Con rể Chí Phèo Bùi Cường làm phim Lão Hạc
NSƯT Bùi Cường - đóng đinh vai Chí Phèo - qua đời năm ngoái khi dang dở dự án phim về lão Hạc. Trần Vũ Thủy - con rể và là cộng sự lâu năm của ông- thay ông gánh vác bộ phim nhiều trăn trở này. Anh trò chuyện về tâm huyết làm tròn di nguyện của người ra đi.
Nhà văn Kim Lân vào vai Lão Hạc của “Làng Vũ Đại ngày ấy”
Trước khi NSƯT Bùi Cường qua đời có ấp ủ dự án “Bữa ăn cuối cùng của lão Hạc”. Là người tiếp quản và thực hiện di nguyện của ông, anh có những điều chỉnh gì không?
Kịch bản của bố tôi ấp ủ gần chục năm nay. Trước đó ông xây dựng câu chuyện vừa có yếu tố hiện đại vừa xưa cũ, đều liên quan vấn đề đất cát. Sau khi làm việc với nhà đầu tư, hai bố con thống nhất không làm mảng hiện đại nữa, chỉ dựa trên tác phẩm Lão Hạc của Nam Cao và bố tôi phát triển thêm.
Bố mất đột ngột, dự án dang dở. Tôi và gia đình cùng các nhà đầu tư với tâm huyết hoàn thành di nguyện của ông. Tôi cũng làm lại kịch bản, biên tập để phù hợp với thời đại ngày nay, có cách thể hiện kịch tính hơn, các nhân vật được đẩy cao hơn. Lão Hạc bản gốc thiếu nhiều thứ, ở kịch bản này chúng tôi đưa vào nhiều cung bậc cảm xúc hơn, có nhiều màu sắc của số phận hơn và đặc biệt thêm nhiều nhân vật tương tác với lão Hạc.
Anh và các nhà đầu tư tính toán ra sao, có lo ngại lắm không khi phim ra rạp?
Phim này mang bản sắc Việt, tôi nghĩ phù hợp với các liên hoan phim. Ngay từ đầu làm đề tài này tôi biết cái được và chưa được. Đề tài phim xưa nếu để ra rạp có trở ngại là đương nhiên. Chúng tôi cố gắng chuẩn bị để làm tiền kỳ tốt nhất, không thể thay đổi từ phiên bản nghệ thuật chuyển qua sản phẩm thiên về giải trí phù hợp cho giới trẻ được. Phim thiên về nghệ thuật khi công chiếu gặp trở ngại bởi phần lớn khán giả trẻ tới rạp có xu hướng chọn phim hiện đại và có tính giải trí cao.
Tuy thế, bên cạnh sự lo ngại đó cũng cần nhìn thấy điểm được ở đề tài này- mọi người ít nhất đọc và biết qua về lão Hạc. Đây là đề tài hiếm được khai thác, là món ăn tinh thần hơi khác biệt so với phim ra rạp bây giờ. Tôi khai thác sâu hình ảnh nông dân, làng quê Bắc bộ năm 1940, đưa vào trò chơi dân gian, hoạt động xã hội xưa.
Bối cảnh Bắc bộ những năm 1940 ở miền Bắc hiện nay gần như tuyệt chủng, đoàn làm phim cất công lựa chọn và dựng bối cảnh ra sao?
Bối cảnh cũng khiến đoàn làm phim đau đầu. Cuộc sống của dân ở các tỉnh thay đổi chóng mặt vì thế bắt buộc chúng tôi tính toán, chỉ cần chọn không gian có những thứ cơ bản, sau đó dựng lại để phù hợp nhất trong điều kiện có thể. Khi bố tôi còn sống đã hai lần đi chọn bối cảnh, sau này chúng tôi vài lần đi lại để xem xét. Có thể kể tới bối cảnh ở Ninh Bình, Bắc Ninh, Nam Định, Thạch Thất, Đường Lâm (Hà Nội). Chúng tôi đặc biệt đầu tư dựng lại bối cảnh nhà lão Hạc, giáo Thứ và Bá Kiến.
Khi bố anh còn sống dự kiến mời một số diễn viên tham gia phim trong đó có NSƯT Trung Anh vai Bá Kiến, tới nay anh có thay đổi không?
Dựa trên những thứ bố làm việc và dự định, chúng tôi cân nhắc giữ và thay đổi một số phương án. Vài ngày tới tôi sẽ làm việc với các diễn viên, hiện giờ chưa thể tiết lộ. Dự án này có một số trở ngại làm ảnh hưởng tới kế hoạch quay phim trong đó có con chó. Con Vàng làm tôi hơi bị động, con trước đây bố tôi chọn không may bị đánh cắp. Tôi tìm được con Vàng khác để thay thế, đưa đi huấn luyện vài tháng nay, cộng thêm vài phương án khác đề phòng rủi ro. Làm việc với chó rất khó, huấn luyện được nhưng ra hiện trường nhiều yếu tố tác động không làm chủ được bản năng.
NSƯT Bùi Cường và con rể Trần Vũ Thủy hợp tác trong nhiều dự án. Ảnh: NVCC
Các anh có dự tính lựa chọn diễn viên có sức hút để thuận lợi hơn khi phim ra rạp?
Tôi quan niệm một bộ phim tạo nên tên tuổi diễn viên chứ không phải tên tuổi diễn viên tạo nên bộ phim. Không mời một diễn viên gánh cho bộ phim, tôi càng không mời một diễn viên để thổi phồng bộ phim lên bởi quan trọng phải hợp nhân vật. Còn nếu diễn viên vừa hợp vai, vừa có tên tuổi thì càng tốt.
Anh có ngại khi người xem so sánh tác phẩm mới với “Làng Vũ Đại ngày ấy”?
Làng Vũ Đại ngày ấy xâu chuỗi ba tác phẩm Sống mòn, Lão Hạc và Chí Phèo. Phim của tôi dựa trên truyện Lão Hạc và phát triển thêm tuyến nhân vật phụ để kết nối. Nếu chỉ lão Hạc, khán giả không có gì để xem. Bố Đào Bá Sơn, Phi Tiến Sơn và tôi nâng vai trò cậu Vàng trong phim này bởi câu chuyện gốc chưa đủ kịch tính hấp dẫn. Chúng tôi khai thác cậu Vàng, mảnh vườn của lão Hạc, Bá Kiến, giáo Thứ, vợ Ba Bá Kiến, thằng Cò và bé Cải người yêu Cò, phát triển thêm Binh Tư. Đọc truyện độc giả có cảm xúc với tâm sự của lão Hạc với giáo Thứ về chuyện bán con Vàng, nhưng tác phẩm điện ảnh phải có nhiều chất liệu hơn thế.
Những ngày cuối đời nằm viện, NSƯT Bùi Cường vẫn đau đáu với dự án phim Lão Hạc. Điều gì khiến ông trăn trở nhiều nhất?
Thời gian bố tai biến nằm viện, tôi là người trao đổi công việc với bố nhiều nhất. Bố không nói về vấn đề sức khỏe, chỉ nói về phim Lão Hạc. Hễ tôi vào viện là yêu cầu lấy điện thoại, giấy tờ ghi chép để làm một số công việc, chờ ông khỏe bắt tay ngay. Chính điều đó khiến tôi muốn thực hiện phim này bằng mọi giá.
Điều bố tôi hay lo lắng nhất không phải nhân vật, cũng không hẳn bối cảnh mà lo nhất cậu Vàng. Ngay từ đầu ông cho cậu nhiều đất diễn hơn, sinh động hơn. Nó giống người bạn, người con lão Hạc. Để làm được những điều mình muốn không dễ, nước ngoài họ cho diễn viên ăn ở cùng con vật ấy hàng năm trời để làm quen.
Nói không áp lực không đúng, nhưng áp lực không phải chuyện doanh thu bán vé. Ngay từ đầu chúng tôi xác định làm phim cho bố Cường, hy vọng cả ê kíp chung tâm huyết hoàn thành tâm nguyện của ông.
Cảm ơn anh!
Bữa ăn cuối cùng của Lão Hạc do Trần Vũ Thủy, NSND Đào Bá Sơn, đạo diễn Phi Tiến Sơn đồng đạo diễn. Đoàn làm phim đang chọn diễn viên, ở khâu cuối chỉnh sửa kịch bản. Phim dự kiến bấm máy giữa tháng 3. |
Theo lời kể của nghệ sĩ Minh Châu, vợ của nghệ sĩ Bùi Cường đã bị sốc khi hay tin chồng qua đời, dẫn đến huyết...