Cách Trung Quốc biến Tôn Ngộ Không thành kiệt tác hái ra tiền
Trò chơi điện tử ăn khách của Trung Quốc Black Myth: Wukong đang thúc đẩy làn sóng hoạt động kinh tế trên nhiều lĩnh vực, tạo ra “nền kinh tế Wukong”. Việc trò chơi tái hiện chi tiết thần thoại Trung Quốc không chỉ thu hút lượng khán giả toàn cầu mà còn tạo nên làn sóng sáng kiến du lịch văn hóa trên đất nước tỷ dân.
Nếu kể tên các công ty trò chơi điện tử lớn nhất thế giới, người ta có thể nghĩ đến Nintendo - nhà sáng tạo nổi tiếng của Mario, Pokemon và The Legend Of Zelda, hay PlayStation - thương hiệu gắn liền với những siêu phẩm như Final Fantasy và Uncharted. Tuy nhiên, Game Science do công ty Trung Quốc Tencent hậu thuẫn cho thấy bộ mặt khiến cả thế giới choáng ngợp khi ra mắt game nhập vai Black Myth: Wukong. (Hắc thần thoại: Ngộ Không).
Sự ra mắt của trò chơi trực tuyến Black Myth: Wukong đã tạo nên cơn sốt du lịch chưa từng có ở miền bắc Trung Quốc. Ảnh: SCMP.
Trình làng hôm 20/8 sau bốn năm thai nghén, Black Myth: Wukong đã đạt được số lượng người chơi đồng thời là hơn 2,2 triệu người chơi, 10 triệu lượt bán ra sau 3 ngày. Đây là trò chơi AAA đầu tiên của Trung Quốc (thuật ngữ trong ngành chỉ các bản phát hành "bom tấn"). Đáng chú ý, nhà phát triển Game Science không có kinh nghiệm trong việc tạo ra các bom tấn và chủ yếu tập trung vào các trò chơi di động.
Trân trọng văn hóa trong cách nâng cao trải nghiệm người chơi
Truyền thông Trung Quốc đánh giá Black Myth: Wukong là dự án tâm huyết với mục đích mang tác phẩm kinh điển của Trung Quốc, việc kể chuyện văn hóa đến với các game thủ toàn cầu.
Trò chơi lấy cảm hứng từ tiểu thuyết Tây Du Ký thế kỷ 16 (thời nhà Minh) của Ngô Thừa Ân. Người chơi điều khiển chú khỉ có hình dạng giống người, thu thập 6 viên linh thạch để hồi sinh Tề thiên đại thánh.
Thay vì các lâu đài và nhà thờ lớn thường thấy trong các trò chơi điện tử phương Tây, Wukong kết hợp các ngôi đền, chùa ở Trung Quốc, tất cả đều dựa trên các di sản có từ nhiều thế kỷ trước, đặc biệt là ở Sơn Tây, nơi nổi tiếng với kiến trúc gỗ cổ.
Khách du lịch đổ xô đến để chiêm ngưỡng những cảnh đời thực xuất hiện trong trò chơi.
Nhiều cảnh diễn ra trong bối cảnh đẹp như tranh vẽ, chân thực, với những ngọn núi sương mù, khu rừng tươi tốt, tác phẩm điêu khắc Phật giáo, vùng sông nước trong vắt và những cây thông cổ thụ. Những cảnh quan này, bắt nguồn từ tính thẩm mỹ của hội họa và kiến trúc Trung Hoa, tạo bầu không khí giúp người chơi nhập vai.
Các chuyên gia đánh giá chất thơ nâng cao trải nghiệm của người chơi từ những trận chiến trong trò chơi điện tử thông thường lên sự trân trọng văn hóa.
Game Science đã nghiên cứu rất kỹ về cốt truyện và di sản có trong Black Myth: Wukong. Họ đã đến thăm các địa điểm ở tỉnh Sơn Tây xuất hiện trong trò chơi để tăng cường tính xác thực.
Chuyên gia tư vấn thương hiệu Jolin Guan nói nhóm thiết kế và sản xuất trò đã đọc Tây Du Ký hơn một trăm lần, quan sát tường tận từ yêu quái cho tới từng vị thần linh có trong tuyến truyện. “Họ đến thăm hàng trăm ngọn núi, dòng sông, đền thờ, lật lại hàng ngàn văn bản về các triều đại, vẽ không đếm xuể những bản thảo”.
Black Myth: Wukong tạo ra cơn sốt du lịch
Tận dụng lợi thế này, cơ quan văn hóa và du lịch Sơn Tây đã phát hành quảng cáo liên kết với Black Myth: Wukong truyền cảm hứng cho trò chơi.
Theo SCMP, tỉnh Sơn Tây (Trung Quốc) thu hút đông đảo du khách nhờ trò chơi trực tuyến bởi game có các cảnh quay từ khu vực này.
