Angela Phương Trinh: ‘Có lần shopping hết 1 tỷ đồng’
Đây chính là lý do khiến 4 người bạn trai của cô bỏ chạy vì kiệt sức do phụ cô mang đồ.
Thông qua tình huống ngắn do hai diễn viên Cát Tường và Kim Xuân thể hiện, chương trình Chuyện gia đình Vàng tiếp tục đưa ra một chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm của chị em phụ nữ: “Nghiện mua sắm, căn bệnh của quý bà”.
Cùng quan tâm đến chủ đề này, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, diễn viên Angela Phương Trinh và ca sĩ Vân Quỳnh đã chia sẻ quan điểm của mình.
Angela Phương Trinh: Bạn trai kiệt sức vì phụ mang đồ
Tôi mê shopping, vô trung tâm thương mại thì không thể ra được, mua hoài không chán. Lần trước đi Singapore, tôi nhờ 4 người bạn trai đi theo cùng. Kết quả sau một ngày, họ kiệt sức vì mang đồ phụ tôi. Ngày hôm sau họ từ chối vì lý do bận việc nhưng tôi biết họ “sợ” tôi. Lần ấy tôi mua hết gần một tỷ đồng.
Tôi có thể mua sắm quên cả trời đất, ăn uống. Tôi hay bị choáng ngợp trước sự hào nhoáng của hàng hiệu, kiếm được bao nhiêu, tôi đổ cả vào quần áo, phụ kiện của các thương hiệu hàng đầu thế giới. Đây cũng là cách giải tỏa stress và tự thưởng cho bản thân sau thời gian làm việc mệt mỏi.
Ba mẹ khuyên thế nào tôi cũng không nghe. Mỗi lần thấy tôi mua đồ mới, ba mẹ lại than thở vì tiếc tiền. Ba bảo: “Tiền đó con để ngân hàng, tích lũy mua đất đai có phải sướng hơn không?”. Tôi là người chịu đầu tư cho nghề, không thể thu bao nhiêu thì cứ bo bo giữ của. Mình đẹp hơn, nổi bật hơn mỗi khi xuất hiện nghĩa là cơ hội nhiều hơn chứ! Đừng cho rằng tôi mua sắm nhiều là khoe khoang, vô bổ.
Tuy nhiên cũng có nhiều món tôi mua về nhưng không đụng tới. Giờ đây, để kìm hãm “cơn khát” mua sắm, tôi đã thay đổi chiến lược. Tôi nhờ mẹ quản lý thu nhập và chỉ giữ lại 30% cho việc mua sắm. Nhờ vậy, tôi đã có được một số tiền lớn để đổi xe hơi đúng dịp tròn 20 tuổi.
Đàm Vĩnh Hưng: Shopping là căn bệnh
Tôi chưa bao giờ có con số rõ ràng nào cho việc mua sắm trang phục biểu diễn và ngày thường của mình. Cũng có khi cả tháng tôi chả mua gì, nhưng những dịp sinh nhật, lễ tết thì tự cho phép mình “rộng lượng, hào phóng” hơn.
Nói chung là tùy tâm trạng. Shopping đúng là căn bệnh nặng nhất của tôi. Áo quần, giày, dây nịt, giỏ xách, mắt kính, đồng hồ… là những thứ mà tôi thường để mắt tới nhiều nhất.
Có lẽ vì tôi không có những sinh hoạt thường ngày như thuốc lá, bia rượu, cà phê… như đa phần những người đàn ông nên phải tìm “đường ra” bằng cách khác là đi shoping thôi. Nói cho vui chứ xét đến cùng thì mỗi người có một ý thích và có quyền lựa chọn. Có lợi hay có hại thì người lựa chọn sẽ tự biết khi quyết định và chịu trách nhiệm với sự lựa chọn của mình. Bản thân tôi không phải là người mua sắm và tiêu dùng hợp lý. Mọi thứ rất tùy hứng và theo sở thích chứ tôi chưa bao giờ biết “tính toán” gì với bản thân mình. Tôi nghĩ, đó là một điều hết sức tàn nhẫn với chính mình.
Ca sĩ Vân Quỳnh: Cần có một “con heo” để bỏ ống tiết kiệm
Tôi cũng bị cuồng mua sắm như những người phụ nữ khác. Có tháng kiếm được 3.000 đô mà tôi lỡ tay xài hơn phân nữa. Bây giờ tôi hạn chế lại, dùng khoảng 500 đô một tháng cho việc shopping thôi.
Chị gái tôi là ca sĩ Vân Khanh cũng hay can ngăn tôi vì tôi cũng hơi hoang phí, mua đồ rồi không mặc, nhất là mua online, khi người ta giao hàng, tôi đem hết cho người thân, bạn bè.
Tôi nghĩ cách hạn chế là tìm việc khác để làm, tránh không đi mua sắm thường xuyên với bạn bè và có một “con heo” để bỏ ống. Mỗi khi muốn mua gì đó thì nên suy nghĩ, cân nhắc trả lời những câu hỏi như: “Cần không hay chỉ là muốn thôi? Dùng cho việc gì? Có ích lợi lâu dài hay không? Mình đã có những cái tương tự chưa?” rồi hãy quyết định. Có như thế mới tiết kiệm được.