Chàng trai mồ côi làng SOS từ chối lương 25 triệu/tháng, khát khao trở thành MC
Chàng trai trải lòng, việc xuất hiện tại chương trình là một món quà mà anh muốn dành tặng những mạnh thường quân, những người đã dành thiện tâm, san sẻ yêu thương đối với những hoàn cảnh cơ nhỡ.
Mở màn tập 2 của “Cơ hội cho ai? – Whose chance?” mùa 4 là màn đối đầu của 2 ứng viên, gồm: La Chí Hùng, 29 tuổi, tốt nghiệp Cử nhân ngành Quản trị Kinh doanh, trường Đại học Công nghệ TP.HCM. Anh có hơn 4 năm phụ trách mảng kinh doanh dịch vụ viễn thông tại một tập đoàn lớn. Sở hữu khả năng giao tiếp tốt, hoạt ngôn, nam ứng viên từng là cộng tác viên dẫn chương trình tại một số đơn vị văn hóa.
La Chí Hùng
“Khác với mỗi người ở đây được sinh ra và nuôi nấng bởi một người cha và một người mẹ, em được lớn lên và trưởng thành tại Làng trẻ SOS TP.HCM”. Ứng viên trải lòng trong nghẹn ngào rằng việc xuất hiện tại chương trình là một món quà mà anh muốn dành tặng những mạnh thường quân, những người đã dành thiện tâm, san sẻ yêu thương đối với những hoàn cảnh cơ nhỡ. “Em đã trưởng thành, đã tận dụng những cơ hội mà mọi người trao cho để học tập, rèn luyện, để có được công việc tốt ngoài xã hội. Em cũng muốn nhắn gửi đến các em ở làng trẻ, rằng hãy nỗ lực học tập, sau này các em sẽ được tự do lựa chọn công việc như em” – chàng trai sinh năm 1993 bày tỏ.
Nguyễn Minh Thuật
Đối thủ của Chí Hùng là Nguyễn Minh Thuật, 36 tuổi, tốt nghiệp Cử nhân ngành Quản trị Kinh doanh, trường Đại học Công nghệ TP.HCM. Anh có hơn 5 năm kinh nghiệm trong ngành Bán lẻ tại các Tập đoàn lớn. Thành tích nam ứng viên đạt được trong quá trình làm việc tại một doanh nghiệp về ngành lọc nước, là cùng đội nhóm của mình đưa doanh thu tăng trưởng 200% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, anh chàng cũng là Báo cáo viên về các chuyên đề kỹ năng sống.
Minh Thuật chia sẻ có 3 con số ghi dấu ấn trong quá trình làm việc của anh. Đó là 20, 15 và 3. Theo đó, nam ứng viên có 15 năm đi làm với 3 công việc đã trải qua, gồm: Công viên về truyền cảm hứng, Marketing và Kinh doanh. Thành tích nổi bật nhất trong hành trình này là Minh Thuật đã cùng đội nhóm của mình mang lại doanh thu 20 tỷ trong 3 tháng cho công ty so với cùng kỳ. Anh chàng có khả năng trong việc lên ý tưởng, biên tập và dẫn dắt cho các dự án từ nghiệp dư đến chuyên nghiệp. Tuy nhiên, tại Cơ hội cho ai, anh không ứng tuyển vào các vị trí công việc liên quan đến nội dung hay Marketing, mà mong muốn được làm việc ở vai trò quản lý kinh doanh.
Ở vòng Đối mặt, câu hỏi phản biện được đặt ra cho 2 ứng viên là: “Bạn ủng hộ hay phản đối việc các doanh nghiệp bắt buộc nhân viên tham gia team –building?”.
Minh Thuật là người đưa ra quan điểm trước. Anh hoàn toàn ủng hộ việc nhân viên phải tham gia các hoạt động tập thể của doanh nghiệp, bất kể đó là sự kiện lớn hay các hoạt động nội bộ nhỏ. Nam ứng viên cho rằng việc nhân viên hồ hởi tham gia các hoạt động này giúp họ thể hiện được tinh thần gắn bó với công ty, gia tăng quá trình hòa nhập với tập thể. Ngoài ra, tham gia những chuyến du lịch, nghỉ dưỡng sẽ giúp nhân viên thư giãn và tái tạo năng lượng để làm việc tốt hơn, cống hiến nhiều hơn cho doanh nghiệp sau đó.
Sau khi lắng nghe phần trình bày của Minh Thuật, Chí Hùng đặt câu hỏi: “Nhân sự trong một doanh nghiệp, mỗi người mỗi tính, làm thế nào để những người hướng nội, không thích kết nối với người khác tự nguyện tham gia?”.
