Bùng nổ đêm nhạc Bolero: Chỉ là "ăn mày" dĩ vãng?
Quang Lê, Lệ Quyên, Đàm Vĩnh Hưng… liên tục tổ chức đêm nhạc Bolero từ Nam đến Bắc. Nhưng liệu họ chỉ đang theo trào lưu để duy trì tên tuổi và kiếm tiền?
Chỉ trong 3 năm, truyền hình thực tế Việt sản sinh rất nhiều cuộc thi riêng biệt về bolero: Solo cùng Bolero, Tình Bolero, Kịch cùng Bolero, Tuyệt đỉnh song ca, Thần tượng Bolero, Người hát tình ca, Tuyệt đỉnh song ca… Chưa kể, nhiều game show khác cũng sử dụng phần lớn các ca khúc nổi tiếng của bolero như Ban nhạc quyền năng, Thần tượng tương lai, Hát mãi ước mơ, Hãy nghe tôi hát…
Sự “sống lại” của bolero đã lan tỏa rộng rãi đến mọi ngóc ngách của đời sống thường nhật. Không chỉ có game show, nhiều đêm nhạc bolero cũng nở rộ ở khắp các thành phố lớn. Ca sĩ đều chạy theo trào lưu để hâm nóng tên tuổi. Vậy, “sự trỗi dậy” của thể loại này đã tác động thế nào đến thị trường âm nhạc những năm qua? Những tác động cả tích cực lẫn tiêu cực của Bolero sẽ được mổ xẻ trong chuyên đề: Bùng nổ Bolero: Bước lùi của nhạc Việt? |
Sự bùng nổ của bolero phản ánh thị hiếu của khán giả đại chúng. Hàng loạt game show bolero nở rộ, nhiều nghệ sĩ chuyển hướng hát bolero và phát hành sản phẩm ăn theo, nhiều đêm nhạc bolero mọc lên như nấm từ Nam đến Bắc.
Ca sĩ đua nhau phát hành album, tổ chức live show Bolero
Trước sự ảnh hưởng rộng rãi của bolero, nhiều ca sĩ đang theo đuổi dòng nhạc trẻ cũng chuyển hướng hát bolero để thích nghi với thời cuộc. Lệ Quyên là điển hình cho thành công của việc chuyển mình. Không chỉ đắt show trong nước, giọng ca Giấc mơ có thật còn rất ăn khách ở thị trường hải ngoại.
Lệ Quyên có nhiều album được người hâm mộ yêu thích như Khúc tình xưa, Dòng thời gian, Đêm tâm sự, Còn trong kỷ niệm… Khi bolero “leo thang”, nữ ca sĩ sinh năm 1981 tận dụng cơ hội tổ chức live show ở cả Hà Nội và TP. HCM. Tất cảđêm nhạc đều bán sạch vé.
Quang Lê và Lệ Quyên trở thành cặp song ca bolero ăn khách trên thị trường.
Không những vậy, Lệ Quyên cùng nhiều đồng nghiệp thường xuyên tổ chức các live show quy mô nhỏ hơn ở các sân khấu 126, Trống Đồng, phòng trà ở TP. HCM và các tỉnh lân cận như Biên Hòa, Bình Dương, Cần Thơ…
Không phải đợi đến khi bolero ăn khách, Đàm Vĩnh Hưng mới phát hành album ở thể loại này. Trước đó, anh đã có album Qua cơn mê, Chờ đông và sau này phát hành thêm Dạ khúc cho tình nhân, Xót xa. Ngoài ra, Mr. Đàm còn chơi trội khi đầu tư live show Sài Gòn Bolero và Hưng được tổ chức ở 2 thành phố lớn Hà Nội, TP.HCM.
Quang Lê vốn là giọng ca được yêu thích ở dòng nhạc này. Nhiều năm nay anh về Việt Nam hoạt động, được mời làm giám khảo game show và tổ chức live show thường xuyên. Giọng ca Đập vỡ cây đàn còn là khách mời thường xuyên trong các đêm nhạc bolero.
Hồ Quỳnh Hương chỉ ra album mang tính thử nghiệm.
Hồ Quỳnh Hương vốn đã có tên tuổi ở dòng nhạc trẻ nhưng vẫn theo đuổi trào lưu bolero khi phát hành album Hương xưa. Nữ ca sĩ gốc Quảng Ninh tâm sự chị yêu thích bolero từ lâu nhưng ở độ tuổi này mới có đủ độ chín để tự tin khoe giọng. Người hâm mộ thích thú với sự trải nghiệm mới của Hương Hồ nhưng đây đơn thuần là cuộc dạo chơi.
Khi tên tuổi đã có phần lắng xuống, ý thức bản thân không thể có cuộc chuyển hướng thành công như nhiều đồng nghiệp, Quách Tuấn Du chọn hướng mới khi remix các ca khúc bolero. Anh nói rằng cần phải đổi mới để chinh phục giới trẻ. Thế nhưng, dư luận lại không mặn mà với cuộc “cách tân bolero” của cựu thành viên nhóm D&D.
Thị trường âm nhạc cũng dần chào đón nhiều giọng ca trẻ ở thể loại bolero như Quý Bình, Thu Hằng, Hà Vân, Tố My… Trừ quán quân Solo cùng Bolero mùa 2, tất cả đều tổ chức live show ở TP.HCM.
Cũng theo trào lưu, các giọng ca hải ngoại được săn đón ráo riết khi đổ bộ về Việt Nam ca hát. Danh ca Chế Linh tổ chức hàng loạt đêm nhạc ở khắp các tỉnh thành suốt 3 năm qua. Danh ca Phương Dung, Giao Linh, Họa Mi, Thái Châu… đắt show làm giám khảo.
"Nữ hoàng sầu muộn" Giao Linh tổ chức live show vì sợ bà không còn nhiều dịp đứng trên sân khấu.
Phi Nhung di chuyển liên tục giữa Mỹ - Việt Nam. Mạnh Quỳnh, Trường Vũ, Mạnh Đình, Sơn Tuyền… thường xuyên về nước để chạy show.
Các nhà tổ chức cũng không thể ngó lơ thời cuộc. Họ mời các ca sĩ trong nước lẫn hải ngoại góp mặt trong các tour diễn từ Nam đến Bắc.
Live show Bolero được đầu tư hay chỉ ăn theo?
Việc kinh doanh sân khấu thời gian qua gặp nhiều khó khăn, vì ảnh hưởng từ truyền hình thực tế. Dạo quanh một vòng Sài Gòn, các sân khấu ca nhạc – hài kịch và phòng trà đều rơi vào tình trạng ế ẩm. Sân khấu ca nhạc bình dân 126 đã đóng cửa, chỉ còn Trống Đồng nhưng lại khá đìu hiu, thậm chí thứ 7 và chủ nhật cũng không còn sáng đèn thường xuyên.
Nhưng khi bolero nở rộ, tình hình lại khả quan hơn. Các đêm nhạc bolero hầu như nhộn nhịp hơn hẳn. Đối tượng khán giả phần lớn là những người lớn tuổi, nhưng người trẻ cũng có không ít. Còn nhớ, khi Quang Lê về Việt Nam ca hát, anh tổ chức live show ở nhà hát Hòa Bình, số lượng bị quá tải.
Sau đó, anh phải tổ chức thêm đêm nhạc ở sân khấu 126 để phục vụ khán giả bình dân. Vé được bán sạch nhanh chóng, lượng người đổ về tràn ra mép sân khấu.
Mr. Đàm nổi tiếng về chiêu trò nên luôn hút khách.
Live show của Chế Linh, Lệ Quyên, Đàm Vĩnh Hưng, Phi Nhung, Trường Vũ… cũng đều cháy vé. Thế nhưng, câu hỏi được đặt ra là chất lượng của các đêm nhạc này có thật sự tương xứng với giá vé khán giả đã mua?
