7 thế võ công thượng thừa khó luyện nhất trong phim Kim Dung
Môn võ công của Dương Quá có đặc điểm kỳ lạ vì được sáng tạo ra trong 16 năm chờ Tiểu Long Nữ.
Trong thế giới võ hiệp của cố nhà văn văn Kim Dung có hàng trăm môn võ công thâm hậu, khiến giang hồ nể phục. Đơn cử như Tiểu Vô Tướng Công của phái Tiêu Dao không có hình hài, vô hình vô tướng.
Cố nhà văn Kim Dung sáng tạo ra nhiều thế võ công cực khó, không phải ai cũng có thể luyện được.
Khi luyện môn công phu này chỉ cần biết chiêu thức là có thể dùng nội công thi triển tất cả các tuyệt học trên thế gian với uy lực thậm chí còn mạnh hơn nguyên bản. Với người chưa học nhuần nhuyễn kĩ năng này sẽ rất khó phân biệt môn võ công này với các loại võ công khác.
Hay môn võ Hàng Long Thập Bát Chưởng – được các bang chủ Cái Bang ca ngợi là có một không hai trên đời. Những môn võ công này tuy thần kỳ, có uy lực cực đại nhưng không phải ai cũng có thể luyện thành. Mới đây, tờ QQ đã chọn ra những môn võ công khó luyện nhất trong tiểu thuyết của Kim Dung.
Lục Mạch thần kiếm
Lục Mạch thần kiếm xuất hiện trong tiểu thuyết Thiên long bát bộ. Đây chính là tuyệt học võ công bí truyền của Hoàng gia Đại Lý đồng thời cũng là bảo vật trấn tự của Thiên Long Tự. Lục Mạch thần kiếm là tuyệt kỹ sử dụng chân khí chạy qua kinh mạch và các huyệt đạo để biến thành kiếm khí, đả thương đối thủ vô hình vô ảnh.
Tuy nhiên, không phải ai cũng học được môn võ công này. Muốn luyện được Lục Mạch thần kiếm, đầu tiên người này phải là đệ tử xuất gia của Thiên Long Tự mới được truyền dạy (nhiều vị vua và hoàng tộc Đại Lý khi về già tu hành tại chùa này). Thứ hai, đệ tử Thiên Long Tự phải có nội công thâm hậu cao cường mới luyện được môn võ công này.
Trong Thiên long bát bộ, cố nhà văn Kim Dung mô tả, Lục mạch thần kiếm được tu luyện dựa trên cách vận hành khí tâm pháp yếu chỉ riêng rồi dùng Nhất Dương chỉ phát triển thành kiếm khí. Sáu mạch của bộ kiếm pháp này bao gồm: Thiếu trạch kiếm, Thiếu xung kiếm, Quan xung kiếm, Trung xung kiếm, Thương dương kiếm và Thiếu thương kiếm.
Theo QQ, 5 vị cao tăng của Thiên Long Tự cùng lắm mới chỉ luyện được một trong sáu mạch kiếm pháp này. Khô Vinh Đại sư cho rằng, Lục Mạch thần kiếm là môn công phu bá đạo, nguy hiểm tột cùng, phát ra chỉ để cứu người nên chỉ truyền cho đệ tử xuất gia nhà họ Đoàn, còn đệ tử tục gia phải tự tập luyện.
Riêng Khô Vinh Đại Sư cũng chỉ luyện thành hai mạch cho thấy sự khó khăn của bộ võ công này. Trong suốt tiểu thuyết, chỉ có Đoàn Dự và Đoàn Tư Bình - người sáng tạo ra bộ môn này đồng thời cũng là vị vua đầu tiên của nước Đại Lý và cũng là người lập ra Thiên Long Tự học được môn võ công này hoàn thiện.