Trả lời Chí Hùng, Minh Thuật cho hay trong trường hợp đó, anh sẽ ngồi lại với những người này để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của họ. Nếu vì lý do deadline công việc, nguyên nhân gia đình, hoặc các lý giải hợp lý khác, thì có thể được thông cảm. Trong tình huống nhân sự đó chỉ vì lý do chủ quan, không hề muốn gắn kết với tập thể, thì phải xem lại người này có phù hợp với doanh nghiệp hay không.
Về phần Chí Hùng, anh cho rằng các hoạt động đoàn thể vừa thể hiện bản sắc của doanh nghiệp, vừa là phúc lợi dành cho nhân viên. Vì thế, nhân viên công ty nên tham gia một cách tự nguyện thì hoạt động này mới có giá trị. Trong trường hợp có một số nhân viên không muốn tham gia các hoạt động này, mà không phải vì các lý do khách quan, thì chúng ta nên xem lại cách tổ chức chương trình có vấn đề gì hay không.
Sếp Nguyễn Thanh Quyền – Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn bất động sản
Sếp Quyền đặt câu hỏi cho cả 2 ứng viên sau đó: “Nếu bạn là người tổ chức một hoạt động tập thể cho công ty, nhưng có một nhóm nhân sự làm việc lâu năm nói rằng bọn anh già rồi, không còn phù hợp với những sự kiện như thế này, thôi cho bọn anh ở nhà. Với cương vị là người tổ chức, bạn sẽ xử lý như thế nào?”.
Minh Thuật trả lời anh sẽ hỏi ý kiến nhóm nhân sự đó, rồi xem lại kế hoạch tổ chức có bị thiếu sót ở chỗ nào hay không. Sau đó, anh sẽ động viên và khích lệ họ tham gia, bằng cách mang lại cho họ cảm giác rằng họ sẽ là nhân vật quan trọng, góp phần vào việc truyền động lực cho lớp trẻ trong doanh nghiệp tại hoạt động tập thể đó.
Gần như có đồng quan điểm với đối thủ, nhưng Chí Hùng chia sẻ cụ thể hơn về cách thức thực hiện. Nam ứng viên chia nhóm nhân sự lão làng đó ra làm nhiều nhóm nhỏ, dựa trên tiêu chí của sự kiên định. Và sau đó, anh tiếp cận nhóm những người dễ lung lay nhất để tác động họ thay đổi suy nghĩ. Rồi những người này sẽ lại tác động lên những nhóm người còn lại. Ngoài ra, chàng trai sinh năm 1993 cũng sẽ lên kế hoạch đặt để những nhân sự này vào các vị trí quan trọng trong hoạt động tập thể, để họ có ý thức trọng trách.
Kết thúc vòng Đối mặt, Chí Hùng nhận được 4/5 bình chọn, Minh Thuật chỉ nhận được 1/5 bình chọn. Chí Hùng giành chiến thắng trước đối thủ và bước tiếp vào vòng thi thứ 2 – Vòng chinh phục.
Ở vòng 2 - Chinh phục, Chí Hùng nhập mức lương kỳ vọng vào chiếc “va-ly bí mật” mà ban tổ chức cung cấp. Sau đó, 5 sếp quyền lực sẽ đặt câu hỏi để thẩm định về kinh nghiệm làm việc, năng lực chuyên môn, kiến thức xã hội lẫn trải nghiệm thực tế của ứng viên.
Sếp Lê Đức Thuấn - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Sản xuất trang sức
Sếp Thuấn là người đầu tiên đặt câu hỏi: “Em đã từng làm sale và event. Đâu là công việc mà em thích và nếu chỉ được lựa chọn một việc thì em sẽ lựa chọn công việc nào?”. Chí Hùng quả quyết: “Em sẽ lựa chọn event”. Anh cũng chia sẻ thêm rằng bản thân đã từ bỏ công việc liên quan đến kinh doanh trước đó, để đến với chương trình cũng vì tìm kiếm một cơ hội về lĩnh vực tổ chức sự kiện.
Sếp Lưu Nga - Nhà sáng lập Thương hiệu Thời trang
Sếp Nga tiếp lời: “Ở trong ngắn hạn, làm thế nào để em duy trì công việc thiện nguyện của mình?”. Nam ứng viên cho hay hiện tại anh đang là cộng tác viên cho các hoạt động từ thiện tại Cung Văn hóa – Lao động Thành phố. Ngoài ra, thời gian rảnh, anh cũng tham gia vào bếp chay tại các chùa, hoặc các đội nhóm trên địa bàn thành phố. “Có sức thì góp sức, có tiền thì góp tiền” – Chí Hùng khẳng định.