Nổi tiếng với những chiêu trò độc đáo, luôn nắm bắt thị hiếu người xem nên Đàm Vĩnh Hưng khiến người hâm mộ tò mò mỗi khi tổ chức live show. Dù giọng hát của anh cũng luôn làm dư luận tranh cãi nhưng không thể phủ nhận mức độ đầu tư, sáng tạo của “Quý ông làng nhạc Việt” ở từng đêm nhạc.
Sài Gòn Bolero và Hưng không phải ngoại lệ. Mr. Đàm biết cách dẫn dắt, chiêu đãi khán giả những món ăn tinh thần thú vị. Dù sẽ có người thích hoặc không thích chất giọng của Đàm, nhưng gần như ai cũng thừa nhận họ không tiếc tiền mua vé.
Bước đầu trong việc chuyển mình, Lệ Quyên từng khiến người nghe phải săn lùng từng chiếc vé khi cô lần đầu tổ chức live show bolero ở Nhà hát thành phố. Giọng hát nức nở, không gian sang trọng giúp đêm nhạc của chị thăng hoa. Nhưng khi đã cho công chúng “no nê”, người ta sẽ thôi không còn háo hức.
Dù vẫn còn ăn khách nhất nhì trên thị trường, nhưng liệu Lệ Quyên có giữ được ngôi vị khi mà chị cũng đang tận dụng sức hút của bolero để kiếm tiền?
Những live show của Quang Lê sau này cũng không còn khiến fan của anh say đắm như trước. Thậm chí, còn có tin đồn nam ca sĩ hải ngoại hát nhép toàn bộ đêm nhạc khiến người hâm mộ không hài lòng.
Đêm nhạc mới đây nhất của Chế Linh ở Hà Nội dù khán giả ngồi kín Cung Hữu nghị nhưng theo nguồn tin nội bộ, số vé bán được không như kỳ vọng và bầu show đã phải đem tặng một số lượng lớn để đảm bảo hình ảnh sự kiện.
Chế Linh được khán giả chào đón nồng nhiệt.
Riêng các đêm nhạc do các đơn vị sản xuất tổ chức lại càng hời hợt hơn nữa. Hầu như họ chỉ sắp xếp ca sĩ hát trước, hát sau mà thiếu đi đường dây kịch bản. Sự thiếu chuyên nghiệp dễ nhận thấy ở phần lớn các đêm diễn dù những đơn vị này luôn khẳng định họ đầu tư tiền tỷ cho live show.
Chưa kể, các đêm diễn thường xảy ra sự cố về âm thanh, khiến không ít người khó chịu. Và một thực tế khác, giọng thật của ca sĩ không phải lúc nào cũng dễ chịu như khi nghe online.
Khán giả sẽ bắt đầu bội thực bolero?
Nếu từ live show trước đây vốn rất quý giá, nó cho thấy sự đầu tư công phu và mức độ ăn khách đồng thời chứng tỏ độ thâm niên của ca sĩ thì giờ live show lại được dùng rất dễ dãi. Một đêm nhạc được tổ chức ở nhà hát, phần ai nấy biểu diễn cũng được gọi là live show. Vì sự dễ dãi này khi nghe nói ca sĩ A, B, C tổ chức live show, cũng không còn làm khán giả chờ đợi.
Ca sĩ trẻ cũng tổ chức live show theo trào lưu.
Còn nhớ, khi Tố My vừa thắng giải ở game show đã vội vã tổ chức live show ở sân khấu nhỏ. Số lượng người xem không ít, nhưng cô vẫn còn khá non nớt để đảm đương vị trí hát chính. Việc tổ chức live show không phải chuyện đơn giản, nếu không tính toán sẽ rất dễ bị hụt hơi.
Không ai phủ nhận sức hút của bolero tới lúc này, nhưng một “món ăn” hoài cũng sẽ bị ngán nếu ca sĩ chỉ đưa mỗi một thực đơn. Thị hiếu khán giả có thật, nhưng thay vì đơn giản chỉ để theo trào lưu, ca sĩ phải nên chú trọng đầu tư chất lượng để không phải “ăn vay quá khứ”.
“Nếu nói tôi không biết nhạc thì không thể nghe nhạc, vậy thì một nửa dân số Việt Nam không ai nghe nhạc được cả”,...