Các kênh Youtube nhảm nhí, độc hại nhưng “hái ra tiền” gây hiểm họa khôn lường
Youtube dần biến thành nơi để Vlogger kiếm tiền bằng “video rác”.
Trước khi nội dung rác là một phần không thể thiếu của Youtube, các Youtuber đã phải mày mò thử nghiệm nhiều nội dung clip khác nhau để thu hút người xem mà lại an toàn, không vi phạm chính sách sử dụng.
Rất nhiều nội dung đã được thử nghiệm và khi đó, nội dung cho trẻ em được xem là “mỏ vàng”. Bởi trẻ em nào cũng thích xem Youtube.
Bên cạnh những nội dung lành mạnh dạy trẻ điều hay điều tốt, thì tồn tại vô số những Youtuber làm clip câu view bằng những chủ đề phản cảm, hình ảnh lố lăng, nhưng lại gắn mác “thiếu nhi”, tiêm nhiễm vào đầu trẻ những tư tưởng không phù hợp, khiến trẻ bắt chước và gây ra nhiều hậu quả xấu.
Mới đây, một vụ việc xảy ra khiến công chúng không khỏi bàng hoàng khi bé gái 5 tuổi ở TP.HCM đã tử vong vì học theo trò treo cổ khi xem Youtube.
Đây là một hồi chuông cảnh báo các bậc phụ huynh về sự nguy hiểm của mạng xã hội được xem là phương tiện giải trí chính trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay.
Không chỉ bố mẹ, các trẻ nhỏ cũng được bố mẹ hướng dẫn cho sử dụng Youtube để các con nghe nhạc, xem phim và học tiếng Anh. Tuy nhiên, bên cạnh các bậc phụ huynh theo sát con mình, vẫn có nhiều bố mẹ khi quá bận rộn không thể kiểm soát được, đã để các con tự do mày mò, tìm đến những kênh độc hại, nhảm nhí, xúi trẻ nghịch dại những trò rất “trời ơi”.
Mới đây, kênh Youtube nổi tiếng "Hành tinh đồ chơi – Toy Planet" với hơn 3,55 triệu người đăng ký đã đăng tải một video có tựa đề và nội dung hết sức phản cảm: “Uống nước rửa bát, ăn bọt biển troll chị đại ăn cướp”.
Nội dung của clip nói về một cậu bạn bị cướp mất 20 triệu. Sau đó, cậu bạn bày trò lén lấy siro bắp, bánh ngọt ngụy trang làm nước rửa bát và miếng bọt biển để ăn trước mặt kẻ cướp. Trong video hơn 10 phút, kẻ cướp tin sái cổ, tưởng 2 miếng bọt biển và nước rửa bát ăn được nên bị cậu bạn ranh ma kia lừa ăn đồ thật.
Video hiện có gần 2,8 triệu lượt xem và 28 nghìn lượt yêu thích. Phía dưới video là rất nhiều comment vui vẻ hưởng ứng: “Lúc nào các anh cũng làm video hay hết”, “Làm thêm video đi”, “Thích video này quá”...
Kênh Youtube này nổi tiếng với khá nhiều nội dung gây tranh cãi như “Ăn dép tổ ong”, “Ăn phấn và giẻ lau bảng”, “Ăn đất sét”... Nguy hiểm hơn là rất nhiều em nhỏ hưởng ứng nhiệt liệt và bày tỏ sẽ dùng cách tương tự để lừa bạn mình.
Tương tự là kênh dành cho thiếu nhi nổi bật nhất tại Việt Nam “Thơ Nguyễn” với 7,15 triệu lượt đăng ký. Kênh có các nội dung phản cảm nhưng lại rất được trẻ em yêu thích. Điển hình là một clip Thơ Nguyễn thử thách “Cho đá khô vào chai nước kín”, mô tả thí nghiệm với đá khô và hiện tượng phát ra tiếng nổ. Khi Thơ Nguyễn vừa rời đi được vài giây thì chai nước lập tức phát nổ, kèm theo khói mù mịt.
Những trẻ nhỏ hoàn toàn sẽ không biết được nguy hiểm đằng sau những chiếc clip view “khủng”, mà chỉ cảm thấy vui và thích thú, thậm chí sẽ cố gắng bắt chước theo thần tượng của mình.
Có thể lấy một ví dụ khác, NTN Vlogs với hơn 9 triệu lượt đăng ký nhưng lại toàn những video không có nội dung, chỉ toàn những thí nghiệm hay thử thách không giống ai.
Kênh Youtube này cũng chính là nguồn cội cho hàng loạt những Youtuber khác đi theo con đường này, họ tạo ra những nội dung để câu view mà không quan tâm đến hậu quả. Thậm chí còn có những vụ gây sốc như thả 100 con dao từ trên cao, thả 200 quả trứng vào đầu mẹ... chỉ để gây được nhiều sự chú ý hơn.
Vụ việc Youtuber Hưng Vlog bị Sở thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Giang xử phạt 7,5 triệu đồng vì đăng tải video phản cảm đã nhận được sự đồng tình lớn của dư luận những ngày qua. Đa phần công chúng cho rằng cần có nhiều hình phạt hơn cho những nội dung xấu đang tràn lan trên mạng xã hội. Nhiều vụ việc chỉ được đưa ra xử lý do phản ứng dữ dội từ cộng đồng mạng và truyền thông phản ánh.
Có thể nói, mạng xã hội, đặc biệt là Youtube chính là “con dao hai lưỡi” với trẻ nhỏ. Bên cạnh những ưu điểm như giúp con học tập, giải trí thì Youtube tràn đầy những nhược điểm vì nội dung xấu tràn lan, hình ảnh phản cảm nhưng lại được gắn mác thiếu nhi.
Để bảo vệ con trẻ, bố mẹ có thể không cần cấm xem tuyệt đối. Thay vào đó, bố mẹ nên xem cùng con, chọn lọc kênh, và giảng giải cho con hiểu hơn về điều tốt lẽ xấu, tránh xa những clip rác đầy tiêu cực.
NTN cũng đã đăng tải một clip với nội dung “NTN - Tự Xoá Video”. Theo lời YouTuber, bản thân anh đã nhận ra được sai lầm cũng như ý thức được việc mình làm có thể ảnh hưởng xấu đến người xem, đặc biệt là trẻ em.
Với lý do đó, NTN đã quyết định tự tay xoá bỏ 6 video mà anh tự cho là “nhảm nhí” của mình, trong đó có clip thu hút tận 8 triệu lượt xem. YouTuber chia sẻ quan điểm: “Ai trong chúng ta cũng đều có sai lầm. Nếu có thể quay ngược thời gian thì tôi sẽ không làm những video khiến tôi bị ảnh hưởng. Tôi sẽ cố gắng thay đổi bản thân mình nhiều hơn”.
Anh cũng bày tỏ hi vọng mọi người có thể tha thứ cho mình, đừng nhắc về quá khứ. Trong tương lai, kênh của NTN sẽ có sự thay đổi, cố gắng thực hiện những video có ích cho cộng đồng hơn. Đồng thời, anh cũng kêu gọi các YouTuber khác hãy như mình.
Hưng Vlog chính thức lên tiếng sau ồn ào làm video trộm heo đất bị phạt nặng.
Nguồn: [Link nguồn]