Thái Huyền Kinh
Thái Huyền Kinh là môn thần công xuất phát từ bài thơ ngũ ngôn luật của nhà thơ Lý Bạch thời Đường, có tổng cộng 24 câu được khắc trên vách ở trong 24 gian mật thất trên Hiệp Khách đảo xuất hiện trong tiểu thuyết Hiệp khách hành. Mỗi gian mật thất là một môn võ công khác nhau từ quyền pháp, kiếm pháp, đến nội công tu luyện....
Hai người đầu tiên luyện được môn võ học cao thâm này là Long và Mộc. Dù luyện đến mức thượng thừa không có đối thủ song cả hai đều bị sai đường. Khi Thạch Phá Thiên tới đảo Hiệp Khách, nhờ bản tính thật thà lại không biết chữ, anh chàng vô tình luyện thành Thái Huyền Kinh, trở thành người có võ công đạt đến mức thượng thừa.
Long Tượng Bàn Nhược Công
Long Tượng Bàn Nhược Công xuất hiện trong tiểu thuyết Thần điêu đại hiệp. Đây là môn thần công bí truyền của phái Mật Tông Tây Tạng. Môn thần công này gồm 13 tầng, uy lực vô cùng mạnh mẽ. Người ta đồn rằng, cứ luyện thành một cấp độ của Long Tượng Bàn Nhược Công sẽ đánh ra bằng lực của một con rồng và một con voi. Sau khi đạt được mười cấp độ sẽ có sức mạnh bằng mười con rồng và mười con voi cộng lại. Tuy nhiên, luyện được tầng càng cao sát ý sẽ càng mạnh.
Theo QQ, tầng đầu tiên trong 13 tầng của môn thần công này dễ luyện nhất. Kể cả kẻ khờ khạo, ngờ nghệch đều có thể học thành trong 1 - 2 năm nếu được dạy. Tầng thứ 2 khó gấp đôi tầng thứ nhất, mất 3 - 4 năm mới luyện thành. Tầng thứ 3 khó gấp đôi tầng thứ 2 và phải mất 7 - 8 năm. Có thể thấy, càng học lên tầng cao, Long Tượng Bàn Nhược Công càng khó học.
Vào thời Bắc Tống, một cao tăng ở Tây Tạng đã luyện đạt cấp thứ 9 của môn thần công này. Khi luyện đến tầng thứ 10, tâm tính người này bất ngờ thay đổi, không thể kiểm soát được bản thân. Sau đó, người này nhảy múa điên cuồng trong 7 ngày 7 đêm, cuối cùng đứt kinh mạch mà chết. Người đạt được thành tựu cao nhất của môn thần công này là Kim Luân Pháp Vương. Ông khổ luyện đạt đến tầng thứ 10. Ở Trung Nguyên không có ai là địch thủ xứng tầm với Kim Luân Pháp Vương.
Càn Khôn Đại Na Di
Càn Khôn Đại Na Di xuất hiện trong tiểu thuyết Ỷ Thiên Đồ Long Ký. Môn võ công tâm pháp bao gồm 7 tầng cảnh giới. Người có ngộ tính tu tập cao phải mất 7 năm để luyện thành, kẻ chậm hiểu phải mất 14 năm. Tầng thứ 2 độ khó tăng lên gấp đôi, người giỏi cũng mất 7 năm mới luyện thành, kẻ tệ nhất nếu luyện tới 21 năm mà vẫn không thành sẽ không thể luyện được tầng thứ 3. Nếu cố luyện sẽ bị tẩu hỏa nhập ma.
Trương Vô Kỵ nhờ khả năng thiên bẩm và có nội lực tuyệt đỉnh mới luyện được 6 tầng Càn Khôn Đại Na Di trong thời gian ngắn. Ngoại trừ Trương Vô Kỵ, người đứng đầu đời thứ 8 của Minh Giáo có võ công cao cường nhất, cũng luyện thành Càn Khôn Đại Na Di đến tầng thứ 5 nhưng sau đó bị tẩu hỏa nhập ma mà chết.
Tả Hữu Hỗ Bác (hay còn gọi là Song Thủ Hỗ Bác)
Song Thủ Hỗ Bác là môn võ công do Chu Bá Thông sáng tạo ra, xuất hiện trong tiểu thuyết Anh hùng xạ điêu và Thần điêu đại hiệp. Sống trên đảo Đào hoa 15 năm, Chu Bá Thông nghĩ ra môn võ công này khi chơi đùa, lấy tay trái đánh nhau với tay phải. Đây là môn võ công phi thường, kỳ diệu và độc đáo nhất trong các tiểu thuyết của Kim Dung.
Độ khó của việc tu luyện thành Song Thủ Hỗ Bác cực kỳ cao, môn võ công đòi hỏi người luyện phải dùng "nhất tâm nhị dụng" (tay trái vẽ hình tròn, tay phải vẽ hình vuông).
Yêu cầu đối với người tu luyện phải có tâm tính trong sáng, đơn thuần, không chút tạp niệm mới có thể học. Chính vì thế, những người có đầu óc đơn giản, chưa biết về võ học sẽ dễ dàng luyện thành. Ngược lại, kẻ mưu mô, xảo quyệt sẽ không học được môn võ công lợi hại này.
Dịch cân kinh
Dịch cân kinh xuất hiện trong tiểu thuyết Thiên Long bát bộ và Tiếu ngạo giang hồ là môn võ học chí cao vô thượng của phái Thiếu Lâm Tự. Môn võ công này được võ lâm thiên hạ coi như bảo vật võ học. Mộ Dung Bác từng tiến cử Dịch Cân kinh và Lục Mạch thần kiếm là hai môn võ đệ nhất trong thiên hạ. Dịch cân kinh là cuốn bí kíp hướng dẫn việc tập nội công, rèn luyện gân cốt.
Muốn luyện thành môn võ học này, người luyện cần tĩnh tâm, trong lòng không được sinh tà niệm giết chóc hay ham muốn sức mạnh võ công cái thế thiên hạ. Điều này khá mâu thuẫn với những kẻ muốn luyện thành môn võ công vô địch võ lâm. Đơn cử như Cưu Ma Trí vì muốn luyện thành Dịch Cân Kinh mà bị nội thương.
Ám nhiên tiêu hồn chưởng
Ám nhiên tiêu hồn chưởng xuất hiện trong tiểu thuyết Thần điêu đại hiệp, do Dương Quá sáng tạo ra trong 16 năm chờ đợi Tiểu Long Nữ. "Đông Tà" Hoàng Dược Sư so sánh uy lực của môn võ công này ngang hàng Hàng Long Thập Bát Chưởng của Quách Tĩnh.
Nhờ Ám nhiên tiêu hồn chưởng, Dương Quá đánh bại Chu Bá Thông. Không những thế, Dương Quá còn vận dụng môn võ học này đánh bại Kim Luân Pháp Vương dù hắn đã luyện thành Long Tượng Bàn Nhược công. Ám nhiên tiêu hồn chưởng thuộc loại võ học cao cấp có tới 17 tầng chiêu thức, đạt đến trình độ thượng thừa.
Đây không còn là môn võ công có thể sử dụng các chiêu thức sau khi luyện thành mà phải hòa hợp với tâm trí người luyện để phát huy sức mạnh của nó.
Ám nhiên tiêu hồn chưởng kỳ lạ ở chỗ người luyện sẽ đạt được cảnh giới cao nhất khi có tâm trạng tương tư đau khổ vì tuyệt vọng. Khi vui vẻ, hạnh phúc môn võ học này lại mất đi thần hiệu.
Dương Quá (Trần Hiểu) dùng Ám Nhiên Tiêu Hồn Chưởng với Chu Bá Thông trong bản Thần điêu đại hiệp 2014.
Nguồn: [Link nguồn]
Bảng xếp hạng cao thủ võ lâm phim Kim Dung lại tiếp tục gây tranh cãi.