Trong số 36 địa điểm quay phim chính, có 27 địa điểm nằm ở tỉnh Sơn Tây, miền bắc Trung Quốc, cách Bắc Kinh khoảng 500km, như Tiểu Tây Thiên, Miếu Ngọc Hoàng, Thiết Phật Tự… Bên cạnh đó có nhiều địa điểm nổi tiếng ở Tứ Xuyên, Lệ Thuỷ, Hàng Châu, Trùng Khánh…
Trong tuần qua, Sơn Tây chứng kiến ngành du lịch bùng nổ khi nhiều du khách tìm đến những địa điểm xuất hiện trong trò chơi.
Một trong những địa điểm đó là ngôi chùa Phật giáo có từ thời nhà Minh (1368-1644). Doanh số bán vé cho địa điểm này tăng gấp ba lần.
Hang đá Vân Cương xuất hiện trong trò chơi điện tử bom tấn của Trung Quốc Black Myth: Wukong. Ảnh: Shutterstock Images.
Là khu vực có tài nguyên phong phú, hang động cổ và kiến trúc cổ điển, các chuyên gia cho biết Sơn Tây trước đây đã không thể trở thành điểm đến du lịch hàng đầu chủ yếu là do thiếu phương tiện giao thông giữa các điểm tham quan chính, chính quyền địa phương không tích cực quảng bá.
Gần đây, hình ảnh của nơi này thay đổi đáng kể 20 đoạn video trên Bilibili khoảng ghi lại các danh lam thắng cảnh, bao gồm video có tên Du lịch Sơn Tây cùng Ngộ Không.
Sơn Tây không phải là nơi duy nhất ở Trung Quốc tận dụng sự chú ý của trò chơi này để thúc đẩy du lịch.
Liên Vân Cảng, thành phố ở phía đông tỉnh Giang Tô, nơi được giả thuyết là quê hương của Tôn Ngộ Không, đã thông báo những người chơi hoàn thành tất cả nhiệm vụ sẽ đủ điều kiện được tham quan miễn phí Hoa Quả Sơn – địa điểm du lịch nổi tiếng của thành phố này.
Xuất khẩu văn hóa
Black Myth: Wukong đã trở nên phổ biến đến mức một câu hỏi về trò chơi đã được nêu ra tại cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 21/8. Người phát ngôn của Bộ - bà Mao Ning - cho biết bà biết rất ít về trò chơi điện tử, xét theo tên của trò chơi và thực tế là trò chơi này có nguồn gốc từ Tây Du Ký, bà tin rằng Black Myth: Wukong thể hiện sức hấp dẫn của văn hóa truyền thống Trung Hoa.
Nhiều ý kiến trên Sina Weibo gọi đây là "sự kiện xuất sắc cho hoạt động xuất khẩu văn hóa Trung Quốc".
Bộ game được nhận định truyền bá hiệu quả văn hóa phương Đông tới các nước phương Tây, nhiều người xem xem, đọc lại các thông tin về Tây Du Ký để hiểu rõ cốt truyện.
Feng Ji, người sáng lập và giám đốc công ty Game Science có trụ sở tại Thâm Quyến, đơn vị phát triển Black Myth: Wukong, cho biết nhóm của ông không đặt mục tiêu đại diện cho văn hóa Trung Quốc khi bắt đầu dự án vào năm 2018.
"Đối với chúng tôi, điều tự nhiên là văn học truyền thống Trung Quốc, vốn dựa trên triết lý và các giá trị phương Đông hấp dẫn thế giới, có nhiều không gian để khám phá. Chúng tôi đang thể hiện văn hóa Trung Hoa một cách tự nhiên” - ông nói.
Theo ông, việc chọn Tây Du Ký làm nền tảng cho trò chơi là quyết định mang tính bản năng .
"Khi chúng tôi, người Trung Quốc, nhìn thấy hình ảnh, hoặc nghe tên Tôn Ngộ Không, chúng tôi có cảm giác đặc biệt. Bằng cả trái tim, chúng tôi làm ra những trò chơi chạm đến tâm hồn", ông nói thêm.
Sự nổi tiếng của Ngộ Không với cả khán giả nội địa và quốc tế là một lý do nữa khiến Tôn Ngộ Không được chọn làm anh hùng của trò chơi.
Trên YouTube, các video về Tôn Ngộ Không có phụ đề hay lồng tiếng Anh hút lượng tương tác cao trước khi trò chơi được phát hành,
Câu chuyện về Ngộ Không cũng thu hút các học giả phương Tây như Jim R.McClanahan, người đã nghiên cứu nhân chủng học tại Đại học Miami. Dota, trò chơi trò chơi đấu trường trận chiến trực tuyến, đã đưa gậy như ý của Tôn Ngộ Không vào danh sách vũ khí thần thánh.
Nguồn: [Link nguồn]
Hoàng Sư Tinh – yêu quái hiền nhất Tây Du Ký, cả đời sống tử tế, biết điều chẳng hại ai bao giờ nhưng vẫn bị tiêu diệt bởi một sai lầm tai hại.