Cuộc di tản Dunkirk: Đạo diễn triệu đô phá vỡ mọi quy chuẩn của Hollywood
Bộ phim cũng là sự liều lĩnh của Christopher Nolan khi phim chiến tranh đang dần mất vị thế.
Bắt đầu sự nghiệp làm phim từ cách đây gần 30 năm, Christopher Nolan là một trong những cái tên đạo diễn nổi bật của thế kỷ 21. Dù vậy, số lượng phim ông làm ra không nhiều, bởi Nolan được biết đến là người cực kỳ cầu toàn trong việc làm phim, mỗi tác phẩm của ông đều được kiểm soát kỹ đến từng chi tiết. Chính vì vậy, dù không làm phim chạy theo số lượng, ông vẫn lọt vào danh sách những đạo diễn có doanh thu phòng vé cao nhất.
Chris Nolan là thương hiệu của những bộ phim chất lượng và "cân não"
Với fan dòng phim cân não của Nolan, việc phải chờ đợi 2-3 năm cho một tác phẩm của ông không còn là chuyện đáng ngạc nhiên. Nhưng với tác phẩm mùa hè năm nay của mình - Cuộc di tản Dunkirk, Nolan không chỉ chờ từng ấy thời gian, ông đã thai nghén ý tưởng của mình trong vòng 25 năm.
Dunkirk được coi như sự liều lĩnh của Nolan bởi thể loại chiến tranh khá kén người xem
Lần đầu tiên, một sự kiện chiến tranh "không mấy vẻ vang" được đưa lên màn ảnh
Cuộc di tản Dunkirk được xây dựng dựa trên một sự kiện có thật vào thời điểm khi cuộc Thế chiến II mới bắt đầu tại bờ biển Dunkirk của nước Pháp. Hơn 400 nghìn người lính của quân đội Đồng Minh gồm người Anh, Pháp và Bỉ đã bị dồn về phía bờ biển Dunkirk và chỉ chờ quân đội Đức xóa sổ. Tại đây, dù chỉ cách nước Anh 26 dặm đường biển, nhưng mọi nỗ lực để đưa 400 nghìn quân lính về nhà dường như là vô vọng. Trong hoàn cảnh đó, Thủ tướng Anh Churchill đã phát lệnh huy động những tàu dân sự ở eo biển phía Nam Anh Quốc lên đường đến Dunkirk để đón những người lính.
Có thể nói, đây là một sự kiện không đáng tự hào của lực lượng Đồng minh nói chung và với Anh Quốc nói riêng. Nhưng với Nolan, lựa chọn Dunkirk để kể không có nghĩa là phải kể về những ký ức huy hoàng.
Bờ biển Dunkirk, nơi từng diễn ra cuộc di tản Dunkirk có thật trong lịch sử
Bộ phim được Nolan quyết định kể theo 3 góc nhìn: từ đất liền (bờ biển Dunkirk), từ trên không (3 máy bay tiêm kích của Anh có nhiệm vụ bắn hạ những máy bay của quân đội Đức), và từ mặt biển (những con tàu dân sự lên đường giải cứu quân đội nước mình).
Với cách kể này, Nolan cho người xem được đứng ở những nơi khác nhau trong cùng một câu chuyện và nhìn vào nó. Ở đâu, khán giả cũng có thể chứng kiến được sự tàn khốc của chiến tranh, sự hy sinh của những người lính, và đôi lúc cũng là sự ích kỷ khi phải đứng trước sự sống và cái chết.
Nam diễn viên Kenneth Branagh và Tom Hardy
Nếu như khán giả đã quen với những bộ phim được kể lắt léo, với cốt truyện kịch tính đến từ Nolan, thì Dunkirk lại đem đến một ấn tượng hoàn toàn khác. Bản thân câu chuyện về Dunkirk đã luôn là một kỳ tích trong lịch sử chiến tranh. Chính vì thế, Nolan không khai thác sâu vào một nhân vật nào trong phim, ông lướt qua từng nhân vật với câu chuyện riêng, tính cách riêng của mỗi người, và từ đó lột tả được sự tàn bạo của chiến tranh.
Từ đầu bộ phim cho tới khoảng 2/3 thời lượng, Nolan khoác lên câu chuyện một màu u ám đến khó chịu, ngay cả những đoạn nhạc nền cũng làm trống ngực của khán giả phải đập liên hồi. Không chỉ những nhân vật trong phim, chính người xem cũng cảm thấy như mình đang chờ đợi một điều gì đó trong vô vọng.
Những diễn viên trẻ như Whitehead hay Harry Styles lần đầu tiên xuất hiện trên màn bạc
Có thể nói, Dunkirk được dàn dựng theo kiểu phim chiến tranh cổ điển - dù kể câu chuyện từ 3 góc nhìn, Nolan vẫn giữ một tinh thần rất chân phương, không dùng những chiêu trò của đạo diễn để tạo sự kịch tính.
