Cảnh nhảy vực trong phim Trung Quốc đã "lừa đẹp" hàng tỷ khán giả như thế này!
Đây là cảnh quay quen thuộc trong nhiều bộ phim cổ trang, gây được ấn tượng mạnh nhất với khán giả.
Cảnh nhảy vực là một trong những phân cảnh quen thuộc với khán giả trong các bộ phim cổ trang từ đề tài kiếm hiệp đến tiên hiệp hay ngôn tình. Đây cũng là cảnh quay quan trọng trong mạch phim và để lại nhiều ấn tượng cho người xem nhờ góc quay đẹp mắt, nghệ thuật và đầy bi thương của nhân vật chính.
Dù đã xem hàng trăm bộ phim cổ trang nhưng hậu trường thực hiện những cảnh quay này hiếm khi được hé lộ với khán giả khiến nhiều người tò mò. Mới đây, tờ QQ đăng tải bài viết hé lộ sự thực những cảnh quay đặc biệt này.
Trần tình lệnh là bộ phim hot nhất mùa hè 2019, giúp hai song nam chủ Tiêu Chiến và Vương Nhất Bác nổi tiếng chỉ trong một đêm. Trong phim, cảnh quay nhân vật Ngụy Vô Tiện (Tiêu Chiến) bị gia tộc Ôn Thị ném xuống Loạn Táng Cương và cảnh nhảy vực ở Bất Dạ Thiên gây ám ảnh với người xem vì quá bi thương.
Hậu trường thực hiện cảnh Ngụy Vô Tiện (Tiêu Chiến) bị ném xuống vực trong phim.
Khi lên sóng, đây được coi là hai cảnh quay đắt giá nhất và đánh dấu sự chuyển biến tâm lý cũng như cột mốc cuộc đời của Ngụy Vô Tiện. Tuy nhiên, ở hậu trường, Tiêu Chiến thực hiện cảnh bị ném xuống Loạn Táng Cương không hề dễ như nhiều người nghĩ.
Ở hậu trường, nam diễn viên sinh năm 1991 bị treo lơ lửng bởi bốn sợi dây cáp trong phim trường được bao quanh bởi phông xanh và liên tục vùng vẫy, gào thét để diễn cảnh bị ném xuống vực. Khi lên phim phông xanh này sẽ được thay thế bằng hình ảnh đồ họa miêu tả cảnh Loạn Táng Cương từ trên không nhìn xuống. Trong khi đó, ê-kíp ở bên cạnh dùng quạt để giúp tóc, trang phục Tiêu Chiến bay bay tạo cảm giác như rơi xuống vực thật sự.
Tương tự cảnh quay trong Trần tình lệnh, một diễn viên nữ cũng vùng vẫy, chân tay "múa" loạn xạ kèm la hét trong hậu trường khi diễn cảnh nhảy vực. Cô được ê-kíp hỗ trợ buộc người bằng một đoạn vải to thay vì dây cáp. Ở phía dưới, một nhân viên khác phụ trách mở quạt điện quay thẳng vào mặt nữ diễn viên khiến tóc tai bay tứ phía.
Trong Tiếu ngạo giang hồ (2013), nhân vật Đông Phương Bất Bại của Trần Kiều Ân tự vẫn bằng cách gieo mình xuống hồ băng. Cảnh quay phá nát nguyên tác của Vu Chính từng khán giả chỉ trích suốt một thời gian dài. Khi lên phim, máy ghi hình quay sát mặt Trần Kiều Ân trong vài giây sau đó mới rơi xuống nước. Do đó, Ở hậu trường, mỹ nhân xứ Đài phải diễn tả gương mặt với biểu cảm của nhân vật ngửa người ra sau với sự hỗ trợ của dây cáp. Quạt là thứ không thể thiếu trong phân cảnh này để giúp trang phục và tóc nhân vật bay nhè nhẹ để khi lên phim trông nghệ thuật và đẹp mắt hơn.
Nhân vật bố mẹ của Nhiếp Phong (Triệu Văn Trác đóng) trong phim Phong Vân: Hùng Bá thiên hạ bị mắc kẹt ở trên bức tượng Phật để lại nhiều ấn tượng cho khán giả.
Thực tế ở hậu trường, hai diễn viên chỉ nằm trên một chiếc bàn gỗ phủ khăn xanh giữa phim trường. Nhân vật nam một tay bám vào góc bàn, một tay nắm chặt tay người vợ diễn cảnh sinh ly tử biệt. Xung quanh phim trường có nhiều nhân viên sẵn sàng hỗ trợ hai diễn viên bất cứ lúc nào.
Cảnh mẹ Nhiếp Phong (Điền Lệ đóng) rơi xuống vực từng gây ám ảnh với nhiều khán giả xem phim truyền hình. Dù cảnh quay bị chê trông khá ảo nhưng ở thời điểm đó (năm 2002) đây là sự nỗ lực rất lớn của đoàn phim.
Phân cảnh này ở hậu trường lại được diễn khá dễ dàng. Nữ diễn viên chỉ nằm trên tấm phông xanh, chân tay vùng vẫy kết hợp với gào thét để tạo nên cảnh bị rơi xuống vực.
Những cảnh nhảy vực đẹp và bi thương nhất trong phim Trung Quốc.
Một số đoàn phim khác có tâm hơn khi quay ở bối cảnh thực tế thay vì là phông nền xanh như ở studio. Để thực hiện phân cảnh này, tổ hậu trường tìm một vách núi thật có độ cao ở tầm trung, bên dưới trải một tấm phông xanh. Dù được khen dùng cách này sẽ giúp cảnh quay trông thật hơn nhưng một số người lại lo lắng vì các diễn viên sẽ gặp nguy hiểm, hay bị thương nếu va vào vách núi.
Thông thường những vách núi này đều nhỏ, có độ cao vừa phải nằm trong phim trường. Các diễn viên được hỗ trợ bởi dây cáp và có đội ngũ nhân viên hùng hậu ở bên dưới hỗ trợ. Ở cảnh phi ngựa xuống vách núi, đoàn phim sử dụng ngựa giả.
Một diễn viên thoải mái nhập tâm vào vai diễn, nằm trên tấm gỗ lớn khi quay cảnh bị rơi xuống vực. Xung quanh phim trường được bao bọc phông xanh vừa giúp hình ảnh đoàn phim không bị lọt ra ngoài vừa giúp tổ hậu kỳ chỉnh sửa, biên tập và cắt ghép lại dễ dàng hơn.
Hai diễn viên phối hợp ăn ý với nhau khi cùng bị treo trên vách núi. Vừa phải học thuộc thoại, vừa kết hợp với bạn diễn thêm nhiều hành động khiến nhiều diễn viên gặp nhiều khó khăn.
Những cảnh quay nam nữ chính bị đẩy xuống vực luôn để lại nhiều ấn tượng cho khán giả. Chính vì thế, đây là những phân cảnh không bao giờ thiếu trong phim cổ trang Trung Quốc.
Ở hậu trường, những cảnh quay lãng mạn tường chừng đơn giản nhưng sự thực không phải như vậy.
Nguồn: [Link nguồn]