Chuyên gia lên tiếng về Trấn Thành, Lý Hải "hốt trọn" 5 phim Việt ăn khách nhất mọi thời đại

"Không nên vì thấy hiện tượng bề mặt, rằng hai nhà làm phim này vốn dĩ không có xuất phát điểm từ “ghế đạo diễn” thì cứ thế gọi họ là đạo diễn tay ngang", chuyên gia Châu Quang Phước nhận định.

Danh sách 5 phim điện ảnh Việt ăn khách nhất mọi thời đại gọi tên loạt phim đến từ 2 đạo diễn “tay ngang” Trấn Thành, Lý Hải, bao gồm phim Mai, Lật mặt 7, Nhà bà Nữ, Bố già, Lật mặt 6.

Có thể nói những kỷ lục mới đang được phim Việt xác lập ngày càng nhiều, cho thấy sự quan tâm của khán giả với phim trong nước ngày một lớn. Tỷ lệ nội địa hóa trên thị trường phim chiếu rạp tại Việt Nam mang đến nhiều tín hiệu tích cực, được xem là bước nhảy vọt về mặt doanh thu.

Chúng tôi đã có buổi gặp gỡ với chuyên gia truyền thông phim ảnh Châu Quang Phước – người có nhiều năm kinh nghiệm trong địa hạt điện ảnh – để cùng nghe anh chia sẻ về những nhận xét quanh chủ đề 5 phim Việt hot nhất phòng vé nội địa.

5 phim Việt có doanh thu cao nhất lịch sử phòng vé nội địa

5 phim Việt doanh thu cao nhất: Sự "thắng kép" với ngành phim nội địa

- Là một chuyên gia trong lĩnh vực điện ảnh, anh nhận xét như thế nào về Top 5 phim Việt có doanh thu cao nhất trong lịch sử phòng vé?

- Về cơ bản, những phim Việt đạt doanh thu cao ngoài rạp xứ Việt giai đoạn này đều là phim đã nhận được sự quan tâm thực sự của khán giả đại chúng trong nước, ít nhiều “chạm” được vào đối tượng người xem của từng phim, bất kể có gây ra tranh luận trái chiều cỡ nào. Điều này khác hẳn với hơn 10 năm về trước, đôi khi có phim Việt thể loại "hài nhảm" vẫn có mức doanh thu cao, ngoài sự tưởng tượng của giới quan sát và truyền thông chung.

Đặc biệt, trong bối cảnh phải cạnh tranh với rất nhiều phim ngoại nhập trong cùng thời điểm ra rạp, phim Việt hầu như vẫn luôn “chiếm spotlight” (gây chú ý) về dư luận truyền thông và ngay phòng vé, nếu thực sự là phim tốt. Đây cũng nên được xem là tín hiệu đáng mừng hơn nữa về sự “thắng kép” với ngành phim nội địa, bởi xưa giờ phim Việt vẫn luôn bị “bóng đè” với phim ngoại nhập, như nhiều ngành nghề khác ở Việt Nam cũng luôn gặp phải tình cảnh như thế mỗi khi cạnh tranh với hàng ngoại trên chính “sân nhà” của mình.

- Với mức doanh thu đó, anh có nghĩ phim Việt ngày một “kiếm bội tiền” trong nước hay điều này cho thấy sự phân chia khoảng cách rõ rệt giữa phim hot và phim không hot tại Việt Nam?

- Tôi nghĩ là cả hai. Bởi, một mặt thì đúng là hiện tại phim Việt chiếu rạp đang có nhiều phim thắng lớn với doanh thu ngoài mong đợi của người làm nghề, mặt khác cũng khó phủ nhận là vẫn đang có sự phân chia phân cực khá mạnh và gắt giữa các phim Việt với nhau trong thời đoạn này. Như thế xem ra cũng không phải là chuyện tốt cho toàn ngành điện ảnh Việt. Bởi nó cho thấy dường như đã có một sự phát triển lệch, hoặc là sự mất cân bằng lực trong toàn cục về phương diện phát hành phim. Cho dẫu đó có là sự cạnh tranh công bằng về nghề nghiệp chuyên ngành, việc một vài phim Việt có doanh thu cao ngất ngưởng trong khi phần nhiều phim Việt khác có khi ráng chiếu mãi cũng chẳng thấy điểm hòa vốn.

Đơn cử như với trường hợp phim Án mạng lầu 4 (đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn) gần đây hay với phim Đóa hoa mong manh (đạo diễn Mai Thu Huyền) dạo trước, ngày cuối cùng rời rạp của các phim này đã hầu như không bán được vé nào, và doanh thu tổng cộng trong suốt thời gian ra rạp cũng chỉ bằng một góc so với doanh thu chỉ trong một ngày chiếu của các phim kỷ lục phòng vé phim Việt. Như thế ắt sẽ tạo nên một tình thế nan giải nhất định cho nhiều bên, nhiều người làm phim mới, nếu muốn bước vào “cuộc chơi” phim chiếu rạp ở Việt Nam giai đoạn mới.