Bộ phim như một lời tri ân đẹp đẽ tới "Tinh thần Dunkirk", câu nói đã đi vào thành ngữ của người Anh để nói về sự can trường và không đầu hàng trước khó khăn.
Quyết định làm một bộ phim đi ngược lại mọi quy chuẩn của Hollywood, không chiến thắng lẫy lừng, không có sự xuất hiện của người Mỹ, và cần đầu tư rất lớn, Nolan đã cho ra đời một tác phẩm dành tặng cho quê hương Anh Quốc của mình.
Những đại cảnh hoành tráng sử dụng 6000 diễn viên quần chúng
Dunkirk gợi cho chúng ta nhớ về những bộ phim chiến tranh kinh điển từng có trong lịch sử phim ảnh, đặc biệt là Saving Private Ryan của đạo diễn gạo cội Steven Spielberg, bởi cùng có bối cảnh bên bờ biển. Tuy nhiên, nếu như Saving Private Ryan kể về tinh thần chiến đấu rất dữ dội của những người lính, thì Dunkirk lại giống như những con sóng ngầm.
Sự kiện Dunkirk khiến không ít người lính cảm thấy mình là kẻ bại trận, tuy nhiên giống như câu khẩu hiệu của phim: "Nếu họ không thể trở về nhà, nhà sẽ đến với họ", bộ phim đi sâu vào khai thác sự cảm thông, thấu hiểu của những người ở hậu phương về sự ác liệt của chiến tranh mà những người lính phải trải qua.
Lựa chọn diễn viên trẻ, đầu tư mạnh tay vào công nghệ, Nolan tự đưa mình vào canh bạc lớn
Lựa chọn dàn diễn viên chính rất trẻ tuổi và tưởng như non kinh nghiệm, Nolan chứng minh rằng mình không hề liều lĩnh khi sử dụng chính sự non nớt của họ để làm thế mạnh. Nam diễn viên Fionn Whitehead và Harry Styles dù mới chạm ngõ điện ảnh nhưng cũng đã để lại nhiều ấn tượng cho khán giả, bên cạnh đó, diễn xuất của những diễn viên có nghề như Kenneth Branagh hay Tom Hardy cũng là những mảnh ghép giúp hoàn thiện bức tranh Dunkirk.
Dunkirk - đẹp nhưng cũng không kém phần ác liệt
Được đầu tư với kinh phí lên tới 150 triệu USD và công nghệ quay IMAX tối tân, Chris Nolan muốn đem tới những hình ảnh chân thực nhất, dữ dội nhưng cũng không kém phần hoành tráng của bờ biển Dunkirk. 6000 diễn viên quần chúng được sử dụng, hàng loạt những mô hình may bay và tàu chiến được sử dụng trong các cảnh cháy nổ, ekip của bộ phim đã dồn hết tâm sức để cho ra đời những thước phim đẹp nhất, khiến người xem không khỏi choáng ngợp trước những đại cảnh hoặc những cảnh trên không.
Dunkirk - Một nốt trầm ấn tượng giữa hàng loạt phim bom tấn
Không quảng bá quá rầm rộ, tuy nhiên Dunkirk dành được phần lớn sự khen ngợi từ khán giả và giới chuyên môn, bởi một câu chuyện xúc động. Như đã nêu ở trên, phần lớn thời lượng phim được phủ màu u ám, khiến người xem phải hồi hộp thay cho những nhân vật. Nếu như cảm xúc ở phần đầu bị bóp nghẹt bao nhiêu, thì khi nhìn thấy những con tàu dân sự dần dần tiến lại phía bờ biển, khán giả lại xúc động bấy nhiêu. Không ít những giọt nước mắt sẽ rơi khi Đô đốc Bolton (Kenneth Branagh) nói rằng ông đã nhìn thấy "nhà". Cho tới phút cuối, bộ phim vẫn giữ vững tinh thần của câu chuyện là đất mẹ sẽ không bao giờ bỏ rơi những người lính.
Những hình ảnh này đã lấy được nước mắt của người xem
Giữa hàng loạt những bộ phim bom tấn với đủ thể loại, Dunkirk xuất hiện không hề khoa trương, không hề ồn ào, nhưng lại đẹp đẽ đến bất ngờ. Dòng phim chiến tranh tưởng chừng như khô khan và đang mất vị thế đã được đạo diễn tài ba Chris Nolan làm sống lại một cách tinh tế. Dunkirk - chắc chắn sẽ là một nốt trầm rất đẹp trong mùa phim hè 2017.
Cuộc di tản Dunkirk ra mắt khán giả toàn quốc từ ngày 21/7/2017.
Trailer Cuộc di tản Dunkirk
Khi sự hi sinh của một số người lại có thể cứu được cả triệu người khác.