Cảnh đánh võ trong phim Trung Quốc bị chê "ẻo lả"
Các bộ phim lạm dụng kỹ xảo quay chậm (slow motion) gây nhàm chán và khó chịu cho người xem.
Từ trước đến nay, việc sản xuất những bộ phim có bối cảnh cổ trang đều là thách thức lớn với ê-kíp làm phim, đặc biệt là việc biên đạo các cảnh võ thuật.
Mới đây, Sohu đã có bài viết thẳng thắn phê bình loạt tác phẩm lạm dụng kỹ xảo quay chậm (slow motion) gây nhàm chán và khó chịu cho người xem.
Theo trang tin Trung Quốc, bộ phim Vân Chi Vũ có nhiều cảnh võ thuật nhưng các động tác được quay chậm như múa, dù đẹp mắt nhưng lại thiếu tính quyết đoán và quá ẻo lả. Đây chính là vấn đề thường gặp đối với các bộ phim võ hiệp hiện nay.
Qua các video hậu trường được đoàn phim đăng tải, có thể thấy các diễn viên đều đã trải qua thời gian tập võ trước khi vào đoàn.
Vì thế, cảnh phim đáp ứng được các tiêu chuẩn về mặt thẩm mỹ. Tuy nhiên vì đạo diễn theo đuổi vẻ đẹp hoàn mỹ nên đã lạm dụng kỹ xảo quay chậm để đặc tả các động tác võ thuật. Điều này khiến nhân vật như đang đấm đá qua loa, thiếu đi yếu tố thực chiến trong các chiêu thức võ công,
"Vân Chi Vũ" bị đánh giá là có nhiều cảnh hành động màu mè, sáo rỗng.
Đặc biệt, ở cảnh đại chiến trong tập cuối, các diễn viên nhào lộn và nhảy tới nhảy lui, nhìn như đang so đấu căng thẳng nhưng khán giả lại khó chịu trước khung cảnh lộn xộn. Một số bình luận bày tỏ sự bối rối không biết nhân vật đang tập dưỡng sinh hay đánh nhau?
Đạo diễn hành động Vương Văn Chí khẳng định, đây là căn bệnh chung của thể loại phim võ hiệp thời nay. Đó là “không cần biết động tác có đúng hay không, chỉ cần nhìn đẹp mắt là được”.
Bộ phim Tuyết Trung Hãn Đao Hành cũng có tình huống tương tự. Với sự góp mặt của Hồ Quân, Trương Nhược Quân và dàn diễn viên thực lực, tác phẩm nhận được nhiều kỳ vọng từ khán giả.
Tuy nhiên, khi ra mắt, phim lại bị chê nhiều về lạm dụng hiệu ứng kỹ xảo. Hình ảnh diễn viên Trương Thiên Ái di chuyển trong một cuộc đấu kiếm khiến khán giả bật cười.
"Tuyết Trung Hãn Đao Hành" bị chê nhiều về việc lạm dụng slow-motion.
Tất cả các cảnh đấu kiếm trong phim diễn ra như sau: Nhân vật rút kiếm - tạo dáng - đóng kiếm lại - kẻ địch gục ngã. Còn cụ thể quá trình chiến đấu ra sao hoàn toàn dựa vào trí tưởng tượng của khán giả.
Những cảnh quay khiến người xem ngán ngẩm như vậy diễn ra ở hầu hết các bộ phim mới đây.
Đạo diễn hành động Trương Trạch Bân nhận xét: “Trong nhiều bộ phim cổ trang bây giờ, các nhân vật cứ đủng đỉnh bay đi bay lại trên không, sau đó đoàn phim sẽ thêm kỹ xảo đặc biệt. Những động tác giả tạo như thế không thể thuyết phục khán giả”.
Đạo diễn Lưu Tuyên cho rằng nguyên nhân gây ra việc này chủ yếu là vì thiếu thời gian. Có nhiều cảnh đánh võ quan trọng đáng lẽ phải mất cả tuần để hoàn thành nhưng ê-kíp lại chỉ dành một ngày để quay. Sự vội vàng đó không thể tạo ra tác phẩm chất lượng.
Đạo diễn không có thời gian trau chuốt lại động tác, diễn viên không có thời gian tập luyện, thậm chí có ngôi sao còn kẹt lịch "chạy show" nhiều đoàn phim khác nhau. Đa phần các cảnh quay hành động đều do diễn viên đóng thế đảm nhận. Diễn viên chính chỉ lấy vài góc cận mặt, tất nhiên sẽ khiến cảnh quay sơ sài.
Cho dù một số diễn viên sẵn sàng thực hiện các cảnh hành động nhưng ê-kíp cũng không dám cho thử vì lý do an toàn. Nếu diễn viên xảy ra sự cố, cả đoàn phải ngừng quay, mỗi ngày mất đi một khoản phí không nhỏ. Hãng phim không đủ khả năng chi trả nên những cảnh võ thuật dần trở nên không còn là ưu tiên.
Vu Thích từng suýt mù mắt khi đóng "Phong Thần Tam Bộ Khúc".
Cùng với đó là sự phát triển của công nghệ. Khi màn hình xanh và các kỹ xảo đặc biệt được phổ biến rộng rãi, các cảnh quay có thể dễ dàng thực hiện được bằng cách ngồi trước máy tính và click chuột. Vậy tại sao đoàn phim lại phải bỏ công sức, bỏ thời gian cho các cảnh đó?
Vì nhiều lý do như thế, việc dòng phim võ thuật trở nên dễ dãi là điều khó tránh khỏi. Tác giả bài viết nói đùa: “Hiện tại, chỉ có cảnh hôn là được các ê-kíp làm phim chú trọng thực hiện nhất”.
Nhiều nụ hôn độc và lạ theo cách phi logic khiến khán giả không biết nói gì.
Nguồn: [Link nguồn]