Trấn Thành, Lý Hải làm phim "tay ngang" nhưng đều đang là đạo diễn có các phim đạt doanh thu "nghìn tỷ" của màn ảnh Việt

Trấn Thành, Lý Hải làm phim "tay ngang" nhưng đều đang là đạo diễn có các phim đạt doanh thu "nghìn tỷ" của màn ảnh Việt

- 5 bộ phim doanh thu cao đều thuộc về 2 “gã tay ngang” làm điện ảnh là Trấn Thành, Lý Hải. Anh nghĩ gì về điều này?

- Như đã đề cập, sự thành công vượt trội đến độ có phần gây lệch trục với ngành phim Việt chiếu rạp hiện tại - thông qua một, hai người làm phim lúc nào cũng là “bá chủ” phòng vé mỗi khi có phim mới ra rạp, chính là một sự mất cân bằng đáng ngại cho cái chung, bên cạnh niềm vui riêng của các nhà làm phim này. Đấy cũng nên là vấn đề chủ chốt mà những người làm nghề khác nên dành thời gian quan tâm tìm hiểu cho thấu đáo, để cùng giải quyết vấn đề trên diện rộng cho toàn ngành. Nhưng phải là sự công tâm, bình tĩnh và khách quan. Đừng vì tâm lý cay cú khi “thua cuộc” mà vội “ghét ngang hông” với hai người làm phim được gọi là “tay ngang” lại thành công rực rỡ như Lý Hải và Trấn Thành, chẳng hạn.

Không nên vì thấy hiện tượng bề mặt, rằng hai nhà làm phim này vốn dĩ không có xuất phát điểm từ “ghế đạo diễn” thì cứ thế gọi họ là "đạo diễn tay ngang". Bởi thực ra họ cũng đã dày công theo nghề từ đôi mươi năm nay, ở nhiều vị trí khác nhau trong ngành nghề liên quan. Đấy chính là vốn sống trải nghiệm không dễ có với một người làm nghề, không phải thứ lý thuyết suông ở trường chuyên ngành.

Môi trường làm phim ở Việt Nam giai đoạn này vẫn còn ở mức bán chuyên nghiệp, nên cũng rất cần người làm phim có độ thực chiến này kia, mới có thể tồn tại và phát triển hiệu quả.

Ngay cả với điện ảnh khu vực và quốc tế cũng đâu thiếu những nhà làm phim tưởng chừng “tay ngang” như thế, nhưng khi làm phim trong vai trò đạo diễn lại gây ấn tượng mạnh và thuyết phục với nhiều đối tượng người xem. Chẳng hạn như các diễn viên Châu Tinh Trì, Châu Kiệt Luân, Trần Xung, Triệu Vy, Từ Tịnh Lôi... của màn ảnh Hoa ngữ, họ đều xuất thân là diễn viên, nhưng khi bước chân sang vị trí đạo diễn thì đều đạt những thành công rực rỡ trong vai trò như thể “tay ngang” ấy.

Đạo diễn lừng danh Trương Nghệ Mưu (sinh năm 1950), có nghề nghiệp tiền thân ban đầu cũng chỉ là quay phim. Đạo diễn nổi tiếng Nhật Bản Kitano Takeshi (sinh năm 1947), có xuất thân là diễn viên hài và là người dẫn chương trình. Nữ đạo diễn Jane Campion (sinh năm 1954) người New Zealand, từng chiến thắng giải Cành Cọ vàng trong sự nghiệp làm phim, có nền tảng học vấn chủ đạo là cử nhân Nhân chủng học và cử nhân Nghệ thuật Thị giác. Đạo diễn Clinton Eastwood (sinh năm 1930), người có sự nghiệp đạo diễn nổi tiếng toàn cầu, xuất thân là diễn viên. Đạo diễn kỳ tài Quentin Tarantino (sinh năm 1963), thuở ban đầu làm quen với nghệ thuật điện ảnh là bằng nghề cho thuê băng đĩa phim. Nữ diễn viên Angelina Jolie, khi dấn thân vào nghề đạo diễn cũng đã ghi dấu ấn đáng kể với giới phê bình quốc tế.

Quentin Tarantino, Trương Nghệ Mưu, Kitano Takeshi đều có xuất phát điểm không từ nghề đạo diễn

Điểm “tử huyệt” lớn nhất với phim Việt hiện nay

- Phim Hàn có những tác phẩm ở trong “Câu lạc bộ phim 10 triệu vé”. Anh đặt kỳ vọng như thế nào để phim Việt có thể đạt được kỷ lục như vậy?

