Bằng Kiều: Sự nổi tiếng hay độ phủ sóng với tôi, tôi nghĩ là cũng đủ
Khách mời của đêm nhạc Câu chuyện Bằng Kiều: Trái tim không ngủ yên (18,19.8 tại Cung VH Hữu Nghị, Hà Nội) ngoài Hồng Nhung, Minh Tuyết… còn có Vân Dung, Quang Thắng. Trong chương trình, anh không chỉ hát lại các hit từ khi mời vào nghề đến nay mà còn đóng hài.
KHÔNG THÍCH LÀ SỐ MỘT
Anh có “câu chuyện” gì đặc biệt để kể tại hai đêm nhạc tới đây ở Hà Nội?
Đây là một câu chuyện về quãng sự nghiệp của tôi từ khi bắt đầu tới giờ. Giống như thước phim cá nhân, trong đó tôi muốn lồng ghép dấu ấn nhạc nhẹ Việt Nam trong từng thời kỳ. Qua đó tôi cũng muốn vẽ lên một chân dung mới cho chính mình trong thời gian tới. Nếu được sự đồng cảm của khán giả tôi sẽ tiếp tục, không thì mình lại tìm một hướng đi khác.
Nhạc sĩ Dương Thụ từng kỳ vọng anh thành nghệ sĩ tiên phong có nhiều đột phá sáng tạo hơn trong âm nhạc, nhưng cuối cùng anh lại theo hướng số đông. Anh có phản biện gì?
Chú nói rất đúng, hy vọng của chú dành cho tôi cũng đúng. Vì thực ra không nhiều ca sĩ có khả năng tổng hợp, nhiều lợi thế như tôi. Cho nên chú Thụ rất yêu tôi. Tôi coi chú như người cha, người thầy của mình. Mặc dù chú không dạy tôi, nhưng tôi học ở chú rất nhiều điều, từ âm nhạc cho tới đời sống. Đột phá, làm cái gì mới nằm trong khả năng của tôi. Nhưng trong quá trình làm việc, mình sẽ đúc kết cho mình những quan niệm, kinh nghiệm riêng. Làm nghệ thuật là phải có công chúng, chứ tôi không làm “sách giáo khoa”. Bởi mỗi người có một nhiêm vụ riêng. Có những ca sĩ rất đột phá, là tấm gương cho thế hệ sau, để người ta nghiên cứu hay học hỏi theo- thì tôi không đi theo con đường đó. Nghệ thuật với tôi không có gì đao to búa lớn cả, nó phải là đời sống.
Các ca sĩ đã thành danh trong nước kể cả anh khi ra hải ngoại đều hát thêm dòng nhạc xưa như một mẫu số chung. Nếu anh ở trong nước lâu hơn, chắc sẽ có một Bằng Kiều khác đấy nhỉ?
Cái đó khó nói vì nó không xảy ra. Khi đã ra nước ngoài bao giờ người ta cũng hoài cổ và hoài hương. Ở Việt Nam thì chả việc gì phải hoài hương, cũng không phải hoài cổ vì những thứ cổ nhan nhản trước mắt. Muốn người ta chấp nhận mình, muốn chinh phục khán giả đầu tiên mình phải đứng ở vị trí của họ. Bao giờ cũng thế. Trong nước có hơn 90 triệu dân, người này không nghe mình thì người kia nghe. Nhưng người Việt hải ngoại toàn thế giới chỉ có vài triệu. Nếu muốn họ nghe những gì mình đưa tới, đầu tiên mình phải là họ đã. Ai mua vé xem ca sĩ cũng muốn họ hát cái mình thích chứ.
“Thị trường” giám khảo gameshow ca nhạc đang cần những tiếng nói có trọng lượng. Tại sao anh không tham gia nữa nhỉ?
Có rất nhiều lời mời nhưng vì thời gian của tôi không thoải mái. Vì các cháu còn ở Mỹ và tôi không muốn xa bọn trẻ con lâu nên chỉ nhận làm việc gì không mất thời gian nhiều. Hồi làm giám khảo Việt Nam Idol có khi phải ở Việt Nam nguyên một tháng là tôi thấy lâu lắm rồi, phải mang cả trẻ con về.
Đã đến lúc anh thấy mình phải về nhiều hơn để chiếm lĩnh khán giả trong nước?
Thật ra tôi chẳng chiếm lĩnh gì cả. Khán giả của tôi tôi biết họ ở khoảng nào. Tôi chỉ muốn đi sâu hơn nữa chắt lọc hơn nữa.
Như thể anh muốn thu hẹp khán giả của mình?
Có thể nói là như vậy. Giờ hào quang, sự nổi tiếng hay độ phủ sóng với tôi, tôi nghĩ là cũng đủ. Tại sao tôi không nhận ngồi gameshow cũng vì yếu tố đó. Là người của show-biz nhưng quan niệm của tôi hơi khác. Có thể nói là lạc hậu, quê mùa so với show-biz bây giờ. Tôi vẫn ở một khoảng trầm, không sôi nổi, không chường mặt lên báo hay làm cái gì đấy để quảng bá thêm tên tuổi. Tôi thấy tất cả những việc tôi làm từ xưa nay đều là tôi thích. Báo chí, khán giả quý mình thì đẩy lên chứ xưa nay tôi không có một ê-kip về truyền thông.
“Lạc hậu” như vậy, anh có khó hòa nhập với đời sống ca nhạc hải ngoại?
Ở hải ngoại khác, ngoài thời gian ca hát trên sân khấu thì bạn về nhà việc ai người đấy làm, không liên quan tới ai. Đồng nghiệp bên kia chỉ trong show mới gặp chứ cũng ít khi va chạm ở ngoài. Một số là bạn bè thân mới rủ nhau qua nhà ăn uống, cà phê thôi. Cũng chả cần phải lên báo vì làm gì có báo, mà báo ai đọc. Bên kia toàn các bác già già ra chợ nhặt tờ báo lên đọc quảng cáo…
Anh có nghĩ mình vẫn cần nhà sản xuất hoặc đầu tư để phát huy hết những khả năng trong giọng hát của mình?
Không, vấn đề là lúc nào tôi cũng thấy đủ. Nhiều người lúc nào cũng đặt cho mình những mục tiêu cao hơn. Tôi lúc nào thấy cũng OK, thế là tốt lắm rồi. Có thể tôi không bao giờ ở số một hết. Và tôi cũng không bao giờ thích mình là số một. Nhiều người yêu mến cho mình mỹ danh “giọng hát số một” nhưng tôi thích là số hai hay số ba gì đấy.
BỎ CÁT-XÊ 2 CÂY VÀNG ĐỂ DIỄN KỊCH
Ngoài hát, sáng tác, Bằng Kiều gặt hái được thành công nhất định khi diễn kịch, đóng phim. Ảnh: NVCC.
Đây cũng là lần đầu tiên anh diễn kịch trong show riêng của mình. Nhân đây, anh có kỷ niệm gì để kể về vai diễn đầu tiên Xuân Tóc Đỏ của mình, cách đây 18 năm?
Tôi với chị Hồng Vân thân ở ngoài. Đến khi mở sân khấu Phú Nhuận, chị mời tôi tham gia cho vui. Chị biết tôi có nghề vì gia đình tôi là gia đình sân khấu, chị ấy chơi thân với anh Bằng Thái là anh ruột tôi. Lúc đấy bận đi hát nên tôi nói chị cho em vai nhỏ thôi, cái lực của em cũng không diễn nguyên vở từ đầu đến cuối được. Nhưng khi lên sàn tập 1-2 cảnh, đạo diễn vở là anh Doãn Hoàn Giang mới nói riêng với chị Vân: “Để Bằng Kiều làm Xuân Tóc Đỏ, nếu không vở rất khó đứng…” Thời điểm đó, sân khấu phía Nam không có diễn viên nam người Bắc nhiều, người Bắc mà sinh sống trong đó giọng không thuần Bắc nữa. Chị Vân bảo tôi, thôi cố gắng làm luôn vai chính. Tôi máu chơi luôn. May Số đỏ là một trong vở hay của sân khấu kịch Hồng Vân, lúc nào cũng hết vé, có khi ngày 2 suất, diễn triền miên. Có thể do nó mới lạ so với sân khấu kịch trong Nam thời bấy giờ, vở đấy cũng gọi là kinh điển của kịch Bắc. Sau đó tôi đóng thêm một vở nữa là Oan Thị Mầu cũng vai chính (Lý Trưởng) luôn.
Bập vào sân khấu nhận vai chính luôn, anh gặp khó khăn gì?
Mình xem phim, đọc truyện, nó đã thành văn hóa, ngấm vào mình từ nhỏ rồi. Nên với tôi không có gì khó khăn, tôi chả diễn gì cả. Chỉ có mất thời gian. Cát-xê diễn viên kịch đâu bằng ca sĩ, mà nhiều khi tôi phải bỏ sô hát để diễn kịch vì thích. Đã diễn kịch dài là mê lắm. Lâu không diễn là thấy thiếu. Khi sang Mỹ hầu như năm nào tôi cũng tham gia một vở kịch dài với nhóm kịch của cô Túy Hồng- vợ cũ chú Lam Phương. Cô ấy lớn tuổi rồi, nên 2-3 năm nay cô ngưng.
Anh có thể tiết lộ cát-xê diễn kịch của anh ở Việt Nam và ở Mỹ?
Ở Mỹ, cát-xê hát và diễn kịch sêm sêm như nhau, mặc dù diễn kịch về thời gian công sức phải bỏ ra nhiều hơn. Không giống như ở Việt Nam, bên kia kịch ít hơn nhiều, không có sân khấu thường xuyên. Còn ở sân khấu Phú Nhuận, tôi vào hàng cao nhất: 1 triệu. Thường một diễn viên kịch hạng A hồi đấy đươc 3-400 ngàn/đêm. Trong khi cát-xê hát của tôi 8 triệu- gần 2 cây vàng, mà nhiều khi tôi vẫn bỏ hát để đi diễn kịch. Mê đến mức độ như thế!
Nhưng vẫn chưa đủ mê để thành diễn viên kịch… chuyên nghiệp hơn?
Tôi nghĩ đơn giản mỗi người đều có sứ mệnh riêng và mình hãy làm tốt sứ mệnh đó, còn tất cả những cái khác là ông tổ đãi. Giống như đứa con cưng bố mẹ chiều ngoài việc nó phải làm thỉnh thoảng cho nó được chơi những cái mà nó thích. Nếu chuyên sâu về kịch, phim chắc chắn mình phải bớt hát.
Xin cảm ơn anh.
Nam ca sĩ thổ lộ về chuyện yêu, nhất là sau khi chia tay hoa hậu Dương Mỹ Linh.