BLV Tạ Biên Cương soi "điểm bất thường" về Trấn Thành trong "Đất rừng phương Nam"
Nam BLV tiết lộ đây là lần đầu tiên anh làm video nói về một bộ phim.
Bình luận viên (BLV) Tạ Biên Cương là cái tên quen thuộc với khán giả truyền hình và người hâm mộ bóng đá. Cư dân mạng đặt cho anh biệt danh “vựa muối” với những phát ngôn đầy nhiệt huyết, mang tính giải trí, khiến các trận cầu trở nên hấp dẫn hơn.
Mới đây, BLV Tạ Biên Cương đã đăng tải clip mới trên kênh YouTube cá nhân, bàn luận về vai diễn bác Ba Phi trong hai bản phim Đất phương Nam (1997) và Đất rừng phương Nam (2023).
BLV Tạ Biên Cương chia sẻ về vai bác Ba Phi.
Theo BLV bóng đá, bản phim truyền hình năm 1997 đã để lại ấn tượng quá đậm nét trong tâm trí các thế hệ khán giả Việt Nam, với những nhân vật quen thuộc như An, Cò, bác Ba Phi... “Vì vậy không quá khó hiểu khi ‘Đất rừng phương Nam’ vừa công chiếu đã nhận rất nhiều ý kiến trái chiều về những chi tiết gây tranh cãi trong bộ phim. Điều này gần như đã được dự báo từ trước khi đây cũng là phim mà diễn viên nổi tiếng Trấn Thành góp mặt với vai diễn bác Ba Phi”, Tạ Biên Cương bày tỏ.
Nam BLV tiết lộ đây là lần đầu tiên anh làm video về một bộ phim. Anh khẳng định bản thân không muốn câu view hay nói về những lùm xùm xoay quanh Đất rừng phương Nam nhiều ngày nay, mà chỉ muốn chia sẻ về vai bác Ba Phi của Trấn Thành.
Tạ Biên Cương ấn tượng với vai bác Ba Phi của nghệ sĩ Mạc Can.
Tạ Biên Cương đã tìm hiểu các tài liệu về nhân vật này. Anh cho biết bác Ba Phi được dựa trên nguyên mẫu đời thực của Nguyễn Long Phi, sinh năm 1884, quê ở Đồng Tháp sau lưu lạc về vùng U Minh (Cà Mau). Nam BLV kể thêm, bác Ba Phi là một người dân Nam Bộ hào sảng, có nhiều kinh nghiệm sống và sở hữu biệt tài kể chuyện tiếu lâm.
Năm 2003, ông được Hội văn nghệ dân gian Việt Nam truy tặng danh hiệu “Nghệ nhân dân gian” và tặng thưởng Huy chương “Vì sự nghiệp văn nghệ dân gian”.
Tạ Biên Cương khẳng định, bác Ba Phi là nhân vật có thật, không phải là sản phẩm hư cấu của những tác phẩm văn học hay phim truyền hình.
“Với rất nhiều người ở độ tuổi như Biên Cương, Bác Ba Phi do nghệ sĩ Mạc Can đóng trong bộ phim năm 1997 đã để lại ấn tượng sâu đậm. Khi đó, nghệ sĩ Mạc Can khoảng 50 tuổi, có nhiều nét tương đồng với nhân vật trong nguyên tác của nhà văn Đoàn Giỏi.
Ngoài ra, gương mặt ông cũng tròn trịa, ánh lên sự hài hước dí dỏm. Cách nói chuyện hay đùa giỡn, đem đến cho người nghe tiếng cười vui vẻ của ông rất giống bác Ba Phi. Vì vậy, khi đóng phim, nghệ sĩ diễn mà như không diễn”, Tạ Biên Cương chia sẻ.
BLV bóng đá nhận xét về vai bác Ba Phi của Trấn Thành.
Nam BLV bóng đá nhận xét, Trấn Thành vào vai bác Ba Phi là điều “bất thường”. Anh cho rằng, nếu nghệ sĩ Mạc Can có độ tuổi tương đồng với nhân vật thì Trấn Thành lại trẻ hơn nhiều. Dù vậy, Tạ Biên Cương cũng bày tỏ, không thể đòi hỏi các diễn viên phải đóng những vai diễn đúng với tầm tuổi của mình. Anh chỉ quan tâm đến khả năng nhập vai và diễn xuất của người đó.
Tạ Biên Cương cho biết Trấn Thành từng khẳng định muốn làm mới nhân vật bác Ba Phi so với phiên bản gốc, không chỉ kể chuyện, nói dóc mà còn đảm nhận nhiều vai trò hơn.
Về điều này, nam BLV nói: “Đối với những nhân vật kinh điển đã ăn sâu vào tiềm thức các thế hệ khán giả, việc thể hiện lại nhân vật đó là thử thách không hề nhỏ đối với bất kỳ ai, kể cả diễn viên gạo cội, tài năng. Ví dụ bộ phim ‘Tây Du Ký 1986’. Dù cho sau đó có nhiều phiên bản mới, có sự hỗ trợ của kỹ xảo điện ảnh vẫn không thể thay thế”.
Sau khi đăng tải, video của Tạ Biên Cương nhận về sự quan tâm của dân mạng. Đa số ý kiến bày tỏ sự đồng tình với nam BLV bóng đá.
Tài khoản F.P bình luận: “Sự chọc cười của bác Ba Phi Mạc Can gần gũi với người miền Tây, còn Trấn Thành thì chọc cười theo kiểu xéo xắc, bắt bẻ và mỉa mai người khác”. Bạn D.N bày tỏ cảm nhận: “Ít nhiều cũng hụt hẫng về nhân vật này trong phim mới”.
Bên cạnh đó, một vài dân mạng lại cho rằng, nghệ sĩ Hoài Linh hợp vai bác Ba Phi hơn Trấn Thành.
Nguồn: [Link nguồn]
“Đất rừng phương Nam“ không phải là phim điện ảnh chuyển thể hoặc lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học đầu tiên gây ra những ý kiến trái chiều.