; Sếp Nguyễn Trung Dũng - Chủ Tịch HĐQT & Tổng Giám Đốc Công Ty Cổ Phần thực phẩm
Sếp Dũng đặt câu hỏi: “Giá trị cốt lõi của làng trẻ SOS là gì?”. Chí Hùng tâm sự: “Giá trị cốt lõi của làng trẻ SOS là tình yêu thương của một người mẹ dành cho các con của mình. Bản thân em là trẻ mồ côi cha mẹ, đến tận bây giờ em vẫn chưa tìm được cha mẹ của mình. Em chỉ có một người mẹ, là mẹ Re (tên đầy đủ là Huỳnh Thị Ngọc Re – PV) của làng trẻ SOS Gò Vấp”.
Đánh giá Chí Hùng là một người có sự biết ơn và cho rằng yếu tố này là nguồn gốc của thành công, Sếp Quyền chia sẻ: “Ở tập đoàn chúng tôi, ngân sách dành cho các hoạt động CSR (Viết tắt của Corporate social responsibility, tạm dịch Trách nhiệm xã hội của Doanh nghiệp – PV) hàng năm khoảng 10 tỷ. Tuy nhiên, chúng tôi chưa bao giờ đến Làng trẻ SOS. Tôi muốn tặng làng trẻ một chương trình tên là Vầng trăng yêu thương và em là người kết nối, để chúng tôi có thể thực hiện nó ngay trong mùa Trung thu này. Ngoài ra, tôi cũng muốn tặng em một món quà. Trước đó, tôi muốn nghe em chia sẻ về việc em muốn làm công việc gì nhất?”.
Chí Hùng bày tỏ sự biết ơn trước nghĩa cử đẹp của Sếp Quyền. Sau đó, anh bộc bạch bản thân muốn cọ xát nhiều hơn với công việc người dẫn chương trình. Có 3 lý do cho việc này. Đầu tiên, công việc này sẽ thường xuyên xuất hiện trước công chúng, có thể kết nối được với nhiều người, “biết đâu, ở một thời điểm phù hợp, em sẽ tìm lại được nguồn cội của mình”. Thứ hai, anh có thể truyển tải những thông điệp tốt mà bản thân đang cố gắng lĩnh hội mỗi ngày để hoàn thiện mình. Và cuối cùng, anh muốn truyền động lực cho những đứa em ở Làng trẻ SOS, rằng anh của chúng làm được thì chúng cũng sẽ làm được.
Lắng nghe trải lòng của ứng viên, với tư cách là một người đi trước, MC Thành Trung đưa ra nhận xét rằng nghề dẫn chương trình là nghề “dễ làm nhưng khó hay. Vì nghề nói mà, ai biết nói mà chẳng nói được!”. Sau đó, nam MC đặt câu hỏi thử thách cho ứng viên: “Theo em, tố chất nào quan trọng để tạo nên người dẫn chương trình tốt?”. Chí Hùng trả lời đó là sự chân thành, sự ứng biến nhanh và khả năng linh hoạt trong mọi tình huống.
MC Thành Trung
MC Thành Trung bổ sung quan điểm của mình. Theo anh, có 4 thứ mà một người dẫn chương trình chuyên nghiệp cần phải có. Đó là kiến thức, khả năng truyền đạt, sự chân thành và cuối cùng mới là ứng biến. “Hành trình này cần sự kiên trì rất lớn. Đừng tạo áp lực cho bản thân rằng mình phải là ai đó. Chỉ cần mình nói có người nghe và họ tôn trọng những lời nói của mình, là đã thành công rồi” – Nam MC cho lời khuyên.
Kết thúc vòng Chinh phục, Chí Hùng nhận được 3 đèn xanh đến từ Sếp Quyền, Sếp Thuấn và Sếp Nga, đủ điều kiện để bước tiếp vào vòng cuối cùng – Cơ hội cho ai.
Tại vòng 3, mức lương kỳ vọng của Chí Hùng là 15 triệu đồng. Anh chàng nhận được lời mời làm việc cho vị trí Chủ nhiệm Câu lạc bộ MC (WIN Media) với mức lương 16,686,868 đồng. Sếp Quyền chia sẻ thêm về tính chất công việc: “Mỗi một năm câu lạc bộ này sẽ phục vụ hơn 100 sự kiện lớn nhỏ của Tập đoàn. Ngoài ra, anh cũng muốn em sẽ quản lý ngân sách của các hoạt động CSR của Tập đoàn, để làm sao chúng ta có san sẻ được thật nhiều tình yêu thương đến với các bạn trẻ”.
Sếp cũng cho biết thêm về lộ trình phát triển của ứng viên tại doanh nghiệp nếu anh chàng quyết định đầu quân: “Anh nghĩ đầu tiên em sẽ giúp anh huấn luyện các bạn MC trong tập đoàn. Sau khi em vượt qua nấc thang thứ nhất này, anh sẽ định hướng em đi sâu hơn về Marketing. Bắt đầu là vị trí chuyên viên, sau đó là quản lý, rồi đến giám đốc. Nếu khả năng em đủ đáp ứng, thì anh cũng đang tìm kiếm các vị trí trong Ban giám đốc điều hành công ty để cùng nhau lên “con thuyền” này. Năm sau, anh giao chỉ tiêu cho công ty này là 150 tỷ doanh thu và lợi nhuận 15%. Đó là lộ trình công danh mà anh nghĩ phù hợp với em”.
