu nhỏ (NSND Mỹ Uyên)...

NSƯT Vũ Xuân Trang cùng vợ là nghệ sĩ Hoàng Thy ra mắt sân khấu kịch mang tên Xóm Kịch. Anh nói vợ chồng anh luôn bù lỗ, cố gắng gồng gánh để tạo cơ hội các diễn viên trẻ được làm nghề, mang đến cho khán giả những tác phẩm chỉn chu, có nhiều thông điệp ý nghĩa.

Vợ chồng tôi làm nghề mấy chục năm, cũng từ diễn viên trẻ đi lên nên hiểu được sự vất vả, chật vật của nghề. Chúng tôi luôn tạo điều kiện hết mức có thể để các bạn trẻ được làm nghề, có nơi để thể hiện tài năng, trau dồi kinh nghiệm. Chúng tôi cũng nhận ra có nhiều nhân tố rất tiềm năng, thậm chí chúng tôi cũng phải học ở các em rất nhiều”, nghệ sĩ Vũ Xuân Trang chia sẻ với chúng tôi.

Đạo diễn Lê Hoàng: Sân khấu ở Việt Nam còn hạn chế - 5

Nghệ sĩ Thanh Thủy

Là gương mặt nổi tiếng gắn bó với series Ngày Xửa Ngày Xưa, nghệ sĩ Thanh Thủy cho biết có rất nhiều lời mời cô mở sân khấu từ cách đây cả chục năm. Nữ nghệ sĩ trả lời hóm hỉnh: “Đâu có ngu mà mở sân khấu”. Giải thích rõ hơn, Thanh Thủy nhận thấy bản thân không có khả năng, không đủ tiềm lực, sức lực và tài năng.

Tôi rất nể phục những ai hiện nay đứng ra để thành lập sân khấu. Chỉ có lòng yêu nghề, yêu sân khấu thực sự mới dám bỏ hết năng lượng của mình gồm tiền bạc, trách nhiệm, tổ chức, khả năng lãnh đạo, mối quan hệ trong tập thể lẫn bên ngoài”, nữ diễn viên tâm sự. Theo Thanh Thủy, đã yêu nghề, yêu sân khấu thì phải có trách nhiệm. “Tôi thấy khán giả ngày nay nồng nhiệt hơn, mở lòng hơn và thân thiện hơn”, cô chia sẻ.

Hình ảnh đời thường của nam danh hài gây bất ngờ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo THÚY VI ([Tên nguồn])
Nghe Nghĩ Ngẫm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN