Vì sao ngân hàng không mua vàng từ người dân?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

4 ngân hàng quốc doanh sẽ bán vàng miếng SJC từ chiều mai (3/6) nhưng sẽ chỉ bán mà không mua lại khi người dân có nhu cầu bán ra hoặc chốt lời. Các ngân hàng khẳng định, việc bán vàng để tăng cung và giảm chênh lệch với giá thế giới chứ không kinh doanh để hưởng lợi nhuận.

Mục tiêu bình ổn thị trường

Bốn ngân hàng quốc doanh(Vietcombank, BIDV, Agribank, Vietinbank) sẽ bán vàng miếng bình ổn ra thị trường tại một số chi nhánh ở Hà Nội và TPHCM từ chiều mai. Việc mở rộng mạng lưới phân phối tại các tỉnh, thành khác sẽ được triển khai sau. Tuy nhiên, các nhà băng này chỉ bán vàng ra, không thực hiện mua lại từ người dân.

Nếu muốn bán vàng, người dân có thể đến các doanh nghiệp kinh doanh vàng như SJC, Doji, PNJ...

Lý giải về việc vì sao ngân hàng thương mại nhà nước chỉ thực hiện bán vàng miếng chứ không mua, bà Nguyễn Thị Phượng - Phó Tổng Giám đốc Agribank - cho biết, ngay từ đầu Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định việc bán vàng thông qua 4 ngân hàng quốc doanh nhằm mục đích bình ổn thị trường, qua đó kéo giảm chênh lệch giữa vàng miếng SJC và giá vàng thế giới, chứ không phải hoạt động kinh doanh.

4 ngân hàng quốc doanh bán vàng tại một số chi nhánh ở Hà Nội và TPHCM.

4 ngân hàng quốc doanh bán vàng tại một số chi nhánh ở Hà Nội và TPHCM.

Với hoạt động kinh doanh sẽ có cả chiều mua và bán, nhưng hoạt động cung ứng cần được hiểu là hoạt động can thiệp một chiều để bình ổn giá vàng trên thị trường.

"Cần hiểu rõ rằng những địa điểm bán vàng miếng SJC tại Agribank nói riêng và của bốn ngân hàng thương mại nhà nước nói chung chỉ là điểm cung ứng vàng miếng, chứ không phải địa điểm kinh doanh mua - bán vàng miếng", bà Phượng nhấn mạnh.

Đại diện một ngân hàng quốc doanh cho hay, họ dự kiến bán ra thị trường theo mức giá nằm trong biên độ được Ngân hàng Nhà nước cho phép.

Các nhà băng quốc doanh khẳng định việc bán vàng nhằm thực hiện mục tiêu "bình ổn" thị trường theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước, không vì mục tiêu lợi nhuận.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Đức Hùng Linh cho hay, Ngân hàng Nhà nước bán vàng bình ổn thông qua 4 ngân hàng quốc doanh để tăng cung, giảm chênh lệch giá bán trong nước và thế giới. Mục đích chính là bán, không có mục đích mua lại.

“Ai có nhu cầu mua chính đáng như tích trữ, cho tặng có thể đến các ngân hàng thương mại nhà nước được chỉ định để mua, có thể mua được giá tốt hơn giá bán ở cửa hàng ngoài. Khi giá bán từ ngân hàng thấp hơn, thị trường tự phải giảm giá. Giảm giá chính là bình ổn, mục đích kéo giảm chênh lệch coi như đạt”, ông Linh nói.

Ông Linh cho biết các ngân hàng thương mại nhà nước mà không mua, người dân có thể bán cho những ai muốn mua hoặc cho các công ty và cửa hàng vàng thông thường. Vàng miếng SJC có lợi thế là được đảm bảo bởi thương hiệu và chất lượng, có thanh khoản tốt nhất thị trường.

Sau 3 ngày, giá vàng miếng giảm gần 8 triệu đồng/lượng

Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn sáng nay niêm yết giá vàng SJC 81 - 83 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, giảm 1 triệu đồng/lượng so với hôm qua.

Tại các thương hiệu khác, giá vàng cũng giảm tương ứng. Riêng Tập đoàn Doji niêm yết giá vàng miếng SJC 80,95 - 82,75 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra.

Như vậy, sau 3 ngày, giá vàng miếng giảm gần 8 triệu đồng/lượng. So với giá đỉnh cách đây 3 tuần, giá vàng miếng giảm gần 10 triệu đồng/lượng.

Đà giảm mạnh của giá vàng miếng khi Ngân hàng Nhà nước thay đổi cách bình ổn thị trường.

Cơ quan quản lý trước đó đã tổ chức đấu thầu để tăng cung vàng miếng, nhằm hạ chênh lệch giá so với thế giới. Sau 9 phiên đấu thầu, Ngân hàng Nhà nước cung ứng ra thị trường 48.500 lượng vàng SJC, tương đương hơn 1,8 tấn vàng.

Tuy nhiên, sau một tháng đấu thầu, mục tiêu "hạ nhiệt" giá vàng miếng chưa đạt được. Ngân hàng Nhà nước sau đó phải dừng đấu thầu, chuyển sang phương pháp bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng quốc doanh.

Nguồn: [Link nguồn]

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Mai ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN