Con trai kể lý do "Sếp hói" Phạm Bằng không kết hôn sau khi vợ qua đời
Khác với vẻ hài hước thường thấy trên sân khấu Gặp nhau cuối tuần, hình ảnh NSƯT Phạm Bằng còn lưu trong ký ức của cậu con trai là một người cha nghiêm nghị, cứng rắn. Anh cũng có những chia sẻ chân tình về tình cảm của cha mẹ nhân một năm ngày mất của ông.
Ra mắt từ ngày 1.4.2000, Gặp nhau cuối tuần lấy ý tưởng từ các chương trình hài kịch từng xuất hiện trước đó, như: Góc thư giãn, Gặp nhau và cười... ngay lập tức gây ấn tượng vang dội, trở thành món ăn tinh thần được chờ đón của khán giả cả nước. Chương trình góp phần đưa tên tuổi những nghệ sĩ như Xuân Bắc, Tự Long, Công Lý, Vân Dung, Phạm Bằng, Giang Còi... lên hàng sao. Sau 17 năm, vật đổi sao dời, có những người ngày càng nổi tiếng, có người đã ra đi nhưng người xem truyền hình vẫn không thể quên ấn tượng về họ. Chúng tôi xin giới thiệu chân dung các nghệ sĩ gắn bó với Gặp nhau cuối tuần trong loạt bài Dàn sao Gặp nhau cuối tuần giờ ra sao? trên chuyên mục Đời sống showbiz vào 10h30 các ngày thứ tư, thứ sáu, chủ nhật hàng tuần. |
Đã một năm trôi qua kể từ ngày ra đi của nghệ sĩ Phạm Bằng, hình ảnh ông sếp với cái đầu hói, cặp bài trùng với Quang Thắng, Quốc Khánh của Gặp nhau cuối tuần vẫn còn in sâu trong lòng khán giả. Ngày hôm nay chúng ta chỉ còn gặp lại ông qua những bài báo, những lời kể của người con trai út trong gia đình.
Người cha nghiêm khắc trong gia đình
Theo lời kể lại của cậu con trai út, nghệ sĩ Phạm Bằng là một người đàn ông rất nghiêm khắc nhưng tâm lý và hiểu con: "Bố tôi sinh ra trong một gia đình Hà Nội gốc nên cách dạy dỗ con cái cũng tuân theo lễ nghĩa gia phong từ thời các cụ. Ông luôn mong các con học được những điều tốt đẹp nhất nên vẫn răn dạy chúng tôi rất nghiêm khắc. Bố cứng rắn là vậy nhưng tôi rất ít khi bị ăn đòn. Hồi bé tôi được chiều lắm vì là con trai út lại là con cầu tự nên bố mẹ rất ít khi đánh. Tôi nhớ chỉ có một vài lần khi còn đi học, lúc ấy trẻ con nghịch ngợm bị cô giáo gọi phụ huynh lên nhắc nhở, về nhà bố đánh đến bây giờ vẫn là một kỷ niệm khó quên".
Ngày đó lớp thanh niên trên khu phố cổ phức tạp, nông nổi bồng bột nhưng người nghệ sĩ gốc Hà Nội lại dạy dỗ các con một cách khác hoàn toàn. Trong gia đình, cố NSƯT Phạm Bằng là một người cha thưởng phạt rất rõ ràng thương rất thương, chiều rất chiều nhưng những lúc dạy dỗ lại là người rất cứng rắn. Còn ở bên ngoài hay khi lên sân khấu ông rất cởi mở hoà nhã với khán giả và đồng nghiệp.
Anh kể: "Bố tôi rất thương con, chiều con nhưng có cái gì cũng có mức độ. Khi hóa thân để tròn vai ông như trở thành một con người khác còn về nhà thì chắc chắn sẽ khác, không đem nhân vật về nhà, đàn ông để trong lòng, rất cứng rắn. Tôi với bố tôi tuổi không hợp mệnh nên ít nói chuyện với nhau, nên thương ít nói ra bên ngoài, nghĩ gì thì để cả bên trong. Con trai con gái yêu như nhau hết không ai hơn cả".
Con trai ông nhớ lại những ngày được đi theo bố biểu diễn ở Hà Nội hay các tỉnh như một kỷ niệm khó quên: "Đi theo nhiều lần, tôi bắt đầu thích công việc của bố rồi bố cũng hướng cho tôi theo con đường nghệ thuật. Ngày bé xem phim nhiều cứ nghĩ làm nghệ sĩ là phải đẹp trai, cao ráo, sáng sân khấu, sau này tôi thấy mình không đủ những tiêu chí đó. Tôi cũng từng đóng một vài bộ phim truyền hình qua những vai diễn nhí nhưng sau thấy mình có làm gì cũng không thể bằng bố nên dừng".
Trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình, NSƯT Phạm Bằng từng ghi dấu ấn với những vai diễn đáng nhớ, như thiếu úy Minh trong vở kịch tình báo Đêm tháng 7 (đạo diễn: Dương Linh), vai Lý Trưởng trong vở kịch Hồn Trương Ba, da Hàng Thịt (của Lưu Quang Vũ) và vai Thương trong Mớ đời Thương (của Tất Đạt). Có thể nói đây là vai diễn để đời của ông, giúp ông có được huy chương vàng trong hội diễn Sân khấu toàn quốc.
Sau này, khi chương trình Gặp nhau cuối tuần phát sóng, ông thường xuyên tham gia đóng các tiểu phẩm hài. Bộ tứ gồm Phạm Bằng, Vân Dung, Quang Thắng, Quốc Khánh đã trở thành những tên tuổi được chờ đợi nhiều nhất vào các ngày cuối tuần.
Thời còn trẻ, Phạm Bằng rất thư sinh. Vẻ nho nhã và điềm đạm của chàng thanh niên Phố cổ làm xiêu lòng bao cô gái chứ không mưu mô, tính toán như những vai diễn của ông khi về già.
Nói đến những vai diễn của NSƯT Phạm Bằng, người con trai út của ông nhớ lại: "Trước khi tham gia Gặp nhau cuối tuần bố tôi xuất thân là một diễn viên kịch nói. Ngày bé tôi thường theo bố ra Nhà hát Lớn xem ông và các cô các chú diễn. Ngày đó tôi ấn tượng nhất với bố qua những vai phản diện bởi người ta thường nói gương mặt của ông toát lên sự cau có, ghê gớm của những nhân vật ông giám đốc, ăn hối lộ hay lão trưởng phòng khó tính rồi quan chánh tổng áp bức sưu thuế nông dân... Thực sự có rất nhiều vai diễn đáng nhớ của ông nhưng có một vở cho đến bây giờ tôi vẫn rất thích là Hồn Trương Ba da Hàng Thịt. Ngày đó tôi nhớ ông đóng vai Lý Trưởng rất ấn tượng".
Khi NSƯT Phạm Bằng chuyển sang đóng vai hài thì độ nổi tiếng càng ngày càng lớn, gia đình ra đường cũng thấy vui vì bố làm nghệ sĩ, nhưng càng về sau càng thấy thấm thía, xúc động vì bố làm nghệ thuật, cống hiến cả đời.
Nói về những gì mà các con ông có được như ngày hôm nay, ngoài hình ảnh của NSƯT Phạm Bằng là công sức lớn lao của người vợ, người mẹ trong gia đình. Chính Phạm Bằng từ những bài phỏng vấn cho đến phóng sự ông đều nhắc đến vợ và luôn đặt bà lên vị trí cao nhất trong trái tim mình. "Đứng sau thành công của bố tôi là bóng dáng của người vợ tảo tần chăm lo, quán xuyến mọi việc trong gia đình để ông có thể yên tâm đi diễn", con trai NSƯT Phạm Bằng chia sẻ.
Bóng dáng người vợ theo suốt cuộc đời
Nói về thời của bố mẹ, anh Tùng cũng không nắm được nhiều vì là con út nhưng qua lời kể lại anh cũng hiểu được phần nào nỗi khó khăn vất vả của các cụ ngày đó. Sinh ra ở thế hệ sau này khi cuộc sống đã được cải thiện hơn nên anh không chịu nhiều thiếu thốn như 3 người chị gái giờ đã ở tuổi ngoài 60.
Bức ảnh hiếm hoi chụp vợ chồng cố NSƯT Phạm Bằng cùng 2 cô con gái.
"Ngày đó bố tôi làm diễn viên lương ba cọc ba đồng còn mẹ tôi lúc đó cũng làm công chức nhà nước không dư dả gì nhiều. Bố kể lại ngày chị 2 tôi ra đời ông phải vừa đi diễn vừa đi trông xe, bươn chải nhiều công việc để có thêm tiền trang trải cho gia đình", anh nhớ lại hình ảnh của NSƯT Phạm Bằng trong ký ức.
Thời điểm mười mấy năm trước khi mẹ anh qua đời cũng là lúc bố anh hụt hẫng rất nhiều khi mất đi người bạn đời bên nhau suốt mấy chục năm. Ngày đó cũng có nhiều người khuyên NSƯT Phạm Bằng nên đi bước nữa để bớt cô đơn nhưng ông vẫn nhất quyết không chịu vì hình ảnh người vợ trong lòng ông quá lớn khi không ai có thể thay thế được.
Nhắc đến vợ NSƯT Phạm Bằng không thể không nhắc đến quán bán trôi tàu mà bà đã gây dựng suốt hàng chục năm trời. Anh kể: "Ngày mẹ tôi làm dâu ở đây cũng bắt đầu bán món bánh trôi tàu cũng là nghề bà học được. Cho đến giờ cũng đã được hơn 30 năm và trở thành thương hiệu trên con phố này. Về sau cũng vì nhiều lý do mà 5 năm nay gia đình tôi ngừng kinh doanh. Thời gian sắp tới chúng tôi cũng muốn mang món đặc sản này quay trở lại con ngõ 30 Hàng Giầy theo tâm nguyện của bố trước khi qua đời".
Để có được thương hiệu bánh trôi tàu, mẹ anh phải vất vả trong nhiều năm từ những ngày đầu còn vắng khách cho tới khi NSƯT Phạm Bằng nghỉ hưu về phụ giúp bán bánh. Sự nổi tiếng của quán cũng phần lớn nhờ vào hình ảnh của bố anh khi ông được biết đến rộng rãi qua chương trình Gặp nhau cuối tuần của đạo diễn Khải Hưng.
Nhìn lại những mảng ký ức về 2 đáng sinh thành đã khuất anh mỉm cười mãn nguyện về tình cảm gia đình. "Trong gia đình tôi cả hai chị đều xuất thân từ nghề diễn ra. Bố tôi rất là tuyệt vời, mẹ cũng vậy, mà mấy chục năm chung sống với nhau rất ít khi thấy to tiếng. Bố tôi hồi đó đẹp trai đóng với các cô xinh đẹp nhưng mẹ không bao giờ ghen lại còn hiểu để hậu thuẫn cho bố tiếp tục cống hiến với sự nghiệp. Dù bây giờ bố mẹ đều đã đi xa nhưng những bài học về cách làm người và cốt cách của một người nghệ sĩ Hà Nội vẫn sẽ là bài học được chúng tôi gìn giữ cho các con tới sau này".
Danh hài đất Bắc đã có những chia sẻ rất hài hước về những câu chuyện xoay quanh mình.