Sếp Thuấn offer mức lương 19 triệu đồng cho vị trí Chuyên viên Truyền thông Nội bộ. Trong khi đó, Sếp Nga chiêu mộ Chí Hùng cho vị trí Chuyên viên Marketing với mức lương 25 triệu đồng.
Chí Hùng lựa chọn Sếp Quyền và Sếp Nga để tìm hiểu sâu hơn. Anh mong muốn nhận được từ Sếp Nga một lời cam kết cho sự gắn bó lâu dài giữa doanh nghiệp và ứng viên. Tuy nhiên, Sếp Elise cho biết chưa thể có bất cứ cam kết nào ngay thời điểm này. Bà cần thời gian để quan sát xem anh sẽ làm được gì, cống hiến được gì cho doanh nghiệp, rồi mới có những bước tiếp theo.
Sau khi cân nhắc, Chí Hùng quyết định lựa chọn sử dụng Quyền thương lượng với Sếp Quyền. Anh chàng mong muốn Sếp hãy nhìn sâu vào tiềm năng phát triển của cá nhân anh. Đồng thời, nam ứng viên cũng đề xuất một mức lương mới cao hơn mức offer mà Sếp Quyền đã chào lương trước đó. “Em biết ngày thành lập Tập đoàn của mình là 6/8. Em xin phép đảo lại, em mong muốn mức lương là 18,600,000 đồng” – Chí Hùng đề nghị.
Và câu trả lời của Sếp Quyền là “Tôi đồng ý”. Như vậy, là ứng viên đầu tiên sử dụng Quyền Thương lượng, Chí Hùng đã thành công trong việc chứng tỏ năng lực, thể hiện cá tính, thuyết phục Sếp Quyền để có được những quyền lợi tương xứng hơn với khả năng của bản thân.
Như vậy, sau tập 2 của “Cơ Hội Cho Ai? – Whose Chance? mùa 4, Sếp Quyền đã thành công chiêu mộ ứng viên Chí Hùng cho vị trí Chủ nhiệm Câu lạc bộ MC (WIN Media) với mức lương 18,600,000 đồng.
Quyền Thương lượng và cách thức sử dụng quyền này trong chương trình Quyền Thương Lượng lần đầu tiên xuất hiện tại Cơ hội cho ai mùa 4 để giúp làm nổi bật quá trình thương lượng, nhấn mạnh vào yếu tố thực tế, mở rộng cơ hội tốt hơn cho ứng viên và cũng tạo cơ hội cho các Sếp để thu hút nhân tài về với doanh nghiệp của mình. Sau khi mức lương kỳ vọng đã nhập của ứng viên được mở ra, cũng như MC công bố từng đề nghị về lương và vị trí chiêu mộ của các Sếp, sẽ xảy ra hai trường hợp: Trường hợp 1: Ứng viên không có offer nào cao hơn mức lương kỳ vọng. Theo như luật chơi 3 mùa trước đây, ứng viên sẽ thất bại, phải ra về. Mùa 4 năm nay, ứng viên được phép dùng Quyền Thương Lượng để lựa chọn một Sếp duy nhất để thương lượng, thuyết phục Sếp đưa ra offer bằng hoặc cao hơn mức lương kỳ vọng. - Nếu Sếp đồng ý: Chốt deal thành công. - Nếu Sếp không đồng ý: Ứng viên ra về. Trường hợp 2: Ứng viên có từ 1 offer trở lên và cao hơn mức lương kỳ vọng, ứng viên đó có quyền chọn tương ứng 1 hoặc 2 Sếp để thương lượng tiếp. Ứng viên có thể thuyết phục các Sếp đưa ra các chính sách tốt hơn: lương cao hơn, vị trí phù hợp hơn; các chính sách ưu đãi: thưởng, hoa hồng hoặc các chế độ khác... để tạo ra một cuộc thương lượng đúng như trong thực tế. Các Sếp được ứng viên lựa chọn tham gia màn Thương lượng có quyền: Nâng offer cao hơn: không giới hạn số lần để chiêu mộ ứng viên. Giữ nguyên offer ban đầu. Hạ offer xuống thấp hơn: không thấp hơn mức lương kỳ vọng. |
Nguồn: [Link nguồn]
Thông tin về mức lương của các MC - BTV đài truyền hình CCTV Trung Quốc thu hút sự chú ý của dư luận.