Cách khán giả nước ngoài tẩy chay nhạc gợi dục

Phụ huynh Mỹ từng gửi đơn khiếu nại Britney Spears, Cardi B vì cho rằng ca khúc của các ngôi sao này ảnh hưởng xấu giới trẻ.

Gần đây, nhiều bài hát liên tưởng chuyện quan hệ tình dục, ca từ vô nghĩa lan tràn trong làng nhạc Việt, tạo nên những tranh cãi trong khán giả về giới hạn sáng tạo của nghệ sĩ. Không riêng ở Việt Nam, nhiều nơi trên thế giới vẫn xảy ra những phản ứng về ca từ nhạy cảm, sản phẩm không phù hợp bị tẩy chay.

Năm 2021, khi Cardi B và Megan Thee Stallion biểu diễn WAP - bản rap có ca từ tục tĩu về chuyện quan hệ tình dục tại Grammy, Ủy ban Truyền thông Liên bang đã nhận hơn 1.000 đơn khiếu nại về tiết mục. Người dẫn chương trình Fox News - Tucker Carlson - nói rằng "họ đang cố tình làm suy thoái nền văn hóa và làm tổn thương con cái chúng ta". MC Candace Owens cũng gọi tiết mục "hủy hoại các giá trị của người Mỹ".

Trong một video Cardi B đăng lên mạng xã hội, nữ rapper vội tắt ca khúc khi con gái cô, khi ấy hai tuổi, bước vào phòng. Nhiều người chỉ trích Cardi B vì đã ý thức ca khúc không phù hợp trẻ nhỏ nhưng vẫn cố tình trình diễn, lan truyền. Rapper sau đó phản bác: "Tôi không làm nhạc cho trẻ em, tôi làm nhạc cho người lớn. Cha mẹ phải chịu trách nhiệm về những gì con cái họ nghe hoặc nhìn thấy".

Cardi B trong MV "WAP". Ảnh: VMG

Cardi B trong MV "WAP". Ảnh: VMG

Năm 2010, khi phát hành MV Can't Be Tamed, Miley Cyrus đóng một cô gái bị nhốt trong lồng, mua vui cho đàn ông. Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông Mỹ đã viết một bài luận: "Hiệu ứng Miley Cyrus: Những cô gái trẻ hành động như người lớn". Họ cho rằng ca sĩ đang bình thường hóa "những hình ảnh mang tính gợi dục cao của phụ nữ".

Ngoài Can't Be Tamed, Miley Cyrus có bài Rainbowland, nói về mong ước được chấp nhận mọi giới tính. Khi các sinh viên năm nhất của Trường đại học Wisconsin (Mỹ) muốn hát ca khúc trong hòa nhạc mùa xuân, ban giám hiệu đã xem xét và xác định bài hát có thể gây tranh cãi nên không duyệt tiết mục. Giai đoạn 2013-2015, cô liên tục bị Hội đồng phụ huynh về phim truyền hình Mỹ (PTC) lên án vì các màn diễn mang tính khiêu dâm ở các sự kiện lớn, trên sóng truyền hình.

"Công chúa nhạc pop" Britney Spears cũng bị lên án khi ra mắt I'm a Slave 4 U năm 19 tuổi. Khi ấy, cô từng bị Hiệp hội Cha mẹ Mỹ phản đối gay gắt vì ca từ gợi liên tưởng chuyện ân ái. Tờ báo của Đại học Oregon từng bình luận: "Cô ấy là giấc mơ của một cậu thiếu niên và là cơn ác mộng của các nhà hoạt động nữ quyền".

Năm 2010, series Glee cũng bị PTC chỉ trích vì nhân vật chính tái hiện cảnh Britney Spears mặc trang phục gợi cảm, diễn I'm Slave 4 UToxic. PTC cho rằng các phân đoạn này "độc hại" hơn vì không chỉ thiếu niên mà nhiều em nhỏ cũng rất thích xem Glee.

Bìa đĩa "I'm a Slave 4 U" của Britney Spears.

Bìa đĩa "I'm a Slave 4 U" của Britney Spears.

Album As Nasty as They Wanna Be (1989) của 2 Live Crew đã bị Tòa án sơ thẩm ở Florida tuyên bố là "tục tĩu". Thẩm phán nói album đầy rẫy chuyện sex, khổ dâm. ,Một số chủ cửa hàng băng đĩa đã bị kết án vì bán album. Các thành viên của nhóm 2 Live Crew từng bị bắt vì biểu diễn ở quận Broward. Theo Washington Post, việc lưu trữ sản phẩm phi văn hóa ở Florida có thể bị phạt tới 60 ngày tù và 500 USD.

Khán giả nhiều nước châu Á cũng phản ứng mạnh với nhạc phản cảm. Ở Hàn Quốc, đất nước có nền công nghiệp idol khắc nghiệt, nhiều ca sĩ bị chỉ trích thậm tệ vì các màn diễn 18+. Hồi đầu năm, bài Wife của nhóm (G)I-DLE làm dấy lên cuộc tranh luận về việc ca khúc nên được gắn mác 19+, bởi nội dung ẩn chứa nhiều hình ảnh về việc giải phóng tình dục. Nhiều phụ huynh Hàn Quốc bày tỏ lo ngại bởi nhóm có nhiều fan ở lứa tuổi tiểu học.

Năm ngoái, Hwasa, 28 tuổi, phải làm việc với cảnh sát sau khi bị tổ chức bảo vệ quyền lợi học sinh và phụ huynh ở Hàn Quốc cáo buộc có hành vi không đứng đắn nơi công cộng, nhảy gợi cảm trên sân khấu của trường đại học. Cô cũng bị lên án "gợi dục hóa đồng phục học sinh" vì mặc chân váy, sơ mi trắng nhảy sexy. Nhiều nhóm nhạc theo phong cách khoe thân quá đà như Girl Crush, Stellar, gây chú ý thời gian đầu nhờ tai tiếng nhưng sau đó chìm dần rồi gần như biến mất khỏi Kpop.

Ở Nhật Bản, các nhóm nữ thần tượng nổi tiếng như AKB48, SKE48 nhiều lần bị chê vì các MV, hình ảnh gợi cảm. AKB48 có ca khúc Please Don't Take Off My School Uniform?! (Làm ơn đừng cởi đồng phục của tôi). Trong MV Heavy Rotation (2010), thành viên Matsui Jurina, khi ấy 13 tuổi, có cảnh quay với bồn tắm không phù hợp. Hay SGO48 có nhiều cảnh mặc nội y, hành động thân mật trong MV Heavy Rotation.

Với Trung Quốc, đất nước kiểm soát chặt chẽ các ấn phẩm văn hóa, các bài hát có nội dung khiêu dâm bị cấm tuyệt đối. Theo trang 163, năm 2015, Bộ Văn hóa nước này từng đưa những ca khúc có nội dung vi phạm thuần phong mỹ tục vào danh sách đen. Phần lớn trong số đó nói về chuyện chăn gối, ngoại tình, mại dâm.

Trang Chinanews của Trung củaTrungQuốc từng nêu quan điểm chỉ trích sản phẩm, các màn trình diễn của một số nghệ sĩ Hàn như HyunA, Hyomin, SISTAR "ngày càng hở hang, phản cảm".

Chuyên gia truyền thông và quản trị văn hóa Nguyễn Đình Thành đã đưa ra một số gợi ý để xử lý tận gốc các hành vi lệch chuẩn của nghệ sĩ - người nổi tiếng trên mạng xã hội.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Thu ([Tên nguồn])
Ngôi sao ca nhạc thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN