3 sếp "quyền lực" của "Cơ hội cho ai" hé lộ bí quyết thành công khiến sinh viên Hà thành bất ngờ
Kinh nghiệm tìm kiếm việc làm và khởi nghiệp bổ ích cho sinh viên kinh tế.
Chiều 28/12, sự kiện Whose chance Talk với chủ đề “Cơ hội nghề nghiệp nào cho sinh viên Kinh tế” đã diễn ra tại trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội).
Chuỗi sự kiện là Diễn đàn mở, nơi mà các Sếp của Cơ hội cho ai - Whose Chance, lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu cả nước sẽ cùng chia sẻ với các bạn trẻ những câu chuyện về việc làm, định hướng phát triển sự nghiệp hay những vấn đề mà xã hội quan tâm.
Sự kiện do Phòng Công tác Chính trị & Quản lý Sinh viên trường ĐH Kinh tế Quốc dân và Nhà sản xuất chương trình Cơ hội cho ai, đồng tổ chức.
Sự kiện có sự tham gia của các Diễn giả - cũng là các sếp quyền lực trong chương trình Cơ hội cho ai? – Whose chance?, bao gồm:
- Sếp Lê Đức Thuấn – Chủ tịch HĐQT Công ty sản xuất bánh kẹo hàng đầu của Việt Nam.
- Sếp Lưu Nga - Nhà sáng lập - CT HĐQT một hãng thời trang cao cấp.
- Sếp Phạm Thanh Hưng – Phó CT HĐQT tập đoàn bất động sản hàng đầu Việt Nam.
Bên cạnh đó, ông Cao Thế Anh – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Đạo diễn chương trình “Cơ hội cho ai? – Whose chance?” cũng tham gia giao lưu với vai trò người điều phối.
Sếp Phạm Thanh Hưng
Trong phần giao lưu, các sếp nhận nhận được nhiều câu hỏi từ sinh viên, trong đó nổi bật như thắc mắc về việc có nên học lên thạc sĩ ngay sau đi tốt nghiệp thay vì đi làm? Những câu hỏi về kỹ năng, kinh nghiệm, nguồn lực để bắt tay khởi nghiệp.
Sếp Thuấn nhiệt tình chia sẻ: "Để khuyên các bạn thì tôi trả lời là không. Ngay cả học đại học không thôi mà khi ra ngoài đời cũng đã rất khác rồi. Bây giờ các bạn mà còn học gấp đôi lý thuyết nữa, hàn lâm quá thì dễ lâm vào cảnh cơ hàn. Đó là tôi nói góc độ doanh nghiệp, còn nếu các bạn làm Nhà nước, nghiên cứu hoặc làm giảng viên thì lại khác. Còn nếu các bạn muốn khởi nghiệp trong doanh nghiệp, thì nên đi làm vài năm rồi sau đó đi học thạc sĩ sau. Khi đã có kinh nghiệm, trải nghiệm rồi thì học lên thạc sĩ sẽ rất tuyệt vời.
Tôi biết được có những trường hợp học rất cao nhưng phải giấu bằng đi, vì họ xin vào những vị trí rất thấp. Đó là thực tế, vì sẽ không có nhà tuyển dụng nào tuyển người có bằng cấp cao vào vị trí thấp vì có thể chỉ vì họ cần việc. Mà cần việc thì chỉ tại thời điểm đó thôi, còn mai thì có thể nhảy sang nơi khác ngay. Mà một Doanh nghiệp thì luôn muốn tuyển những người vào phát triển tại doanh nghiệp ở một thời gian nhất định nào đó".
Sếp Lê Đức Thuấn
Trước câu hỏi: "Đối với sinh viên mới ra trường, công việc được giao quá tải, 8 tiếng không đủ, em phải làm 13-14 tiếng. Nhưng em chỉ nhận được lương của 8 tiếng thôi. Em có nhận được thưởng hiệu quả, nhưng không bao nhiêu. Theo sếp, em nên tiếp tục cố gắng làm 13-14 tiếng, hay đề xuất tuyển thêm 1 nhân sự nữa?", sếp Hưng chia sẻ: "Đối với các sếp, không bao giờ có ý định lạm dụng hay lợi dụng công sức của các bạn đâu. Đó là nguyên tắc. Đi làm chúng ta có 3 loại thu nhập: thu nhập từ lương, thu nhập từ thưởng và thu nhập từ đầu tư cổ phần – cổ phiếu. Lương cũng có 3 loại: lương theo tuần, theo tháng, lương theo dự án và lương theo năm.
Trường hợp bạn làm việc đến 13-14 tiếng, có 2 tình huống xảy ra. Một là công việc đó sếp giao, người khác làm trong 2 tiếng thôi, nhưng bạn làm đến 13-14 tiếng, thì không ai trả lương cho bạn cả. Các bạn làm tốn điện của công ty, tốn chỗ ngồi, làm ảnh hưởng tinh thần làm việc của đồng nghiệp, còn làm các sếp mang tiếng bóc lột. Giả thiết thứ 2 là các sếp thử thách bạn, để xem bạn có chịu nổi áp lực hay không. Và kết quả của việc nỗ lực đó là sau 3 hay 6 tháng nữa, cuối năm bạn sẽ được thưởng cái xe, cái nhà.
Đừng lo là các sếp không nhìn ra. 2 giả thiết trên không biết bạn thuộc dạng nào, cái đấy bạn tự trả lời. Một sinh viên muốn hỏi sếp Thuấn: "Sinh viên mới ra trường nên làm việc ở tập đoàn đa quốc gia – nơi mà các quy trình đã chuẩn chỉn, chuyên nghiệp, nhưng bọn em chỉ là một mắt xích trong đó, hay làm việc ở công ty khởi nghiệp để có thể học hỏi, trải nghiệm nhiều vai trò hơn?" đã nhận được chia sẻ: "Môi trường nào cũng tốt cả, phụ thuộc vào mục tiêu của em. Nếu em muốn làm một công việc với chuyên môn sâu, thì nên chọn môi trường chuyên nghiệp, đa quốc gia thì càng tốt. Tuy nhiên nếu em muốn làm người quản lý, em nên làm ở những môi trường nhỏ để được học hỏi. Có 2 mục tiêu các bạn phải xác lập rõ, nếu bạn muốn khởi nghiệp thì khác, mà muốn khởi nghiệp trong doanh nghiệp – làm công ăn lương, lại khác. Nếu các bạn xác định đi làm thuê, hướng đến vị trí quản lý để có mức thu nhập tốt thì nên chọn môi trường nào đó được cọ xát nhiều, nó rút ngắn thời gian để bạn đi đến thành công hơn".
Sếp Lưu Nga và sếp Phạm Thanh Hưng
Trước câu hỏi "30 tuổi chưa có nhà có phải là thất bại?", sếp Nga tâm sự: "Hạnh phúc không phụ thuộc vào mình có bao nhiêu tiền. Mà mình hãy cảm nhận hạnh phúc trong giới hạn hiện nay của mình. Và mình hãy cố gắng làm tốt công việc hiện nay một cách nỗ lực nhất, như vậy là thành công rồi. Nếu mọi người có quan niệm mua được cái nhà mới gọi là thành công thì sẽ rất đau khổ. Trân trọng những thứ đang có thì mình sẽ mua được rất nhiều thứ trong tương lai.
Sếp Hưng thì nói vui: "Con đường ngắn nhất đến thành công là đi qua đường Láng Hạ. Thật ra các bạn rất hay nhầm lẫn giữa ước muốn và mục tiêu. Ước muốn luôn cao hơn một chút so với nhu cầu. Còn mục tiêu thì phải “smart”, tức là phải có đường hướng, kế hoạch, phải khả thi. Các bạn cứ nói em muốn thế này em muốn thế kia, thực tế đó chỉ mới là ước muốn, chưa phải là mục tiêu".
Người chỉ huy lão luyện nhất loạt phim “Cảnh sát hình sự” bất ngờ xuất hiện lại trên sóng truyền hình.
Nguồn: [Link nguồn]