- Hiện tại phim Việt chiếu rạp chỉ mới có 4 phim đạt trên doanh thu phòng vé trên 400 tỷ đồng, bao gồm:

Phim “Mai” (đạo diễn Trấn Thành), ra mắt năm 2024, doanh thu 520 tỷ.

Phim “Lật Mặt 7: Một điều ước” (đạo diễn Lý Hải), ra mắt năm 2024, doanh thu hiện có 464 tỷ đồng (sẽ còn tiếp diễn, vì phim vẫn đang còn chiếu rạp tính đến thời điểm này)

Phim “Nhà Bà Nữ” (đạo diễn Trấn Thành), ra mắt năm 2023, doanh thu 459 tỷ đồng.

Phim “Bố Già” (đạo diễn Trấn Thành và Vũ Ngọc Đãng), ra mắt năm 2021, doanh thu 427 tỷ đồng.

Trong đó, phim dẫn đầu doanh thu phòng vé phim Việt chiếu rạp là phim Mai, với lượng vé bán ra ước lượng khoảng 6,5 triệu vé. Với cùng chỉ số này, điện ảnh Hàn Quốc hiện tại đã có hơn 50 phim chiếu rạp đạt mức vé bán ra là từ 6,5 triệu vé trở lên. Cũng nên lưu ý, dân số Hàn Quốc chỉ bằng một nửa dân số Việt Nam hiện tại. Như thế, rõ ràng tiềm năng phòng vé phim Việt còn có thể tăng cao và tiến xa hơn nữa, nếu so bề thực lực thị trường liên quan dân số nội địa, chẳng hạn.

- Anh đánh giá ra sao về những hạn chế của điện ảnh Việt Nam hiện nay?

- Điện ảnh Việt hiện tại cũng đã ít nhiều đạt được những bước tiến đáng ghi nhận, từ việc đoạt các giải thưởng quốc tế của các phim độc lập (indie) cho đến doanh thu phòng vé vượt ngưỡng của các phim thương mại (commercial) tại thị trường nội địa.

Tuy nhiên, những chuyện này vẫn chưa thể chính thức rút ngắn được khoảng cách so với các nước có nền điện ảnh đang phát triển khá ổn định trong khu vực, chưa dám nói là ở mặt bằng quốc tế.

Chẳng hạn, dễ nhận thấy nhất là đến thời điểm này thì điện ảnh Việt chưa có phim nào có ngân sách thực hiện trên 3 triệu USD, trong khi nhiều phim trong khu vực đã được đầu tư sản xuất lên đến 30 triệu USD/ phim hoặc thậm chí có thể nâng gấp đôi gấp ba con số mơ ước này, so với phim Việt.

Dàn sao phim "Cửu Long Thành Trại: Vây thành" có mặt trên thảm đỏ LHP Cannes 2024

Dàn sao phim "Cửu Long Thành Trại: Vây thành" có mặt trên thảm đỏ LHP Cannes 2024

Như với phim “Twilight of the Warriors: Walled In” (Cửu Long Thành Trại: Vây thành) của điện ảnh Hong Kong (phát hành chính thức tại Việt Nam kể từ 14/06/2024), phim có kinh phí sản xuất ước lượng 300 triệu Đô la Hong Kong, tương đương hơn 974 tỷ đồng. Phim này đã từng được chọn vào Vòng tuyển chọn chính thức của Cannes 2024, trong chương trình “Midnight Screenings” (Những suất chiếu nửa đêm).

Với ngân sách tầm cỡ như thế trở lên, hẳn nhiên doanh thu phim ở nhiều nước châu Á cũng đã lên đến hàng trăm hoặc mấy trăm triệu USD là chuyện thường thấy (so với mức doanh thu kỷ lục hiện có với phim Việt từ phim “Mai” là 23 triệu USD, bao gồm doanh thu trong ngoài nước).

Eo hẹp về kinh phí sản xuất cũng sẽ dẫn đến nhiều hạn chế khi làm phim, nếu phải làm phim thuộc thể loại cần phục hiện lịch sử hoặc tái dựng bối cảnh chiến tranh. Và đây chính là điểm “tử huyệt” lớn nhất với phim Việt hiện nay, bên cạnh câu chuyện “kiểm duyệt” gắt gao muôn thuở của điện ảnh Việt so với điện ảnh thế giới.

- Cám ơn anh về những chia sẻ!

Nguồn: [Link nguồn]

Mỗi diễn viên trong bộ phim truyền hình hot này đều để lại những ấn tượng với khán giả.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thu Vũ ([Tên nguồn])
Hậu trường phim Việt Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN